Chuyên đề: SỨC MẠNH TÌNH YÊU
do Linh Mục Tiến Sĩ Tâm Lý
Peter Lê Văn Quảng phụ trách
Kính mời theo dõi video tại đây:
Tôi muốn ghi lại câu chuyện này để nói lên một thực trạng quá bi đát của những cô gái Việt Nam đang giúp việc nhà ở Đài Loan, để giúp những bậc làm cha mẹ có một cái nhìn chính xác, rõ ràng trước khi có quyết định: Có nên để cho con cháu mình ra đi Giúp Việc Gia Đình ở nước ngoài hay không?
Mỹ Ng. là tên của cô ta. Cô không đẹp cũng không xấu nhưng có nét điềm đạm duyên dáng của một cô gái Việt Nam. Năm nay cô vừa tròn hai mươi bảy tuổi. Cô thuộc gia đình nông quê, một tỉnh ở miền Bắc. Gia đình cô có tất cả chín người: hai bố mẹ và bảy chị em. Cô là chị cả trong gia đình ba trai, bốn gái. Bố là một bác nhà quê hiền lành chất phác, ngày ngày chỉ biết đi làm nuôi sống gia đình. Mẹ cũng là một con người thôn quê, nhưng lanh lợi, có nhan sắc, và thích giao tế. Lúc đầu người mẹ chọn nghề buôn tần bán tảo để kiếm chút tiền lời nuôi sống các con, nhưng sau bà phải đổi nghề vì lúc bấy giờ vấn đề buôn bán xem ra không được thuận lợi, nên bà phải xin đi làm công nhân cho một hãng xây cất cầu đường. Không bao lâu, vì lanh lợi và có nhan sắc nên bà được ông giám đốc thăng chức rất nhanh, cho làm một chỗ trong văn phòng thư ký của ông. Từ đó, nhiều chuyện bất hạnh trong gia đình xảy ra. Vì thế, cô đành phải bỏ học để lo lắng cho các em. Hai năm sau, vì những chuyện xích mích với ông chủ, mẹ cô cũng giã từ công ty, trở về với công việc buôn bán ngày xưa, nhưng lần này không phải buôn bán ở trong nước mà là buôn bán với nước ngoài, ngay những tỉnh giáp giới với Trung Quốc. Sau một thời gian quen đường biết lối, bà đã đưa một đứa con gái của bà đem bán cho một gia đình Trung Quốc và lấy số tiền đó mua một con bò cái làm kỷ vật.
Bất bình với mẹ vì thương nhớ em, bầu khí trong gia đình ngày càng trở nên căng thẳng, chính vì thế Mỹ Ng. nghĩ rằng nên có gia đình càng sớm càng tốt để nhờ chồng sớm đi tìm cô em trở về. Một năm sau đó, Mỹ Ng. lấy chồng, một chàng trai cũng ở trong làng. Chàng này đã theo đuổi cô từ lâu, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên cô chưa muốn rời xa các em cô. Lấy chồng được một năm thì đứa con đầu được sinh ra, và hai năm sau thì đứa thứ hai cũng được sinh ra. Từ đây, cuộc sống bắt đầu vất vả nên hai vợ chồng đã thay nhau qua biên giới Trung Quốc để buôn bán. Trong thời gian này, cô ta đã cố gắng hết sức để tìm cách liên lạc, hỏi thăm tin tức về cô em, và cuối cùng cô đã tìm ra được số điện thoại của cô em đó. Cô ta đã gọi điện thoại sang cho em. Hai chị em mừng quá khóc mãi không nói được. Sau một lúc, người chị mới hỏi em về hiện tình cuộc sống cũng như sức khoẻ của em thế nào? Cô em mới than thở: Hiện giờ em đang ở xa lắm, vì không biếng tiếng Tàu nên em cũng chẳng biết em đang ở đâu nữa, chỉ biết là em đang ở cách xa biên giới. Em nhớ nhà quá, cô em vừa nói vừa mếu máo: Em khổ lắm chị ạ, vừa có được một đứa con gái kháu khỉnh, dễ thương nhưng khốn nỗi, thằng chồng lúc nào cũng say sưa rượu chè, thường hay đánh đập mẹ con em. Một hôm kia, nó uống rượu say sưa quá, đánh em bầm cả người, cả đứa bé cũng bị trọng thương, chở đi nhà thương và đứa bé đã chết ở đó, nhưng vì em không biết tiếng nên cũng chẳng làm gì được.
Hai chị em đang nói chuyện còn dang dở, chưa nói được bao nhiêu thì anh chồng đi uống rượu về, giật lấy điện thoại và đập bể nát. Từ đó, hai chị em không còn liên lạc với nhau được nữa. Không biết số phận của cô em giờ này đã ra thế nào? Vì thương nhớ em và cũng muốn đưa em trở về chung sống với gia đình, nên Mỹ Ng. đã đăng ký xin đi Giúp Việc Gia Đình ở Đài Loan với hy vọng vừa học thêm được tiếng Tàu vừa có thể kiếm được một số tiền phụ cấp gia đình và có ít tiền đi tìm em, mong sớm cứu em thoát ra khỏi tình trạng đáng thương đó.
Nhưng rồi ước mộng của cô đã không được như ý. Số phận nghiệt ngã đã đeo đuổi hai chị em cô từ thuở nào xa xưa, mãi cho đến giờ phút này vẫn chưa chịu buông tha. Ngày mồng 2 tháng 2 năm 2004 cô đã cùng phái đoàn đáp chuyến bay xuống phi trường Đài Bắc ngay giữa đêm đông lạnh giá. Công ty đã cho người đến đón và đưa về bệnh viện để làm những thủ tục y tế. Ngày hôm sau, phái đoàn được đưa về chung cư của công ty và mọi người đã được phân tán. Cô nghĩ rằng ngày mai cô cũng sẽ bắt đầu công việc như đã được ký kết. Nhưng rồi, mọi sự đều trái ngược với những gì cô đã dự đoán. Sáng hôm sau, cô được mời lên xe không phải dể đi làm mà để trở lại phi trường Đài Bắc với lời nhắn nhủ ngọt ngào: “Cô được tuyển chọn sang Mỹ để làm việc với số lương rất ưu đãi”. Hết sức ngạc nhiên hòa lẫn với sự lo âu bối rối, cô ngẩn người ra, nhất định không chịu đi vì không biết họ sẽ đưa mình đi về đâu? Về Mỹ, về Trung Hoa, về Thái Lan, hay về một hang động thuộc tổ chức xã hội đen nào đó, nên cô đã oà lên khóc và muốn hét lên để kêu cứu. Thấy không thể cưỡng ép hoặc đánh lừa được nữa, và cũng sợ cảnh sát phi trường khám phá ra, nên họ đành đưa cô ta trở lại công ty môi giới.
Ngày hôm sau, cô được đưa đến làm việc cho một chủ mua bán chó. Chủ nhà này có một tòa nhà 5 tầng lầu, nuôi toàn những chú chó kiểng được nhập cảng từ các nước. Mỗi ngày cô ta phải làm việc từ 6 giờ sáng ngày hôm trước đến một giờ sáng ngày hôm sau với những công việc: dọn quét, lau chùi, tắm rửa chó, và cho chó ăn. Dĩ nhiên bà chủ thường hay xuất hiện để kiểm soát công việc. Cứ mỗi thứ hai đầu tuần, bà ta chở đầy một xe cơm hộp đem chất vào tủ lạnh để cô ta ăn suốt một tuần lễ. Cô ta đã làm công việc vất vả này trong suốt sáu tháng trời, nhưng mỗi tháng cô chỉ nhận được 2,700 đồng Đài Loan tức khoảng 75 đô la Mỹ. Thế nhưng, chủ nhà phải trả lương hàng tháng 20,000 đồng Đài Loan tức khoảng 580 đô la Mỹ cho công ty môi giới của cô. Họ chỉ phải đóng thuế một ít cho cô, còn lại số khổng lồ trên 400 đô Mỹ mỗi tháng, công ty môi giới Đài Loan và Việt Nam đã chia nhau ra ăn, không kể 2000 đô Mỹ cô đã phải đóng cho công ty môi giới Việt nam trước khi ra đi. Với cái nghề chăn chó, cuộc sống tưởng chừng như đã an phận vì đã ở tận chín tầng địa ngục rồi, nhưng lòng tham và lòng ác độc của con người vẫn chưa cảm thấy đủ. Ngày 30 tháng 5 năm 2005 chị lại bị ông chủ công ty môi giới triệu về để rồi lại lợi dụng chị. Ngày hôm sau, ông lại đem chị đi bán cho một ông chủ Tàu khác. Nhưng rồi trời có mắt, không bao lâu sau đó, những việc làm mờ ám của ông ta đã bị bại lộ, chính quyền đã bắt ông cùng với người bố của ông (78 tuổi) vì cả hai cha con đã cùng nhau hãm hiếp rất nhiều cô gái Việt Nam qua trung gian công ty môi giới của ông trong suốt bao nhiêu năm qua, nhưng không một cô nào dám lên tiếng, chỉ vì đã vay nợ quá nhiều để hối lộ cho cán bộ trong nước cũng như ngoài nước.
Với ông chủ mới, chị được đưa về để quét dọn nhà cửa sạch sẽ cho ông. Sau hai ngày dọn dẹp sạch sẽ, ông lại thỏa thuận với một mụ tú bà để bán cô ta lại cho bà với một giá cả nào đó mà chỉ có họ biết với nhau. Mụ này có nhiều quán karaoke, muốn bỏ ra một số tiền mua chị ta về tiếp khách. Nhưng khi được biết là phải làm việc trong các quán karaoke, chị nhất định từ chối. Vì thế, bà này mới đem chị lên tận tầng lầu thứ chín của một chung cư và nhốt chị ở đó, không cho ăn uống gì cả cho dẫu hôm đó chị đang bị cảm sốt. Đây có thể là một chiến thuật khủng bố của bà. Nhưng sáng hôm sau, bà này trở lại mang theo hai lát bánh mì với một ly nước. Sau khi cho chị ăn uống xong, bà này mới đưa chị đi thật xa, đến tận mãi một bãi tha ma, ở đó có hai người đàn bà khác đang chờ đón họ. Ba mụ đàn bà xúm lại nói chuyện với nhau và sau khi đã thỏa thuận về giá cả, chị được trao lại cho hai người đàn bà này mà không biết số phận của chị sẽ đi về đâu. Nhìn thấy dáng mạo của những người này không khác gì những tú bà, hơn nữa chị đang trong tình trạng cảm sốt, nên chị cảm thấy chán chường, chối từ hết mọi sự. Không thuyết phục được chị, họ mới đưa chị trở lại lầu 9, khóa cửa nhốt chị trong đó hai ngày, không cho chị ăn uống một thứ gì cả. Buồn sầu, chán chường, mệt mỏi, cảm sốt, đói lã, chị vớ lấy chiếc chăn, cuộn tròn lại nằm ngủ li bì không thiết gì sống chết nữa. Sau hai ngày hôn mê, chị chợt tỉnh dậy nhìn đồng hồ đã 12 giờ khuya. Lau mặt mũi xong, đang ngẫm nghĩ không biết phải làm gì bây giờ, chị chợt nhìn thấy chiếc chìa khóa được để sẵn trên bàn. Chị cầm lấy chìa khóa, mở cửa ra và chạy ngay xuống lầu 8 gõ cửa. Một ông già ra mở cửa. Chị xin họ cho ăn vì quá đói và xin được gọi điện thoại để nhờ bạn đến tiếp cứu. Nhìn thấy chị bơ phờ, ông già sợ quá không dám tiếp. Ông lấy cho chị một số tiền cắc và dẫn chị đi xuống lầu một, ở đó có điện thoại công cộng, đồng thời cũng đưa cho chị mấy cái bánh mì nhỏ và một ít trái cây để chị ăn. Chị đã dùng số tiền cắc đó để liên lac với một người bạn gái của chị đang lấy chồng Đài Loan. Nhận được điện thoại, bạn chị đã chỉ cho chị cách đón taxi và bác tài xế đã đưa chị đến tận nhà bạn chị. Hai vợ chồng cô bạn chị đã vui vẻ giúp chị thanh toán tiền taxi và rất nồng hậu đón tiếp chị cho dẫu lúc đó đã gần hai giờ sáng. Chị lưu lại đó mấy ngày để tìm việc, nhưng vì không có giấy tờ nên không có chủ nào dám nhận. Không còn cách nào khác hơn, sau cùng anh chồng của cô bạn đã phải dùng chiếc Honda của họ để đưa chị về công ty môi giới cũ của chị. Nhưng không may, trên đường đi, cảnh sát đã chận xe lại vì xe không có bảng số, nên chị đã bị bắt vì không có giấy tờ tuỳ thân. Chị được cảnh sát đưa về đồn và cho chị ở trong tù sáu ngày. Sau đó, nhờ thông dịch viên, cảnh sát đã hiểu được hoàn cảnh của chị: chỉ là nạn nhân của những ông bà chủ bất lương, nên họ đã đưa chị đến một ngôi chùa để chị ở chung với các ni cô và nhờ họ trông coi cẩn thận. Chị ở đó với các ni cô mười hai ngày, ăn uống đầy đủ nhưng không được đi đâu cả. Buồn chán quá, chị nói với các ni cô xin cho chị về nước, và họ đã điện thoại cho sở Lao Động Đài Nam. Sở Lao Động cho người đến đón chị và sau khi phỏng vấn, họ biết được chị là người công giáo nên họ đã giới thiệu cho chị Trung Tâm Hy Vọng do các cha St. Columban điều khiển. Nếu chị đồng ý, họ sẽ liên lạc trực tiếp với các cha để có người xuống đón chị về, và chị đã chấp nhận điều đó. Ngày hôm sau, chị đã được đưa về Trung Tâm Hy Vọng và các cha đã giúp chị để đưa sự kiện ra toà. Nhưng rồi, chị đã phải ở đây chờ đến tháng thứ chín rồi. Theo luật Đài Loan trong lúc nạn nhân chờ ra tòa để giải quyết những vụ kiện cáo, công nhân ngoại quốc không được đi làm. Vì thế, chín tháng trời không có công việc làm, nằm không chờ đợi và không biết chờ mãi đến bao giờ. Trong khi đó, nơi quê nhà, nợ nần chồng chất ngày càng cao, con cái ốm đau không tiền chạy thuốc, cha mẹ già không có chén cơm ăn, em út đói khổ lang thang không tiền đi học. Đầu chị rối bù, tim chị se thắt. Nhiều đêm trong giấc ngủ chị đã bật khóc, khóc nức nở, khóc tức tưởi, khóc cho thân phận không may của mình, khóc cho thân phận hẩm hiu của những đứa con thơ, cho cha mẹ già bạc phước, và cho đàn em dại với tương lai mù tối.
Ôi thân phận con người, thân phận của một dân tộc lầm than khốn khổ, một thân phận không có tương lai, không có ngày mai! Xin hãy dâng cho chị một lời kinh, để cầu cho hồn chị biết vơi đi nỗi buồn tuyệt vọng! Và cũng hãy dâng một lời kinh khác, để cầu cho các bạn chị đang chuẩn bị lên đường để đi vào con đường bi đát của chị!!
Lm. Peter Lê Văn Quảng
Hẹn gặp lại