Anh bạn Nguyễn Hòa nào đó đã có mẩu chuyện sưu tầm này trên mạng…
– Ba ơi ! Ba nhanh về nha Ba…Con rất nhớ Ba…
Lại một cuộc gọi nhầm số, vì – đơn giản – anh không có con gái…mà chỉ có cậu nhóc 6 tuổi…
– Gọi nhầm số rồi cháu gái…Và anh tắt điện thoại…
Thế nhưng những ngày kế tiếp…số điện thoại kia vẫn lại tiếp tục gọi đến anh và anh bắt đầu cảm thấy phiền phức…nên nhất quyết không nghe máy…
Nhưng rồi…hôm ấy…số điện thoại kia lại gọi đến anh liên tục…và điều làm anh thấy hơi ngạc nhiên là…có vẻ như anh càng cương quyết không nghe…thì số điện thoại kia càng nhất định phải gọi cho bằng được !!!
Cuối cùng thì anh cũng bấm điện thoại và đưa lên tai…Vẫn là giọng nói nhỏ nhẹ của cố bé ấy:
– Ba ơi ! Ba nhanh về nghen…Con nhớ Ba lắm ! Mẹ nói con không gọi nhầm số đâu…Đây chính là số điện thoại của Ba đó…Ba ơi, con đau lắm…Mẹ nói Ba rất bận…nên chỉ có mẹ chăm sóc con thôi…và mẹ cũng rất mệt…Ba ơi, con biết Ba đi làm vất vả…nên nếu Ba không về với con được…thì Ba hôn con qua điện thoại một lần được không, Ba?
Yêu cầu ngây thơ của cô bé khiến anh thật khó lòng từ chối…nên anh đưa màn hình lên môi mình và hôn một tiếng thật kêu…
Sau đó là tiếng nói đứt quãng của cô bé :
– Con…con…cám ơn Ba…Con…vui…lắm…Con… hạnh… phúc…lắm…
Ngẫm nghĩ mãi về sự bất ngờ khá thú vị của cuộc điện đàm…và lời van xin của cô bé…cũng như nụ hôn anh trao gửi đến cô bé…qua điện thoại…
Thế rồi điện thoại lại reo…và lần này…thì không phải là giọng nói nhẹ nhàng, mè nheo của cô bé, nhưng là một giọng nói trĩu nặng của một người phụ nữ:
– Xin lỗi anh ! Mấy ngày hôm nay thật làm phiền anh nhiều ! Tôi thực sự xin lỗi anh…Tôi tính là lo chuyện cho cháu xong rồi gọi điện…để xin lỗi anh…Con bé mà mấy hôm trước vẫn điện thoại cho anh…là…con gái tôi…Cháu nó rất tội nghiệp : mới sinh ra đã bị bệnh ung thư xương…Ba nó lại mới qua đời do tai nạn xe…Tôi không dám cho cháu biết, bởi hằng ngày nó vẫn bị dày vò đau đớn do những đợt điều trị hóa chất…Mỗi lần hầu như không thể chịu đựng được nữa…thì cháu liên tục gọi Ba…và – khi còn sống – chồng tôi cũng dốc công dốc sức để nhẹ nhàng an ủi cháu vượt qua cơn đau…Nay anh không còn nữa…và không đủ can đảm nhìn cháu quằn quại…nên tôi bấm đại một số điện thoại để cháu…gặp… Ba…Và đấy là số điện thoại của anh…
Anh vội vàng hỏi người phụ nữ :
– Vậy…con bé bây giờ … ra sao rồi, chị ?
Giọng người phụ nữ chợt chùng xuống:
– Cháu nó đi rồi, anh ạ ! Chắc là hôm ấy…cháu đi ngay … sau khi nhận được nụ hôn của anh trên điện thoại…Cháu đi mà trên miệng vẫn còn tươi tắn một nụ cười mãn nguyện…và hai tay cháu vẫn ghì chặt cái điện thoại trên ngực…
Ít ra cái đện thoại và con số của sở hữu chủ – trong trường hợp này – cũng mang lại một nụ cười mãn nguyện cho một thiên thần khi bé rởi cuộc trần này để về nơi Vĩnh Cửu và cũng là nơi bé được ôm và được hôn từ chính Ba của bé…Đồng thời câu chuyện cũng là một nhắc nhở mỗi chúng ta “nghiêm túc” khi dùng phương tiện truyền thông vô cùng hữu ích ấy, bởi giữa muôn vàn những điều vô bổ…thì vẫn có những cuộc điện đàm mang tính “cứu rỗi”…
Văn Phòng Thông Tấn Xã CNA / tiếng Tây Ban Nha ACI Prensa kể lại câu chuyện “mục vụ điện thoại” thời đại dịch của Cha Jião Alves – quản xứ Vera – Cruz, giáo phận Aveiro, Bồ Đào Nha :
Đại dịch Covid-19 và lệnh phong tỏa, cách ly…buộc các Quản Xứ phải mày mò phương cách để gặp gỡ, khuyến khích và đồng hành với giáo dân của mình…và Cha Quản Xứ Giáo Xứ Vera-Cruz đã có cách của ngài : đấy là thăm viếng, an ủi và khích lệ những người già và bệnh nhân qua điện thoại…
Chia sẻ với HĐGM Bồ Đào Nha, ngài nói : “ Đơn giản là tôi thấy rằng thời gian mục vụ bị thu hẹp lại, mà – với tư cách Linh Mục Quản Xứ – tôi phải làm một điều gì đó để phục vụ mọi người trong Mùa Chay đặc biệt này…”
Vậy là ngài đã xin danh sách số điện thoại của giáo dân trong Giáo Xứ, đặc biệt những người có tuổi và các bệnh nhân…để rồi mỗi ngày, ngài bấm điện thoại và thăm hỏi, an ủi, khuyến khích hàng tá người…Ngài cho biết : “Rất nhiều người tỏ ra hoang mang, số khác bất an vì những tin tức cập nhật mỗi ngày về tình hình bệnh tật…và hầu như ai ai cũng thấy vui khi họ nhận được sự tương tác qua đường giây điện thoại”…Ngài thường hỏi thăm họ xem mọi người có ổn không, có cần gì không, và nếu họ cho biết đã có mọi thứ trong nhà thì ngài mời họ cùng dành ít phút để chung lời cầu nguyện…rồi hẹn sẽ có những cuộc gặp gỡ khác nữa…Và “người tông đồ qua điện thoại” ấy đã khởi xướng hoạt động có tên là “Vizinhos de Aveiro” gồm các thiện nguyện viên – với sự giúp đỡ của nhóm Giám Sát Dịch Bệnh dân sự – đến với và hỗ trợ kịp thời cho những hoàn cảnh dễ bị tổn thương nhất…
Và nếu người viết nhớ không lầm…thì trước đây khá lâu cũng đã từng có vị Linh Mục làm mục vụ qua điện thoại…Ngài tình cờ nhận được một cuộc gọi của một người nào đó đang trong tình trạng hoảng loạn…và – qua cuộc điện đàm ấy – ngài thấy cần có một đường giây nói để giúp đỡ, ủi an và hướng dẫn…Thế là hình thành một công tác mục vụ…
Dĩ nhiên là rất có thể một thời gian rồi công việc mục vụ ấy cũng không còn hợp thời nữa, nhưng dù sao người tông đồ Chúa vẫn liên tục cầu nguyện và sáng kiến để những phương tiện có sẵn trong tay được tận dụng hiệu quả cho công việc mục vụ vốn là công việc làm nên căn tính người Linh Mục…
Đức Giê-su đã từng nói với các Tông Đồ ngày xưa và chúng ta trong hôm nay rằng : “ Thầy sẽ xin Chúa Cha , và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi . Đó là Thần Khí của sự thật […] Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” ( Gio 14 , 16 – 26)…
Chắc chắn rằng với một – hoặc hai hay nhiều hơn nữa trong tay mình – cái điện thoại vẫn có đó…và nhiều nhiều những giờ điện đàm trong ngày, Thánh Thần sẽ có một “gợi hứng” để chủ nhân các phương tiện hướng đến một công tác mục vụ hữu ích cho anh chị em mình trong cơn đại dịch khốn cùng này…thay vì những cuộc điện đàm vô bổ và nuốt nhiều thời gian…
Trong khóa họp khoáng đại của Bộ Truyền Thông ngày 23.9.2019, trước 500 nhân viên của Bộ, Đức Thánh Cha đã huấn dụ :
Trước hết, Truyền Thông không phải là quảng cáo, không chiêu dụ tín đồ. Truyền Thông của chúng ta – như ĐGH Biển Đức XVI : Giáo Hội không phát triển nhờ chiêu dụ, nhưng bởi sự lôi cuốn, nghĩa là bởi chứng tá. Truyền Thông của chúng ta phải là chứng tá. ĐTC nói: “Nếu anh chị em muốn truyền đạt một sự thật mà không có lòng tốt và vẻ đẹp, hãy dừng lại, đừng làm điều đó. Nếu anh chị em muốn truyền đạt một sự thật, nhưng không liên quan đến bản thân anh chị em, mà không làm chứng bằng cuộc sống mình, hãy dừng lại, đừng làm điều đó.”
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp