CON  ĐƯỜNG  NHỎ  CỦA  TÌNH  YÊU  VÀ  ƠN  CỨU  RỖI

          Thánh Lễ chia tay và tạ ơn của đức cha Michel Aupetit, Tgm Paris đã diễn ra  tại  thánh đường Thánh Xuân Bích ( St Sulpice ) vào tối ngày 10/12 vừa qua với sự tham dự của nhiều giám mục, linh mục với hơn 2000 giáo dân đứng chen chân trong ngôi thánh đường, trong khi một số đông khác phải chịu đứng bên ngoài trong cái lạnh giá và gió lớn…

          Việc người ta tuốn đến  tham dự một Lễ Tạ Ơn như thế là điều…không bình thường  đối với  người dân Pháp  trong thời điểm này và còn không bình thường hơn nữa với các tràng pháo tay diễn ra không ngớt khi đoàn đồng tế tiến lên bàn thờ, nhất là trong bài giảng lễ của đức cha Michel.

          Sự ái mộ nồng nhiệt dành cho một người  vừa phải đột ngột từ chức do âm mưu thâm độc  của báo chí, một phần chứng tỏ giáo hội đang bị bách hại dữ dội. Phần khác, đây lại là niềm an ủi  cho những ai  còn tin vào sự hiện hữu của Chúa Giê Su  trong những  giờ phút nguy nan: “ Này giờ sắp đến  và thật đã đến rồi các ngươi sẽ tan tác, ai đi đường nấy bỏ Ta lại một mình. Nhưng Ta không ở một mình đâu, vì Cha ở cùng Ta. Những điều đó Ta đã nói cho các ngươi được bình an trong Ta. Các ngươi sẽ có hoạn nạn trong thế gian nhưng hãy vững lòng vì Ta đã thắng thế gian” ( Ga 16, 32 -33 ).

          Lời Chúa nói thật an ủi, thế nhưng chúng ta có thực sự được bình an hay không  đó lại là vấn đề khác. Mỗi khi Chúa Giê Su  đến với các Tông Đồ trong cơn hoạn nạn, Ngài đều chúc phúc: “ Bình an cho các con” ( Ga 20, 26 ). Sự bình an Chúa ban là một ân sủng lớn lao trên bước đường Tông Đồ nhưng sự bình an ấy chỉ có thể đến khi chúng ta có lòng yêu mến và đón đợi Ngài.

          Chủ đề xuyên suốt trong thánh lễ chia tay và tạ ơn hôm đó, đức cha nói về Tình Yêu: “ Một nhà báo đã viết: Đức tgm  đã thua vì Tình Yêu. Nhưng cô ấy  quên những từ ngữ ở cuối câu rồi ( Cộng đoàn vỗ tay nhiệt liệt, đức tgm  khoát tay để ngăn chặn  tiếng vỗ tay tiếp tục ). Câu đầy đủ thế này: Đức tgm  đã thua vì Tình Yêu của Chúa Ki Tô ( Cộng đoàn  lại vỗ tay nhiệt liệt, đức tgm  ra hiệu xin cộng đoàn cho ngài nói tiếp )….hôm qua tôi đã thua vì Tình Yêu của Chúa Ki Tô  khi tôi vào chủng viện. Hôm nay tôi đang thua vì Tình Yêu của Chúa Ki Tô. Ngày mai tôi sẽ lại thua vì Tình Yêu của Chúa Ki Tô, bởi vì tôi nhớ lời này của Chúa: Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì  sẽ tìm lại được mạng sống ấy. ( Cộng  đoàn vỗ tay nhiệt liệt, nhiều  người ứa nước mắt, đức tgm phải ra hiệu  để xin cộng đoàn yên lặng” ( Nguồn: Vietcatholic News: Bài giảng đầy kịch tính của đức Tgm  Michel Aupetit trong thánh lễ chia tay với Tgp Paris ).

          Để có thể cảm thông được những lời của Đức Tgm  khi ngài nói: “ Tôi đã thua vì Tình Yêu của Chúa Ki Tô” chúng ta cần nên nhớ  khi quyết định đi tu thì ngài nguyên là một bác sĩ y khoa  cho đến năm 39 uổi  mới bước vào cuộc sống tu trì, vì vậy ngài có một kiến thức uyên bác về Đạo Đức Sinh Học  và đã xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị.

          Tất cả những vị Thánh lừng danh trong giáo hội  đều là những con người  đã… thua Chúa Ki Tô tức được Ngài chinh phục. Thánh Phao Tông Đồ  đã…thua Chúa Ki Tô trong biến cố Đa Mat. Thánh Maximilien Kolber đã…thua  khi hiến thân chịu chết thay cho người tù tại trại giam Đức Quốc Xã. Thánh Teresa đã…thua khi  dâng mình phục vụ những người cùng khổ thành Calcuta v.v. và v.v…

          Các Thánh đã…thua Chúa Ki Tô bởi các ngài  chan chứa Tình Yêu…Mục đích của lòng yêu mến Chúa  chính là để phục vụ các linh hồn. Lòng yêu mến Chúa và phục vụ các linh hồn là hai việc cần gắn chặt với nhau. Hay nói cách khác, chỉ những ai thực có lòng yêu mến Chúa  mới có thể theo đuổi việc phục vụ các linh hồn !

          Đức cha Michel nói tiếp trong bài giảng: “ Tình yêu, Tình yêu để cứu rỗi, chúng ta, tất cả chúng ta, những người được thụ phong đứng ở vị trí của mình để tõ bày Ơn Cứu Rỗi này do Chúa Giê Su Ki Tô, Chúa chúng ta ban cho và chúng ta phải mạo hiểm yêu thương như Chúa Giê Su ngõ hầu mở ra cho tất cả anh chị em của chúng ta  Ơn Cứu Rỗi mà Ngài ban tặng. Câu hỏi duy nhất nảy sinh là: Chúng ta có thực sự tin vào cuộc sống vĩnh cửu không ? Chúng ta có tin chắc rằng Chúa   lại đến, Chúa sẽ mang đến  cho chúng ta sự viên mãn, rằng Chúa nhìn xa hơn chúng ta không ? ( Nguồn: Vietcatholic News 13/12/2021 đã dẫn ).

          Thánh Phao Lô nói với dân thành Antiokia: “ Hỡi anh em là dòng giống Apraham và là kẻ kính sợ Thiên Chúa trong anh em, Đạo về Sự Cứu Rỗi nay đã truyền đến cho chúng ta rồi” ( Cv 13, 26 ).

          Đạo về Sự Cứu Rỗi thánh Phao Lô nói  vào thời xa xưa ấy cũng chính là một với Đạo Công Giáo Tông Truyền ngày nay. Thế nhưng  chúng ta có còn tin vào Đạo Cứu Rỗi ấy nữa hay đã chối bỏ ?

          Chối bỏ đức tin Công Giáo  hiện đang diễn ra như một trào lưu tại các nước Âu Mỹ. Ở đó người ta đốt phá các nhà thờ, lăng nhục, giết hại các linh mục, chặt đầu, chặt tay tượng các Thánh kể cả tượng Chúa Ki Tô và Mẹ Maria v.v…Tuy nhiên đó chỉ là những hiện tượng  tất phải xảy đến  khi con người  không còn chấp nhận Đường Cứu Rỗi của Chúa Ki Tô chính là con đường dẫn đến Thiên Chúa Chân Thật là Đấng Cha nội tại: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Đức Ki Tô tự nhận mình là con đường duy nhất dẫn đến Đấng Cha và Đấng Cha  ấy có khi Ngài gọi đó là Nước Trời, có khi gọi là Chốn Nghỉ Ngơi đời đời. Chúa rao giảng Nước Trời  và truyền cho chúng ta  phải tìm kiếm thực tại vĩnh hằng đó: “ Nhưng trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Người” ( Mt 6, 33 ).

          Người ta chỉ tìm kiếm cái gì chưa thấy, chưa biết chứ cái đã thấy đã biết thì còn tìm kiếm chi nữa ? Cái chưa thấy, chưa biết  ấy cũng chính là niềm hy vọng đời sau trên Nước Thiên Đàng: “ Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng nhưng sự hy vọng đã thấy được thì chẳng phải là sự hy vọng vì có ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư. Song nếu chúng hy vọng điều mình chưa thấy  thì chúng ta mới nhẫn nại  đợi trông” ( Rm  8, 24 -25 ).

          Con người ta sống ở đời  không ai lại không có cho mình niềm hy vọng nào đó.  Học trò chăm chỉ học hành  để hy vọng có ngày tốt nghiệp. người nông dân cày sâu cuốc bẫm, một nắng hai sương mong có mùa gặt bội thu. Người bệnh tuân lời bác sĩ, uống thuốc, tẩm bổ hy vọng có ngày lành bệnh. Người lữ hành cất bước lên đường mong  về đến nhà bình an v.v…

          Đối với đời thường đã vậy còn đời đạo cũng không khác có nghĩa cũng cần  cho mình niềm hy vọng. Tuy nhiên  có sự khác biệt lớn lao  giữa đời thường và đời đạo  ở chỗ. Đó là hy vọng của người đời tất cả chỉ đặt vào đời sống trần tục hữu hình hữu hạn này thôi. Trái lại người có đạo  lại đặt hy vọng vào đời sống vĩnh cửu mai sau. Chỉ đặt hy vọng vào đời sống  này thôi  tất  không khỏi thất vọng bởi  thế gian  là chốn vô thường khổ ải: “ Hình dạng thế gian này đang qua đi trong từng giây phút” ( 1C 7, 31 )

          Đặt hy vọng vào đời sau nhưng điều đó không tránh cho chúng ta khỏi phải hết lòng tìm kiếm bởi Chúa nói: “ Vì hễ ai xin thì được. Ai tìm thì gặp. Ai gõ thì được mở cho” ( Lc 11, 10 ). Có tìm mới gặp, điều ấy là tất nhiên  thế nhưng trong lãnh vực tâm linh, chúng ta bởi còn sống trong si mê điên đảo nên không thể tự  mình  tìm, cần  cậy nhờ  Đức Ki Tô, Ngài là Đấng Trung Gian duy nhất: “ Vì chỉ có một Thiên Chúa và cũng chỉ có một Đấng Trung Gian  giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Giê Su Ki Tô cũng là người. Đấng ấy đã phó chính mình làm giá cứu chuộc  loài người là điều có chứng cớ tỏ ra đúng kỳ” ( 1Tm 2, 5 -6 ).

          Chỉ qua trung gian Đức Ki Tô, chúng ta mới có thể tìm được  Đấng Thiên Chúa hằng hữu cũng là Đấng Thiên Chúa Tình Yêu nội tại trong chính mình, Thánh Gioan Tông Đồ  nói: “ Hỡi kẻ yêu dấu, chúng ta hãy thương yêu lẫn nhau vì sự thương yêu đến từ Thiên Chúa. Hễ ai thương yêu thì sanh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Ai chẳng thương yêu  thì không nhận biết Thiên Chúa  vì Thiên chúa là Tình Yêu” ( 1ga 4, 17 -8 ).

          Bởi Thiên Chúa là Tình Yêu thế nên chỉ có thể lấy Tình Yêu để đáp trả Tình Yêu. Con người tìm nhưng không gặp  là vì đã không lấy Tình Yêu Thiên Chúa để tìm. Cầu nguyện nhưng không  được nhậm lời  vì đã không cầu nguyện trong Tình Yêu Thiên Chúa.

          Đức Ki Tô là Đấng Trung Gian duy nhất và Ngài  đã truyền dạy cho chúng ta  một phương pháp  cầu nguyện  trong Tình yêu  vừa dễ dàng vừa bảo đảm chắc chắn  trong việc tìm kiếm Thiên Chúa đó là Con Đường Nhỏ Của Tình Yêu. Con đường này là ơn gọi  của Chúa Giê Su dành cho chị Consolata Betrone (9 1903 -1946 ) thuộc Dòng khổ tu Capucine để cụ thể hóa Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng của Thánh Teresa HĐ Giê Su.

          Trong Nhật Ký, Consolata ghi lại: “Một ngày thứ hai nọ trong mùa hè 1924, cô Dina Richetto một trong những bạn đồng lứa  của tôi nhờ giữ dùm  một cuốn sách đó là cuốn “ Một Linh Hồn”. Sau cơm chiều, tôi ra ngồi trên bao lơn trước cửa tiệm tạp hóa  của gia đình tôi và dưới ánh đèn đường, tôi khởi sự đọc truyện của chị Teresa HĐ Giê Su. Một cảm xúc xâm chiếm tôi. Tôi chính là tâm hồn yếu đuối mà Chúa Giê Su đã khám phá ra…

          …Chúa sẽ tìm được linh hồn nào yếu đuối hơn linh hồn tôi ? Lời mời gọi các linh hồn  nhỏ lôi kéo tôi “ Sống Tình Yêu, yêu Chúa Giê Su như chưa hề có ai yêu được như vậy. Tôi gục đầu vào hai bàn tay và nghe có tiếng Chúa gọi trong lòng, một tiếng gọi luôn luôn thúc bách hơn mãi”.

          Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng là phát kiến độc đáo của Thánh Teresa HĐ Giê Su dựa vào Lời Chúa nói trong Phúc Âm: “ Lạy Cha, con chúc tụng Cha là Chúa Tể Trời đất vì Cha đã giấu điều đó với những kẻ khôn ngoan thông thái  nhưng đã  tỏ ra cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha vì điều đó đẹp lòng Cha” ( Mt 11, 25 ).

          Tại sao chân lý, ám chỉ cho Nước Trời mầu nhiệm lại giấu  với những kẻ khôn ngoan thông thái ( Các triết gia đủ loại ) lại tỏ ra cho con trẻ  chỉ cho những tâm hồn  đơn sơ chất phác dễ tin, dễ nhận ? Bởi vì  chỉ những con người chưa mang định kiến chấp chước này nọ mới có thể tiếp nhận mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những ai Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).

          Biết Cha ở đây không phải là cái biết của tri thức phân biệt nhưng là cái biết của Tình Yêu vô phân biệt. Nhưng để có được  của Tình yêu vô phân biệt ấy  thì nhất thiết cần  thông qua Con Đường Nhỏ Của Tình Yêu dựa trên 03 tiêu điểm:

  1. Một tác động liên lỷ Yêu Mến:“ Giê Su Maria, lòng con yêu mến, xin Cứu các linh hồn”
  2. Một tiếng “ Vâng” vui vẻ với Chúa Giê Su trong mọi người.
  3. Một tiếng “ Vâng” cảm mến trước đòi hỏi của Chúa.

Mục đích của đời sống tâm linh là để Nên Thánh. Người có đạo  mà không theo đuổi mục đích ấy  thì thật uổng phí ơn gọi làm Con Chúa. Tuy nhiên để…nên được Thánh thì không thể có con đường nào khác ngoài  con đường kết hợp với Chúa Giê Su Ki Tô  bởi vì Ngài là nguồn mạch mọi sự Thánh Thiện. Chúa không đòi hỏi  mọi người phải hy sinh như nhau nhưng đòi buộc tất cả dù là giáo sĩ hay giáo dân  cũng phải yêu mến Chúa  hết tâm hồn, hết sức lực và hết ý chí…

          Yêu ai thì người ta luôn nhớ đến người mình yêu. Cũng vậy, để yêu mến Chúa thì phải năng nhớ đến Ngài. Thế nhưng để…nhớ đến Chúa là việc khó, rất khó, tại sao ? Bởi vì Chúa hoàn toàn không phải là đối tượng của giác quan.

          Con người sống và tồn tại  là do  sáu giác  quan gọi là Thức ( Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý thức ) đối tượng của các giác quan ấy là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp ).

          Bởi Chúa không phải là đối tượng của giác quan  thế nên chúng ta không thể cảm nhận, không thể suy tưởng để nhận biết Ngài. Không thể dùng giác quan  để nhận biết Thiên Chúa  duy  chỉ Tình Yêu Vô Phân Biệt  thôi. Lần kia ( Ngày 16/2/1935 ) Chúa Giê Su nói với Consolata: “ Con hãy bảo các linh hồn  là Cha  thích  một Tác Động Yêu Mến, một sự hiệp thông Tình yêu  hơn mọi thứ của lễ khác….

          …Phải, một tác Động Yêu Mến quý hơn một lần đánh tội vì Cha khát Tình yêu. Tội nghiệp cho những linh hồn  tưởng rằng  muốn đến với Cha, tuyệt đối cần phải sống khắc khổ…

          …Họ xuyên tạc hình ảnh Cha quá đáng. Họ khoác vào Cha bộ mặt đáng khiếp trong khi Cha chỉ là tốt lành nhân hậu. Họ đã quên mất cái lệnh truyền  bao gồm toàn bộ luật mà Cha đã ban. Con hãy yêu mến Thiên Chúa là Chúa con hết lòng hết linh hồn. Hôm nay cũng như hôm qua và ngày mai, chỉ xin các tạo vật của Cha có một sự là Tình Yêu”

          Có vấn nạn cho đến nay  vẫn được  nêu ra: “ Tại sao Thiên Chúa lại cứ đòi hỏi con người lòng yêu mến ? Phải chăng  chính vì không trả lời được thế nên  người ta mới đưa ra  luận cứ  để bác bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa thế này: “ Nếu Thiên Chúa hiện hữu sẽ không còn sự dữ trên thế giới. Nhưng người ta lại thấy sự dữ tràn ngập, do đó kết luận không thể có Thiên Chúa” ( Thiên Chúa ở TK 21 – Bruno Chenu ).

          Cũng chỉ vì câu kết luận tai hại này mà giờ đây con người không những…Quên Thiên Chúa ( Oublie de L’Etre ) mà còn ra công phỉ báng Ngài !!! Quên mất Thiên Chúa dù rằng Ngài không ngừng hiện hữu ở nơi mỗi người. Cũng vì …quên mất Đấng Chúa ở nơi mình thế nên  con người mới phạm mọi điều gian ác mà không sợ luật nhân quả báo ứng một cách nhãn tiền: “ Vậy nên phải nhận biết rằng  Giehova  ĐCT ngươi, ấy là ĐCT thành tín, giữ sự Giao Ước và nhân từ  đến ngàn đời cho những ai yêu mến, vâng giữ các giới răn  Ngài  và sẽ báo ứng nhãn tiền cho những kẻ ghét Ngài mà hủy diệt chúng nó đi” ( Đnl 7, 9 -10 ).

          Thiên hạ ngày nay vì đã “Quên” Thiên Chúa thế nên không cách chi tránh khỏi các tai  ương  họa hoạn  giáng xuống ngày  càng  dồn dập nhưng hầu như chưa hề  tỉnh ngộ !!!

          Tất cả hạnh phúc hay khổ đau ở đời  đều hệ tại ở hai việc Nhớ và Quên. Người con có nhớ đến công ơn dưỡng dục của mẹ cha  mới có thể tận tình báo hiếu. Ta có nhớ việc lành người làm cho mình thì mới có thể làm lành cho người. Cái sự Nhớ, Quên đối với Thiên Chúa cũng vậy. Chúa đã sinh ra ta trong Ơn Thánh, cho ta được làm người lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người hầu giải thoát ta thoát khỏi sự trói buộc của Sa Tan bằng giá máu của Người: “ Ấy vậy Cha thương yêu Ta  vì ta bỏ mạng sống Ta để lấy lại. Chẳng ai có thể cất mạng sống Ta nhưng Ta tự bỏ. Ta có quyền bỏ đi  cũng có quyền lấy lại, mạng lịnh ấy Ta đã nhận lãnh ở nơi Cha Ta” ( Ga 10, 17 -18 ).

          Chúa Giê Su đòi buộc lòng yêu mến  có nghĩa là Nhớ đến Chúa thì có Chúa…ở cùng. Có Chúa ở cùng thì Ngài sẽ giải thoát ta khỏi vòng trói buộc của Sa Tan. Từ  thuở đời đời nó là tên lừa dối khiến nguyên tổ phải lâm vòng khốn quẫn, bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng: “ Con rồng lớn bị quăng xuống tức là con rắn xưa gọi là Sa Tan, đứa lừa dối vả và thiên hạ” ( Kh 12, 9 ).

          Chúa truyền dạy chị Consolata Con Đường Nhỏ Yêu Mến bằng câu Tác Động “ Giê Su Maria  lòng con yêu mến xin cứu các linh hồn”.  Đây quả thật là phương pháp cầu nguyện vừa dễ dàng vửa bảo đảm chắc chắn dành cho thời cuối của Ơn Cứu Độ khi đức tin hầu như đã mất: “ Vậy Thiên Chúa há chẳng thân oan  cho tuyển dân Ngài là kẻ đêm ngày kêu cầu Ngài, dẫu Ngài  đã nín nhịn họ khá lâu rồi ư ? Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ kíp thân oan cho họ. Dầu vậy khi Con Người đến há tìm được đức tin trên mặt đất này chăng ? ( Lc 18,  7 -8 )

          Lời dạy của Chúa Giê Su chỉ sinh ích cho những ai kiên tâm thực hành. Dẫu  đức tin còn yếu kém, dẫu lòng yêu mến Chúa chưa được đáp ứng nhưng nếu cứ bền đỗ cũng sẽ được cứu: “ Song ai bền đỗ đến cùng thì người ấy sẽ được cứu” ( Mt 10, 22 )./.

Phùng  Văn  Hóa 

.

 

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts