Tôi có một người bác là cha Dòng, năm nay cụ đúng 100 tuổi và sắp kỷ niệm 75 năm nhận Thánh chức Linh Mục ngày 4 tháng 8, một biến cố khá quan trọng, một dấu ấn thật tuyệt vời cho một đời người. Mọi người kính cẩn hồi hộp chờ đúng ngày mừng lễ, còn hơn nửa năm nữa thôi. Mới hôm qua chúng tôi đến thăm, cụ đã quá già nhưng đầu óc còn rất minh mẫn, mắt cụ bỗng dưng bị mờ cách đây không lâu, nhưng tai thì vẫn thính lắm, con cháu nói chuyện cụ nghe và đoán được đứa nào ngay. Cụ hỏi thăm người này, nhắc tới người kia, đôi lúc còn nói bông đùa với con cháu một cách dí dỏm.
Trong bữa ăn cụ ngồi ngay ngắn vào vị trí của mình, xướng kinh khá rõ cho cộng đoàn anh em cùng đọc, khi cụ ăn, người giúp việc bỏ từng món thức ăn vào tô cho cụ, tay phải cụ vẫn còn cầm thìa để tự xúc, chỉ có tay trái do bệnh khớp đã bị co quắp lại thì đặt yên trên mặt bàn. Ăn xong, món cuối cùng là sữa chua thì phải có người đút để khỏi bị nhiễu. Ngồi chơi với anh em một lúc rồi cụ đứng lên, làm dấu đọc kinh cám ơn và chống gậy đi một vòng Nhà Thờ trước khi về giường nghỉ.
Ngày nào cũng vậy, không bao giờ bỏ Lễ, các giờ kinh cộng đoàn và một giờ chầu Thánh Thể. Tôi hỏi thầy giúp việc xem cụ có cần gì, thầy nói cụ chỉ nhắc và mong con cháu đến thăm cho vui. Cụ trải qua một cuộc đời Linh Mục rất bình dị, chỉ vài năm làm cha xứ, phần lớn thời gian làm Linh Hướng và dạy ở Chủng Viện, xem xét cuộc đời không có gì đặc biệt trổi trang, chẳng ghi được dấu ấn nào để đời cho nhân loại, nếu có “nổi tiếng” thì cụ nổi tiếng là người cầu nguyện lâu giờ trong Nhà Nguyện và tha thiết với Mình Thánh Chúa. Anh em Linh Mục và con cháu của cụ nói với nhau, đó là một đời Linh Mục thành công, thành công vì đi trọn con đường của mình trong khiêm tốn, trong sự khó nghèo và yêu mến…
Còn mẹ tôi thì năm nay cũng đã 95 tuổi, bà yếu mệt không di chuyển được, chỉ nằm với ngồi quanh quẩn trong nhà, sáng nào trời ấm áp, người giúp việc bỏ bà lên xe lăn đưa bà đến Nhà Thờ. Đi ra ngoài gặp người này người kia bà vui vẻ hẳn lên, tuy vậy cũng có lúc ngồi ngủ trên xe lúc nào không biết. Bà ngủ ban ngày gà gật, nhưng ban đêm lại thức trắng không ngủ tý nào. Chính khi không ngủ, giữa đêm thanh vắng, bà sợ cô đơn rồi luôn miệng gọi con gọi cháu, lắm lúc phải đến hai người giúp bà ban đêm mới chịu nổi.
Con cháu đến thăm hay ngay cả người nuôi bà, bà cứ níu lấy và bảo đừng đi, ở lại đây với bà. Cảm giác cô đơn và sợ hãi luôn quanh quẩn bên bà. Khi tôi về thăm, khó có thể chào bà mà đi, vì bà khóc và muốn tôi ở lại với bà, bà luôn miệng nói: “Sao con bỏ mẹ mà đi ?” Tôi cố gắng kiên nhẫn giải thích cho bà hiểu về cuộc sống tu trì của tôi, không thể về thăm bà nhiều và cũng không thể qua đêm ngoài Tu Viện, bà nghe thì hiểu nhưng vẫn khóc và tay vẫn nắm chặt lấy tôi. Làm con trong hoàn cảnh này thật khó xử, không đi không được, ở lại cũng chẳng xong. Rồi một mai mẹ mất rồi sẽ chẳng bao giờ còn được cầm tay mẹ nữa…
Tôi chia sẻ về hai người già, một người là mẹ và một người là Linh Mục. Không phải bác tôi không bị rơi vào cảm giác cô đơn, cần con cháu viếng thăm, nhưng cuộc sống nhà tu đã tách bác tôi ra khỏi cuộc giao tiếp cùng những mối dây tương quan ruột thịt gần gũi, bây giờ về già, bác không thể có con ruột để đòi chiều chuộng, để buộc phải năng viếng thăm. Ông cụ bình tĩnh và chấp nhận khá nhẹ nhàng vì ông cụ đã tập sống và sống quen cùng sự cô đơn của đời tu, ông cụ đảm nhận đời độc thân của mình vì ông cụ trung thành trong quá khứ để có một hiện tại tiếp tục sự trung thành ấy với Chúa và chỉ còn Chúa. Dĩ nhiên người lập gia đình là người buộc mình vào những tương quan gia đình cho đến chết.
Tôi tâm đắc và vui mừng khi thấy nhiều Hội Dòng quan tâm chăm sóc các thành viên già cả và đau yếu, những thành viên này họ đã cống hiến cuộc đời của họ cho sứ vụ, nay họ xứng đáng và cần được hưởng một sự chăm sóc đặc biệt của anh em mình. Sao cho những ngày cuối của cuộc đời trôi qua trong hạnh phúc, bình an và yêu mến.
Một cơ sở tương đối đáp ứng cho cuộc sống an dưỡng, một không gian yên tĩnh để cầu nguyện và nghỉ ngơi, một cơ cấu y tế cần mẫn hiệu quả và một hệ thống dinh dưỡng khoa học và an toàn. Thời khóa biểu được tổ chức khoa học và đan kín, ngoài những giờ nghỉ ngơi các cụ còn được sử dụng thời gian vào việc tập vật lý trị liệu, hàng tuần tiếp các đoàn thiện nguyện mang lại niềm vui và sự tươi trẻ. Các giao tiếp xã hội sẽ giúp các cụ linh hoạt hơn và nghị lực hơn. Ngôi Nhà Nguyện là con tim của cộng đoàn, một Nhà Nguyện ấm áp, mát mẻ, yên tĩnh và riêng biệt sẽ giúp các cụ hạnh phúc sống đời tông đồ mãnh liệt hơn.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 2.2015