Con mắt

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Người ta công nhận như vậy. Nhưng cũng chính “cửa sổ tâm hồn” đó lại có thể là “cửa ngõ tối tăm” của hầm hố tội lỗi. Chúa Giêsu gọi mắt là đèn của thân thể: “Đèn của thân thể là con mắt. Nếu mắt anh sáng thì toàn thân sẽ sáng” (Mt 6:22). Và Ngài nói về “ngõ tối” của con mắt: “Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục” (Mt 5:28-19).

Kinh Thánh cho biết thêm rằng có sáu điều làm Thiên Chúa gớm ghét và bảy điều khiến Ngài ghê tởm. Trong đó, điều đầu tiên liên quan con mắt: “MẮT kiêu kỳ, LƯỠI điêu ngoa, TAY đổ máu người vô tội, LÒNG mưu tính những chuyện xấu xa, CHÂN mau mắn chạy đi làm điều dữ, kẻ làm chứng gian thốt ra LỜI DỐI TRÁ, người GIEO XUNG KHẮC giữa anh em” (Cn 6:17-19).

Tục ngữ Rumani nói: “Đàn ông có đôi mắt để nhìn người khác, đàn bà có đôi mắt để người khác nhìn”. Nam và nữ có những thứ khác nhau, thậm chí có vẻ trái ngược nhau, nhưng đó là nghịch-lý-thuận, như phần cứng đã được cài đặt sẵn, và chính sự khác nhau đó nhằm bổ túc lẫn nhau chứ không để đối nghịch nhau. Hằng ngày, chúng ta vẫn thấy khi “đấu khẩu” với nhau, đàn ông chê đàn bà, đàn bà trách đàn ông, nhưng rồi họ vẫn cần đến nhau, có thiếu nhau được đâu! Phải chăng họ đang tự mâu thuẫn với chính mình?

Sách Sa-mu-en, quyển 2, nói về quá trình phạm tội của Vua Đa-vít. Ông là người “có đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn” (1 Sm 16:12), được Thiên Chúa tuyển chọn – nhưng chắc chắn không vì ông điển trai, ông có vợ và cung phi mỹ nữ phục dịch rồi, giàu sang phú quý, muốn gì được nấy, thế mà ông vẫn tham lam đến nỗi bày mưu thâm kế độc để chiếm đoạt vợ của tướng U-ri-gia. Nguyên nhân bởi từ ánh mắt: Ông nhìn thấy một mỹ nhân đang tắm – nàng Bát Se-va, nhan sắc khiến chim sa cá lặn, đổ nước nghiêng thành. Tuy nhiên, phụ nữ này cũng “chẳng vừa” gì, có chồng rồi mà vẫn “dễ dãi”, trắc nết, không ngần ngại phản bội chồng để được “gần gũi” với nhà vua.

Chúng ta cùng đọc lại trình thuật 2 Sm 11:1-26 để biết rõ chi tiết:

Lúc xuân về, thời mà các vua ra quân, vua Đa-vít sai ông Giô-áp đi, cùng với các bề tôi của vua và toàn thể Ít-ra-en. Họ giết hại con cái Am-mon và vây hãm Ráp-ba. Còn vua Đa-vít thì ở lại Giêrusalem.

Vào một buổi chiều, vua Đa-vít từ trên giường trỗi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua THẤY một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời. Vua Đa-vít sai người đi điều tra về người đàn bà, và người ta nói: “Đó chính là bà Bát Se-va, con gái ông Ê-li-am, vợ ông U-ri-gia người Khết”. Vua Đa-vít sai lính biệt phái đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm với nàng; khi ấy nàng mới thanh tẩy sau thời kỳ ô uế. Rồi nàng trở về nhà. Người đàn bà thụ thai. Nàng sai người đến báo tin cho vua Đa-vít rằng: “Tôi có thai”.

Vua Đa-vít sai người đến nói với ông Giô-áp: “Hãy sai U-ri-gia, người Khết, về gặp ta”. Ông Giô-áp sai ông U-ri-gia về gặp vua Đa-vít. Khi ông U-ri-gia đến với vua, vua Đa-vít hỏi thăm về ông Giô-áp, về quân binh, về chiến sự. Rồi vua Đa-vít bảo ông U-ri-gia: “Hãy xuống nhà của ngươi và rửa chân”. Ông U-ri-gia ra khỏi đền vua, có người bưng ra một phần thức ăn của nhà vua theo sau. Nhưng ông U-ri-gia nằm ở cửa đền vua với tất cả các bề tôi của chúa thượng ông, và ông không xuống nhà mình.

Người ta báo tin cho vua Đa-vít rằng: “Ông U-ri-gia đã không xuống nhà ông”. Vua Đa-vít hỏi ông U-ri-gia: “Chẳng phải ngươi đi đường xa mới về ư? Tại sao ngươi không xuống nhà của ngươi?”. Ông U-ri-gia thưa với vua Đa-vít: “Hòm Bia cũng như Ít-ra-en và Giu-đa đang ở lều, chủ tướng tôi là ông Giô-áp và các bề tôi của chúa thượng đang đóng trại ở ngoài đồng trống, mà tôi đây lại về nhà ăn uống và nằm với vợ tôi sao? Tôi xin lấy mạng sống của ngài, lấy chính mạng sống của ngài mà thề: tôi sẽ không làm điều ấy!”. Vua Đa-vít bảo ông U-ri-gia: “Hãy ở lại đây hôm nay nữa, ngày mai ta sẽ cho ngươi đi”. Ông U-ri-gia ở lại Giê-ru-sa-lem ngày hôm đó. Ngày hôm sau, vua Đa-vít mời ông; ông ăn uống trước mặt vua, và vua cho ông uống say. Đến chiều, ông ra nằm giường của ông cùng với các bề tôi của chúa thượng ông, nhưng không xuống nhà mình.

Sáng hôm sau, vua Đa-vít viết thư cho ông Giô-áp và gửi ông U-ri-gia mang đi. Trong thư, vua viết rằng: “Hãy đặt U-ri-gia ở hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết”. Ông Giô-áp đang thám sát thành liền để ông U-ri-gia ở chỗ ông biết là có quân hùng mạnh nhất. Người trong thành xông ra, giao chiến với ông Giô-áp. Một số người trong quân binh, trong các bề tôi vua Đa-vít đã ngã gục, và ông U-ri-gia, người Khết, cũng chết.

Ông Giô-áp sai người về báo cho vua Đa-vít biết tất cả diễn tiến trận đánh. Ông ra lệnh cho người lính biệt phái rằng: “Khi anh kể tất cả diễn tiến trận đánh cho đức vua xong, nếu cơn giận đức vua nổi lên và người hỏi anh: Tại sao các ngươi lại đến gần thành mà giao chiến? Các ngươi không biết là người ta bắn từ trên tường thành xuống sao? Ai đã hạ A-vi-me-léc, con ông Giơ-rúp-be-sét? Chẳng phải một người đàn bà đã liệng xuống ông một thớt cối đá và ông đã chết tại Tê-vết đó sao? Tại sao các ngươi lại đến gần tường thành?, anh sẽ nói: Tôi tớ ngài là ông U-ri-gia, người Khết, cũng đã chết”.

Người lính biệt phái ra đi và đến báo cho vua Đa-vít biết mọi điều ông Giô-áp đã sai anh về nói. Người lính biệt phái nói với vua Đa-vít: “Những người ấy đã mạnh hơn chúng tôi và đã xông ra đánh chúng tôi ở ngoài đồng, nhưng chúng tôi đã đẩy lui chúng cho đến lối vào cửa thành. Từ trên tường thành, lính bắn cung đã bắn xuống các bề tôi của ngài. Một số bề tôi đức vua đã chết, cả tôi tớ ngài là ông U-ri-gia, người Khết, cũng đã chết”.

Vua Đa-vít bảo người lính biệt phái: “Hãy nói với ông Giô-áp thế này: Đừng bực mình về chuyện ấy, vì việc binh đao là thế: khi thì người này, khi thì người kia bị chém. Hãy mạnh mẽ tấn công và phá huỷ thành. Ngươi hãy khích lệ ông ấy”.

Vợ ông U-ri-gia nghe tin ông U-ri-gia, chồng mình, đã chết, thì làm ma cho chồng. Khi tang lễ đã qua, vua Đa-vít sai người đi đón nàng về nhà mình. Nàng trở thành vợ vua và sinh cho vua một con trai. Nhưng hành động của vua Đa-vít không đẹp lòng Đức Chúa.

Đa-vít thâm độc và tàn nhẫn quá. Tướng U-ri-gia tốt lành, tin người nên không hề biết mình bị sập quỷ kế của vua và bị cô vợ cắm sừng. Trai ma, gái quỷ. Kẻ tám lạng, người nửa cân. Cả Đa-vít và cô nhân tình Bát Se-va đều nham hiểm, chẳng ai vừa!

Chúa Giêsu đã xác định: “Không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết” (Mt 10:26; Lc 12:2). Vâng, “Thiên Chúa thấu suốt mọi sự” (Sbn 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6).

Cái gì tốt thì đẹp, nhưng cái gì đẹp chưa chắc là tốt. George Sand nhận xét: “Cái đẹp thấy được bằng mắt chỉ là phép màu trong khoảng khắc; đôi mắt của cơ thể không nhất thiết là đôi mắt của tâm hồn”.

Chính Chúa Giêsu đã xác định: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài” (Mc 7:15, 18-19). Còn Thánh Phaolô xác nhận: “Không có gì tự nó là ô uế; có ô uế là chỉ đối với người cho nó là ô uế” (Rm 14:14).

Thiên Chúa rất nhân từ, Thánh Ý Ngài nhiệm mầu. Vua Đa-vít và bà Bát Se-va ngoại tình với nhau, nhưng chính bà này lại sinh ra con người khôn ngoan nhất là Sa-lô-môn. Và rồi vua Đa-vít cũng được tha thứ tội lỗi nhờ biết thật lòng ăn năn sám hối.

Để được tha thứ và hưởng nhờ Lòng Chúa Thương Xót, điều kiện tiên quyết là ăn năn sám hối, như Chúa Giêsu đã kêu gọi: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3:2). Vâng, tội nào cũng ghê gớm – dù lớn hay nhỏ, dù nặng hay nhẹ. Sai lầm rất nhỏ, như chúng ta gọi là sơ suất chứ không cố ý, cũng hoàn toàn bất xứng với Thiên Chúa, không thể nhìn thấy Tôn Nhan Ngài chứ nói chi là được đến gần hoặc ở bên Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa vô cùng nhân từ, Ngài không chấp lách chúng ta nên Ngài sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Thực sự Ngài rất muốn chúng ta được Ngài tha thứ và được sống trường sinh với Ngài. Tuyệt vời quá, Hồng Ân Thương Xót quá lớn lao!

Thánh nhân nào cũng có một quá khứ – ý nói về quá khứ tội lỗi, và tội nhân nào cũng có một tương lai – ý nói hoàn thiện và nên thánh. Hãy cảnh giác con mắt, vì ánh mắt dẫn tới ham muốn, ham muốn dẫn tới hành động. Dù có thể có những lúc chúng ta cảm thất thất vọng nhưng đừng bao giờ tuyệt vọng (x. 2 Cr 4:8). Nguyện xin Thiên Chúa giữ gìn chúng ta như thể con ngươi trong Thiên Nhãn của Ngài, và xin Ngài thương che chở chúng ta dưới bóng Ngài mãi mãi (Tv 17:8).

Năm hết, Tết đến, và Mùa Chay cũng khởi đầu, chúng ta cùng thành tâm sám hối và tín thác vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 51:3-6).

Giáp Tết Bính Thân, cận kề Mùa Chay – 2016

TRẦM THIÊN THU

Chia sẻ Bài này:

Related posts