Con đường trở về của đạo Chúa

Ra đi là để trở về. Không có sự ra đi nào mà không  trở về. Hòn đất ném lên không trung liền rơi ngay xuống đất. Nước bốc hơi thành mây. Mây tụ lại rơi xuống đất thành mưa…Cái sự ra đi để trở về ấy Lão Tử gọi là: Phản Phục “  Phản giả Đạo chi động. Nhược giả Đạo chi dụng. Thiên hạ vạn vật sanh ư Hữu. Hữu sanh ư vô” ( Trở lại là cái động của Đạo. Vạn vật dưới trời sanh nơi “Có”. “Có” sanh nơi không – ĐĐK chương 40 ).

Cái “Động” của Đạo là sự trở về và…về đây là về nơi cái gốc mà nó xuất phát. Ném hòn đất lên không trung rồi  liền rơi  trở lại xuống  mặt đất thì đất là gốc. Trong  lãnh vực thiên nhiên luôn luôn là vậy. Còn trong đời sống tâm linh thì chỉ khi nào con người trở về được với cái gốc tức Chân Tâm Bản Tính mình thì  mới  được an thỏa tức hết khổ. Trái lại ra đi mà không tìm được đường về  đó là nỗi khổ đau lớn nhất của con người “ Lang thang từ độ luân hồi. U minh nẻo trước xa xôi dặm về. Trông ra bến hoặc bờ mê. Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương” ( Thơ Vũ Hoàng Chương – Nguyện Cầu ).

Con người lang thang trong sáu nẻo luân hồi từ khi nào ? Câu trả lời của Đạo Phật là do cái nghiệp vô minh từ vô thỉ. Còn của Đạo Chúa là từ khi Nguyên Tổ sa ngã nơi Vườn Địa Đàng vì …ăn phải Trái mà Đức  Chúa Gie hova  đã cấm: “ Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết điều thiện, điều ác thì chớ hề ăn đến. Vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).

Sau khi…ăn Trái Cấm, hai ông bà nguyên tổ đã bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng “ Vậy Ngài đuổi hai người ra khỏi vườn. Rồi đặt tại phía đông Vườn Eden các thần cherubin với gươm lưỡi chói lòa để giữ con đường trở lại Cây Sự Sống” ( St 3, 24 ).

Đức Chúa Giê hova đuổi  nguyên tổ ra khỏi Vườn  Địa Đàng nhưng sau đó lại có lời hứa cho trở về với điều kiện phải trải qua một cuộc chiến sống còn với Sa Tan do Người Nữ Maria  làm thủ lãnh. Đức Chúa phán với con rắn: “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ. Dòng dõi mày cùng dòng dõi người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).

Chúng ta chỉ có thể hiểu câu chuyện sa ngã  của nguyên tổ nơi Vườn Địa Đàng theo nghĩa biểu tượng minh triết. Vườn Địa Đàng ám chỉ cho Bản Tâm Vô Phân Biệt. Trái Cấm là Tâm Phân Biệt. Rắn là Sa Tan. Ngay khi thoạt khởi Tâm Phân Biệt thì liền mất đi Tâm Vô Phân Biệt.

 Cứ bỏ đi Tâm Phân Biệt  thì liền đó được Tâm Vô Phân Biệt. Chân lý này thật hết sức đơn giản. Ví như sóng và nước. Sóng thì có hình tướng: Sóng lăn tăn, sóng bạc đầu tượng trưng cho phần hiện tượng. Còn nước thì không có hình tướng tượng trưng cho phần bản thể. Giữa hiện tượng ( Sóng ) và bản thể ( Nước ) tuy có vẻ khác biệt  nhưng thật ra đó không phải là hai. Sóng tức là nước và nước tức là sóng. Khi có gió thì sóng nổi lên. Khi gió lặng thì sóng trở về là nước “ Thủy sanh ba, ba tàn hoàn thủy”.

Mặc dầu về…cái lý nó như vậy nhưng trong hành động thì đây lại là vấn đề trọng yếu của tâm linh tôn giáo tức sự trở về. Sống với Tâm Phân Biệt sẽ đưa đến cái chết. Phải trở về với Tâm Vô Phân Biệt tức trở về với Chân Tâm Bản Tính  thì mới có được Sự Sống Đời Đời. Bản Tâm Vô Phân Biệt ấy chính là Đấng Thiên Chúa Tình Yêu ( 1Ga 4, 16 ) Thiên Chúa là Tình  Yêu hay nói cách khác Tình Yêu chính là Bản Thể là  Yếu Tính của con người.

Trở về với Thiên Chúa Tình  Yêu, đây chính là  Con Đường mà mỗi tín hữu cần thực hiện “ Ngày nay Ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng: Ta đã đặt trước mặt các ngươi sự sống và sự chết. Sự phước lành và sự nguyền rủa. Vậy hãy chọn sự sống  hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống. Thương mến Giê hova ĐCT ngươi. Vâng theo tiếng phán của Người và trìu mến Ngài. Vì Ngài là sự sống  ngươi và làm cho ngươi được sống lâu dài. Đặng ngươi được ở trên ĐẤT mà Đức Giê hova đã thề ban cho tổ phụ ngươi là Ap raham, Isaac và Gia Cop” ( Đnl 30, 19 -20 ).

“ ĐẤT” mà Đức Giê hova hứa ban cho  các tổ phụ đó không phải  là Canaan nơi miền Trung Đông  hiện nay. Thật sự Canaan chỉ là hình bóng của  thực tại  Nước Trời mà Đức Ki Tô rao giảng. Thực tại  ấy cũng chính là Đấng Cha mà chúng ta cần hết lòng yêu mến và trở về hầu có được sự sống viên mãn đời đời.

Như đã biết Thiên Chúa hứa sẽ cho trở lại với điều kiện là phải trải qua một cuộc chiến cam go với quỷ dữ Sa Tan. Lại  nữa  cuộc chiến cho sự trở về ấy  chỉ có thể có kết quả bằng đời sống chay tịnh “ Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với  Chúa là Thiên Chúa các ngươi vì Người nhân lành, từ bi, nhẫn nại, giàu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai họa. Biết đâu Người sẽ trở lại  sẽ hối tiếc và sẽ lại phần phúc để có của lễ hiến tế dâng lên Chúa là Thiên Chúa các ngươi” ( Ge 2, 12 -13 )

Bởi vì đây là cuộc trở về với nội tâm thế nên mới có lời phán: Hãy xé lòng chứ đừng xé áo…” Ý nghĩa của việc…xé lòng ấy  chính là bỏ đi cái Tâm Phân Biệt. Do nơi ảnh hưởng của Tội nguyên Tổ thế nên con người không ai lại không sống với Tâm Phân Biệt tức đã mang nơi mình tính chấp nguyên thủy ( Câu sinh ngã chấp ): Thấy có Ta có Người có Vật ( Nhân, ngã, chúng sinh, thọ giả ).

Chính bởi thấy có Ta có Người có Vật nên mới khởi lòng tham, sân. Tham được thì càng tham mãi. Còn nếu không tham được thì khởi tâm sân hận,ganh ghét, đố kỵ v.v…

Lòng tham sân là trở ngại lớn nhất trên con đường trở về. Chính bởi vậy Đức Ki Tô truyền dạy phải bỏ đi lòng tham sân ấy bằng nhiều cách khác nhau “ Còn ngươi khi bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm. Hầu cho việc bố thí của ngươi được ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho….

….Khi cầu nguyện hãy vào phòng đóng kín cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật  và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 3 -6 ).

Ăn chay, cầu nguyện và làm việc bố thí là ba việc cần thiết mà Giáo Hội dạy phải thực hiện trong Mùa Chay. Thế nhưng những việc làm ấy có thể chẳng đem lại ơn ích gì  nếu chúng ta không thực tâm quay về với  Thiên Chúa Đấng là Cha luôn ngóng đợi  những đứa con hoang đàng trở về.

Qua dụ ngôn “ Người Con Hoang Đàng” cho thấy người con ấy chỉ có quyết tâm  trở về khi nó  lâm vào  hoàn cảnh quá ư khốn khổ “ Khi nó tỉnh ngộ bèn nói rằng: Biết bao người làm thuê cho cha ta còn được bánh ăn dư dật mà ta đây lại phải chết đói. Ta sẽ đứng dậy mà về cùng cha mà thưa rằng: Con đã lỗi phạm với trời và với cha. Chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin đãi con như đứa làm thuê của cha vậy” (Lc 15, 17 -19).

Qua dụ ngôn này cho thấy, người con khi gặp phải cảnh khổ nên mới tỉnh ngộ quay về. Như vậy nhận biết khổ  chính là bước đầu của sự tỉnh ngộ. Tuy nhiên có một vấn đề mấu chốt khác cần đặt ra đó là về nguyên nhân của khổ. Bao lâu chưa nhận ra đâu  là nguyên nhân của khổ thì vẫn còn ở mãi trong khổ mà không biết.

Để biết đâu là nguyên nhân của khổ chúng ta không thể  không trở lại câu chuyện sa ngã của nguyên tổ nơi Vườn địa Đàng. Nên nhớ nguyên tổ bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng chịu muôn vàn khổ ải đắng cay là do đã cố tình ăn Trái Cấm mà Trái Cấm như đã biết lại là Tâm Phân Biệt cũng gọi là Ý Thức Phân Biệt.

Ý Thức Phân Biệt  theo đánh giá của Duy Thức Học thì nó cực kỳ lanh lẹ. Công ở nó mà tội cũng ở nó ( Công vi thủ, tội vi khôi ) “ Ý dẫn đầu các pháp. Ý làm chủ, ý tạo. Nếu với ý ô nhiễm. Nói lên hay hành động. Khổ não bước  theo sau. Như xe chân vật kéo” ( Kinh Pháp Cú – Phẩm Song yếu ).

Ý Thức Phân Biệt khởi đó là nguyên nhân của  mọi khổ não và đồng thời cũng đưa đến nhận thức sai lầm cho rằng Thiên Chúa là Đấng…ở bên ngoài mình. Mình hoàn toàn khác biệt với Thiên Chúa và ngược lại. Một khi Thiên Chúa được hiểu như là đấng…ở bên ngoài  như thế  thì tất nhiên không thể nói đến sự trở về. Bởi lẽ chúng ta chỉ có thể trở về  với Thiên Chúa như là một Thực Tại vốn đã sẵn đủ ở nơi mình.

Cuộc khủng hoảng của nhân loại  hôm nay nói chung và Giáo Hội nói riêng là do đã không có cho mình một con đường để trở về. Con đường ấy Đức Ki Tô đã thiết lập từ hai ngàn năm nay khi tông đồ Thomas hỏi Chúa  về con đường phải đi “ Thưa Chúa chúng tôi chẳng biết Chúa đi đâu, làm sao biết đường được? Chúa đáp: Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6).

Một khi Đức Ki Tô đã khẳng định như thế thì chắc chắn không thể có  bất cứ một thứ triết hay thần học nào có thể chỉ đường  dẫn  lối để chúng ta  nhận biết  Đấng Thiên Chúa chân thật được. Sở dĩ triết/ thần học không bao giờ có thể chỉ dẫn cho ta về  Đấng chân thật bởi lẽ từ bao năm qua họ đã đi theo con đường Duy Lý dưới sự dẫn dắt của Sa Tan và nó đã bị Đức Ki Tô vạch mặt. Chúa Giê Su nói với những người Do Thái không tin vào Ngài “ Các ngươi ra từ cha các ngươi là ma quỷ và các ngươi  muốn làm theo tư dục của cha các ngươi. Từ ban đầu nó là kẻ giết người, chẳng đứng trong lẽ thật vì trong nó không có lẽ thật đâu. Khi nó nói dối thì tự mình nó nói vì nó vốn là kẻ nói dối, cũng là cha của sự ấy” ( Ga 8, 44 ).

Từ ban đầu tức thuở Sáng Thế, Sa Tan đã lừa dối rằng hai người cứ …ăn đi chẳng chết chóc  gì đâu và nguyên tổ đã..ăn để rồi  phải lăn lóc trong chốn trần gian khổ ải này muôn kiếp. Một khi đã bước đi trên con đường do Sa Tan dẫn dắt  thì không ai có thể thoát khỏi lầm lạc cho rằng thế giới này là …thật có. “ Cái Ta” này… thật có.!!!

Bởi cho thế giới này …thật có. “ Cái Ta” này …thật có thế nên con người không bao giờ thoát ra khỏi sự cám dỗ đầy tính chất ma mỵ  của nó hầu trở về với Thiên Chúa Đấng là Cha chân thật ở nơi mình. Nghe theo cám dỗ của Sa Tan, con người sẽ  chết về phần tâm linh và quả thật điều ấy đã xảy đến cho nhân loại ngày càng dữ dội.

Đạo Công Giáo hiểu như con đường thực hiện tâm linh đã và đang bị phá hủy từ bên trong đến bên ngoài. Sự phá hủy ấy vừa tinh vi quỷ quyệt vừa khốc liệt đến nỗi có người cho đây là cuộc bách hại Đạo chưa từng  thấy !!!

Trong hoàn cảnh hết sức bi đát ấy tưởng chừng Con Đường Trở Về Của Đạo Chúa đã bị…tắc nghẽn. Thế nhưng thực sự không phải vậy. “ Chính khi tội lỗi dẫy đầy thì ân sủng lại chứa chan” ( Rm 5, 20 ). Ơn sủng ấy đến từ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng là thủ lãnh cuộc giao tranh trên đường trở về  sẽ  đạp giập đầu rắn bằng gót chân của Ngài.

Đầu rắn tượng trưng cho Lý Trí cương cường. Còn gót chân người nữ  cho sự khiêm nhu, mềm yếu. Hãy nhớ lại lời  Đức Mẹ tại Phatima ngày nào “ Trái Tim Mẹ Sẽ Thắng”. Điều ấy chúng ta hoàn toàn tin tưởng bởi đúng như nguyên lý “ Nhu thắng cang. Nhược thắng cường” (Lão Tử ĐĐK. Chương 36)./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts