Kinh Thánh là sách chứa đựng các Giao Ước. KT Cựu Ước là Giao Ước Cũ, còn KT Tân Ước là Giao Ước Mới. Thế nhưng, điều tưởng như hết sức minh nhiên ấy lại đã trở thành những mối bất đồng sâu sắc giữa các trường phái thần học khi người ta đưa ra những định nghĩa khác nhau về nội dung cuốn sách này:
Mặt khác, Kinh Thánh vốn được cho là lời mạc khải của Thiên Chúa ( Dei Verbum ), tức Thiên Chúa là tác giả duy nhất, thế nhưng ngày nay, với phương pháp Phê Bình Lịch sử lại cho thấy Kinh Thánh là tuyển tập các tác phẩm. Các tác phẩm này, nhất là đối với Cựu Ước lại không phải là thành quả sáng tạo của một tác giả độc nhất nhưng đã có cả một tiền sử dài, liên kết mật thiết với lịch sử của Itsraen và với lịch sử của Hội Thánh tiên khởi” ( Việc Giải Thích KT trong Hội Thánh ).
Qua đánh giá này cho thấy, Thiên Chúa không phải tác giả của Kinh Thánh tức không còn là…Lời của Thiên Chúa nhưng là lời của con người. Bởi đó Khoa Tu Từ Học cho rằng Kinh Thánh không chỉ là phát biểu thuần túy những chân lý, đó là một sứ điệp có sẵn nơi mình một chức năng thông truyến trong một bối cảnh cụ thể cụ thể nào đó, một sứ điệp mang theo mình một sức mạnh lập luận và một chiến lược Tu Từ Học nào đó” ( Sđd ).
Bởi Kinh Thánh chỉ là những phát biểu thuần túy cho những bối cảnh lịch sử cụ thể, thế nên theo Thần Học Giải Phóng, cần phải mang đến chiều kích cộng đoàn của đức tin, nhu cầu cấp bách cần có một praxis giải phóng đặt căn bản chắc chắn trên công bình và bác ái. Cần đọc lại Kinh Thánh cách mới mẻ để tìm cách làm cho Lời Thiên Chúa nên ánh sáng và lương thực cho Dân Thiên Chúa giữa những đấu tranh và những hy vọng” ( Sđd ).
Phải đọc lại… cách mới mẻ và với cách đọc này, người ta đã hoàn toàn chối bỏ các giá trị của Kinh Thánh bởi cho rằng sách ấy là của…đàn ông, không hề bênh vực cho quyền của phụ nữ: “ Hình thức triệt để ( Radical ) chối bỏ mọi thế giá của Kinh Thánh vì chủ trương rằng Kinh Thánh chỉ do đàn ông sản xuất nhằm duy trì sự thống trị của đàn ông đối với phụ nữ” ( Sđd ).
Từ chỗ cho Thiên Chúa là tác giả Kinh Thánh, nay lại cho là của …đàn ông viết ra cốt để thống trị phụ nữ. Quả thật, thần học đã có một …bước thụt lùi hết sức tệ hại mà nguyên nhân chỉ là do đã chẳng hiểu gì về nội dung Kinh Thánh chính là các Giao Ước.
Giao Ước hay còn gọi là Hợp Đồng giữa hai bên để thỏa thuận về một công việc nào đó. Hợp Đồng này do Thiên Chúa chủ động ký kết với tổ phụ Apraham: “ Ta sẽ lập Giao Ước cùng ngươi và cùng hậu tự ngươi trải qua các đời. Ấy là Giao Ước đời đời, hầu cho Ta làm ĐCT của ngươi và của dòng dõi ngươi. Ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi xứ mà ngươi đang kiều ngụ tức toàn xứ Canaan làm cơ nghiệp đời đời. Vậy Ta sẽ làm ĐCT của họ” ( St 17, 7 -8 ).
Người ta khi làm bất cứ công việc nào muốn cho có kết quả thì cần phải biết đến mục đích của việc làm đó. Đối với Thiên Chúa cũng vậy, khi ký kết Giao Ước với tổ phụ, Ngài cũng đề ra mục đích đó chính là để làm “ ĐCT ngươi và của dòng giống ngươi”.
Mục đích của việc “ Làm ĐCT ngươi và dòng giống ngươi” tức để cho Thiên Chúa làm chủ trị đời sống của Dân Người. Nói như thế có nghĩa trước đây khi chưa thuộc về Dân Thiên Chúa thì con người vẫn còn ở trong vòng trói buộc của các thế lực sự dữ.
Thế lực sự dữ đây chính là Pharaon, vua Ai Cập và để cứu Dân Người thoát khỏi ách nô lệ của thế lực ấy. Đức Chúa đã chọn Moise làm thủ lãnh cuộc Vượt Qua. “ ĐCT lại phán cùng Moise rằng Ta là Đức Giehova, Ta sẽ hiện ra cùng Apraham cùng Isaia cùng Gia Cop tỏ mình là ĐCT Toàn Năng. Song về Danh Ta là Giehova thì ta chưa hề tỏ cho họ biết. Ta cũng có lập Giao Ước cùng họ để ban xứ Canaan cho là xứ họ đã kiều ngụ như khách ngoại bang. Ta cũng có nghe lời than thở của dân Itsraen bị người Edipto bắt làm tôi mọi, bèn nhớ lại lời Giao Ước của Ta. Vậy nên, ngươi hãy nói cùng dân Itsraen rằng: Ta là Đức Giehova, sẽ rút các ngươi khỏi gánh nặng mà người Edipto đã gán cho cùng giải thoát khỏi vòng tôi mọi. Ta sẽ giơ thẳng tay ra, dùng sự đoán phạt nặng mà chuộc các ngươi. Ta sẽ nhận các ngươi làm Dân Ta và Ta sẽ làm ĐCT của các ngươi” ( Xh 6, 2 -7 ).
Sứ mạng dẫn đưa Dân Chúa ra khỏi đất Ai cập vô cùng cam go chẳng những do tham vọng của Pharaon muốn giữ ở lại mãi trong vòng nô lệ mà còn bị chính người Do Thái chống đối khi họ bị quân lính truy nã: “ Thấy dân Edipto đuổi theo, họ bèn lấy làm hãi hùng kêu van Đức Giehova, chúng lại nói cùng Moise rằng: Xứ Edipto há chẳng có nơi mộ phần, nên nỗi người mới dẫn chúng tôi vào nơi đồng vắng này đặng chết sao ? Người đưa chúng tôi ra khỏi xứ Edipto để làm chi ? Chúng tôi ha chẳng có nói cùng người tại xứ Edipto vì thà rằng phục dịch họ còn hơn phải chết nơi đồng vắng” ( Xh 14, 10 -12 ).
Trước cái chết, con người ai cũng sợ, thà làm thân nô lệ còn hơn là phải chết. Trước tình cảnh dân chúng sợ hãi như thế, Moise đã trấn an: “ Chớ sợ chi, hãy ở đó rồi ngày hôm nay sẽ có sự giải cứu. Đức Giehova làm cho các ngươi và người Edipto mà các ngươi thấy ngày nay thì chẳng bao giờ còn nhìn thấy nữa” ( Xh 14, 13 ).
Con người là loài mang thân xác, thế nên nó không thể tránh khỏi những nỗi sợ hãi: Đói khát, bệnh tật, ốm đau và cái chết. Thế nhưng Thiên Chúa thấu biết những nhu cầu ấy và Người luôn đáp ứng khi có lời khẩn cầu. Họ đói khát, Người ban Manna, chim cút và cả biến nước đắng thành nước ngọt cho uống v.v…
Thiên Chúa đáp ứng những nhu cầu của con người trong Cuộc Vượt Qua đầy thử thách khi họ kêu xin nhưng luôn kèm theo đó là những điều kiện: “ Đức Chúa nói với Moise trước khi trao Mười Điều Răn khi người ở trên núi Si Nai: “ Các ngươi đã thấy điều Ta đã làm cho người Edipto. Ta chở các ngươi trên cánh chim ưng làm sao và dẫn các ngươi đến cùng Ta thế nào. Vậy bây giờ, nếu các ngươi vâng lời Ta và giữ sự Giao Ước Ta thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về Ta vì cả thế gian này đều thuộc về Ta. Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ cùng một Dân Tộc Thánh cho Ta” ( Xh 19, 4 -6 ).
Như đã biết, Giao Ước luôn có điều kiện, nếu thực hiện đầy đủ những điều kiện đó thì dân Do Thái sẽ thành một Dân Thánh dành cho Thiên Chúa. Thế nhưng sự thực lại không như vậy. Sau khi vào được đất Canaan, dân Do Thái đã phản nghịch cùng Thiên Chúa, quay sang thờ lạy các thần ngoại bang:
“ Đức Giehova phán cùng Moise rằng: Kìa ngươi sẽ an giấc với các tổ phụ ngươi. Còn dân sự này sẽ dấy lên và thông dâm cùng các thần khác trong xứ mà họ sẽ vào, bỏ Ta và bội Giao Ước Ta đã lập cùng họ. Trong ngày ấy, cơn thịnh nộ Ta sẽ phừng lên cùng họ. Ta sẽ bỏ họ, giấu mặt Ta đi, khiến họ bị tiêu nuốt, nhiều sự tai vạ và buồn thảm sẽ xông hãm họ” ( Đnl 31, 16 -17 ).
Sau bao gian khổ, thử thách, dân Do Thái đã vào được đất Canaan nhưng đó lại không phải là Đất Hứa. Điều ấy chứng tỏ Đất Hứa thật sự không thể có ở chốn thế gian vô thường, khổ não này: “ Bởi đức tin, Apraham khi được gọi bèn vâng lời ra đi đến chỗ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp. Người ra đi mà không biết mình đi đâu. Bởi đức tin, người kiều ngụ trong xứ đã hứa như trong xứ lạ. Ở trong trại với Isaac và Gia Coip là kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa với mình. Vì người trông đợi một thành có nền tảng mà Đấng kiến trúc và tạo lập thành là ĐCT” ( Dt 11, 8 -10 ).
Đất mà Thiên Chúa Hứa ban chính là Nước Trời mầu nhiệm nội tại do Đức Ki Tô truyền giảng và để có thể…vào được Nước ấy thì nhất định cần có một Giao Ước Mới: “ Chúa phán: Này là Giao Ước Ta lập với họ: Sau những ngày đó Ta sẽ để luật pháp Ta trong lòng họ. Ghi tạc nó vào tâm trí họ” ( Dt 10, 16 ).
“ Sau những ngày đó” tức sau Cuộc Vượt Qua của dân Do Thái từ đất Ai Cập trở về Canaan. Đức Chúa sẽ thiết lập Giao Ước Mới hầu cho Dân người có thể đi sâu vào bản tâm để nhận ra Nước Trời vốn sẵn đủ ở nơi mình.
Cuộc Vượt Qua tuy là một sự kiện lớn lao của dân Do Thái nhưng nhất thiết cần nhận ra nó trong tính chất tâm linh có nghĩa đất Ai Cập dưới sự thống trị của các Pharaon là biểu trưng cho quyền lực sự dữ. Như thế, ý nghĩa của Cuộc Vượt Qua là giải thoát ra khỏi sự trói buộc của tội lỗi để trở về nơi Đất Hứa là nước Thiên Đàng.
Cũng chính vì không nhận ra tính chất tâm linh của Cuộc Vượt Qua ấy nên dân Do Thái xưa kia cũng như con người ngày nay đã căm ghét, chống đối và rồi cuối cùng đã giết chết Chúa Giê Su Ki Tô, Đấng đến để giải thoát họ ?
Dù là Giao Ước cũ hay mới, đó vẫn là một Thiên Chúa Duy Nhất. Ngài vẫn là Thiên Chúa của các tổ phụ Apraham, Isaac và Gia Cop. Ấy Ngài chẳng phải là Thiên Chúa của kẻ chết bèn là Thiên Chúa của kẻ sống, bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 -38 ).
Chúa nói: Ai nấy đều vì Ngài mà sống có nghĩa Thiên Chúa chính là Bản Thể Tình Yêu ở nơi mỗi người ( 1Ga 4, 8 ). Con người không ai được sinh ra và dưỡng nuôi lại không bởi Tình Yêu. Bởi đó cho nên Con Đường Thực Hiện Giao Ước cũng chính là Con Đường Tình Yêu.
Chính Chúa Giê Su cũng đã thực hiện con đường này bằng cách hết lòng vâng phục Thánh ý Chúa Cha: “ Như Cha đã yêu thương Ta thể nào, Ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy. Hãy cứ ở trong sự thương yêu của Ta. Nếu các ngươi tuân giữ các giới răn Ta thì các ngươi ở trong sự thương yêu của Ta cũng như chính Ta đã giữ các điều răn của Cha Ta và ở trong sự thương yêu của Ngài” ( Ga 15, 9 -10 ).
Thiên Chúa là Tình yêu nhưng cũng là Đấng rất mực công thẳng. Ngài cho chúng ta lựa chọn giữa hai con đường: Yêu mến thì được sống, trái lại thì chết: “ Vậy nên phải nhận biết rằng, Giehova ĐCT ngươi ấy là ĐCT thành tín, giữ sự Giao Ước và nhân từ đến ngàn đời cho những ai yêu mến và vâng giữ các giới răn và sẽ báo ứng nhãn tiền cho kẻ nào ghét bỏ Ngài mà hủy diệt chúng đi. Ngài không trì hoãn cùng kẻ nào ghét bỏ Ngài đâu, sẽ báo ứng nhãn tiền cho kẻ đó” ( Đnl 7, 9 -10 ).
Đại dịch Covid 19 đã và đang hoành hành dữ dội trên khắp thế giới. Đó chẳng phải là quả báo nhãn tiền dành cho một nhân loại đã chối từ Tình Yêu của Chúa Giê Su Ki Tô hay sao ?./.
Phùng Văn Hóa