CON  ĐƯỜNG  ĐỒNG  NGHỊ  VÀ…ĐẠI  KẾT

            Nhân dịp Tuần Cầu Nguyện Cho Sự Hiệp Nhất Ki Tô Hữu, đức hồng y Kurt Kock, chủ tịch HĐ Tòa Thánh  Hiệp Nhất Các Ki Tô Hữu  đã có bài tham luận  với  chủ  đề: “ Cùng nhau bước đi trên cùng một con đường Công Nghị Tính theo quan điểm Đại kết”:

            Trong bài tham luận này, hồng y Kurt Kock  đề cập tới CĐ Nicea như một thách đố Đại kết: “ Mở rộng giá trị của CĐ Nicea cho công cuộc Đại kết, đức hồng y nhấn mạnh: CĐ Nicea cũng có liên quan lớn về mặt Đại kết theo một quan điểm khác. Nó cung cấp  tài liệu về cách thức Giáo Hội giải quyết các vấn đề gây tranh cãi và được thảo luận mang tính công nghị trong một công đồng. Trong tiếng Hy Lạp “ Công Nghị Tính”  có nghĩa là cùng nhau đi trên một con đường. Theo nghĩa Ki Tô giáo, từ này biểu thị cuộc hành trình chung của những người tin vào Chúa Giê Su ki Tô, Đấng đã tự mạc khải mình là “ Con Đường” và chính xác hơn là đường, sự thật và sự sống ( Ga 14, 6 )….

            …Do đó Ki Tô giáo tiên khởi được gọi là “ Con Đường” và các Ki Tô Hữu, những người theo Đức Ki Tô là Đường được gọi là theo con đường này”. Theo nghĩa này, Giáo Hội là một tên chỉ và Công Nghị  là đồng nghĩa. Từ Công nghị Tính cũng cổ xưa và cơ bản như từ “ Giáo Hội” ( Nguồn Vatican News – 25/1/2021 – Ngọc  Yến – Cùng nhau bước đi  trên cùng một con đường: Công nghị tính theo quan điểm đại kết ).

            Con Đường Đồng Nghị hiện nay có liên quan đến CĐ Nicea được hoàng đế La mã Constantine triệu tập vào năm 325 ( CN ) có mục đích để giải quyết  những bất đồng  giữa các giáo phái, đặc biệt với giáo phái Ario về bản tính của Chúa Giê Su, Ngài có đồng bản thể với Chúa Cha hay không và rồi cuối cùng Công Đồng này  đã đưa ra định tín cho rằng Chúa Giê Su vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật tức đồng bản tính.

            Thật sự thì ngoài mục đích triệt hạ các giáo phái để hợp nhất trong cùng một đức tin, hoàng đế Constantin, người triệu tập Công Đồng  nhân đó còn muốn củng cố quyền lực trong đế chế của ông ta….

            Nếu mục đích của CĐ Nicea là như thế thì CĐ Vatican 2 trái lại muốn Đại kết  tức hiệp nhất các giáo phái và để đi đến mục đích ấy  thì không thể không có Con Đường Đồng Nghị. Hễ có Đại kết  thì phải có Đồng Nghị. Tại sao ? Bởi vì giữa các giáo phái và Giáo Hội Công Giáo có những bất đồng sâu sắc về nhiều vấn đề chẳng hạn về quyền bính tối thượng của giáo hoàng về các  Bí Tích về Ơn Cứu Rỗi v.v…

            Những bất đồng ấy chỉ có thể giải quyết  thông  qua Con Đường Đồng Nghị tức  cùng nhau bàn bạc để đi đến thống nhất về một quan điểm nào đó. Giữa các giáo phái và GH Công Giáo có thể thống nhất trong một quan điểm nào không và đó là quan điểm gì ?

            Xin thưa đó là về đại thể cùng nhau nhìn nhận Chúa Giê Su chính là Thiên Chúa giống như CĐ Nicea. Nhìn nhận Chúa Giê Su là Thiên Chúa và Thiên Chúa đó cũng là Đấng Tạo Hóa. Chúa Giê Su lại là Đấng Tạo Hóa và đây là tất cả vấn đề  đặt ra cho Đại Kết nói chung và Con Đường Đồng Nghị nói riêng.

            Sở dĩ  CĐ Vatican 2 chủ trương Đại Kết là vì quan điểm về Giáo Hội đã có sự thay đổi. Trước đây, Giáo Hội vẫn được hiểu như là Dân Riêng Thiên Chúa  với bốn đặc tính: Duy nhất, thánh thiện, Công giáo và Tông truyền  thì nay lại là một thứ  Giáo Hội Phổ Quát…chỉ có một mục đích là làm cho Nước Chúa trị đến  và toàn thể nhân loại  được cứu rỗi” ( Gaudium Spes ).

            Vì là …Giáo Hội Phổ Quát thế nên ý nghĩa của sự Cứu Rỗi ấy đương nhiên cũng thay đổi. Trước đây tín hữu được dạy cho biết những ai sống trong ơn nghĩa Chúa, sau khi chết  sẽ được vào Nước Thiên Đàng  nhưng nay…Thiên Đàng ấy lại là  Thế Giới Đại Đồng theo kiểu CS nơi có công lý ngự trị, người nghèo hết nghèo, người bị áp bức không còn bị áp bức ( Gaudium Spes ).

            Lý do sâu xa khiến có sự thay đổi  quan điểm  về Giáo Hội như thế  là do sự nhận thức  về thế giới. Trước đây, thế giới được người có đạo gọi là chốn khách đày cần giải thoát khỏi nó thì  nay lại cho  rằng con người có thể làm chủ vạn vật bằng cách thiết lập trật tự chính trị, xã hội, kinh tế để phục vụ con người ngày càng đắc lực hơn” ( Gaudium Spes ).

            Tất cả những thay đổi đó, cuối cùng là do quan điểm về con người, con người chính là cái thân xác của nó. Trước đây thân xác được quan niệm như một thứ bụi đất lại trở về với đất bụi  thì nay lại cho là  không được khinh miệt mà cần phải coi trọng vì  đời sống xác thân là tốt lành  được Thiên Chúa tạo thành và sẽ  sống lại trong ngày sau hết” ( Gaudium Spes )

            Cho thân xác là đáng tôn trọng và sẽ sống lại trong ngày sau hết. Chính cái quan niệm này mà đã khiến cho Con Đường Tâm Linh bị…phá sản không còn ý nghĩa gì nữa: “ Được lời lãi cả và thế gian, mất linh hồn thì nào được ích gì ?” ( Mt 16, 26 ).

            Chỉ vì suy gẫm về Lời Chúa đây  mà đã có biết bao con người từ bỏ cuộc sống giàu sang, danh vọng  để bước đi theo Chúa, chịu đựng  hy sinh gian khổ kể cả tính mạng để minh chứng cho đức tin của mình. Đức tin ấy là gì  nếu không phải là tin  vào Đấng đã hiến thân chịu chết vì mình ? Cũng chính vì đức tin ấy, Thánh Phao Lô nói: “ Vì tôi đã quyết định  rằng, ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Chúa Giê Su Ki Tô  và Chúa Giê Su Ki Tô chịu đóng đinh trên thập tự giá” ( 1C  2, 2 ).

            Phao Lô, một con người trước đây đã  căm thù, ra tay bắt bớ Đạo Thánh Chúa  thế mà sau khi được ơn trở lại đã nói chẳng cần biết gì ngoài thập giá Chúa Ki Tô. Điều này cho thấy con đường thực hiện tâm linh chỉ có thể thành tựu qua con đường vâng phục  mà Chúa Giê Su Ki Tô đã trải qua: “ Anh em cần có tâm chí như Đức Ki Tô, Ngài vốn đồng bản thể với Thiên Chúa  nhưng không nhất thiết  phải duy trì địa vị ấy. Trái lại đã tự làm ra trống không, lấy hình thể tôi tớ giống như  mạo  dạng con người. Ngài đã có mạo dạng như một người  rồi bèn hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập giá” ( Pl 2, 5 -8 ).

            Cùng có tâm chí giống như Chúa Giê Su đó chính là sự vâng phục. Nếu Chúa Giê Su là đầu của Hội Thánh tức của Thân Mầu Nhiệm mà đã vâng phục cho đến chết như thế thì chúng ta là những người theo Chúa há lại chẳng sống đời vâng phục sao ?

            Mục đích của sự vâng phục là để thể hiện Thánh Ý  Chúa qua  bề trên là các đấng Bản Quyền cụ thể là các giám mục. Các đấng ây thay mặt  Chúa Ki Tô để cai quản, giảng dạy và  Thánh hóa Dân Chúa.

Vâng phục các đấng bề trên chính là vâng phục Chúa Ki Tô thế nhưng sự vâng phục ấy giờ đây đã bị phá vỡ bởi cái gọi là Con Đường Công Nghị ( Synodal Way ). Đồng Nghị có nghĩa là trước một vấn đề quan trọng nào đó thì cần phải có sự bàn bạc để đi đến thống nhất  quan điểm  chẳng hạn tiến trình Công Nghị Đức hiện nay là một quá trình mang các giáo dân cấp tiến  và các giám mục đến các buổi thảo luận  về bốn chủ đề chính: Làm thế nào quyền lực được thực hiện trong Giáo Hội ? Luân lý tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ…” ( Nguồn Catholic News Agency ).

            Một khi giáo dân cũng có thể …ngồi cùng bàn với giám mục để thảo luận và biểu quyết bằng một lá phiếu như nhau như thế thì còn đâu là ý nghĩa của chiên với chủ chiên ?. Đang khi đó Chúa Giê Su ví mình như chủ chiên: “ Ta là người chăn tốt. Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta cũng như Ta biết Cha và  Cha Ta biết Ta  vậy. Ta vì chiên Ta mà bỏ mạng sống mình” ( Ga 10, 11 ).

Chúa nói  Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta. Vấn đề ở chỗ  Giáo Hội hiện  có …biết chiên và chiên …có biết Giáo Hội hay không ?  Nếu…biết thì ai nấy cần có lòng yêu mến và vâng phục từ tận đáy lòng mình./.

Phùng  Văn Hóa

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts