Năm nào vào dịp Lễ Giáng Sinh ai cũng có những nỗi buồn vui lẫn lộn vì những món quà muốn cho con cái, cho gia đình, ngay cả cho những xếp trong sở làm hay công xưởng với đồng lương rất khiêm nhường có được của những người thấp cổ bé miệng như hầu hết chúng ta đây, thì mua được gì nào?. Đó là sự thật của hầu hết mọi gia đình mà tôi biết, chứ có đơn thuần là chỉ có cần trang hoàng nhà cửa cho có tươm tất; có một Hang Đá (tượng trưng) đầy đủ Chúa Giêsu, Mẹ Maria, và Thánh Cả Giuse để trong nhà mà tôn thờ một Hài Nhi Giêsu giáng sinh; hoặc một vài món quà để dưới gốc cây thông “giả” đâu!.
Ý nghĩa của mùa Lễ Giáng Sinh riết rồi đã bị những thương gia, kinh tế gia, và người đời cải hóa mất cái ý nghĩa linh thiêng để biến thành cái mùa buôn bán và trao đổi mất rồi!. Đời đến độ chủ đích của họ là biến những ngày Christmas thành những Casinos có tầm cỡ ăn chơi ở mức thế giới. Thế giới đã lợi dụng những ngày này để biến nhiều chỗ, nhiều nơi, thành nơi giải trí tốn kém. Còn những hội hè cũng tìm dịp để tổ chức ăn nhậu, thay vì chúng ta chuẩn bị tâm hồn để đón đợi một Đấng rất vô cùng, đến thế gian để Cứu Độ nhân loại con người. Là dọn mình ăn chay, hãm mình, xưng thú tội lỗi, giữ lòng trong sạch, làm việc bác ái tông đồ, và dũ bỏ tất cả để chào đón một Emmanuel đến trần gian ở cùng với chúng ta.
Con trai út của chúng tôi thỉnh thoảng có lời nói ao ước rất là vô tình của cháu (vì là con trai út) cũng đã làm cho cha mẹ đau buồn; qua sự cháu thích muốn được cái này hay cái kia. Tuy biết rằng lời muốn ấy chỉ là sự ao ước của cháu mà thôi!. Bố cháu rất cố gắng để cho cháu chút đỉnh tiền để mua bán những thứ cháu rất cần được có trong những ngày này nhưng so ra cái muốn của cháu chắc chỉ mua được một nửa!?.
Biết thế, hiểu thế, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy một nỗi buồn man mác. Vâng, chỉ là man mác buồn thế thôi như câu “cảnh buồn mà người có vui đâu bao giờ” hay ngược lại. Chúng tôi vẫn luôn cố gắng duy trì cái giá trị tinh thần nhiều hơn là vật chất. Quan tâm hơn cho những anh chị em thiếu may mắn và bất hạnh. Bởi nghĩ cho cùng thì quà cáp đối với rất nhiều người khi nhận quà của nhau thì cảm thấy trống rỗng (empty), vô nghĩa, không cần, và thường thì chẳng biết nói sao với người cho, thưa có phải?.
Ở Mỹ chúng tôi thấy có rất nhiều gia đình họ tích cực làm thành thói quen ở những ngày đại lễ trong năm như hai ngày Lễ Thanks Giving và Christmas Days, là cả nhà từ già đến trẻ, vào những trung tâm xin làm việc thiện nguyện. Góp bàn tay để phụ giúp cho bao nhiêu người nghèo khổ có được phần cơm nóng, những món quà rất cần thiết, nhưng trên hết vẫn là những món quà tinh thần của người trao cho người.
Ai giầu có thì đóng góp hiện kim, góp quà, còn ai nghèo thì đóng góp thời giờ và công sức. Nói chung thì công việc thiện nguyện ấy đã làm cho hết thảy mọi người từ người cho, cho đến người nhận, hết thảy quên đi được nỗi buồn “không đáng để than thở ấy!” nhưng cho nhau rất nhiều tình Chúa qua tình người, cách trực tiếp nhất như “ba cây chụm lại thành một núi cao quà cáp, dâng lên Chúa Hài Nhi Giêsu”, làm Ngài vui sướng và cảm thấy rất ấm áp vì loài người biết Ngài cần gì nơi con cái của Ngài.
Lậy Chúa Hài Nhi Giêsu, xin cho chúng con biết nhìn xuống thật thấp để thấy được bao nhiêu trẻ hài nhi ngoài kia đang rất cần chúng con sưởi ấm và cho bú mớm. Amen.
“Vinh danh Thiên Chúa trên Trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Y Tá của Chúa,
Tuyết Mai
12-11-12