Mẩu chuyện này người viết đã có dịp đọc và chuyển ngữ từ một tờ báo Công Giáo bằng tiếp Pháp và cho in trong một tập nhỏ có tựa đề “Tin Mừng Sống” vào năm 1977, tức là cách đây khoảng 42 năm – thời gian đủ để những ai đã đọc…thì quên, và dĩ nhiên những ai chưa đọc…có thể đọc, vì nó dễ thương và người viết nghĩ rằng nó vẫn đầy tính “cập nhật”…
Chuyện là như thế này:
Ông linh mục tìm tòi…Giờ giáo lý cuối trong đợt chuẩn bị cho các em rước Chúa lần đầu : làm sao để các em nhìn thấy niềm tin và niềm vui tâm hồn của những ai biết chạy đến với Chúa…Công việc “trồng người” quan trọng biết bao… “ Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” cơ mà! Nhất là lại phải nói với những khối óc non nớt đó về việc cầu nguyện…Cầu nguyện cần thiết như hơi thở cần cho sự sống…Sách giáo lý thì dạy : cầu nguyện là nâng tâm hồn lên tới Chúa…Nhưng ít ra là cũng có tới ba “từ” khó hiểu đối với những cái đầu ngây thơ của lứa tuổi sáu, bảy đó : “ nâng – hồn – Chúa ”…Ông linh mục tìm cách trang bị cho mình một mớ những lý thuyết của thánh An-phong-sô, những bí quyết của thánh Ca-ta-ri-na, thuộc lòng cả trang sách trong chuyện “Một Tâm Hồn”…để rồi cảm thấy những trang bị ấy đều là những chuyện chưa có thể nói được với các em ! Sáng hôm sau, một cách không mấy thần học, ông linh mục ngập ngừng diễn tả :
– Chúng con biết : khi cầu nguyện với Chúa Cha nhân từ để xin Người nâng đỡ chúng ta…thì cũng như lúc ba chúng con gọi “ giây nói” ( điện thoại) cho bác sĩ : Allo ! Allo ! tôi đây…Xin bác sĩ vui lòng đến ngay…Tôi đang cần có bác sĩ ! Cha nói với chúng con rằng : Thiên Chúa – Cha chúng ta – Người sẽ đến với chúng ta hoặc bằng cách này haybằng cách khác…
Sự so sánh nào cũng có thể có ít nhiều khuyết điểm…và sự so sánh trên đây lại càng có vẻ què quặt hơn nữa ! Ông linh mục nghĩ : tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa ! Quá lo lắng đến sự sáng sủa, rõ ràng…thì lại rơi vào tối tăm, mù mịt…Có lẽ những đứa bé này chưa một lần thấy được cái “giây nói”…
…Thế nhưng, trên hàng ghế đầu phía các em nam, một cậu bé say sưa “nuốt” từng lời giảng…
Bé An-rê mới tám tuổi đầu mà đã phải chịu đựng quá nhiều đau khổ : Cha mất sớm…Mẹ thì thường xuyên bịnh hoạn…An-rê ở tạm bợ trong một chung cư dành cho những người nghèo khổ…Cậu đã nhiều lần thấy người lớn gọi “giây nói” rồi…Và lúc này, nếu cần phải gọi “giây nói” cho Chúa, An-rê biết chắc là mình sẽ phải làm gì ngay…
Hai tháng sau – vào đêm 14 tháng 8 – mẹ An-rê bỗng lên cơn rất nặng…Bà nằm bất động trên giường và không biết phải làm gì hơn là yếu ớt lên tiếng gọi đứa con đang ngủ ở phòng bên…An-rê gần như đã quá quen thuộc với căn bệnh bất thường của mẹ…Như mọi lần, cậu chạy tìm chị hàng xóm, xin chị qua giúp mẹ…Lần này thì khác…An-rê bấm chuông : reng…reng…reng…Vẫn không một động tĩnh gì…Cậu bé nóng nảy, hai tay đập cửa…Tất cả vẫn im lìm ! Chị đã về quê nghỉ lễ mất rồi…Lo lắng và thất vọng, An-rê quay lại bên giường mẹ :
-Mẹ ơi, không có ai ở nhà hết !
Buồn rầu, cậu quỳ xuống, ấp bàn tay lạnh ngắt của mẹ lên má như muốn chuyển sang mẹ hơi ấm của chính cậu…An-rê chợt nhớ lại : À…”giây nói”…Cha đã dạy : khí cần…gọi “giây nói”…Chúa sẽ đến bằng cách này hay cách khác…Cậu lật đật mở cửa, chạy đến cuối hành lang…Nhưng số điện thoại của Chúa ?Không thấy Cha sở nói đến số điện thoại của Chúa ! Cậu chộp lấy cuốn niên giám, nằm dài trên sàn, cẩn thận dò từng chữ…Hay là… Chúa Toàn Năng…thì đâu cần đến số điện thoại…Số nào cũng có thể gọi đến Người được chứ…An-rê đưa tay nắm ống…Mà gọi Chúa hôm nay có tiện không ?!…Ngày mai là lễ của Đức Mẹ mà…Chắc là hôm nay, Ngài ở đâu gần đây thôi…Gọi Đức Mẹ xem sao…Cậu xoay… xoay… mặt số … Phải chào Đức Mẹ sao đây ? Mình thuộc kinh Kính Mừng…Thôi. Cứ đọc kinh Kính Mừng : Kính mừng Maria…Kính mừng Maria…
Đêm nay bà Hội Trưởng Hội “Các Bà Mẹ Công Giáo” giáo xứ thánh Vinh Sơn đệ Phaolô thức khuya hơn mọi đêm…Bà vẫn có thói quen kiểm điểm và ghi lại trong cuốn sổ màu hồng những tâm tình đã gặp trong ngày sống…Hình như ngày xưa, các thánh nữ, nhiều vị cũng làm công việc này…Không phải bà cao vọng, nhưng chỉ mong ước sau này con cái có dịp đọc lại những tâm tình một người mẹ đã hy sinh đóng góp cho xã hội phần công nghiệp nhỏ bé nào đó của mình…
Đang triền miên theo giòng tư tưởng, bỗng bà giật mình : tiếng chuông điện thoại đột ngột reo vang…Đưa mắt nhìn đồng hồ : gần nửa đêm…Giờ này mà còn có người muốn làm phiền mình ư ? Cây viết hờ hững gạch một đường dài trên giấy…Nét mực còn lấp lánh dưới ánh đèn bàn… “ Phải biết hy sinh thời gian và sự mỏi mệt cho tất cả những ai đang sống trong lo lắng…Không được phép ngủ quên trong khi Chúa Giê-su đang đau khổ…Các Tông Đồ ngày xưa ở vườn Cây Dầu đã…Nếu có mặt ở đó, tôi sẽ…” Viết lên những tư tưởng đó, bà có cảm nghĩ đã gặp được Pascal hay Clovis : Pascal đã từng suy niệm “mầu nhiệm Chúa Giê-su” , còn Clovis thì nghiền ngẫm cuộc Thương Khó của Người…
Dĩ nhiên đó chỉ là những cảm nghĩ tư riêng vậy thôi…Bà Hội Trưởng đâu dám ghi lên trang giấy…Biết đâu con cháu sau này có thể hiểu lầm…
Dù sao bà Hội Trưởng vẫn đứng lên, cắt đứt những mông lung trong đầu…Thực ra khó cầm lòng mà không tò mò muốn biết mục đích của cuộc gọi khuya khuắt này…Đứng trước ống nghe…Đường giây điện thoại xoắn xuýt như con rắn…Con rắn thủa nào trong Địa Đàng đã mời mọc người đàn bà đầu tiên…Rồi cuối cùng là sự thua cuộc…Tò mò trở thành tật xấu di truyền đối với nữ giới…và nhiều khi cũng có cái hay của nó…
Bà Hội Trưởng nhấc ống nghe…Văng vẳng từ đầu giây nói bên kia giọng đọc kinh buồn thảm…” Kính mừng Maria ! Kính mừng Maria !”…Cái quái gì thế này ? Tại sao đêm hôm khuya khuắt mà ai lại còn bày ra cái trò giải trí rất khỉ này ? Bộ không còn lúc nào khác để…Thật là bất lịch sự ! Bà Hội Trưởng vẫn lặng thinh…Phải có một câu nói nào đó đủ gay gắt, đủ mai mỉa…để dạy cho kẻ thích phá phách người khác biết tôn trọng quyền lợi của người ta, nhất là vào lúc đêm hôm khuya khoắt như thế này…Đầu giây nói bên kia bỗng có những tiếng nấc nghẹn, thổn thức…Ngạc nhiên, bà Hội Trưởng áp sát ống nghe vào tai…
-Có phải Mẹ Maria đấy không ? Tại sao con thấy Mẹ vẫn im lặng vậy ? Lạy Mẹ rất nhân từ, xin đến…Xin đến ngay với con…Mẹ con đang lên cơn đau tim nặng lắm…Không có ai giúp con hết…Chị hàng xóm đi về quê rồi…Chỉ còn một mình con thôi…Cha sở dạy con : khi nào cần có thể gọi “giây nói”…Con cần quá Mẹ ơi…Con không dám gọi Chúa…
Thì ra không phải là một trò chơi ! Có một cậu bé đang lo lắng và một bà mẹ đơn thương trong cơn bệnh ! Khi một cậu bé nửa đêm chạy đi kêu điện thoại thì là có chuyện! Trái tim làm mẹ của bà Hội Trưởng chợt xao xuyến, hoang mang…Phải làm gì trong hoàn cảnh này ? Bà không dám tự đặt mình vào địa vị của Đức Maria, nhưng bà biết là không thể làm khác hơn…Thôi thì đành phải đóng kịch vậy…
-Ta sẽ đến với con ngay…Cho ta biết địa chỉ gấp…Số 10 đường La Harpe phải không ? Lầu III à ? Được rồi…Con ngoan lắm…Gác máy và trở về bên mẹ con đi…Ta sẽ đến…
Quay trở lại bàn viết : cuốn sổ mầu hồng vẫn còn những giòng viết dở trước mặt…Bà Hội Trưởng đã lựa chọn : không thể để một bà mẹ đơn độc trong cơn khủng hoảng với một cậu bé ngờ nghệch, chưa biết gì ! “Phải biết hy sinh thời gian và sự mỏi mệt cho tất cả những ai đang sống trong lo lắng…Không được phép ngủ quên trong khi Chúa Giê-su chịu đau khổ…Các Tông Đồ ngày xưa ở vườn Cây Dầu đã…Nếu có mặt ở đó, tôi sẽ…” Lúc này , tôi có mặt…và lúc này Đức Ki-tô một mình trong nỗi đau đớn…Đậy nắp viết…Gấp cuốn sổ, bà Hội Trưởng khoác áo choàng vào…Một phút sau, bà gõ cửa phòng ông bác sĩ riêng:
-Bác sĩ…Mau lên…Tôi cần ông gấp !
-Cái gì ? Bà bị đau à ?
-Không phải tôi…Mau lên…Lấy xe ra gấp…
-Nhưng chuyện gì đã chứ ?
-Chưa biết là chuyện gì…Nhưng cần có bác sĩ…Bác sĩ có đi không ? Tôi van ông…
-Vậy … thì … đây là một cuộc bắt cóc à ?
Bà Hội Trưởng vốn tiết kiệm những lời nói vô ích, thừa thãi…Ông bác sĩ đã biết điều đó từ lâu…Ông cũng vội vơ lấy cái áo choàng và lẩm bẩm đeo túi nghề vào vai…
Chiếc xe thắng gấp trước nhà An-rê…Như một cơn lốc, bà Hội trưởng lôi ông bác sĩ lên lầu III…Cánh cửa phòng số 10 hé mở…Nghe tiếng bước chân đến gần, cậu bé mở cửa, lao vào lòng bà Hội Trưởng thổn thức…Đức Maria đã đến với cậu…Ông bác sĩ nhanh nhẹn bắt tay vào việc…
-Thật đúng lúc…Chỉ chậm một tiếng nữa là hỏng…Bây giờ thì tôi đã hiểu…
Sáng hôm sau gặp Cha sở, An-rê vui mừng thưa lại :
-Thưa Cha, đêm vừa qua mẹ con lên cơn đau tim rất nặng…Nhớ lời dặn của Cha, con đã gọi “giây nói” cho Đức Mẹ Maria…Ngài đã đến với con bằng xe hơi…Có cả ông bác sĩ đi theo Ngài nữa…
Cuốn sổ hồng của bà Hội Trưởng thêm một trang viết những tâm tình sống động hơn bao giờ hết…
Còn ông linh mục thì lẩm bẩm : Chúa vẫn đến chứ – hoặc bằng cách này hay bằng cách khác!
Chỉ lướt qua mẩu chuyện thôi thì ai ai cũng thấy rằng cái bối cảnh của câu chuyện đã khác với hôm nay rất nhiều, mặc dù thời gian có lẽ chưa qua nửa thế kỷ…Tuy nhiên sứ điệp chuyển tải thiết tưởng vẫn rất “hôm nay”…Và vì thế, người viết xin được phép ghi thêm đôi ba suy nghĩ:
– Ước mong sao các bà mẹ Công Giáo – đặc biệt các bà, các chị trong các Hội Đoàn bà Mẹ Công Giáo, Legio Mariae … – có được thói quen ghi lại những trải nghiệm qua các sinh hoạt tông đồ…để có thể chia sẻ với nhau trong những cuộc họp và nhất là để lại cho con cháu những gương sống tốt đẹp, bởi vì hầu như tất cả chúng ta đều muốn con cháu mình sống tốt…Bản thân người viết mới đây nghe một vị linh mục nói chuyện trong một youtube…và rất tâm đắc với chia sẻ của ngài: Khi nói đến con cháu…thì cũng có nghĩa là con cháu mình và con cháu người khác…Tốt là tốt cho cả một thế hệ những người trẻ, đơn giản vì khi trưởng thành, những người trẻ sẽ gặp gỡ và kết hôn với lẫn nhau…Biết đâu hóa chất trong đám rau nhà mình bán ra…thì “cô con dâu hay cậu con rể tương lai” ở một nhà nào đó mua về…và sau này cháu ngoại hay cháu nội của mình phải gánh chịu hậu quả…Gieo gió thì gặt bão mà…
– Xin cố gắng trả lại cho cái “giây nói” giá trị thực sự của nó : đấy là một phương tiện rất cần thiết để con người có thể trao đổi những gì cần phải được trao đổi cách nhanh chóng và thuận lợi…Từ cuộc điện đàm đầu tiên của Alexander Graham Bell – người mày mò ra cái “giây nói” với trợ lí của ông ngồi cách ông 4,5 m ngày 10 tháng 3 năm 1876 : “Watson, anh đến đây nhé, tôi có việc cần !” – cho đến những thứ “thông minh” trong hôm nay là cả một quá trình dài đằng đẵng…Và từ đấy…các thứ “thông minh” cũng “cõng” theo nhiều nhiều những “thứ đa năng” khác buộc người sử dụng – nhất là những vị có trách nhiệm với các thế hệ con người – thận trọng hơn…để có thể hướng dẫn việc sử dụng điện thoại cho có ý nghĩa…
Ai đó có ghi lại tư tưởng mà người ta cho rằng là của vị Tổng Thống dân cử đầu tiên ở Nam Phi Nelson Mandela (1918 – 2013) về giáo dục:
Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên…
– Bệnh nhân chết dưới tay của các bác sĩ của nền giáo dục đấy,
– Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đấy,
– Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy,
– Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nên giáo dục đấy,
– Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy,
– Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia.
Cũng có người cho rằng câu nói thật sự là của TT Nelson Mandela được ghi trên cổng Đại Học Nam Phi:
Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới.
Dù sao những gì trên kia vẫn khá là thật trong xã hội chúng ta đang sống hôm nay…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp