CÓ CẦN CẢM NHẬN SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA KHI CẦU NGUYỆN KHÔNG?


Nếu tình cờ người ta cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa trong khi cầu nguyện, thì đó là một ơn Chúa ban, nhưng kinh nghiệm khả giác này thực ra không cần thiết để đạt đến Thiên Chúa. Kinh nghiệm khả giác này cũng không phải là một kinh nghiệm đầy đủ và trọn vẹn.

TIN LÀ MUỐN

“Việc gặp được những biểu hiện hữu hình của tình yêu Thiên Chúa có thể khơi dậy trong chúng ta cảm giác vui sướng nảy sinh từ kinh nghiệm được yêu thương. Nhưng cuộc gặp gỡ này cũng đòi hỏi ý chí và trí tuệ của chúng ta”. [1]

Một sự ấm áp tràn ngập họ, những giọt nước mắt tuôn rơi, một giọng nói nói với họ rất rõ ràng … Trong khi họ cầu nguyện, rước lễ, đi xưng tội, hoặc giống như Paul Claudel [2] mô tả, khi họ tham dự một buổi kinh thần vụ, dù không xác tín mấy, một số cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa bằng xương bằng thịt của họ, đôi khi một cách rất mãnh liệt. “Trong phút chốc trái tim tôi xúc động và tôi đã tin tưởng. Tôi đã tin […] từ một cuộc nổi dậy của con người tôi […] đến nỗi kể từ đó […] mọi lý luận […] không thể lay chuyển được đức tin của tôi”, nhà viết kịch Công giáo viết.

Cảm nhận Thiên Chúa trong lời cầu nguyện: một kinh nghiệm về đức tin

Những trải nghiệm khả giác hấp dẫn này gieo rắc rối loạn trong lòng những ai chưa từng trải qua. “Không phải Chúa quan tâm đến tôi sau đó sao?”, “Tôi không biết cầu nguyện, yêu mến Ngài sao?”, “Tôi có đang đi nhầm đường không?”. Không phải thế, Cha Matthew Aine, tác giả của cuốn Cầu nguyện để khỏi bị rắc rối, một loại sổ tay nhỏ để trò chuyện với Chúa, trấn an. “Các kinh nghiệm về cảm xúc không phải là một giai đoạn cần thiết để đến được với Thiên Chúa. Chúng ta hoàn toàncó thể kết hợp với Ngài trong một trải nghiệm đức tin thân mật hơn hoặc lan tỏa hơn, như một sự chắc chắn chạm đến sâu thẳm tâm hồn chúng ta.”

Cảm giác là gì? Một ân huệ, một tấm lòng thương xót do Thiên Chúa gửi đến để giúp chúng ta đến gần Ngài hơn. Thánh Phanxicô đệ Salê nói về “sự nếm trải tiên hưởng những niềm vui thiên đàng” do Thiên Chúa ban cho những ai “dấn thân phục vụ Ngài, để khuyến khích họ theo đuổi tình yêu thương thánh thiêng”. Thánh Augustinô đã trải nghiệm điều này:

“Vào những ngày đó, con không cảm thấy no thỏa với sự ngọt ngào kỳ lạ khi suy xét lời khuyên sâu sắc của Chúa về sự cứu rỗi nhân loại. Con đã khóc nhiều như thế nào, khi hát Thánh ca và ca tụng Chúa, con bị xúc động đến tận xương tuỷ bởi giọng nói của Hội Thánh hòa hợp ngọt ngào của Chúa! Những tiếng nói chảy ào vào tai con, và Chân lý nhỏ giọt vào cõi lòng con, cảm xúc hiến dâng của con trào dâng, và nước mắt tuôn rơi, và lúc ấy con hạnh phúc xiết bao.” [3]

“Không có lời giải thích hợp lý” cho sự hiện diện của Thiên Chúa mà người ta có thể nếm cảm bằng giác quan.

Tại sao một số người được hưởng nếm sự hiện diện đó còn những người khác thì lại không? Cha Charles de Foucauld [4] cầu khẩn “Lạy Chúa, xin ban cho con cảm giác liên tục này về sự hiện diện của Cúa, về sự hiện diện của Chúa trong con và chung quanh con!”. Cha Matthieu Aine [5] nói: “Không có lời giải thích hợp lý nào. Đó là một ân huệ không liên quan đến phẩm giá hoặc hành động của chúng ta. Chúng ta không được ganh tỵ với những người nhận được ân huệ đó vì sự ganh tỵ đó ngăn cản chúng ta nhìn ra những gì chúng ta đã nhận được, nhưng chính Chúa luôn luôn muốn chúng ta khởi đi từ những ân huệ của Ngài”. Chúng ta phải đón nhận ân huệ đó khi nó đến, vì ân huệ đó khuyến khích sự cầu nguyện của chúng ta và làm cho sự cầu nguyện trở nên dễ dàng hơn, nhưng cứ tìm kiếm ân huệ đó thì lại không tốt. 

Đặc biệt là cái cảm giác này không phải là không nguy hiểm. Điều rủi ro là người ta dừng lại ở đó, không tiến xa hơn, hoặc từ bỏ mọi thứ khi người ta không còn cảm thấy gì nữa. “Cảm giác trở thành đơn vị đo lường hành động của Thiên Chúa, đo lường sự hiện diện và sự gần gũi của Ngài. Tất cả những điều này đều rất chân thực, nhưng chúng ta đang tự nhìn xem chính mình, chỉ còn quan tâm đến mình. […] Ngày mà cảm xúc không còn ở đó nữa, […] chúng ta nhanh chóng suy diễn rằng Thiên Chúa bỏ rơi chúng ta”, Cha Pierre-Hervé Grosjean cảnh báo điều đó. [6]

Tuy nhiên, “tình yêu không phải là cái cảm giác đó. Chiều kích cảm xúc, nếu nó len lỏi vào tình yêu, và chắc chắn là thế, không phải là dấu hiệu chắc chắn của tình yêu. Tình yêu là một hành vi của ý chí. Không phải âm hưởng của cảm xúc mới là thước đo cho tình yêu của chúng ta, mà chính là ý chí. Do đó chúng ta cần phải cứu vãn tính nhưng không của tình yêu”, Cha Michel-Marie Zanotti-Sorkine khẳng định trên bục giảng. [7]

Đặt mình trước sự hiện diện của Chúa và … chờ đợi Ngài
Chờ đợi sự trở lại vinh quang của Chúa Kitô, và trước hết trong đời sống của chúng ta, là nhận biết rằng chúng ta chỉ là một tí vật chất, còn Ngài là tất cả. Để quên mình đi, để lấp đầy chính mình bằng sự hiện diện của Thiên Chúa.

Giá trị của lời cầu nguyện của chúng ta đối với Thiên Chúa là vấn đề về lòng trung tín. Vì vậy, kinh nghiệm khả giác về sự hiện diện của Thiên Chúa chỉ nhằm mục đích là vượt qua chính kinh nghiệm khả giác ấy. “Điều quan trọng là yêu mến Ngài không phải vì chúng ta cảm thấy hoặc vì Ngài ban cho chúng ta một thứ gì đó, nhưng vì nó là nhưng không. Nếu bạn cảm thấy một điều gì đó, thì thật tuyệt vời, nhưng nếu bạn không cảm thấy điều gì cả, thì càng tốt, vì ta yêu mến Thiên Chúa không phải vì những gì ta rút ra được từ Ngài mà bởi vì Ngài hiện hữu và Ngài đã ban sự sống của Ngài cho ta”, Cha Matthieu Aine nói thêm. 

Cũng giống như trong tình yêu vợ chồng, ở đó các cặp đôi phải học cách chuyển từ đam mê cháy bỏng sang ý chí yêu thương. Hãy cố lên trong cơn bão, hãy nói “Con yêu mến Chúa”  bất kể tình trạng tâm hồn của bạn ra sao. Đối với Thiên Chúa, chúng ta hãy cho đi không cần tính toán, Abbé Grosjean chỉ ra cho chúng ta. “Đôi khi chúng ta sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa, thường thì cảm nhận đó sẽ dần khô khan hơn. Nhưng sao cũng được! Đây không phải là điều cần thiết và buộc phải có, cảm nhận đó không thực sự tùy thuộc vào chúng ta. Điều tùy thuộc vào chúng ta là có mặt ở đó. […] Giá trị của lời cầu nguyện của chúng ta không còn tùy thuộc vào cảm xúc của chúng ta nữa mà tùy thuộc vào sự trung thành cầu nguyện.”

Không dễ sống sự khô khan này. Nếu sự khô khan này không phải là hậu quả của sự thờ ơ của chúng ta, thì trên thực tế đó là một lời mời gọi của Thiên Chúa để củng cố đức tin của chúng ta. Cha Matthieu Aine đảm bảo rằng: “Khi ta có một cảm nghiệm khô khan hơn, thì một điều gì đó lớn lao hơn sẽ được trao ban cho chúng ta”. Thánh Bônaventura đã giải thích điều đó rất hay: “Bị tước đi những ân huệ cảm giác, chúng ta cần hành động với một ý chí kiên định hơn, tình yêu vì thế trở nên mạnh mẽ hơn”. Và vì vậy, chúng ta học cách phó thác mình trong tay của Thiên Chúa, để hoàn toàn tín thác vào Ngài. 

Khi Thiên Chúa ngự trong chúng ta
Cảm giác, cũng như sự vắng mặt của cảm giác, không cho phép chúng ta đo lường chính xác sự gần gũi của chúng ta với Thiên Chúa. Cảm giác luôn luôn thấp hơn hành động thực sự của Thiên Chúa trong chúng ta. Chúng ta chỉ cảm nhận được một phần rất nhỏ của cảm giác đó. Cha Matthieu Aine minh họa, cảm giác đó giống như một con sóng trong đại dương, “có thể có độ sâu 20 mét, nhưng so với kích thước của đại dương, nó không là gì cả”. Việc chúng ta không cảm thấy gì không có nghĩa là Thiên Chúa không còn ở gần chúng ta nữa. Cha Matthieu Aine cảnh báo: “Chính quỷ dữ đã đưa ra cho chúng ta lời nói bóng gió ẩn ý gợi cảm và nham hiểm này: Thiên Chúa để mặc bạn một mình”. Cha Matthieu Aine mời gọi chúng ta “hãy khám phá sự hiện diện của Chúa trong chúng ta theo cách nội tâm hơn là cảm giác”. Nơi các tu sĩ Dòng Tên, đây là mục tiêu của việc đọc đi đọc lại lời cầu nguyện cam kết cuối ngày: Hôm nay Thiên Chúa đã đi ngang qua cuộc đời của tôi lúc nào? Đây là một bài tập khó giải mã mà chỉ cha linh hướng mới có thể giúp chúng ta nhận ra.

Đừng quên rằng Thiên Chúa vẫn ở đó, trong chúng ta, mọi lúc, mọi khoảnh khắc, cho dù chúng ta có cảm nhận được điều đó về mặt thể chất hay không. “Chúa vốn ở trong con mà con lại ở ngoài con, và tìm Chúa ở bên ngoài!” [8]

Đêm của giác quan

Được miêu tả bởi Thánh Gioan Thánh Giá trong cuốn The Rise of Carmel – Lên núi Carmel và The Dark Night – Đêm tối), đêm tối của các giác quan là một trải nghiệm thần bí trong đó những ân huệ cảm giác mà chúng ta có thể đã trải qua khi cầu nguyện sẽ bị tước đi khỏi chúng ta. Trái ngược với những gì chúng ta tin, đó là dấu hiệu linh hồn chúng ta đang hướng lên Thiên Chúa Cha. Và rồi, chúng ta được mời gọi đến với Thiên Chúa, không phải vì niềm vui mà chúng ta sẽ có được từ đó, nhưng vì tình yêu dành cho Ngài. Đêm tối của các giác quan là một trong những giai đoạn thanh tẩy dẫn ta đến Thiên Chúa.

Tiếp theo là đêm tối của tâm trí, trong đó, chúng ta không còn có thể cầu cứu tới trí thông minh của chúng ta, vốn khi ấy đã bị tước đi ánh sáng của nó, chúng ta phải tin tưởng phó mình vào bàn tay Thiên Chúa.

Làm thế nào để đi vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong khi cầu nguyện

“Vâng, lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con van vỉ, ngay từ sớm, Ngài đã nghe tiếng con. Ngay từ sớm, con tỏ bày ước nguyện, rồi chăm chú đợi trông” (Thánh vịnh 5: 3)

Trước hết, cầu nguyện là gì? Là bất cứ điều gì trừ việc bạn cứ đọc đi đọc lại danh sách những mong muốn của bạn mỗi ngày mà bạn muốn được chu cấp. Với tư cách là một Kitô hữu, người ta phải hoàn thành nghĩa vụ cầu nguyện nhằm đảm bảo không bị ma quỷ tấn công. Trên hết, cầu nguyện là để tiếp xúc với Thiên Chúa trong thời gian chúng ta bước vào sự hiện diện của Ngài. Khoảng thời gian tách biệt này là cần thiết, vì ở đó chúng ta sẽ rút ra những nguồn lực cần thiết để tiếp tục hoạt động như một Kitô hữu, giống như việc tiếp nhiên liệu cho một ngày sắp tới. Bởi vì lời cầu nguyện là hơi thở của Kitô hữu, là dưỡng khí hay thậm chí là nhiên liệu cho phép người đó tiếp tục tiến về phía trước, chống lại các cơn cám dỗ và sức mạnh hừng hực của kẻ thù. Kitô hữu tìm thấy trong đó, trong số nhiều điều khác nữa, sức mạnh để tránh xa tội lỗi, khả năng làm sống lại đức tin của mình bằng cách tiếp xúc với nguồn sống của mình là Thiên Chúa. Nếu không có nhiên liệu này, nạn đói nhiên liệu không còn xa, và thậm chí sự sống thánh thiêng có nguy cơ bị giết chết.

“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Gioan 15: 5).

Cầu nguyện và chiêm niệm

Sự kiêu ngạo chết tiệt! Sự kiêu ngạo luôn có mặt ở đó để lén bỏ một viên sỏi nhỏ vào cái bánh răng tâm linh của chúng ta. Dù bạn có hồi tâm, có chiến đấu chống lại tội lỗi và hy sinh những thú vui nhỏ nhoi của mình cho Chúa Kitô đến mức nào đi chăng nữa, tất cả đều vô ích nếu sự kiêu ngạo vẫn ngủ yên trong bạn và sẵn sàng đâm sau lưng bạn.

Yêu mến Chúa Kitô không chỉ là dọn dẹp đời sống thiêng liêng và quét sạch tâm hồn, mà còn là bằng lòng từ bỏ cuộc chơi; từ bỏ bữa tiệc của riêng mình! Chúng ta hãy tự hỏi mình câu hỏi: chúng ta chuẩn bị cho ai và vì ai mà chúng ta chuẩn bị, bỏ ra rất nhiều công sức cho Lễ Giáng sinh hoặc cho ngày Parousia – Ngày trở lại của Chúa Kitô? Vì vinh quang của Thiên Chúa, hay thật ra là vì chính chúng ta? Chẳng phải đôi khi chúng ta giống như hai môn đệ xin Chúa Giêsu: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Máccô 10: 37). Như sách Các Giảng Viên kêu lên: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân!” (Giảng viên 1;2).

Xóa mình đi trước mặt Thiên Chúa

Trong khi chuẩn bị tâm hồn mình cho sự trở lại của Chúa Kitô, chúng ta hãy cẩn thận khi nhận được bất cứ vinh quang nào! Yêu mến Thiên Chúa hơn bất cứ điều gì khác là nhận ra rằng chúng ta nhỏ bé và Ngài là tất cả. Và nếu Ngài là tất cả đối với chúng ta, chúng ta chỉ còn có thể đứng qua một bên khi ở trước Tôn nhan Ngài.

Trong suy tưởng đó Cha Joël Guibert [9] viết: “Hãy tin chắc rằng, nếu không có gì xảy ra trên bề mặt – ở mức độ tình cảm – thì ngược lại, ở mức độ sâu thẳm của trái tim, Thiên Chúa yêu thương bạn vô hạn. Và lời cầu nguyện của bạn càng vô vị lợi và đơn giản, thì Thiên Chúa sẽ càng biến đổi bạn thành chính Ngài. Yêu mến Thiên Chúa trước hết không phải là cảm thấy được yêu thương mà là muốn yêu thương và để chính mình được Ngài yêu thương!”

“Mong đợi Chúa, tôi mong chờ Ngài”

Như một lời thách thức lành mạnh, chúng ta có thể tự mình thực hiện hành động buông bỏ chính mình như Padre Dolindo Ruotolo: “Ôi! Lạy Chúa, con buông bỏ chính mình con cho Chúa, chính Chúa là Đấng con tưởng nghĩ tới!” Kết quả được đảm bảo cho những tâm hồn xao động… và những bậc cha mẹ đuối sức! Padre Dolindo Ruotolo nói thêm “Quy phục Ngài không có nghĩa là cứ tự dằn vặt, âu lo và tuyệt vọng trong khi không ngừng xin Ngài thực hiện những gì ta muốn; nhưng phải biến sự xao động của lòng mình thành lời cầu nguyện”.[10]

Hãy đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa và… chờ đợi. “Expectans expectavi Dominum; Con mong đợi Chúa trong khi chờ đợi Ngài” Bossuet [11] viết. “Mong đợi trong khi chờ đợi là mong đợi trong sự đơn sơ, không cần làm gì cả, chứ đừng như ép buộc Vị Tân Lang Thánh Thiêng: Điều phải làm duy nhất là tách biệt mình ra, để cho mình được kéo ra khỏi đám đông, khỏi những phiền nhiễu, những thú vui, những thỏa mãn mau qua, v.v., và cứ nhẫn nại chờ đợi những gì Chàng rể muốn làm.” Vì vậy, chúng ta đừng e ngại buông đôi cánh tay của mình xuống vì rồi ra chúng ta sẽ lại đưa chúng lên cao hơn.

Làm thế nào để bạn thực sự bước vào sự hiện diện của Thiên Chúa?

1. Đi vào sự hiện diện của Thiên Chúa với lòng tôn kính; Mặc dù Ngài là Cha của chúng ta, Thiên Chúa vẫn là một vị Vua. Thánh vịnh 95: 3 “Bởi Thiên Chúa là Chúa Trời cao cả, là Đại Vương trổi vượt chư thần” Do đó, chúng ta phải đảm bảo cách chúng ta xưng hô với Ngài, điều đó phải được thực hiện với sự tôn kính và luôn luôn với tấm lòng biết ơn.

2. Ca hát hoặc ngợi khen: Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa ngự giữa những lời ngợi khen của dân Ngài: “Thiên Chúa ngự nơi đền, vinh quang của Israel là Ngài”. (Thánh vịnh 22: 3). Do đó, hãy bắt đầu bằng cách tạo ra một bầu khí thuận lợi để Chúa Thánh Thần tỏ hiện là điều thích hợp. Cũng có thể là những lời chúc tụng Thiên Chúa, ngợi khen và tôn vinh Ngài. Chúng ta phải luôn cẩn thận giữ một cõi lòng biết ơn đối với tất cả những gì Thiên Chúa đã làm trong cuộc đời ta ngay cả khi ta chưa đạt được mọi thứ ta muốn.

3. Xin Chúa cho phép ta tiếp cận sự hiện diện của Ngài bằng cách van nài cầu xin Chúa Thánh Thần. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến, thưa lên với Ngài rằng con muốn sự hiện diện của Ngài.

4. Xin Chúa Thánh Thần kiểm soát những gì chúng ta định nói. Nếu là con cái của Thiên Chúa, chúng ta bước đi trong Chúa Thánh Thần, thì lời cầu nguyện của chúng ta cũng phải do Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Chúng ta không nên giới hạn mình trong danh sách những lời cầu nguyện xuất phát từ trí khôn của chúng ta. Chúa Thánh Thần biết rõ hơn chúng ta và làm những gì chúng ta cần vào thời điểm đó, vì vậy tốt nhất là hãy để Chúa Thánh Thần kiểm soát. Thiên Chúa là Thần Khí, và những ai thờ phượng Ngài phải thờ phượng Ngài bằng thần khí và sự thật: “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (Gioan 4:24)

5. Khi được Thánh Thần thúc giục, chúng ta hãy bắt đầu nói chuyện với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần có thể thúc đẩy chúng ta nói chuyện và ngợi khen Thiên Chúa một lần nữa, chỉ cần làm như Chúa Thánh Thần đã thúc giục chúng ta. Chúng ta có thể cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa ở giai đoạn này. Nhưng hãy cẩn thận, đây là một bài tập cần có thời gian, đừng nản lòng nếu ngay từ lần đầu tiên chúng ta chưa cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta phải kiên trì. Nên có một tờ giấy và một cái gì đó để viết ra trong khi cầu nguyện. Thiên Chúa thực sự có thể nói với chúng ta theo nhiều cách (thị kiến, ý tưởng, xác tín …), bạn phải ghi nhớ mọi thứ vì bạn có nguy cơ mất tất cả nếu bạn đợi cho đến khi kết thúc lời cầu nguyện mới làm như vậy. Thiên Chúa thậm chí có thể nói với chúng ta về một chủ đề không liên quan gì đến mục đích cầu nguyện của chúng ta, dù sao chúng ta hãy lưu ý khi thực hiện bước thứ năm này,

6. Hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để chống lại các cơn cám dỗ, tránh xa tội lỗi, và quy phục cả thân xác và ý muốn của chúng ta cho Chúa Thánh Thần. Hãy cầu xin Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô đổ xuống trên bản thân và gia đình của bạn hoặc của một người nào đó. Hãy nhân danh Chúa Giêsu Kitô để tiêu diệt mọi cạm bẫy mà kẻ thù đã sắp sẵn để chống lại bạn và công bố sự hoang mang trong sào huyệt của hắn. Hãy tuyên xưng rằng bất cứ vũ khí nào được rèn đúc để chống lại bạn và gia đình bạn sẽ thành vô hiệu và các bước đi của bạn sẽ được Thiên Chúa dẫn dắt suốt cả ngày. Hãy tạ ơn Thiên Chúa vì vinh dự được hiện diện và gần gũi với Ngài.

Lời cầu nguyện đầu tiên thường nên được thực hiện vào sáng sớm trước khi bắt đầu một ngày, một số người nói rằng nên vào lúc bình minh trước khi mặt trời mọc. Nhưng sự cầu nguyện và sự tương giao với Thiên Chúa không được giới hạn trong thời gian cầu nguyện này, bạn phải “cầu nguyện không ngừng” (1 Thessalonica 5:17) và luôn ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa suốt ngày. Bởi vì thực sự, Thiên Chúa hiện diện mọi lúc, chúng ta không phải lúc nào cũng cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa vì chúng ta bị bao trùm suốt ngày bởi nhiều hoạt động khác nhau. Giá như chúng ta quyết định luôn ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa suốt ngày và nói chuyện với Ngài mọi lúc, chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy Ngài đáp lại chúng ta và chúng ta sẽ thấy mình cầu nguyện không ngừng như Kinh Thánh khuyến nghị: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Thessalonica 5: 16 -18) và chúng ta được niềm hy vọng vững bền trong tâm hồn: “Do đó, chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta. Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh” (Do Thái 6: 18-19).

Để nắm được cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chúng ta cần có tâm tình khiêm nhường, tín thác và kiên trì trong cầu nguyện cùng Thiên Chúa, ngay cả khi ta chỉ cảm thấy khô khan nguội lạnh: “Chúng ta cần phải đương đầu với những gì chúng ta cảm nhận được như những thất bại trong việc cầu nguyện: chán nản vì khô khan, buồn phiền vì mình không tiến dâng tất cả cho Chúa, (vì chúng ta có nhiều của cải), thất vọng vì Chúa không theo ý mình, kiêu ngạo nên chai lỳ trong tình trạng bất xứng của tội nhân, dị ứng với việc cầu nguyện vì cho rằng cầu nguyện là xin xỏ và việc cho không của Chúa… Những điều này luôn luôn dẫn đến cùng một kết luận: cầu nguyện để làm gì? Muốn thắng được những trở ngại này, chúng ta phải chiến đấu để biết khiêm nhường, tín thác và kiên trì.” [12]

Giáo lý Hội thánh nhấn mạnh: “Tình trạng khô khan thường xảy đến trong chiêm niệm; khi ta cảm thấy xa cách Chúa, không còn hứng thú với những ý nghĩ hoài niệm và tâm tình thiêng liêng. Ðây là lúc chúng ta chỉ còn lấy đức tin mà gắn bó với Chúa Kitô trong cơn hấp hối và trong mồ tối. “Hạt lúa gieo vào lòng đất, nếu chết đi nó mới sinh nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Nếu tình trạng khô khan xảy ra vì đức tin của ta thiếu nền tảng vững chắc, vì Lời Chúa đã rơi xuống đá sỏi, thì chúng ta cần chiến đấu để hoán cải nội tâm.” [13]

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Bài giáo lý thứ 9 về Cầu Nguyện, đã nói:

“Trong tâm hồn của những con người cầu nguyện thì cảm quan về tình trạng yến hèn của họ thì quí hơn những lúc họ cảm thấy hỉ hoan, hơn lúc đời sống của họ là một chuỗi vinh thắng và thành công. Điều ấy luôn xẩy ra trong việc cầu nguyện: có những lúc chúng ta cảm thấy lâng lâng, thậm chí đầy phấn khởi, khi cầu nguyện, và có những lúc cầu nguyện lại đớn đau, khô cằn, thách đố. Cầu nguyện là như thế đó: hãy để mình được Thiên Chúa ôm ấp, và cũng hãy để cho mình bị tấn công bởi những tình huống khó chịu, thậm chí bởi các thứ cám dỗ. Đó là một thực tại được nhắc đến trong nhiều ơn gọi Thánh Kinh, ngay cả trong Tân Ước nữa; chẳng hạn như trường hợp của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Đời sống của hai vị này cũng như thế nữa: có những lúc hoan hỉ và cũng có những lúc xuống tinh thần, những lúc khổ đau… Cầu nguyện không phải chỉ là việc khóa mình lại với Chúa để làm cho linh hồn mình hiện lên mỹ miều: không, đó không phải là cầu nguyện, đó là ngụy cầu nguyện. Cầu nguyện là một cuộc đối diện với Thiên Chúa, để mình được Ngài sai đi phục vụ anh chị em của mình. Chứng cớ của việc nguyện cầu đó là tình yêu thực sự đối với tha nhân. Và ngược lại: thành phần tín hữu hoạt động trên thế giới sau khi họ đã trầm lắng và nguyện cầu; bằng không, hành động của họ là những gì bốc đồng, nó chẳng có ý thức gì, nó dục tốc bất đạt. Thành phần tín hữu tác hành như vậy là họ thực hiện rất nhiều thứ bất chính, bởi họ không cầu nguyện cùng Chúa trước, để nhận thức được những gì họ cần phải làm. Các trang Thánh Kinh cho thấy rằng đức tin của tiên tri Êlia cũng có tiến bộ, ở chỗ ngài đã thăng tiến trong việc nguyện cầu, ngài làm cho nó nên hoàn hảo từng chút một. Dung nhan của Thiên Chúa được ngài nhắm tới khi ngài bước đi. Tiên tri Êlia tiến đến tột đỉnh cảm nghiệm phi thường ấy, khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho ngài ở trên núi (1 Các Vua 19:9-13). Thiên Chúa đã tỏ mình ra không phải ở nơi bão tố, không phải ở nơi động đất hay ở nơi lửa thiêu, mà là ở nơi “một âm thanh thì thào nho nhỏ.” Hay đúng hơn, có cách diễn tả rõ về cảm nghiệm ấy như thế này: ở một luồng âm vang thinh lặng. Đó là cách Thiên Chúa tỏ mình ra cho Êlia. Chính nhờ cái dấu hiệu bé mọn này mà Thiên Chúa thông truyền với tiên tri Êlia, một con người vào lúc ấy là một vị tiên tri trốn ẩn bất an. Thiên Chúa đã đến để gặp gỡ một con người mệt mỏi, một con người nghĩ rằng mình thua ở hết mọi chiến tuyến, và với luồng gió thoảng nhẹ ấy, bằng luồng âm vang thinh lặng ấy, Thiên Chúa trả lại cho cõi lòng này tình trạng trầm lắng và bình an.” [14]

Phêrô Phạm Văn Trung, theo famillechrétienne.fr

Chú thích:
[1] ĐGH Bênêđíctô XVI, Deus Caritas Est, Thông điệp đầu tiên của Đức Bênêđictô XVI, ngày 25 tháng 12 năm 2005.
[2] Paul Claudel (1868 – 1955) là một nhà thơ, nhà viết kịch và nhà ngoại giao người Pháp, nổi tiếng nhất với các vở kịch thơ thường truyền tải giáo lý Công giáo sùng mộ của ông. Claudel được đề cử giải Nobel Văn học trong sáu năm khác nhau.
[3] Thánh Augustinô, Confessions – Tự thú, chương IX, số 6. 
[4] Tên đầy đủ là Charles Eugène de Foucauld (Tử tước Foucauld 1858 – 1916), là một sĩ quan kỵ binh trong Quân đội Pháp , sau đó là một nhà thám hiểm và nhà địa lý, cuối cùng là một linh mục Công giáo và là ẩn sĩ sống giữa bộ tộc Tuareg ở Sahara ở Algeria. Ngài bị ám sát vào năm 1916 và được Giáo hội coi là một vị tử đạo. Nguồn cảm hứng và các bài viết của ngài dẫn đến việc thành lập hội dòng Little Brothers of Jesus. Vào ngày 27 tháng 5 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô dọn đường cho việc phong thánh của ngài vào một ngày trong tương lai.
[5] Cha Matthieu Aine, được thụ phong linh mục vào năm 2012 cho giáo phận Lille, thành viên của viện Notre-Dame de Vie từ năm 2006, là tuyên úy trường trung học ở Dunkirk. Tác giả cuốn sách “Prier de ne pas déranger – Cầu nguyện để đừng quấy rầy”, thường xuyên hướng dẫn các buổi tĩnh tâm..
[6] LM Pierre-Hervé Grosjean, tác phẩm Donner sa vie – Trao ban sự sống mình (Artège).
[7] Sau sự nghiệp đầu tiên làm ca sĩ, Michel-Marie Zanotti-Sorkine được thụ phong linh mục ở tuổi bốn mươi. Cha là tác giả cuốn Au diable la tiédeur (Laffont, 2012 và Pocket, 2014), Le Passeur de Dieu (Laffont, 2014 và Pocket, 2017), Thư ngỏ gửi Nhà thờ (Laffont, 2015) và Khi tôi sẽ không còn ở đó (Laffont, 2015). Các bài giảng trực tuyến của Cha Zanotti-Sorkine được nhiều người nghe ở hơn 25 quốc gia, từ trang web pere.michel-marie.fr.
[8] Thánh Augustinô, Confessions – Tự thú, quyển 10, chương XXVII, số 38
[9] Cha Joël Guibert, sau khi làm chánh xứ ở giáo phận Nantes, hiện được giám mục biệt phái để hướng dẫn các buổi tĩnh tâm và là tác giả nhiều sách thiêng liêng, như: Jésus, maître de vie intérieure – Chúa Giêsu, bậc thầy đời sống nội tâm, Renaitre d’en haut – Sinh lại từ trên,Vivre en Marie – Sống trong Mẹ Maria…
[10] Tu sĩ dòng Phanxicô thành Napoli (1882-1970), người đang được tiến hành thủ tục phong chân phước.
[11] Bossuet, tên đầy đủ là Jacques-Bénigne Lignel Bossuet (1627 – 1704), là một giám mục và nhà thần học người Pháp, nổi tiếng về các bài giảng và các bài diễn văn khác. Giám mục Bossuet được coi là một trong những nhà hùng biện lỗi lạc nhất mọi thời đại, là vị giảng thuyết cho triều đình vua Louis XIV của Pháp.
[12] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2727.
[13] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2731.
[14] ĐTC Phanxicô, Bài giáo lý thứ 9 về Cầu Nguyện, Vatican News, 09 tháng 10 năm 2020.

Chia sẻ Bài này:

Related posts