Thượng Hội Đồng Giám Mục Về Gia Đình đã bước sang tuần lễ thứ hai và ngày càng bộc lộ sự bất đồng gay gắt giữa các nghị phụ xoay quanh đề tài = Có thể cho phép người ly dị tái hôn được rước lễ hay không. Nguyên nhân sâu xa đưa đến sự bất đồng ấy là vì nó có liên hệ đến một vấn đề nghiêm trọng khác đó là việc đi theo Chúa Giê Su. Đức tgm Charles Chaput phát biểu “ Chúng ta đều cảm nhận được sự tiến thoái lưỡng nan của những người tốt đã ly dị và tái hôn dân sự nhưng muốn có sự an ủi của bí tích Thánh Thể và cả những người khác đang đối mặt với những hấp lực đồng giới. Không ai có thể phủ nhận những khó khăn mà những người này đôi khi phải đối mặt. nhưng chúng ta cần Tin Mừng để hướng dẫn trong lý luận của mình. Vấn đề trọng tâm là: chúng ta và họ muốn đón nhận Chúa Giê Su Ki Tô trên các điều kiện của Ngài hoặc trên nguyên tắc chúng ta không thể chấp nhận cảm giác khó chịu, đau khổ và cả sự tử đạo nữa thì chúng ta không thể là môn đệ Ngài. Chúng ta không thể viết lại hoặc bỏ qua những gì Chúa Giê Su đòi hỏi để theo Ngài” ( Nguồn Vietcatholic News – 16/10/2015 – Đức tgm Charles Chaput nói không thể theo Chúa nửa vời).
Đức tgm Charles Chaput nói cần Tin Mừng để hướng dẫn trong lý luận của mình, điều ấy rất chính xác. Tuy nhiên chúng ta biết phải y cứ vào Tin Mừng nào để được hướng dẫn ? Sở dĩ cần đặt vấn đề như thế bởi vì hiện nay người ta đang theo đuổi một thứ Tin Mừng…khác không phải Tin Mừng của Đức Ki Tô. Chính vì có cái gọi là Tin Mừng…khác ấy mà đã có nghị phụ cay đắng đặt đề nghị của hồng y Walter Kasper đối lập triệt để với giáo huấn của Chúa Giê Su đã truyền lại cho Giáo Hội qua cụm từ “ Con đường của Chúa Giê Su hoặc con đường của Walter Kasper” ( Nguồn Vietcatholic News – 18/10/2015. Tóm lược các diễn biến THĐ Giám Mục Về Gia Đình tuần thứ hai).
Chính vì theo đuổi một thứ Tin Mừng …khác nên Walter Kasper và một số nghị phụ tái khẳng định rằng Giáo Hội không loại trừ một ai và Chúa Ki Tô không đến để chữa người lành nhưng là người bệnh vì thế những người ly dị tái hôn cần được tháp tùng yêu thương và tha thứ vì họ là thành phần của Giáo Hội và chi thể của Chúa Ki Tô vì thế hậu quả dĩ nhiên là họ có thể lãnh nhận Thánh Thể” ( Nguồn Đạo Binh Đức Mẹ – 19/10/2015 – THĐ Giám Mục và vấn đề những người ly dị tái hôn)
Cho rằng những người ly dị tái hôn vẫn là chi thể của Chúa Ki Tô là không đúng. Tại sao ? Bởi hễ là chi thể thì phải gắn liền với thân. Không gắn với thân thì không còn là chi thể và cũng không thể sống “ Ta là cây nho các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều. Vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta thì bị ném ra như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi” ( Ga 15, 5 -6).
Những người ly dị dù bất cứ vì lý do gì thì họ cũng đã vi phạm luật Chúa “ Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không thể phân ly” ( Mt 19, 6).Người Công giáo ly dị rồi lại tái hôn theo luật dân sự thì tội càng chồng chất bởi theo Đức Ki Tô người ấy đã phạm tội ngoại tình “ Còn Ta nói cùng các ngươi hễ ai bỏ vợ không vì cớ gian dâm mà cưới người khác thì phạm tội ngoại tình. Còn hễ ai cưới người bị bỏ ấy thì cũng phạm tội ngoại tình” ( Mt 19, 9).
Luật của Chúa là luật tâm linh không thể tuỳ tiện thay đổi như luật luân lý. Đức tgm Charles Chaput nói chúng ta không thể viết lại hoặc bỏ qua những gì Chúa Giê Su đòi hỏi để theo Ngài. Cho phép người ly dị tái hôn được rước lễ chính là đã bỏ qua, đã viết lại luật Chúa và như thế thì không thể theo Chúa Giê Su. Tại sao ? Bởi theo Chúa thì phải có điều kiện “ Đang khi đi đường có kẻ thưa với Ngài rằng = Không cứ Ngài đi đâu tôi sẽ theo đó. Chúa Giê Su đáp = Con cáo có hang, chim trời có tổ. Song Con Người không có chỗ gối đầu. Ngài phán cùng kẻ khác rằng =Hãy theo Ta, kẻ ấy nói = Thưa Chúa xin cho tôi về chôn cất cha tôi trước đã. Nhưng Ngài phán = Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn ngươi hãy đi rao giảng Nước ĐCT. Kẻ khác lại nói = Thưa Chúa tôi sẽ theo Chúa song xin cho tôi về từ giã người nhà trước đã. Nhưng Chúa Giê Su phán = Không ai đã tra tay cầm cày còn ngó lại đàng sau mà lại xứng với Nước ĐCT” (Lc 9, 57 – 62).
Có người muốn theo Chúa nhưng bị từ chối bởi vì Ngài biết hạng người ấy không thể theo. Ngược lại có những người Chúa muốn kêu gọi thì họ lại đưa ra những điều kiện nọ kia vì thế cũng không thể theo. Những kẻ theo Chúa thì phải giống như người đã tra tay cầm cày không được ngoái lại đằng sau có nghĩa không được quyến luyến thế tục. Bao lâu còn coi những tình cảm thế gian là trọng thì không thể theo Chúa bởi chưng đạo của Đức Ki Tô là đạo xuất thế, đạo giải thoát.
Thượng Hội Đồng về Gia Đình hiện nay ngày càng có sự chia rẽ bất đồng là bởi phía kia thì theo con đường Tục Hoá phía này thì theo con đường Xuất Thế. Chủ trương Tục Hoá tức là đã phản bội Tin Mừng của Đức Ki Tô để đi theo một thứ Tin Mừng khác “ Tôi lấy làm lạ cho anh em sao lại vội lìa khỏi Đấng đã kêu gọi anh em bởi ân sủng của Đức Ki Tô mà theo Tin Mừng khác. Nhưng không có Tin Mừng khác đâu. Chẳng qua là có mấy kẻ quấy rối anh em, muốn cải cách Tin Mừng của Đức Ki Tô đó thôi. Nhưng dẫu chúng tôi hoặc thiên sứ từ trời xuống rao giảng cho anh em một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh em thì người ấy đáng bị nguyền rủa” ( Gal 1, 6 -8).
Như đức tgm Charles Chaput nói cần có Tin Mừng để hướng dẫn thì Tin Mừng ấy chỉ có thể là Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nước Trời mầu nhiệm nội tại “ Người Pharisi hỏi Chúa Giê Su về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp = Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không thể nói = đây này hay đó kia vì này Nước ĐCT ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21). Không thể nói đây này đó kia bởi vì Nước Trời là nước siêu việt cả không gian lẫn thời gian. Mặc dầu Nước Trời là nước siêu việt không thời gian như thế nhưng mầu nhiệm thay nước ấy lại hiện hữu ngay tại nơi cung lòng mỗi người. Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng Nước Trời đồng thời đưa ra hai điều kiện hầu có thể thể nhập nước ấy “ Thời đã mãn Nước ĐCT đã gần, các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15).
Nước ĐCT đến gần có nghĩa nước ấy được cho biết là đã hiện hữu ngay ở nơi mỗi người chỉ cần có lòng tin và sự ăn năn sám hối thì tất sẽ gặp. Lịch sử Giáo Hội từ hai ngàn năm qua cho thấy đã có biết bao con người đã được cứu rỗi đã nên được Thánh, nhờ tin theo Tin Mừng của Đức Ki Tô cùng với lòng ăn năn sám hối tội lỗi mình. Tuy rằng như thế nhưng để có được lòng tin vào Tin Mừng với lòng sám hối là điều không thể nếu không nương vào ba trụ cột sau đây. Một là sự vâng phục đối với quyền bính của vị giáo chủ hai là Bí Tích Thánh Thể và ba là Đức Nữ Trinh Maria.
I/- Vâng phục quyền bính giáo chủ.
Trước khi về trời Chúa Ki Tô Phục Sinh đã truyền dạy cho các Tông Đồ “ Vậy hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đệ Ta, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần và dạy họ tuân giữ hết mọi điều Ta đã truyền cho các ngươi. Và này Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 19 -20)
Để thực hiện lời hứa “Ở Cùng” này thì tất nhiên cần phải có Giáo Hội và như thế Giáo Hội chính là nơi mà Đức Ki Tô tiếp tục sứ mạng của Ngài. Giáo Hội xét về mặt trần thế cũng chỉ là một tổ chức như bao tổ chức khác nghĩa là có cơ cấu có thể chế. Tuy nhiên khác với mọi tổ chức Giáo Hội còn mang nơi mình sứ mạng tâm linh cao cả. Chính vì sứ mạng ấy mà Đức Ki Tô chỉ chọn người lãnh đạo Giáo Hội sau ba lần chất vấn về lòng yêu mến, Lần thứ ba Chúa gạn hỏi “ Si Mon con Giona ngươi có kính mến Ta chăng ? Phe Ro buồn rầu vì Ngài hỏi mình lần thứ ba rằng ngươi có kính mến ta chăng. Người bèn đáp = Thưa Chúa, Chúa biết mọi sự Chúa biết rằng con kính mến Chúa. Chúa Giê Su phán = Hãy nuôi nấng chiên Ta” ( Ga 21 -117),
Chúa đã chọn Phê Rô làm đầu Hội Thánh sau ba lần gạn hỏi về lòng yêu mến. Điều ấy cho thấy sứ mạng mà Phê Rô đảm trách sẽ vô cùng cam go mà chỉ có lòng trung thành trong tình yêu mến Chúa mới vượt qua nổi. Chúa trao trách nhiệm đồng thời cũng trao trọn quyền bính. Sau lời tuyên xưng của Phê Rô Chúa nói “ Si Mon con Gio Na ngươi thật có phước, đó chẳng phải thịt và huyết bày tỏ điều ấy cho ngươi bèn là Cha Ta ở trên trời vậy. Còn Ta lại bảo ngươi rằng ngươi là Phê Rô Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này cửa Hoả Ngục cũng chẳng thể thắng được nó. Ta sẽ giao chìa khoá Nước Trời cho ngươi. Điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 16 -19)
Tại sao Chúa thiết lập Giáo Hội và lại trao quyền bính tối thượng cho cá nhân Phê Rô thay vì tập thể các Tông đồ ? Đó là vì chỉ như thế Chúa mới có thể thực hiện được tính chất “Ở Cùng” của Ngài. Giáo Hội dưới con mắt thế gian cũng chỉ là tổ chức như bao tổ chức khác. Thế nhưng thực chất đây chính là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô “ Ta là cây nho các ngươi là ngành. Ai cứ ở trong Ta và ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều. Vì ngoài Ta các ngươi không thể làm gì được.” ( Ga 15, 5). Chúa là thân còn chúng ta là các chi thể. Đã là chi thì phải gắn với thân mới có sự sống, trái lại sẽ chết. Cũng vậy toàn thể các tín hữu bất luận là giáo sĩ hay giáo dân cũng cần có sự kết hợp với vị đứng đầu Giáo Hội bởi vì ngài là đại diện của đức Ki Tô ở nơi trần gian này. Có nhiều cách thế kết hợp nhưng trước hết phải là sự vâng phục trong sự tin yêu chân thành. Tin và yêu ở đây không phải là với một con người trần tục nhưng là với Chúa Giê Su Đấng Chăn Chiên Lành đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên “ Ta là người chăn tốt Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha vậy. Ta vì chiên Ta mà bỏ mạng sống mình” ( Ga 10, 14). Chúa đã bỏ mạng sống mình để trở nên một thứ lương thực nuôi dưỡng đoàn chiên đó là Bí Tích Thánh Thể.
II/- Bí Tích Thánh Thể
Chúa Giê Su luôn đòi hỏi con người phải có lòng tin nơi Ngài. Tuy nhiên lòng tin ấy đặc biệt khó khăn khi Ngài nói mình là Bánh Hằng Sống“ Quả thật quả thật Ta nói cùng các ngươi. Ai tin Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh của sự sống. Tổ phụ các ngươi ăn Manna trong đồng vắng rồi cũng chết. đây là bánh từ trời xuống hầu cho ai ăn đến thì chẳng phải chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. nếu ai ăn bánh ấy thì sẽ sống đời đời. Còn bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian ấy là thịt Ta” ( Ga 6, 47 -51).
Chúa nói những lời này khi Ngài còn sống bằng thân xác nên người Do Thái không có cách chi hiểu được “ Bởi đó người Do Thái tranh luận với nhau rằng “ Người này lấy thịt mình cho chúng ta ăn thế nào được ?” ( Ga 6, 52). Chẳng những quần chúng không tin mà ngay cả một số môn đệ cũng vậy. Họ lẩm bẩm nói = Lời này khó ai có thể nghe được….và họ đã bỏ Ngài mà đi. Lúc ấy Chúa Giê Su quay qua các môn đệ khác hỏi = Còn các ngươi cũng muốn bỏ đi ư ? Si Mon Phê Rô đáp = Thưa Chúa chúng tôi biết đi đến cùng ai. Chúa có lời ban sự sống đời đời” ( Ga 6, 60 -69).
Khi nói lên quyết tâm ở lại này có thể là Phê Rô vẫn chưa tin vào điều rất khó tin ấy. Thế nhưng cũng vì lòng yêu mến, ngài vẫn ở lại với Chúa Giê Su và chính sự …ở lại đó mà đã khiến cho Phê Rô trở thành trụ cột của Giáo Hội sau này. Chúng ta vẫn coi việc Rước lễ là Hiệp Lễ nghĩa là …ở lại trong Chúa Giê Su Thánh Thể. Để cho việc Hiệp lễ thực sự có ơn ích thì chúng ta cần phải sống trong tình trạng Ơn Thánh có nghĩa …không mang tội trọng nơi mình. Người ly dị tái hôn mà cứ lên Rước lễ theo cái lối ….lương tâm mình cho là tốt ấy thì sẽ phạm sự Thánh. Chúa Giê Su nói với Thánh Gridget = Trên trần gian này không có một hình phạt nào tương xứng để trừng trị tội ấy”
Lý do khiến tội phạm Thánh ra nặng nề như vậy bởi như lời Thánh Cyril nói = Những kẻ rước lễ phạm sự Thánh đón rước cả Sa Tan và Chúa Giê Su vào lòng họ. Sa Tan họ rước vào để cai trị còn Chúa Giê Su Ki Tô thì họ bắt Người phải hy sinh như một của lễ cho Sa Tan” ( Lm Stefano Manelli – OFM conv. Yêu mến Chúa Giê Su Thánh Thể). Người ly dị tái hôn tức mang trọng tội nơi mình. Muốn hết tội thì chỉ có cách là phải chấm dứt ngay sự sống chung lỗi luật Chúa ấy đồng thời thực tình ăn năn thống hối tội lỗi mình. Linh hồn là vô giá “ Được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ? “ ( Mt 16, 26) Dứt bỏ đam mê xác thịt tuy là điều rất khó nhưng nếu biết cậy dựa vào Đức Maria thì lại không khó.
III/- Đức Nữ Trinh Maria
Thời điểm hiện nay được cho là thời của Đức Maria bởi đó mà chúng ta thấy có hiện tượng người ta tuốn đến các địa điểm hành hương kính viếng Đức Mẹ như Lộ Đức, Phatima, Mễ Du, La Vang Tà Pao v.v…Lý do thì chắc ai cũng rõ đó là vì ở đó các tín hữu đã nhận lãnh được nhiều phúc lành nhưng nhất là được ơn hoán cải. Mặt khác được gọi là Thời Điểm Maria bởi vì đây là thời mà Đức Mẹ đến để sửa soạn cho lần đến thứ hai của Chúa Cứu Thế như lòng mong mỏi của Hội Thánh. Chúa Giê Su đến với nhân loại lần thứ nhất qua Mẹ Maria thì lần đến thứ hai này cũng vậy cũng qua Mẹ Maria.
Để sửa soạn cho lần đến thứ hai này Đức Mẹ đã thân hành hiện ra nhiều lần và trong tất cả những lần hiện ra ấy Ngài đều đưa ra những lời cảnh báo rất đáng để chúng ta phải suy ngẫm đó là sự mất đức tin của Giáo Hội. Thật sự thì những cảnh báo của Đức Mẹ hoàn toàn không có gì khác với những điều mà Đức Ki Tô và các Thánh Tông Đồ đã báo trước. Cũng vì mất đức tin mà Thánh Thể ( Thánh lễ ) đã được mô tả như thể “ chủ Yếu” là một cuộc tụ tập có tính xã hội, đây là lý do ….tại sao ai cũng được mời” ( Nguồn Vietcatholic – 16/10/2015 – Vũ Văn An – Truyện bên lề THĐ).
Cũng vì mất đức tin mà người ta đã cho phép rước lễ chỉ cần dựa trên lương tâm của mình. Đức tgm Cupich nhấn mạnh tới tính tối thượng của lương tâm cá nhân khi quyết định có nên rước lễ hay không. Ngài cho hay ngài thường đi thăm những người bị hất hủi ở Chicago trong đó người ly dị và tái hôn cũng như người đồng tính. Ngài bảo chúng ta phải tìm cách biết cuộc sống họ ra sao nếu ta muốn đồng hành với họ. Tôi luôn muốn giúp người ta theo chiều hướng này. Và rồi người ta tiến tới một quyết định với một lương tâm tốt thì việc của chúng ta cùng với GH là giúp họ tiến tới và tôn trọng điều đó. Lương tâm là điều bất khả vi phạm và ta phải tôn trọng khi họ đưa ra các quyết định, tôi luôn làm điều ấy” ( Nguồn Vietcatholic 21/10/2015 – Vũ Văn An – Đức tgm Cupich và vấn đề lương tâm).
Nếu bảo rằng chỉ cần theo quyết định của lương tâm thì cần gì phải theo Chúa Giê Su nữa ? Đang khi đó theo Chúa vừa là một mệnh lệnh vừa là một Ơn Gọi của người Công Giáo “ Chỉ có một thân thể một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được kêu gọi đến một hy vọng một Chúa một đức tin một Phép Rửa một ĐCT là Cha mọi người. Ngài vượt trên mọi người suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Eph 4, 4 -6).
Chỉ có một đức tin đó là tin vào con đường ( Mạc Khải ) của Đức Ki Tô cũng như chỉ có một Thân Thể là Thân Mầu Nhiệm tức Giáo Hội Công Giáo Duy Nhất Thánh Thiện Tông Truyền. Duy chỉ có con đường của Đức Ki Tô mới đem chúng ta đến sự thật cũng là Đấng Cha nôi tại trong mọi người. Con đường của Chúa Giê Su là con đường Sự Thật nhưng để có được Sự Thật ấy thì phải qua Đức Maria bởi vì cũng chỉ qua Đức Maria chúng ta mới có thể thực hiện được những điều mà Chúa muốn ở nơi ta. Trong tiệc cưới tại Ca Na Đức Mẹ nói với những người giúp việc “ Người bảo gì thì các anh cứ làm theo” ( Ga 2, 5).
Phùng Văn Hoá