Tính đến nay Giáo Hội đã có 21 Công Đồng được triệu tập thì duy chỉ có CĐ Vaticano II là không chống lạc giáo. Như vậy có thể nói lịch sử của GH Công Giáo là lịch sử tiếp nối của những phong trào ly giáo.
CĐ Vaticano II không chống lạc giáo mà chủ trương Đại Kết với mục đích để: “ Cổ vũ việc tái lập sự hợp nhất giữa các Ki Tô Hữu là một trong những mục tiêu của Thánh Công Đồng Chung Vaticano II. Quả thật Đức Ki Tô đã thiết lập một Giáo Hội và chỉ một Giáo Hội duy nhất, thế nhưng nhiều Cộng Đồng Ki Tô giáo tự xưng với mọi người rằng chính mình mới là di sản đích thực của Đức Ki Tô. Thật vậy tất cả đều tuyên xưng mình là môn đệ của Chúa nhưng lại khác biệt nhau về quan điểm và đi theo những đường lối cách xa nhau như thể Đức Ki Tô đã bị chia cắt. Quả thực sự phân rẽ này vừa trái ngược tỏ tường với với ý muốn của Đức Ki Tô vừa là cớ vấp phạm cho thế giới và gây tổn hại cho sứ mạng rất cao cả là rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” ( SL về Đại Kết ( Unitatis Redintegratia ngày 21/11/1964 ).
Sắc Lệnh Đại Kết đã có cách đây gần sáu thập kỷ nhưng dù với biết bao nỗ lực của nhiều phía, chẳng những không đạt được kết quả nào mà ngày càng đưa đến chia rẽ trầm trọng giữa các Giáo Hội với nhau và cả trong nội bộ mỗi Giáo Hội ( Chính Thống, Anh Giáo, Tin Lành ).
Riêng với GH Công Giáo thì sự chia rẽ ấy lại càng sâu sắc hơn với: “ Synodale Weg hay Con Đường Đồng Nghị ở Đức đang diễn tiến và theo nhà bình luận tin tức Sandro Magister, mỗi ngày cho thấy nguy cơ lớn hơn đối với: “ Đường đi của GH Công Giáo, không riêng ở Đức mà khắp hoàn vũ” ( Nguồn Vietcatholic News – 16/6/2020 – Vũ Văn An – Con đường Đồng Nghị Đức có ít nhất ba tiền thân. Tất cả đều kết thúc bằng ly giáo ).
“ Đồng nghị” hiểu cách đơn giản đó là cùng nhau thảo luận để đi tới một quyết nghị mang tính dân chủ. Hơn nữa cái sự…cùng nhau ấy cần diễn ra trong tất cả mọi lãnh vực kể cả phụng vụ: “ Điều này đã là một hình ảnh rất rõ ràng, trong các cử hành phụng vụ, tất cả các giám mục và giáo dân đều đi rước lên bàn thờ cùng nhau và như nhau. Qua đó người ta muốn nói rằng tất cả mọi người là bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề của Giáo Hội và điều đó thực sự không liên quan đến những gì GH Công Giáo là và có nghĩa là” ( Nguồn Vietcatholic News – 04/2/2020 – Đặng Tự Do – Đại nghịch bất đạo – CT giáo dân chỉ trích hồng y của mình vì ngài đã bảo vệ đạo lý Công Giáo ).
Nguyên nhân sâu xa đưa đến việc đòi quyền bình đẳng trong Giáo Hội đó là do ảnh hưởng của Thuyết Tương Đối. Với thuyết này thì chân lý không có giá trị tuyệt đối, tất cả chỉ là tương đối. Điều này đã được thể hiện nơi CĐ Vatican II trong Tuyên Ngôn Nostra Aetatis khi cho rằng GH không bao giờ phủ nhận những gì là chân thật và Thánh thiện nơi các tôn giáo như Hồi giáo, Do Thái giáo và Ấn Độ giáo v.v…
Một khi đã nhìn nhận những gì là chân thật và thánh thiện ở nơi những tôn giáo khác thì như vậy tức là đã phá bỏ nguyên lý: “ Ngoài Hội Thánh Công Giáo không có Ơn Cứu Độ” ( Extra Ecclesiam Nulla Salut ). Thế nhưng nên nhớ rằng chính cái nguyên lý ấy đã là động lực thúc đẩy việc truyền giáo trong nhiều thế kỷ qua với các đấng Thánh Igatio de Loyola sáng lập Dòng Tên, Thánh Phanxico Xavie quan thầy truyền giáo Đông Phương và các vị truyền giáo lẫy lừng khác cho đất nước Việt Nam như đức cha Lambert de la Motte, sáng lập Dòng MTG, giám mục người cùi Di Linh Jean Cassaigne…các ngài đã từ bỏ địa vị quyền quý, gia đình danh giá sang VN để truyền giáo, chịu muôn vàn gian lao nguy hiểm…
Ảnh hưởng của Thuyết Tương Đối còn nặng nề ở chỗ ngay trong đại hội Công Nghị Đức có một Ct HĐ Giáo Dân của một TGP còn lớn tiếng chỉ trích vị hồng y của mình vì ngài quyết liệt bảo vệ đạo lý Công Giáo và bày tỏ những lo ngại về cái gọi là Tiến Trình Công Nghị đang diễn ra tại Đức” ( Nguồn Vietcatholic News -4/2/2020 – Đặng Tự Do – Đại Nghịch Bất Đạo ).
Sự ly khai của GH Đức để trở thành …Đức Giáo giống như Anh Giáo là điều đương nhiên và sự ly khai ấy chẳng là gì khác ngoài ra là để…Tin Lành hóa Đạo Công Giáo: “ Thực vậy, dù với những nội dung mới mẻ một phần được áp đặt bởi các khai triển văn hóa, xã hội trong 50 năm vừa qua, chúng ta vẫn đang giáp mặt với một mưu toan khác của các cá nhân và các nhóm trong Đạo Công Giáo Đức muốn thiết lập một thứ Giáo Hội Quốc Gia nhằm tái lập từ trung đến dài hạn tính thống nhất về tôn giáo cho nước Đức và tái lập Giáo Hội này qua việc Thệ Phản hóa nền thần học và cơ cấu nội bộ” ( Nguồn Vietcatholic News 16/6/2020 Vũ Văn An đã dẫn )
Ly khai cách đây mấy thế kỷ và giờ đây rất có thể lại có cơ…Tin Lành hóa Đạo Công Giáo. Tất cả phải chăng là do ảnh hưởng nơi chủ trương Đại Kết vì đã có sự hiểu lầm lời Chúa Giê Su ? “ Con chẳng vì họ mà cầu xin thôi đâu nhưng cũng vì những kẻ tin lời họ mà tin Con nữa để họ thảy hiệp làm một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Lại để cho họ cũng ở trong chúng ta hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con” ( Ga 17, 20 -21 ).
Lời cầu hiệp nhất của Chúa Giê Su ở đây cần phải hiểu đó là dành cho các Tông Đồ và những ai tin vào lời giảng dạy của các ngài chứ hoàn toàn không phải để dành cho cả những giáo phái đã ly khai khỏi Hội Thánh Công Giáo Tông Truyền chẳng hạn…Chính Thống, Anh giáo và Tin Lành v.v…
Tuy nhiên vấn đề hết sức quan trọng được đặt ra đó là căn cứ vào đâu để được nhìn nhận là Hội Thánh Tông Truyền ? Chính Thống giáo cho đến nay vẫn một mực khẳng định chỉ có họ mới là Giáo Hội mang bốn đặc tính: Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền, ngoài ra kể cả Công Giáo cũng không phải là…Giáo Hội mang tính chính thống ?
Như ở phần đầu đã nói toàn bộ 20 Công Đồng của GH là để chống lại lạc giáo để ra vạ tuyệt thông cho những giáo phái đã ly khai. Việc ra vạ tuyệt thông như thế là hoàn toàn chính đáng. Lý do là vì ngay từ khi tuyên bố thành lập Giáo Hội, Đức Ki Tô đã trao năng quyền tuyệt đối cho Phê Rô, vị giáo hoàng tương lai. Chúa nói: “ Còn Ta lại bảo ngươi rằng, ngươi là Phê Rô. Ta sẽ lập HT Ta trên vầng đá này. Cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó. Ta sẽ trao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc và điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 18 -19 ).
Lời Chúa thật hết sức rõ ràng, làm sao có thể hiểu cách nào khác ? Việc cầm buộc hay cởi mở là do Đức Ki Tô đã long trọng trao cho vị cầm đầu Giáo Hội và từ đó đến nay vẫn được duy trì bằng tính chất vô ngộ của đức thánh cha cai quản GH hữu hình ở nơi trần gian thay mặt Chúa Ki Tô vẫn luôn ở cùng với HT theo như lời hứa:“ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”( Mt 28, 20 )
Như vậy, chúng ta phải hiểu thế nào về sự…ở cùng của Chúa, Ngài có…ở cùng nơi các giáo phái ly khai đã bị vạ tuyệt thông hay không ? Tất nhiên là không bởi vì Chúa đã trao quyền cầm buộc và cởi mở cho vị thủ lãnh HT ngay từ ban đầu rồi.
Một vấn đề khác quan trọng không kém đó là việc cầm buộc hay cởi mở đó là vì Nước Trời: “ Ta sẽ trao chìa khóa Nước Trời cho ngươi…” Tại sao Chúa lại trao chìa khóa Nước Trời cho một mình Phê Rô và mục đích ấy là gì ? Xin thưa bởi vì Nước Trời đó là …nước nội tại “ Ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).
Chính vì Nước Trời là một Thực Tại …nội tại như thế, Chúa mới trao quyền cởi mở hay cầm buộc cho một mình Thánh Phê Rô chứ không phải…tập thể các Tông Đồ. Nếu giả thử như Chúa trao chìa khóa Nước Trời cho tập thể các Tông Đồ thì chúng ta mới có thể nói đến Tính Đồng Nghị trong Giáo Hội nhưng đâu phải vậy ?
Đối với Giáo Hội hiểu như Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô và quả thực là như vậy thì hoàn toàn không thể có cái gọi là Con Đường Đồng Nghị. Việc Chúa Giê Su cầu nguyện cho sự hiệp nhất chúng ta phải hiểu đó là sự hiệp nhất trong sự vâng phục giữa Giám Mục Đoàn với đức thánh cha. Giữa các Linh Mục và đức giám mục bản quyền và giữa các giáo dân với vị Linh Mục Quản Xứ. Sự hiệp nhất đó phải nhìn nhận từ bề dưới đối với bề trên chứ không phải ngược lại.
Nói như thế không có nghĩa, bề trên tức đức thánh cha không còn cần vâng phục ai nữa ? Không phải vậy, đức thánh cha lại phải toàn tâm toàn ý vâng phục Đức Ki Tô bởi chính Ngài cũng đã vâng phục Chúa Cha, không còn giữ ý riêng mình: “ Vì Ta từ trời xuống chẳng phải để làm theo ý riêng Ta bèn làm theo Ý Đấng đã sai Ta” ( Ga 6, 38 ).
Ý nghĩa sự hiệp nhất trong Giáo Hội chính là để vâng theo Thánh Ý Chúa Cha và toàn bộ việc vâng theo Thánh Ý đó hệ tại ở việc Bỏ Mình: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” ( lc 9, 23 ).
Có bỏ được mình tức bỏ Cái Tôi đi thì mới có thể đi đến sự Hiệp Nhất. Chẳng những các giáo phái mà ngay đến cả GH Công Giáo cũng vậy, nhất là giờ đây lại còn nảy sinh ra cái gọi là Con Đường Đồng Nghị này nữa !!!
Chúa Giê Su cầu sự hiệp nhất cho các Tông Đồ và những ai tin vào lời giảng dạy của các ngài chính là để cho chúng ta nhận biết và trở về với Đấng Cha ở nơi mình: “ Con đã ban cho họ sự vinh hiển mà Cha đã ban cho Con để họ hiệp làm một cũng như chúng ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con để họ hoàn toàn làm một hầu cho thế gian biết rằng Cha đã sai Con cũng như Cha đã thương yêu Con vậy” ( Ga 17, 22 -23 ).
Nhận biết và trở về với Đấng Cha, đó là toàn bộ cuộc hành trình tâm linh của Dân Chúa. Tuy nhiên cuộc hành trình ấy đã bị cản trở rất lớn khó thể vượt qua nếu không nhận ra vai trò Đồng Công của Đức Maria cũng là Người Nữ đạp giập đầu rắn Sa Tan: “ Đức Chúa Giê hova phán với con rắn: “ Ta sẽ làm cho mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).
Cuộc giao tranh giữa Người Nữ Maria và quỷ Sa Tan cũng là cuộc chiến cam go, trường kỳ của Giáo Hội đối với các thế lực Hỏa Ngục suốt từ bao thế kỷ nay và trong mỗi cuộc giao tranh đó chúng ta đều thấy sự can thiệp hữu hiệu của Đức Maria.
Khi trào lưu Duy Lý của nhóm Bách Khoa ( Encyclopedi ) dường như đã áp đảo GH thì Đức Mẹ đã hiện ra tại Lô Đức ( 1858 ) với chị Bernadetta tuyên bố Ngài là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội hầu củng cố Tín Điều vừa được GH ban hành. Tiếp đó với chủ nghĩa duy vật vô thần CS lan tràn mạnh mẽ hầu muốn nhuộm đỏ cả Âu Châu thì Đức Mẹ lại thân hành hiện ra với ba em chăn chiên tại Pha Ti Ma ( 1917 ) để ban bố ba mệnh lệnh kêu gọi mọi người lần hạt Mân Côi, ăn năn cải thiện đời sống.
Ấy vậy mà giờ đây với Con Đường Đồng Nghị, người ta đang…mưu toan Tin Lành hóa Đạo Công Giáo. Đây là đòn chí mạng của bè lũ Sa Tan đánh vào Giáo Hội bằng cách gạt bỏ vai trò Đồng Công vô cùng quan trọng của Đức Maria trong Nhiệm Cục Cứu Độ. Một khi Đức Maria đã bị gạt bỏ thì đương nhiên Bí Tích Thánh Thể cũng chẳng còn giá trị. Tại sao ? Bởi nên nhớ Chúa Giê Su Thánh Thể đã được tạo thành chính từ Thịt và Máu của Đức Maria. Một mầu nhiệm cũng là điều hiển nhiên như thế nếu không biết đến thì chẳng bao giờ có thể nhận biết Giáo Hội như Thân Mầu Nhiệm để trở về: “ Vì ngoài Ta, các con không thể làm chi được” ( Ga 15, 5 )./.
Phùng Văn Hóa