Đức tgm Charles Chaput giáo phận Philadelphia ngày thứ năm 15/9/2016 vừa qua đã thuyết trình tại đại học Notre Dame trong đó có than phiền rằng cuộc bầu cử tổng thống năm nay là cuộc chạy đua giữa hai ứng cử viên có những khuyết điểm sâu sắc bao gồm một kẻ điên cuồng mị dân và một kẻ nói láo chuyên nghiệp. Ngài cho rằng Ki Tô Hữu cần phải hành động để phục hồi viễn kiến đạo đức của xã hội Hoa Kỳ” ( Nguồn Vietcatholic News – 23/9/2016 – Donald Trum và Hilary Clinton dưới cái nhìn của ĐTGM Charles Chaput ).
Với đề nghị của đức tgm Charles Chaput rằng Ki Tô Hữu cần hành động để phục hồi viễn kiến đạo đức của xã hội Hoa kỳ cho thấy có hai vấn đề. Một là việc suy đồi không phải chỉ riêng của nước Mỹ mà là của cả nhân loại hôm nay và hai nếu hiểu như vậy thì thật sự để có thể phục hồi viễn kiến đạo đức, chúng ta cần…nhìn xa vượt khỏi không gian nước Mỹ đến tận thời Apraham khi tổ phụ nhận được ơn gọi thành lập Dân Riêng “ Đức Chúa Giêhova có phán cùng Apraham rằng ngươi hãy ra khỏi quê hương vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến XỨ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ trở thành nguồn phước đức” ( St 12, 1 -2 ).
Vâng lời Đức Chúa Giêhova, tổ phụ đã ra đi từ bỏ quê hương bản quán cha mẹ họ hàng để đi đến XỨ sẽ được chỉ cho. Chính sự vâng lời từ bỏ ấy mà Dân Chúa đã được thành lập. Nói cách khác với sự từ bỏ mà đã làm nên bản chất của Đạo Chúa. Thật vậy nếu giả thử như Apraham không nghe lời Đức Chúa từ bỏ quê hương bản quán ra đi thì đâu thể trở thành tổ phụ của đức tin “ Vậy anh em phải biết rằng kẻ nào có đức tin nấy là con cái của Apraham” ( Gl 3, 7).
Apraham từ bỏ ra đi vì tin rằng mình và con cái cháu chắt sẽ được vào nơi ĐẤT mà Thiên Chúa HỨA. Một khi Thiên Chúa hứa thì Ngài sẽ thực hiện. Tuy nhiên để cho lời hứa ấy thành tựu thì Dân Chúa cần phải trải qua cuộc hành trình rất đỗi cam go. Trong thời Cựu Ước cuộc hành trình ấy diễn ra khi dân Itsraen từ bỏ đất nô lệ Ai Cập để trở về miền đất Canaan của tổ phụ.
Nguyên nhân đưa đến sự ra đi này là vì dân Itsraen trong thân phận nô lệ thời ấy đã bị người Ai Cập hà hiếp khốn khổ, bởi đó Thiên Chúa đã hiện ra với Mai Sen để trao cho ông sứ mạng dẫn dắt Dân Ngài “ Đức Giêhova phán rằng Ta đã thấy rõ sự cực khổ của Dân Ta tại xứ Ediptô và có nghe tiếng kêu rêu vì cớ người đốc công của nó. Ta ngự xuống đặng cứu dân này khỏi tay người Ediptô dẫn từ xứ ấy lên đến một XỨ kia đẹp đẽ và rộng rãi đượm sữa và mật tức là nơi dân Canaan dân Hetit dân Amorit dân Phesosit dân Hevit và dân Giebusít ở. Này tiếng kêu rêu của dân Itsraen thấu đến Ta và Ta đã thấy dân Ediptô hà hiếp chúng nó thể nào. Vậy bây giờ hãy lại đây đặng Ta sai ngươi đi đến Pharaon để dẫn dắt Dân Ta là dân Itsraen ra khỏi xứ Ediptô” ( Xh 3, 7 – 10 ).
Trước khi nhận lãnh sứ mạng được trao, Mai Sen đã rất do dự và muốn chối từ vì cho rằng mình kém cỏi không có khả năng ăn nói, không thể thuyết phục được Pharaon cho dân mình ra đi. Đức Chúa Giêhova đã phải đưa ra lời trấn an “ Hãy đi đi Ta sẽ ở cùng miệng ngươi và dạy ngươi những lời phải nói” ( Xh 4, 10 – 12). Dù đã có lời hứa nhưng Mai Sen vẫn e ngại bởi đó Đức Chúa đã phải cho Aron đi theo làm phụ tá. Sau nhiều lần tiếp xúc Pharaon vẫn nhất định không để dân Itsraen ra đi cho đến khi tai vạ thứ mười giáng xuống = Tất cả các con đầu lòng từ thái tử con vua cho đến các con trai đầu lòng của thường dân và cả súc vật nữa phải bị giết chết thì người Ai Cập không những để cho đi mà còn thúc giục dân Itsraen hãy đi đi cho mau…
Dù vậy chỉ sau ít ngày họ lại cho quân lính đuổi theo và muốn bắt lại. Điều ấy chứng tỏ để thoát ra khỏi vòng nô lệ là rất khó. Tuy nhiên điều còn khó hơn gấp bội đó là khi dân Itsraen gặp phải những gian nan khốn khó thì lại muốn quay về Ai Cập để làm thân tôi mọi một lần nữa. Khi bị quân Ai Cập đuổi theo họ đã buông lời oán trách Mai Sen rằng “ Xứ Edipto há chẳng có nơi mộ phần nên nỗi ngươi muốn dẫn chúng tôi vào đồng vắng đặng chết hay sao ? Ngươi đưa chúng tôi ra khỏi xứ Ediptô để làm chi ? Chúng tôi há chẳng nói cùng ngươi tại xứ Ediptô rằng hãy để mặc chúng tôi phục dịch dân Ediptô vì thà rằng phục dịch họ còn hơn phải chết nơi đồng vắng ? ( Xh 14, 11 -12 ).
Ngoài nỗi sợ chết, dân Itsraen còn phải đối diện với bao nỗi lo âu nào là đói khát nào là thú dữ rắn rết rình rập v.v…Trước những hiểm nguy ấy họ lại kêu réo Mai Sen và Arôn “ Ôi ! Thà rằng chúng tôi chịu chết về tay Đức Giêhova tại xứ Ediptô khi còn ngồi kề bên nồi thịt và bánh ăn chán hê. Vì hai người dẫn dắt chúng tôi vào nơi đồng vắng này đặng làm cho cả đoàn dân đông đảo này đều bị chết đói” ( Xh 16, 3 ).
Dân sự thì oán trách còn Mai Sen cũng có phần…ngã lòng. Đức Chúa đã cho gọi ông lên núi và ban lời phủ dụ “ Ngươi hãy nói như vầy cho nhà Gia Cop và tỏ điều này cho dân Itsraen = Các ngươi đã thấy điều Ta làm cho người Ediptô. Ta chở các ngươi trên cánh chim ưng làm sao và dẫn dắt các ngươi đến cùng Ta thế nào. Vậy bây giờ nếu các ngươi vâng lời Ta và giữ sự Giao Ước Ta thì trong muôn dân các ngươi sẽ thành một dân thuộc riêng về Ta vì cả thế gian đều thuộc về Ta. Các ngươi sẽ thành một vương quốc Tư Tế cùng một Dân Tộc Thánh cho Ta” ( Xh 19, 3 -6).
Mục đích sâu xa của việc thiết lập Giao Ước là để có một Dân Riêng phụng sự Thiên Chúa. Hiểu như thế thì cuộc vượt qua của dân Itsraen từ đất nô lệ Ai Cập trở về nơi miền đất Canaan thật ra chỉ để biểu thị cho một cuộc vượt qua khác sẽ diễn ra trong thời Tân Ước với sự xuất hiện của Chúa Giê Su Ki Tô. Về sự xuất hiện này Mai Sen đã nhắc lại lời của Đức Chúa “ Từ giữa anh em ngươi Giêhova ĐCT ngươi sẽ lập lên một Đấng Tiên Tri giống như ngươi thuộc trong anh em chúng. Ta sẽ lấy lời Ta để trong miệng Người thì Người sẽ nói cho chúng mọi điều Ta phán dạy ngươi” ( Đnl 18, 18 ).
Sẽ lập Đấng Tiên Tri giống như Mai Sen có nghĩa cả hai đều có sứ mạng dẫn đường cho Dân Chúa tiến vào Đất Hứa. Thế nhưng giữa Mai Sen và Đức Ki Tô có ba điểm khác biệt quan trọng. Một là Mai Sen ban đầu đã không muốn nhận lãnh sứ mạng còn Đức Ki Tô thì thi hành Thánh Ý Chúa Cha cho đến chết trên thập giá. Hai là Mai Sen chỉ dẫn dân Itsraen về lại nơi đất Canaan còn Đức Ki Tô thì dẫn đưa nhân loại vào Thực Tại Nước Trời mầu nhiệm.Ba là Mai Sen đã chết trước khi vượt sông Gióc Đan để vào đất Canaan còn đức Ki Tô thì về Trời ngự bên hữu Chúa Cha.
Đức Ki Tô có sứ mạng dẫn đường và đường này là đường về với Đấng Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ). Đến với Đấng Cha ở đây có nghĩa là nhận biết Thiên Chúa quả thật là Đấng Cha của mình. Việc nhận biết ấy đối với phàm phu chúng ta là điều không ai có thể. Bởi vậy tông đồ Philip mới thưa “ Thưa Chúa xin chỉ Cha cho chúng tôi thì đủ rồi. Chúa Giê Su đáp: Philip ơi Ta ở cùng các ngươi lâu dường này mà các ngươi chưa biết Ta sao ? Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha. Tại sao ngươi lại nói rằng xin chỉ Cha cho chúng tôi ? Ngươi há không tin rằng Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta sao / ? Lời Ta nói với các ngươi chẳng phải tự Ta nói đâu bèn là Cha ở trong Ta làm việc của Ngài” ( Ga 14, 8 -10 ).
Về cái sự…thấy Cha này dĩ nhiên đó không phải là thấy bằng mắt hay bằng một giác quan nào nhưng là sự nhận biết bằng trí tuệ vô phân biệt. Để có thể có được sự nhận biết bằng trí tuệ đó thì nhất thiết cần phải qua Đức Ki Tô là Đấng Trung Gian dẫn đường “ Vì chỉ có một Đấng Trung Bảo ở giữa ĐCT và loài người là Chúa Giê Su Ki Tô cũng là người. Đấng ấy đã phó chính mình làm giá cứu chuộc mọi người là điều có chứng cớ tỏ ra đúng kỳ” ( 1Tm 2, 5 -6 ).
Chúa Giê Su đã phó mình chịu chết để cứu chuộc nhân loại và sự cứu chuộc ấy chính là để con người nhận biết về một thực tại đã sẵn đủ ở nơi chính mình. Thực tại ấy sở dĩ nói là sẵn đủ bởi lẽ tất cả đều được dựng nên giống Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ). Được dựng nên là Con Thiên Chúa nhưng vì Tội Nguyên Tổ là tội không vâng lời Thiên Chúa cứ cố tình …ăn trái Cây Phân Biệt ( St 3, 16 ) thế nên cả nhân loại này đã phải sống trong vòng trói buộc của vô minh không nhận biết Sự Thật cao cả ấy. Đức Ki Tô xuống thế cũng không ngoài mục đích để chỉ cho con người nhận biết và sống với Bản Tính Con Thiên Chúa bằng cách bỏ mình tức bỏ đi cái bản ngã phàm phu ở nơi chính mình “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” ( Mt 16, 24 ).
Theo Chúa có nghĩa là đi theo con đường thập giá bỏ mình. Con đường này đối với phần đông khó thể nhận biết và theo được “Đang khi đi đường có kẻ thưa với Ngài rằng: Không cứ Ngài đi đâu tôi sẽ theo đó. Chúa đáp: Con cáo có hang chim trời có tổ. Song Con Người không có chỗ gối đầu. Ngài phán cùng kẻ khác rằng: Hãy theo Ta kẻ ấy nói: Thưa Chúa xin cho tôi về chôn cất cha tôi trước đã. Nhưng Ngài nói; Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn ngươi hãy đi rao giảng Nước ĐCT. Kẻ khác lại nói: Thưa Chúa tôi sẽ theo Chúa song xin cho tôi về từ giã người nhà trước đã. Nhưng Chúa Giê Su đáp: Không ai đã tra tay cầm cày còn ngó lại đằng sau mà lại xứng với Nước ĐCT” ( Lc 9, 57 -62 ).
Những lý do mà người đời viện dẫn để không đi con đường từ bỏ thì rất nhiều. Những việc như chôn cất cha mình, từ giã người thân v.v…đối với thế gian là điều hết sức phải lẽ. Nhưng đối với Chúa lại là những việc chẳng những chẳng có ơn ích mà còn trở ngại trên bước đường rao giảng Nước Trời. Trước khi về Trời Đức Ki Tô đã trao sứ mạng rao giảng cho các Tông Đồ “ Hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho khắp muôn dân thiên hạ. Ai tin và chịu Phép Rửa thì được cứu. Ai không tin sẽ bị định tội” ( Mc 16, 15 -16).
Rao giảng Tin Mừng hay Tin Vui tức là loan báo một cái Tin sẽ khiến cho người nghe có được sự vui mừng lớn lao cả thể. Một khi kẻ nào đã…nghe được Tin Mừng rồi thì sẽ rất sẵn sàng từ bỏ những gì trước đó mình vẫn bám chặt như là tiền tài danh vọng chức quyền v.v…vì coi đó chỉ là những thứ phù vân giả tạo.” Nước Trời ví như của báu chôn trong ruộng. Có người tìm được thì yểm đi vui mừng mà bán hết của cải mình rồi mua ruộng đó” ( Mt 13, 44 ). Ruộng trong ví dụ ám chỉ cho Tâm. Của báu chôn trong ruộng đó chính là Nước Trời còn đang bị giấu kín cần được khai thác để nhận lấy tức là sống với nó. Sống với Nước Trời ở nơi mình đó là hạnh phúc vô cùng lớn lao, thế gian không bao giờ có thể có được. Về phần những người Con Chúa chúng ta có từ bỏ để sống với niềm hạnh phúc lớn lao chân thật ấy không?
Phùng Văn Hoá