Lưu tâm trước hết đến quyền lợi người khác
Trong cuộc sống, hiệu năng của công việc thường khiến người ta say sưa, đến nỗi quên đi nhiều mối tương quan rất cơ bản, cần thiết với tha nhân xung quanh. Thậm chí có người say mê công việc đến độ quên ăn bỏ ngủ, nói gì đến có giờ quan tâm người khác. Đối lại với thái độ sống ấy, Thầy nêu gương cho ta qua cung cách sống rất đáng khâm phục, sẵn sàng bỏ lại công việc của mình để chăm lo cho con người. Một lần kia, khi các môn đệ đi rao giảng về đến vây quanh Thầy. Đang hăng say kể lại những thành công, kết quả thu được, chợt Thầy cắt ngang: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31). Nói như thế không phải vì Thầy không lịch sự, coi thường lời nói người khác. Nhưng vì Thầy lo cho sức khỏe của các môn đệ hơn là thành quả khi trao nhiệm vụ cho họ.
Đối với người khác thì thế nhưng với bản thân, Thầy không đành nghỉ ngơi. Nhìn đám đông dân chúng như bầy chiên không người chăn dắt là Thầy lại ‘chạnh lòng thương’. Thầy là mục tử hiền lành, đến thay thế các mục tử đã đi sai đường của Thiên Chúa, khiến đàn chiên phải thất lạc, tan tác:“Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền […] sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng”(Gr 23, 3).Thầy chấp nhận cuộc sống bấp bênh, không nhà cửa, không chỗ tựa đầu nhằm đem lại quyền lợi tốt hơn cho con người. Dù vậy, những khi phải răn dạy hay gặp gỡ người khác, Thầy cũng rất cẩn trọng trong lời nói.
Người Thầy nói ít
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Nói chín thì phải làm mười, nói mười làm chín kẻ cười người chê”. Thầy tôi là gương sáng tuyệt vời về nói ít làm nhiều. Nhưng những điều Thầy nói chứa đựng kinh nghiệm phong phú cả về sự sống tự nhiên lẫn thiêng liêng.
Một hôm lúc Thầy đang giảng dạy thì những người Pha-ri-sêu kéo đến. Họ tố giác tội lỗi của một người phụ nữ phạm tội ngoại tình (x. Ga 8, 2-11). Ngoài lý do cáo buộc chị còn ‘nhằm thử Người’ để tìm sơ hở tố giác Thầy thôi.Thầy cũng hiểu thâm ý của họ nên im lặng. Nhưng vì họ gạn hỏi nhiều quá Thầy phải cho ý kiến: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Câu nói rất khôn ngoan đó thốt ra, không nhữngThầy đẩy lui được âm mưu của đám người cuồng bạo; mà còn đem lại hy vọng cho người tội lỗi đang khi thất vọng.
Qua Thầy tôi hiểu được, lời nói không những bộc lộ tâm tính, đạo đức, sự hiểu biết của người nói; mà còn liên hệ cả đến sự sống đời sau. Nghĩ đến điều này, tôi nhớ có lần Thầy dạy: “Đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án” (Mt 12, 36-37). Sống giáo huấn của Thầy cần có thành tâm, thiện chí, khiêm nhường mới mong đạt kết quả. Nét chính yếu trong phương pháp giáo dục của Thầy là tình yêu, là tấm lòng, “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ” (Mt 12, 7). Là môn đệ Thầy, ta có hiểu tâm sự ấy chăng?
Con đường đi từ trái tim đến đôi tay rất dài và gian nan. Theo gương Thầy luôn yêu thương quan tâm tới người khác, giữa bao bất công oán thù, hiềm khích vẫn giữ tâm an bình, làm chủ miệng lưỡi, quả không dễ. Mỗi khi không vững chí nản lòng đừng quên đến xinThầy giúp sức vươn lên, sống lạc quan, yêu thương chân thành hơn cho xứng là học trò yêu của Thầy. Về điểm này ta hãy học kinh nghiệm của Môn đệ được Chúa yêu truyền lại: “Hỡi anh em… đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”(1Ga 3,18).
Gp. Bùi Chu