CHUYỆN MỖI TUẦN – HUẤN DỤ CỦA ĐỨC THÁNH CHA : PHÚC ÂM KHÔNG PHẢI LÀ “MỘT ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ, MỘT Ý THỨC HỆ, MỘT CÂU LẠC BỘ”…

Đề tài này được Đức Thánh Cha khai triển trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư Lễ Tro 22/02/2023 vừa qua…Ngài chia sẻ về vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc loan  báo Tin Mừng – bài V trong loạt bài giáo lý về lòng say mê loan báo Tin Mừng – lòng nhiệt thành Tông Đồ…

Trước khi cùng nhau đi vào từng điểm dừng để suy tư về giáo huấn tuần này, chúng ta nghe Đức Thánh Cha nhập đề : Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của việc loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu sống lại sai chúng ta đi để làm cho muôn dân trở thành môn đệ và làm phép Rửa, nhưng Chúa Thánh Thần chính là Đấng ban sức mạnh để chúng ta – từng người – đủ can đảm  đón nhận và thực hiện sứ mạng này…

Và Ngài – Đức Thánh Cha – xin mỗi chúng ta – với tư cách cá nhân cũng như nhân danh cộng đoàn Giáo Hội – chúng ta dành ưu tiên cho việc lắng nghe Chúa Thánh Thần

 Ngài cũng mời gọi Kitô hữu luôn biết cầu xin với Chúa Thánh Thần, xin Người soi sáng và hướng dẫn, giúp Giáo Hội phân định các dự án mục vụ và khuyến khích Giáo Hội đi vào lòng thế giới trong niềm hân hoan loan truyền đức tin…Bởi vì – theo Đức Giáo Hoàng – nếu Giáo Hội không cầu xin Chúa Thánh Thần, Giáo Hội sẽ tự khép kín , tạo ra những chia rẽ, những cuộc tranh luận vô ích và kết quả là sứ vụ rao giảng Tin Mừng dần dần biến mất !!!

  • Điểm dừng 1 –Loan báo Tin Mừng là tạo cho người khác cơ hội gặp gỡ, biết và yêu mến Chúa Giêsu

Nhắc lại câu trích Lời Chúa trong thánh sử Matthêu : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (c28,19), Đức Thánh Cha lưu ý : Đấng Phục Sinh nói : “hãy đi” – không phải là để tuyên truyền các tín điều hay chiêu dụ tín đồ, nhưng để làm cho muôn dân trở thành môn đệ – nghĩa là tạo cho mọi người cơ hội được tiếp xúc với Chúa Giêsubiết và yêu mến Người…”Hãy đi và làm phép rửa” – nghĩa là dìm cuộc đời của họ vào trong Chúa Cha – Chúa Con – và Chúa Thánh Thần, giúp họ cảm nghiệm niềm vui về sự hiện diện củaThiên Chúa –  Đấng gần gũi với chúng ta như một người Cha, một người Anh, một Thần Khí đang hoạt động trong chúng ta, trong chính tinh thần chúng ta…

  • Điểm dừng 2 –Việc loan báo Tin Mừng được thực hiện nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần

Đức Thánh Cha bảo rằng : Khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ – và cả chúng ta nữa – “Hãy đi…”, thì Người không chỉ truyền  đạt một lệnh truyền…mà Người cũng thông truyền Chúa Thánh Thần, bởi vì chỉ nhờ Chúa Thánh Thần, nhờ Thần Khí, chúng ta mới có thể đón nhận và thi hành sứ vụ của Chúa Kitô (Ga 20,21-22)…Thực tế là  sau khi nhận lệnh truyền đi loan báo Tin Mừng và chứng kiến việc Chúa Giêsu về với  Chúa Cha, các ông vẫn rất hãi sợ, tự đóng kín trong phòng cho đến Lễ Ngũ Tuần…và Chúa Thánh Thần đến, Người ngự xuống trên các ông, các ông mở tung cửa, mạnh dạn lên tiếng loan báo : Lời của Đức Giêsu và sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã buộc các ông lên đườngđi vào lòng thế giới…nhằm thay đổi thế giới, thay đổi lòng người…Thánh Thần – động lực của việc loan báo Tin Mừng – Người đi trước các nhà truyền giáo và chuẩn bị tâm hồn họ

  • Điểm dừng 3– Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của việc loan báo Tin Mừng…

Đức Thánh Cha bảo rằng chúng ta khám phá ra điều tuyệt vời này trong sách Tông Đồ Công Vụ – trong đó – ở mỗi trang sách,chúng ta thấy nhân vật chính của việc loan báo không phải là Phêrô, Phaolô, Stêphanô hay Philipphê…mà là Chúa Thánh Thần…Bên cạnh đó, sách Tông Đồ Công Vụ còn thuật lại một thời điểm quan trọng trong giai đoạn đầu của Giáo Hội ; đấy là  thời điểm Giáo Hội họp “Công Đồng Giêrusalem” – Công Đồng chung đầu tiên trong lịch sử để rồi, cũng như hôm nay, bên cạnh những niềm an ủi thì vẫn không thiếu những hoạn nạn, niềm vui  luôn đi kèm với những lo lắng mà  nỗi lo lắng đặc biệt nhất lúc bấy giờ là phải cư xử như thế nào với những  anh chị em ngoại giáo đến với đức tin ? Họ không phải là người Do Thái và họ có bị buộc phải giữ những đòi hỏi của Luật Môisen không ? Có những người cho rằng việc tuân giữ Lê Luật là không thể thiếu và cũng có những người chủ trương không cần phải khắt khe  như thế : họ hình thành hai nhóm…và đương nhiên là có sự bất đồng…Các Tông Đồ họp lại với nhau để tìm giải pháp…Khôn ngoan tự nhiên là kiếm tìm một sự thỏa hiệp giữa truyền thống và sự canh tân đổi mới…Thế nhưng – với Công Đồng Giêrusalem – các Tông Đồ đã không đi theo sự khôn ngoan ấy của con người để kiếm tìm một sự “cân bằng ngoại giao” giữa bên này và bên kia…Các ngài đã đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần – Đấng đi trước các ngài…và “ngự xuống trên dân ngoại cũng như trên Dân Chúa”…

  • Điểm dừng 4 –Nguyên tắc loan báo Tin Mừng

Và – ở điểm dừng này – Đức Thánh Cha tiếp tục suy tư của Ngài về quyết định của các Tông Đồ trong “Công Đồng Giêrusalem” thủa ấy – quyết định, theo như những gì các Ngài viết – được đưa ra “bởi Chúa Thánh Thần và chúng tôi” (x. Cv 15,28)… “Quyết định được đưa ra bởi Chúa Thánh Thần và chúng tôi” : Các Tông Đồ luôn luôn hành động như thế – nghĩa là cùng nhaukhông chia rẽ, mặc dù có thể có những nhạy cảm và quan điểm khác nhau, bởi họ “lắng nghe Chúa Thánh Thần”…Và Thánh Thần dạy chúng ta một nguyên tắc có giá trị cho mọi thời : mọi truyền thống tôn giáo đều hữu ích nếu nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc gặp gỡ Chúa Giêsu…Và – theo Đức Thánh Cha – thì quyết định lịch sử của Công Đồng đầu tiên ấy – quyết định cũng có lợi cho chúng ta trong hôm nay nữa – đó là nó đưa ra được một nguyên tắc hành độngnguyên tắc loan báo Tin Mừng – nguyên tắc thúc đẩy chúng ta hành động  cùng nhau để  mọi việc trong Giáo Hội phải phù hợp với các yêu cầu của việc loan báo Tin Mừng…chứ không phải nghiêng ngả theo quan điểm của những người bảo thủ hay cấp tiến, ngược lại tất cả là để Đức Giêsu đến được với cuộc sống của mọi người…Cho nên mọi sự lựa chọn, sử dụng, cấu trúc và truyền thống phải được đánh giá  trên nền tảng rằng chúng có lợi cho việc rao giảng Chúa Kitô hay không

Và Đức Thánh Cha nhắn nhủ : Anh chị em thân mến – như là một Giáo Hội –  chúng ta hãy khởi hành và tái khởi hành từ Chúa Thánh Thần

Để kết thúc, Đức Thánh Cha nêu lên một câu hỏi : Tôi có cầu nguyện với Chúa Thánh Thần không ?

Cầu nguyện với Chúa Thánh Thần – theo Đức Thánh Cha – là nguyên tắc để hành động khi gặp những điều chưa hiểu, khi có những điều bối rối, thậm chí  trong nhiều tình huống đen tối…Chúng ta có tự hỏi xem chúng ta có mở lòng ra với Chúa Thánh Thần không ? Có bao nhiêu người trong chúng ta cầu nguyện với Chúa Thánh Thần ? Bạn cầu nguyện với Đức Mẹ, với các Thánh, với Chúa Giêsu, đôi khi, với Chúa Cha…Còn với Chúa Thánh Thần thì sao ? Bạn không cầu nguyện với Chúa Thánh Thần – Đấng làm cho trái tim bạn rung động, Đấng đưa bạn tiến tới, Đấng là niềm an ủi, nâng đỡ ước muốn loan báo Tin Mừng, truyền giáo của bạn sao ???

Cho nên tôi đặt cho anh chị em câu hỏi này : Tôi có cầu nguyện với Chúa Thánh Thần không ? Tôi có để cho mình được Người hướng dẫn không – Người là Đấng mời gọi tôi đừng khép mình lại mà hãy mang Chúa Giêsu đếnđể làm chứng cho sự trổi vượt của niềm an ủi của Thiên Chúa trên sự hoang tàn của thế giới ? Xin Đức Mẹ – Đấng đã hiểu rõ điều này – giúp chúng ta nhận ra và hiểu được Người – Chúa Thánh Thần

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts