Chuyện mỗi tuần – lời mời gọi của Đức Thánh Cha : Hãy loan báo Tin Mừng với sự khiêm nhường và hiền lành – không dựa vào của cải vật chất – và cùng đi với nhau…

Đức Thánh Cha đã chia sẻ bài giáo lý về chủ đề  này trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 15/2/2023…

Với chủ đề “Lòng say mê loan báo Tin Mừng” và “Lòng nhiệt thành Tông Đồ”, Đức Thánh Cha chia sẻ về việc Chúa chọn Nhóm Mười Hai…để các ông “ở với Người” và để “Người sai các ông đi”…Và Đức Thánh Cha quả quyết: Với Chúa Giêsu, không có việc ra đi mà không  ở cùng và cũng  không có chuyện ở cùng mà không ra đi

  • Điểm dừng 1 –Không có việc ra đi loan báo Tin Mừng mà không ở cùng Chúa Giêsu

Ngài nói : Trước hết, không có việc ra đi mà không ở cùng, bởi Tin Mừng cho thấy rằng trước khi sai các môn đệ đi truyền giáo thì Chúa Kitô đã “gọi các ông đến ở với Người” (x.Mt 10,1)…Và vì thế – theo Đức Thánh Cha – thì viêc loan báo phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Chúa…và mọi hoạt động của người tin Chúa –  đặc biệt là hoạt động truyền giáo –  đều được bắt đầu từ cuộc gặp gỡ thâm tình ấy…Làm chứng cho Chúa – Đức Thánh Cha khai triển – có nghĩa là làm cho Người chiếu tỏa, nhưng nếu chúng ta không nhận được ánh sáng từ Người thì chúng ta “sẽ bị dập tắt”, nếu chúng ta không thường xuyên gặp gỡ Chúa, chúng ta sẽ “loan báo chính mình thay vì  loan báo Chúa”…và tất cả sẽ vô nghĩa và vô ích!!! Cho nên chỉ những ai ở với Chúa Giêsu mới có thể đem Tin Mừng của Người cho người khác…Còn nếu không ở với Chúa…thì có thể họ sẽ nhân danh Tin Mừng để  loan báo, nhưng sự loan báo ấy…lại chỉ là những ý tưởng của cá nhân họ, của bản thân họ !!!

  • Điểm dừng 2 –Không có việc ở cùng Chúa Giêsu mà không ra đi loan báo Tin Mừng

Cũng thế, không có việc ở cùng mà không ra đi…loan báo…Bởi nếu không loan báo, không phục vụ, không truyền giáo…thì mối tương quan với Đức Giêsu sẽ không thể phát triển…Chúng ta thấy là ngay sau khi kêu gọi các môn đệ, các Tông Đồ, Đức Giêsu sai họ lên đường…Và điều đó chứng tỏ kinh nghiệm truyền giáo là một phần của việc đào tạo…Tuy nhiên điều cốt lõi là ở cùng và sai đi

Và Đức Thánh Cha kêu mời chúng ta đọc lại và suy gẫm “Bài Giảng về Sứ Mệnh Truyền Giáo” hay “Lệnh Lên Đường” của Chúa :

Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đứng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đứng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.

Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó có ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ sẽ trở về với anh em […] Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như con rắn và đơn sơ như  bồ câu” (Mt 10,8 – 16)…

  • Điểm dừng 3 – Ba điểm suy gẫm của chuyện loan báo : – Tại sao phải loan báo ? – Loan báo điều gì ? Loan báo như thế nào ?

*Tại sao phải loan báo ? Đức Thánh Cha trả lời : Động lực là ở những lời của Chúa Kitô “Anh em đã được cho khôngthì cũng hãy cho không như vậy ” (c.8)…Tôi loan báo…bởi vì tôi đã được cho không và tôi có bổn phận cho không lại cho anh chị em tôi…Việc loan báo bắt đầu từ chúng ta, nhưng động lực gây hứng khởi là từ những vẻ đẹp của những gì  chúng ta đã lãnh nhận nhưng không…chứ không phải từ công trạng của chúng ta : chính từ việc gặp gỡ Chúa Giêsu, từ việc quen biết Người…đã giúp chúng ta khám phá ra rằng chúng ta được yêu thương và được cứu độ…Và dấy là món quà tuyệt vời mà chúng ta không thể giữ lấy cho riêng mính, ngược lại chúng ta cảm nhận sư cần thiết phải loan truyền nó…với cũng một cách như Chúa đã trao tặng chúng ta – cách nhưng không…Hay nói cách khác, chính chúng ta trở thành món quà…và ơn gọi của mỗi chúng ta là biến bản thân mình thành quà tặng cho anh chị em mình…Trong chúng ta có niềm vui được làm con Chúa và chúng ta có bổn phận chia sẻ niềm vui ấy cho tất cả những ai chưa biết và chưa có được niềm vui ấy…Và , thưa bạn, đấy là lý do tại sao ta phải loan báo…

*Loan báo điều gì ? Nhắc lại Lời Chúa –  “Hãy rao giảng rằng Nước Trời gần đến” (c.7) – Đức Thánh Cha cho biết :  Điều cần phải nói trước hết và đề cập đến trong mọi sự, đấy là Thiên Chúa đang ở gần…Ngài quả quyết : Xin đừng bao giờ quên điều ấy : Thiên Chúa luôn gần gũi Dân Người…Và, thưa bạn, chính Chúa đã đích thân công bố : “Hãy xem, có Thiên Chúa nào gần gũi với Dân như Ta gần gũi các ngươi không ?”…Cho nên trong ba điều quan trọng là sự gần gũi – lòng thương xót – sự dịu dàng…thì sự gần gũi là quan trọng hơn cả…Và vì thế, Đức Thánh Cha khuyên chúng ta : Khi rao giảng, chúng ta thường mời người khác làm một việc gì đó; điều ầy thật tốt, nhưng chúng ta đừng quên rằng thông điệp chính là Chúa ở gần chúng ta…Và xin bạn luôn nhớ rằng – trong thông điệp loan báo – vị trí ưu tiên phải dành cho Thiên Chúa…và cho những người khác cần có cơ hội để đón nhận Người, để nhận ra rằng Người đang ở gần

*Loan báo như thế nào ? Chính Đức Giêsu cho chúng ta biết rằng cách thứcphong cách trong viêc làm chứng là vô cùng cần thiết…Người nói với các môn đệ : “Thầy sai anh em đi như chiên vào giữa bầy sói” (c. 16)…Người không yêu cầu chúng ta tìm biết cách đối đầu, đối mặt với sói, – nghĩa là biết phản bác, chống trả, tự vệ – nhưng như là những con chiên…Và Đức Thánh Cha quả quyết : Nếu bạn không muốn là chiên , Chúa sẽ không bảo vệ bạn khỏi những con sói !!! Cho nên hãy khiêm tốn : Chúa yêu cầu chúng ta phải như vậy : hiền lành và muốn trở nên trong sạchsẵn sàng hy sinh – đấy là tất cả những đức tính có thể nhìn thấy qua hình ảnh con chiên – sự hiền lành, sự vô tội,  sự tận tụy, sự dịu dàng…Và Chúa – Vị Mục Tử – sẽ nhận ra đàn chiên của mình và bảo vệ chúng khỏi bầy sói…Một Giáo Phụ đã viết : “ Bao lâu chúng ta còn là chiên, chúng ta sẽ chiến thắng và ngay cả khi chúng ta bị bao vây bởi vô số sói, chúng ta vẫn có thể vượt qua chúng. Nhưng nếu chúng ta trở thành những con sói, chúng  ta sẽ bị đánh bại, bởi chúng ta thiếu đi sự giúp đỡ của người Mục Tử. Mục Tử không nuôi sói, nhưng nuôi chiên” (Th Gioan Kim Khẩu, Bài giảng 33 về TM thánh Matthêu)…Cho nên, thưa bạn, Đức Thánh Cha nói với chúng ta : Nếu tôi muốn thuộc về Chúa, tôi phải để cho Người làm Mục Tử của tôi. Người không phải là Mục Tử của bày sói, nhưng là Mục Tử của các con chiên hiền lành, khiêm nhường, đáng yêu…

Và để kết thúc, Đức Thánh Cha suy gẫm thêm về hai yếu tố : Không dựa vào của cải và Cùng nhau

*Không dựa vào của cải

Dựa vảo “lệnh lên đường”  của Chúa dành cho Nhóm Mười Hai cũng như Nhóm Bảy Mươi Hai – thay vì dặn dò phải đem cái này/ cái kia – thì Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đến những gì không được mang theo : “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy” (c.9&10)…và mục đích là để khuyến cáo “các người được sai đi” đừng bận tâm và cậy dựa vào những điều chắc chắn do vật chất đem lại, nhưng hãy bước vào thế giới mà không theo tinh thần thế tục…Và Đức Thánh Cha khai triển : Điều ấy có nghĩa là tôi đi vào thế giới không theo cách của thế giankhông bằng những giá trị của thế giankhông với tinh thần thế tục – những thứ vốn là của Thần Xấu với mục đích tạo nên tình trạng tồi tệ nhất nếu Giáo Hội sa ngã vào…Đáng tiếc là ở đây/ở đó, Giáo Hội đang rối beng và ngụp lặn trong vũng lầy tội nghiệp này !!! Và nếu hiểu đúng lời dạy của Đức Thánh Cha…thì “chứng tá của chúng ta” – cả ở Nhóm Mười Hai lẫn Nhóm Bảy Mươi Hai –  không mấy tỏa sáng !!!

*Cùng nhau

Cùng nhau…là yếu tố căn bản cuối của “lệnh lên đường”…Chúa sai họ – Nhóm Mười Hai hay Nhóm Bảy Mươi Hai –  lên đường, nhưng không di một mình…Cho nên Đức Thánh Cha kêu gọi : Hãy ra đi cách hiền lành, tốt lành như những con chiên, không theo tinh thần thế tục và hãy đi cùng nhau

 

Lm Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts