Chủ đề của THĐ Giám Mục lần thứ XVI là hướng tới một Hội Thánh Hiệp Hành, Hiệp Thông, Tham Gia Sứ Vụ. Theo định nghĩa chính thức thì “ Hiệp Hành” tức cùng đi với nhau. Hội Thánh Hiệp Hành là toàn thể Dân Chúa cùng nhau tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, hiệp thông với nhau và tham gia vào sứ mạng của Hội Thánh. Con đường đồng hành này là cách hiệu quả nhất để biểu lộ và thực hành bản chất của Hội Thánh với tư cách là Dân Chúa lữ hành và truyền giáo” ( Nguồn: HĐGM Việt Nam ).
Khác với các THĐ Giám Mục trước đây bao gồm các giám mục dưới quyền của đức giáo hoàng, nhưng lần này đây không chỉ đơn thuần là đại hội của các giám mục mà còn là hành trình dành cho tất cả các tín hữu. Một THĐ Giám Mục không chỉ có các giám mục lại gồm cả các giáo dân ? Đó phải chăng chính là ý nghĩa của “Hiệp Hành” cũng gọi là … Đồng Nghị ?
Nếu hiểu “ Đồng Nghị” tức giáo dân cùng với các giám mục hội họp bình đẳng với nhau để biểu quyết đưa ra một quyết nghị nào đó thì chắc chắn quyết nghị ấy chẳng thể có quan hệ gì đến Con Đường Tâm Linh mà Đức Giê Su Ki Tô đã hoạch định:“ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Tại sao Con Đường Đồng Nghị lại không có quan hệ gì tới Con Đường của Đức Ki Tô ? Bởi vì mục đích của nó là để thực hiện chủ trương Đại Kết của CĐ Vatican II:“ Mở rộng giá trị của CĐ Nice’a cho công cuộc Đại Kết, đức hồng y Kurt Kock, chủ tịch HĐ Tòa Thánh Hiệp Nhất các Ki Tô Hữu nhấn mạnh CĐ Nicea cũng có liên quan lớn về mặt đại kết theo một quan điểm. Nó cung cấp tài liệu về cách thức Giáo Hội giải quyết các vấn đề gây tranh cãi và được thảo luận mang tính công nghị trong một Công Đồng. Trong tiếng Hy Lạp “ Công Nghị Tính” có nghĩa là“ Cùng nhau đi trên một con đường”. Theo nghĩa Ki Tô giáo, từ này biểu thị cuộc hành trình chung của những người tin vào Chúa Giê Su Ki Tô, Đấng đã tự mạc khải mình là “ Con Đường” và chính xác hơn là…đường, sự thật và sự sống ( Ga 14, 6 ). Do đó Ki Tô giáo tiên khởi được gọi là“ Con Đường”và các Ki Tô Hữu, những người theo Đức Ki Tô là Đường được gọi là thuộc về con đường này. Theo nghĩa này Giáo Hội là một tên chỉ, một“ Con Đường Chung” và Công Nghị là đồng nghĩa. Từ Công Nghị Tính cũng cổ xưa và cơ bản như từ “ Giáo Hội” ( Nguồn: Vatican News 25/01/2021 – Ngọc Yến – Cùng Nhau Đi Trên Một Con Đường ).
Với quan niệm Giáo Hội và Đồng Nghị là đồng nghĩa cho thấy có sự khác biệt sâu xa về bản chất của Giáo Hội hiểu như là Dân Riêng Thiên Chúa. Thực vậy, Đạo Chúa từ khởi thủy đã được hình thành bởi các Giao Ước và một trong số đó là Giao Ước Thành lập Dân Riêng:“ Vả, Đức Giehova có phán cùng Apram rằng: Ngươi hãy ra khỏi vòng quê hương vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến Xứ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ thành nguồn phước đức” ( St 12, 1 -2 ).
Giao Ước cũng gọi là Hợp Đồng được ký kết giữa hai bên với những điều kiện kèm theo. Điều kiện thứ nhất cho tổ phụ đó là từ bỏ: “ Hãy ra khỏi quê hương vòng bà con ngươi và nhà cha ngươi…”
Quê hương xứ sở, gia đình là những gì người đời yêu mến, trân quý nhất nhưng để theo đuổi con đường thực hiện tâm linh thì đó lại là những tình cảm trở ngại cho việc siêu xuất thế gian. Bởi vậy Chúa Giê Su nói:“ Ai yêu mến cha hoặc mẹ hơn Ta, không đáng cho Ta. Ai yêu mến con trai, con gái hơn Ta cũng không đáng cho Ta. Ai không vác thập tự giá mình mà theo Ta thì chẳng đáng cho Ta…” ( Mt 10, 57 – 58 ).
Thực hiện Con Đường Tâm Linh thì phải từ bỏ nhưng từ bỏ như thế để…được gì ? Xin thưa cái điều…được ấy lại chỉ là một lời hứa:“ Sẽ đi đến Xứ Ta sẽ chỉ cho”. Ở đây ta thấy Đức Chúa không ban cho nhưng hứa sẽ…chỉ cho và lời hứa này một lần nữa đã được dành cho Gia Cóp con trai Isaac và cháu nội Apraham:“ Giacop từ Bea Seba đi đến Charan, tới một chỗ kia mặt trời đã khuất thì qua đêm tại đó. Người lấy một hòn đá làm gối đầu và nằm ngủ tại đó bèn chiêm bao thấy một cái thang bắc từ dưới đất, đầu đến tận trời. Các thiên sứ của Đức Chúa đi lên, xuống trên thang đó. ..
…Này Đức Giehova ngự trên đầu thang mà phán rằng: Ta là Giehova ĐCT của Apraham tổ phụ ngươi cùng là ĐCT của Isaac,Ta sẽ cho ngươi và dòng dõi ngươi Đất mà ngươi đương nằm ngủ đây. Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát bụi trên mặt đất, tràn ra đến đông, tây, nam, bắc và các chi họ thế gian sẽ nhờ ngươi và dòng dõi ngươi mà được phước. Này Ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu Ta sẽ theo gìn giữ đó và đem ngươi về Xứ này vì ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi Ta làm xong những điều Ta đã hứa cùng ngươi…
…Giacop thức giấc nói rằng: Thật Đức Giehova hiện có trong nơi đây mà tôi không biết. người bắt sợ và nói rằng: Chốn này đáng kinh khủng thay. Đây thật là đền ĐCT, thật là cửa trời” ( St 28, 10 -17 ).
Khi thức giấc, Giacop nói:“ Thật Đức Giehova hiện có trong nơi đây mà tôi không biết “ Cái nơi đây” ấy chính là Bản Tâm mỗi người dù thuộc Do Thái Giáo hay ngoại giáo và đây cũng là đích để trở về của Con Đường Tâm Linh.
Như đã biết, Đức Chúa không ban cho nhưng hứa sẽ…chỉ cho và việc này thật vô cùng quan hệ. Lý do bởi vì việc…chỉ cho ấy cũng chính là mạc khải của Cựu Ước về Đấng Thiên Chúa Ẩn Giấu ( Deus Abconsditus – IS 45, 15 ). Còn trong Tân Ước là mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha:“ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
Mạc Khải nghĩa của nó là vén tấm màn ( Mạc ) lên để chỉ ( Khải ) cho thấy cái điều còn ẩn giấu phía sau. Để có thể nhận ra điều còn ẩn giấu ấy, Cựu Ước diễn tả nó một cách đầy hình tượng bằng Cuộc Vượt Qua của Dân Chúa từ đất nô lệ Ai Cập về miền Đất Hứa Canaan.
Người Do Thái sau thời gian dài ( 430 năm ) làm nô lệ khổ cực trên đất Ai Cập và Đức Chúa muốn cứu thoát dân ấy nên đã truyền cho Moise:“ Vậy nên ngươi hãy nói cho dân Itsraen rằng: Ta là Đức Giehova sẽ rút các ngươi khỏi gánh nặng mà người Edipto đã gán cho, cùng giải thoát khỏi vòng tôi mọi. Ta sẽ giơ thẳng tay ra dùng sự đoán phạt nặng mà chuộc các ngươi. Ta sẽ nhận các ngươi làm Dân Ta và Ta sẽ làm ĐCT của các ngươi. Các ngươi sẽ biết Ta là ĐCT các ngươi, đã rút các ngươi khỏi gánh nặng của người Edipto, Ta sẽ dắt các ngươi vào Xứ Ta đã thề ban cho Apraham, cho Isaac cho Giacop để cho các ngươi Xứ đó làm cơ nghiệp” ( Xh 6, 6 -8 ).
Đức Chúa nói với Moise, người được chọn làm thủ lãnh Cuộc Vượt Qua rằng Ngài sẽ chuộc Dân Ngài ra khỏi đất nô lệ Ai Cập. Chữ “ Chuộc” ở đây ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi lẽ người ta chỉ…chuộc lại cái chi rất quý giá mình đã bị mất chứ nếu nó không giá trị thì đâu có ai chuộc lại làm gì ?
Con người được tạo dựng nên là Hình Ảnh Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ). Thế nhưng phẩm giá cao quý ấy bởi vô minh ( Tội Nguyên Tổ ) che lấp nên không ai nhận ra điều ấy. Giờ đây Đức Chúa đã chọn Itsraen làm Dân Riêng hầu cho họ có thể nhận ra phẩm giá cao quý Con Thiên Chúa mà họ đã…quên chứ chẳng phải điều chi khác.
Dẫu đúng là như thế, nhưng nếu Chúa nói ra mục đích là để nhận ra phẩm giá cao quý ấy ở nơi mỗi người thì người ta chẳng ai ham chuộng, tìm kiếm làm gì ? Vì vậy, Ngài mới nói là sẽ đem Dân Người trở về một xứ sở “ Đượm Sữa và Mật” là miền Canaan để họ sinh sống đời đời ở đó.
Thật sự thì ở nơi gian trần này không hề có một nơi nào “ Đượm Sữa Và Mật”. Ngay cái miền Canaan mà dân Do Thái chiếm được sau Cuộc Vượt Qua cũng vẫn chỉ là miền đất của các thổ dân như Amorit, Hetit, Giebusit, Phesit….Phần khác, Canaan là xứ sở đã trải qua bao phen đói kém, không còn đồng cỏ cho súc vật ăn ( St 47, 4 ).
Dù rằng Canaan không phải là miền đất…Đượm Sữa Và Mật nhưng dân Do Thái vẫn cứ ra đi trong một cuộc đào thoát nguy hiểm do đã chứng kiến nhiều phép lạ cả thể Đức Chúa đã làm cho họ bằng cách đổ nhiều tai vạ xuống cho Pharaon và thần dân của ông ta. Tuy nhiên dân Do Thái vì chịu quá nhiều gian truân đói khổ nên đã buông lời oán trách Moise:
“ Vả khi Pharaon đến gần, dân Itsraen ngước mắt lên thấy dân Edipto đuổi theo bèn lấy làm hãi hùng, kêu van Đức Giehova. Chúng lại nói cùng Moise rằng: Xứ Edipto há chẳng có nơi mộ phần nên nỗi người mới dẫn chúng tôi vào đồng vắng đặng chết sao ? Người đem chúng tôi ra khỏi xứ Edipto để làm chi ? Chúng tôi há chẳng có nói cùng người tại xứ Edipto rằng cứ để mặc chúng tôi phục dịch dân nước ấy vì thà rằng phục dịch họ còn hơn phải chết nơi đồng vắng này !!!” ( Xh 14, 10 -12 ).
Trong cuộc Vượt Qua dài đằng đẵng suốt bốn mươi năm trong sa mạc, đầy dẫy hiểm nguy và chết chóc, dân Do Thái đã hòng chán nản, muốn nổi loạn đến nỗi Đức Chúa cũng nổi cơn thịnh nộ muốn tiêu diệt họ và Moise đã phải lên tiếng kêu van:“ Lạy Đức Chúa Giehova sao nổi cơn thạnh nộ cùng Dân Ngài là Dân mà Ngài đã dùng quyền lực lớn lao mạnh mẽ đưa ra khỏi xứ Edipto. Sao để cho người Edipto nói rằng Ngài đưa chúng nó ra khỏi xứ đặng làm hại cho giết đi tại trong núi cùng diệt chúng nó khỏi mặt đất…
… Cầu xin Chúa hãy nguôi cơn giận và bỏ qua điều tai họa mà Ngài muốn giáng xuống trên Dân Ngài. Xin Chúa hãy nhớ lại Apraham, Isaac, Itsraen là các tôi tớ Ngài mà Ngài có chỉ mình mà thề cùng họ rằng Ta sẽ thêm dòng dõi các ngươi lên nhiều như sao trên trời. Ta sẽ làm cho dòng dõi đó cả Xứ mà Ta đã chỉ cho và họ sẽ được Xứ ấy làm cơ nghiệp đời đời” ( Xh 32, 11 -13 ).
Nếu xét lời hứa của Đức Chúa, chỉ cho Xứ sẽ đến và làm cho Dân người đông đúc như sao trên trời, cát dưới biển thì lời hứa trong thời Cựu Ước ấy dường như đã không được thực hiện. Cuộc Vượt Qua vì vậy cũng thành ra…thất bại. Trước khi qua đời, Moise đưa ra lời tiên đoán: “ Này ngày nay, lúc ta còn sống với các ngươi, các ngươi đã phản nghịch cùng Đức Giehova, huống chi sau khi ta qua đời. Hãy nhóm họp các trưởng lão của các chi phái và quan cai các ngươi lại gần ta. Ta sẽ cho họ nghe những lời này nơi lỗ tai và ta bắt trời và đất làm chứng nghịch cùng họ. Vì ta biết rằng sau khi ta qua đời các ngươi hẳn sẽ bại hoại, trở bỏ đường lối ta đã truyền dạy các ngươi…
…Trong ngày sau rốt, tai họa sẽ xông hãm các ngươi bởi các ngươi đã làm điều ác trước mặt Đức Giehova, lấy những công việc tay mình làm mà chọc Ngài nổi giận” ( Đnl 31, 24 -29 ).
Những lời tiên đoán của Moise đã ứng nghiệm, chẳng những trong thời Cựu Ước mà ngay trong thời Tân Ước chúng ta đây cũng vậy. Vì sự phản nghịch của dân Do Thái thời ấy, thế nên Thiên Chúa đã hủy bỏ Giao Ước cũ để thiết lập một Giao Ước Mới ( Tân Ước ):
“ Chúa phán, kìa ngày đến, Ta sẽ cùng nhà Itsraen và nhà Giu Đa lập một Giao ước Mới không phải theo như Giao Ước đã lập với tổ phụ họ trong ngày Ta cầm tay họ dắt ra khỏi đất Ai Cập. Vì họ không cứ giữ Giao Ước Ta nên Ta không kể đến họ. Ấy là lời Chúa phán…
…Chúa lại phán: Này là Giao Ước Ta sẽ lập với nhà Itsraen. Sau những ngày đó Ta sẽ đặt luật pháp Ta trong tâm, ý họ, ghi tạc nó vào lòng. Ta sẽ làm ĐCT của họ và họ sẽ làm Dân Ta” ( Dt 8, 8 -10 ).
Lời hứa Ta sẽ làm ĐCT của họ, họ sẽ làm Dân Ta không phải không có trong Cựu Ước chỉ vì dân Do Thái không chịu thi hành mà thôi. Cho đến thời Tân Ước, lời hứa ấy mới được hiện thực qua trung gian Đức Ki Tô: “ Vì chỉ có một Thiên Chúa cũng như chỉ có một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Giê Su Ki Tô cũng là người. Đấng ấy đã phó chính mình làm giá cứu chuộc mọi người là điều có chứng cớ tỏ ra đúng kỳ” ( 1Tm 2, 5 -6 ).
Chúa Giê Su là Đấng Trung Gian duy nhất có nghĩa chỉ nhờ Ngài chúng ta mới có thể nhận biết Đấng Cha của Ngài cũng là Cha mỗi một người trong chúng ta. Chúa Ki Tô Phục Sinh nói với Madalena khi bà đến viếng mộ: “ Ta lên cùng Cha Ta cũng là Cha các ngươi. Cùng Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa các ngươi” ( Ga 22, 17 ).
Nhận biết Thiên Chúa đích thật là Đấng Cha của mình đó là lẽ sống của mọi Ki Tô Hữu và chỉ trong Chúa Giê Su Ki Tô tức trong Giáo Hội của Ngài, chúng ta mới có thể nhận ra chân lý cao cả ấy. Cũng bởi lẽ đó, Thánh Cypriano ( 210 – 258 ) nói:“ Người không có Giáo Hội làm Mẹ thì cũng không thể có Thiên Chúa làm Cha” ( Habere non potest Deum Patrem qui Ecclesiam non habet Matrem ).
Lời này thật chí lý nếu biết rằng Đức Giê Su Ki Tô khi thành lập Hội Thánh, Ngài cũng chỉ nhắm đến mục đích để chúng ta có thể nhận biết chân lý vô cùng cao cả đó mà thôi.
Nhận biết Thiên Chúa là Đấng Cha trong chính mình. Đây cũng là ơn gọi của người Công Giáo: “ Chỉ có một Thân Thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha mọi người, Ngài vượt trên mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 -6 ).
Chỉ có một Thân Thể đó là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô:“ Ta là cây nho các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì kết quả nhiều vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta thì bị ném ra như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi” ( Ga 15, 5 -6).
Chúa nói: “ Ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được” có nghĩa…ngoài Ngài chúng ta không thể đến, không thể nhận biết Thiên Chúa là Đấng Cha của mình. Vậy, để được…ở trong Ngài thì còn có phương thế nào bảo đảm và hữu hiệu hơn là lãnh nhận các Bí Tích, cách riêng là Bí tích Thánh Thể. “ Như Cha Hằng Sống đã sai Ta và Ta sống bởi Cha thì cũng thế kẻ nào ăn Ta sẽ sống bởi Ta vậy. Đây là bánh từ trời xuống, chẳng phải như thứ tổ phụ đã ăn rồi cũng chết, kẻ nào ăn bánh này sẽ sống đời đời” ( Ga 6, 57 -58 ).
Bí Tích Thánh Thể được tuyên xưng là mầu nhiệm đức tin, bởi đó, tin Chúa giê Su ngự thật trong Phép Mình Thánh là rất khó, ngay cả một số môn đệ cũng vậy: “ Có nhiều môn đệ nghe Ngài thì nói: lời này khó, ai mà nghe được…
…Bởi cớ ấy có nhiều môn đệ trở lui, không còn đi với Ngài nữa. Vậy nên Chúa Giê Su hỏi mười hai Tông Đồ rằng: Còn các ngươi cũng muốn bỏ Ta mà đi ư ? Simon Phero đáp: Thưa Thầy, chúng tôi biết đến cùng ai bây giờ ? Thầy có lời ban sự sống đời đời” ( Ga 6, 60 -68 ).
Chính vì có lời xác tín của Phê Rô như vậy Giáo Hội mới được thành lập và tồn tại cho đến ngày nay mặc cho bao cơn bão bùng sóng gió. Thế nhưng liệu con thuyền Phê Rô có bị chìm đắm hay không dù cho Chúa có đưa ra lời
trấn an khi mới tiên báo việc thành lập “ Cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó” ( Mt 16, 18 ).
Hiện nay Giáo Hội đang bị phê phán kịch liệt chẳng những từ những thế lực thù địch bên ngoài mà ngay trong nội bộ. Nào là nạn ấu dâm lan tràn trong hàng ngũ giáo sĩ, nào là nạn tham nhũng, rửa tiền không khác gì Mafia tại giáo đô Vatican nào là sự chia rẽ trầm trọng giữa các dòng tu, giữa các khuynh hướng thần học v.v…
Cái gì phải đến sẽ đến một khi Giáo Hội không còn là Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền và khi không còn bốn tính chất ấy nữa thì sao có thể gọi được là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô ? Chân phúc Escriva Balaguer nói: “ Sự ác đến từ bên trong và từ bên trên. Có một sự thối nát thực sự và hiện nay dường như Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Ki Tô chỉ còn là một thây ma đang rữa nát, bốc mùi”.
Thay thế Con Đường Cứu Độ của Đức Ki Tô bằng Con Đường Đồng Nghị, Giáo Hội hiện nay không thể không bước vào con đường tiêu vong. Tại sao ? Bởi vì Giáo Hội vốn dĩ được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ mà các Tông Đồ đó là ai nếu không phải là hàng ngũ các Linh Mục cũng là những Ki Tô Khác ( Alter Christus ) ?
Sở dĩ Linh Mục được gọi là những Ki Tô Khác bởi vì các ngài là hiện thân của Đức Ki Tô ở nơi trần gian này. Sự hiện thân ấy hoàn toàn chỉ dành cho những con người được Thánh Hiến thông qua Bí Tích Truyền Chức. Qua các Linh Mục con người được hiệp thông với Chúa Giê Su nơi các Bí Tích nhất là hai Bí Tích Giao Hòa và Thánh Thể để được nhận lãnh Ơn Tha Thứ và nguồn sống Thần Lương.
Có thể nói, nếu không có thiên chức Linh Mục hoặc Linh Mục không còn là những Ki Tô Khác thì Giáo Hội sẽ sụp đổ như một điều tất nhiên không sao tránh khỏi. Bởi những lẽ đó giáo dân không bao giờ có thể đồng hàng với các Linh Mục, hơn nữa…đồng nghị với các Giám Mục là những đấng bản quyền ( Tông Đồ Đoàn ).
Chúng ta thuộc về Giáo Hội tức đương nhiên phải…ở trong cuộc chiến với Sa Tan đã được tiên báo từ thuở Sáng Thế. Đức Chúa phán với con rắn: “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ dày đạp đầu mày còn mày thì rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).
Cuộc chiến giữa Người Nữ Maria và rắn Sa Tan tuy âm thầm nhưng quyết liệt bởi vì nó diễn ra trong tâm tưởng mỗi người. Thắng hay bại sẽ được quyết định trong giờ sau hết lúc lâm chung ( Cận Tử Nghiệp ). Tuy nhiên chúng ta có thể quyết định cho cái Nghiệp của mình khi sẵn sàng Xin Vâng với Chúa Giê Su Ki Tô trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Trong tiệc cưới Cana, Đức Maria nói với những kẻ hầu bàn: “ Hễ Người bảo gì, các ngươi cứ làm theo” ( Ga 2, 5 ) và rồi phép lạ đã xảy ra./.
Phùng Văn Hóa