Tính đến nay giáo hội đã có hai mươi công dồng thì riêng chỉ có CĐ Vatican 2 được triệu tập không vì mục đích để chống lạc giáo “ Khác hẳn với các công đồng trước, CĐ Vatican 2 không bận tâm đến việc biện minh giáo lý và lên án lạc giáo mà chỉ có một mối quan tâm duy nhất là làm sao phục vụ nhân loại, phục vụ Nước Trời, phục vụ con người…” ( Xem Nguyễn văn Nội Giáo dân với CĐ Vatican 2 Tập I ) Không lên án mà chủ trương đại kết và việc đại kết ấy đã được thể hiện bằng việc giáo hội đã ký kết với Liên Hiệp các giáo hội Tin Lành Luther Bản Tuyên Ngôn chung về Ơn Công Chính hóa tại Augsburg ngày 31 – 10 – 1999. Với việc ký kết Tuyên Ngôn Chung ấy, đương nhiên vạ tuyệt thông cho Luther ban hành cách nay gần năm trăm năm ( 1521 ) đã được bãi bỏ. Xóa vạ cho Luther, như vậy cũng tức là đã công nhận tính hợp đạo của Tin Lành, một điều mà Công đồng Trento ( 1545 – 1563 ) rất mực lên án. Như đã biết công đồng này được triệu tập có mục đích là để phán quyết những lầm lạc do cuộc ly giáo Tin Lành gây nên, cũng như xác tín về ba vấn đề quan trọng đó là mạc khải, ơn công chính và các Bí Tích. Trong vấn đề mạc khải, công đồng truyền dạy đức tin của người Công giáo dựa trên Thánh Kinh và cả Thánh truyền. Giáo hội có sứ mạng bảo vệ tính cách tinh tuyền của hai nguồn mạch đức tin đó. Giáo dân không được tự ý giải thích hoặc đặt cho Thánh kinh một ý nghĩa khác với những điều giáo hội đã xác định về đức tin và luân lý. ( Bùi đức Sinh – lịch sử giáo hội CG – Phần nhì ).
Thọat đầu Luther không có ý định rời bỏ giáo hội và nhất là để trở thành giáo chủ của một tôn giáo mới, nhưng do hòan cảnh thúc đẩy đã đưa đến cái việc không thể không làm “ việc đã quyết định xong, đời đời tôi sẽ không làm hòa với La Mã” ( Bùi đức Sinh – Sđd ) Sự bất hòa của Luther khởi từ quan điểm cho rằng mỗi người đều được ơn Thánh Linh soi dẫn, vì thế có quyền giải nghĩa Thánh Kinh. Chính là với sự tự do phê phán ( Libre examen ) đó mà ông cho rằng mình đã tìm ra con đường giải thóat khi tìm cách giải nghĩa câu “ Người công chính sống bởi đức tin” Rm 1, 17. ) Luther là tu sĩ dòng Augustin được đào tạo chuyên sâu về Kinh Thánh, đậu tiến sĩ thần học năm 1512 tức là năm năm sau ngày thụ phong chức linh mục và liền ngay sau đó được cử giữ chức giáo sư TK thay thế cho cha bề trên Staupitz. Làm giáo sư TK, vậy phải chăng ông đã có đủ trình độ và thẩm quyền để giải thích TK ? Hòan tòan không phải như vậy, bởi chưng quyền ấy chỉ thuộc về giáo hội mà cụ thể là đức giáo hòang. Quyền giải thích TK tức huấn quyền thuộc về giáo hội, quyền này đã được Đức Kitô đích thân trao cho các tông đồ “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi, hễ điều gì các ngươi cầm buộc ở dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, điều gì các ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” mt 18, 18.)
Tính chất cầm buộc hay cởi mở mà Chúa trao mục đích là để giáo hội bảo vệ các chân lý mạc khải và trong đó việc giải thích TK là quan trọng nhất. Tại sao ? Bởi vì KT là cuốn sách được viết ra dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, một khi đã là linh hứng như thế thì tất nhiên cần phải có ơn Thánh sủng mới có thể tiếp cận ngòai ra tất cả chỉ là ý riêng “ Trước hết cần phải biết, chẳng có lời ngôn sứ nào trong KT có thể lấy ý riêng mà giải nghĩa được. Vì chẳng có lời ngôn sứ nào do ý` tưởng con người nhưng chính là do linh hứng của Chúa Thánh Thần mà được nói ra” 2P 20, 21.) Một khi Chúa đã trao quyền cho giáo hội thì nhất định là phải tuân phục, thế nhưng thực tế ngày nay cũng như quá khứ, đây là điều hết sức khó khăn, lý do là vì ngay nơi tự thân giáo hội thì quyền huấn giáo trong bất kỳ thời nào nó cũng đặt ra những vấn đề nghiêm trọng và thời của Luther có thể nói là thời suy đồi cả trong lãnh vực Thần học lẫn đời sống giáo sĩ. Kinh Viện học thì suy sụp, chỉ biết uổng phí thì giờ vào những tranh luận khô cứng về ngôn từ. Ngược lại phái Occam thì hòai nghi tất cả những suy luận siêu hình để chỉ tin vào thực nghiệm. Còn phía lãnh đạo giáo quyền thì đức Alexandro VI ( 1413 – 1503 ) có nhiều gương xấu. Đức Léo X ( 1513 – 1521 ) ham thích nghệ thuật hơn đạo đức v.v…Trong tình hình như thế, quyền huấn giáo làm sao có thể phát huy ? Mặc dầu vậy, quyền này khi nào cũng rất ư là cần và CĐTrento đã mạnh mẽ tái lập bằng việc một lần nữa kết án lạc giáo Tin Lành.
Việc giải nghĩa Kinh Thánh theo ý riêng tất yếu đưa đến hậu quả là xa lạc khỏi mạc khải của Đức Kitô và đây chính là nguyên nhân sâu xa của mọi cơn khủng hỏang. Sự thể công đồng Vatican 2 không chống lạc giáo để quay sang đại kết chính là đỉnh điểm của cơn khủng hỏang hiện nay với đánh giá cho rằng việc giải nghĩa KT của giáo hội CG và của Tin Lành về ơn công chính không có gì khác biệt. Trong Bản Tuyên Ngôn chung về ơn công chính được trình bày và đăng lại trong Tuần san L’ Observatore Romano phát hành ngày 24 -11- 1999 có đoạn “ Bản Tuyên Ngôn chung không phải là một lời tuyên xưng mới cũng không phải là một văn kiện dung hòa. Bản Tuyên Xưng chung đây muốn tóm tắt những thành quả đối thọai sau một thời đoạn kéo dài ba chục năm trời giữa Luthero và Công giáo Roma về khỏan tín lý này bằng cách nói lên những gì được mỗi cộng đồng tin tưởng chủ trương nơi những sự thật nền tảng về khỏan tín lý ấy cũng như cho thấy việc hai bên cắt nghĩa về những sự thật nền tảng ấy không tương khắc với nhau.” (Nguồn Thời điểm Maria ). Thật sự thì không phải không tương khắc, nếu ta nhìn nhận vấn đề dưới khía cạnh mạc khải. Với việc bất chấp huấn quyền của giáo hội, Luther bị vạ tuyệt thông và như thế đương nhiên là đã xa rời mạc khải của Đức Kitô tức con đường công chính đích thực “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Người, còn mọi điều khác sẽ được thêm cho” Mt 6, 33. )
I/- Công chính, kết quả của kiếm tìm
Tôn giáo hòan tòan khác biệt với triết/thần học ở chỗ, một đàng là sống niềm tin của mình, một đàng giải nghĩa nó thế này thế khác. Một khi Đức Kitô đã xác nhận “ Ta là đường, là sự thật và là sự sống…” Ga 14, 6 ) thì chúng ta, những con người theo Chúa tất nhiên là phải lên đường, phải thực hiện con đường Kitô ấy thì mới có thể được cứu. Với việc giải nghĩa về ơn công chính, người Tin Lành và sau này cả Bản Tuyên ngôn chung nữa lại đưa ra lập luận rằng “ Con người không thể tự mình trở về với Chúa để được giải cứu, không thể nên công chính trước Nhan Thiên Chúa hay không thể dùng khả năng của mình để chiếm lấy ơn cứu độ” ( Bản Tuyên Ngôn chung về Tín lý công chính hóa – câu số 19 ). Cũng bởi cho rằng con người chỉ được công chính hóa nguyên bởi đức tin thôi, thế nên người Tin Lành trong thực tế họ không có các phép Bí Tích, không Thánh lễ, không khẩn cầu Đức Mẹ cũng như các Thánh v.v…Tóm lại, tất cả chỉ là việc giải thích TK theo ý riêng của mỗi người mỗi nhóm hết ngày này tháng khác …Điều này không thể không đưa đến hậu quả là tòan bộ đời sống luân lý hầu như bị …sụp đổ “ Ngay từ năm 1525 Luther đã nhận thấy một cách chua cay, ông nói = không một ai trong giáo dân chúng ta lại không có đời sống xấu xa hơn trước. Melanchthon cũng rầu rĩ than rằng= Hãy nhìn cái xã hội Tin Lành, biết bao người ngọai tình say sưa du đãng, biết bao cảnh xấu xa ghê tởm. Hãy xem các gia đình, họ có sống trinh khiết hơn những người bị coi là kẻ ngọai không ? Sau đó ông kết luận = tất cả dòng sông Elbe không đủ nước để than khóc những tai ương do cuộc cải cách gây ra” ( Bùi đức Sinh Sđd )
Sự bại họai luân lý của cộng đồng hoặc cá nhân, suy cho cùng tất cả là bởi đã không có cho mình một lý tưởng để sống. Lý tưởng được ví như chiếc la bàn, nó xác định hướng đi trong suốt cuộc hành trình. Ta thử tưởng tượng một con tàu vượt đại dương mênh mông bão tố mà lại không có la bàn thì sẽ ra sao ? Đường đời là đường hữu hình hữu tướng còn vậy, huống chi đường tâm linh siêu hình, biết nẻo nào mà đi ? Khi Chúa nói Ngài là đường …thì Ngài chính là lý tưởng để chúng ta bám chắc vào đó mà đi, mà sống (đạo). Mặc dầu trên cái lý nó là như vậy, nhưng trong thực hành lại không dễ để mà ..bám, bởi lẽ bám Chúa ở đây có nghĩa là thực hành những lời dạy của Ngài mà để thực hành thì phải biết, không biết đúng thì không sao mà có thể thực hành đúng được. Đức Kitô xuất hiện nơi đời không khỏi khiến con người thắc mắc bởi những lời dạy khó hiểu của Ngài. Người Do Thái thuở ấy tuy vẫn một lòng chờ mong Đấng Cứu Thế, nhưng khi có Chúa ở trước mặt, đi lại uống ăn giảng dạy v.v…thì họ lại cật vấn “ Thầy để chúng tôi vơ vẩn cho đến chừng nào. Nếu Thầy là Đấng Kitô cứu độ thì hãy nói tỏ tường cho chúng tôi hay” Ga 10, 24. ) Kinh Thánh Tân ước ghi lại rất nhiều lần cả dân chúng lẫn môn đệ thắc mắc về Ngài, đấy là những dấu chỉ cho thấy có sự xuất hiện của Đấng Tôn Sư, vị Thầy tâm linh ở nơi cõi thế. Mong mỏi Đấng Cứu Thế như vậy tức cũng là mong mỏi điều công chính cho chính mình và cho xã hội, đất nước dân tộc mình. Cái điều ước mong ấy thời nào cũng có, xã hội càng bất công, càng điêu linh khốn khổ chừng nào thì càng thiết tha chừng ấy. Tuy nhiên điều công chính không thể có cho con người như một miếng bánh đã được làm sẵn chỉ chờ được đem tới mà cần phải hết lòng tìm kiếm “ Các ngươi hãy reo rắc sự công chính và sẽ gặt mùa nhân từ. Các ngươi hãy khai khẩn những miền Đất mới. Đây là lúc phải tìm kiếm Chúa và khi Người đến người sẽ dạy dỗ sự công chính cho các ngươi” Hs 10, 12)
Có thể nói thời Cựu ( Cựu ước ) là thời mong đợi Đấng Cứu Thế, nhưng ngược đời thay khi Ngài đến thì người ta lại xua đưổi và rồi cuối cùng đã bị giết chết chỉ vì họ không thể chấp nhận được mạc khải của Ngài. Đức Kitô đã trả lời cho câu hỏi mà người ta chất vấn về thân phận đồng thời cũng cho biết về sứ mạng của Ngài “ Ta đã nói cho các ngươi mà các ngươi không tin. những việc Ta nhân danh Cha mà làm đều làm chứng cho Ta. Nhưng các ngươi không tin Ta vì các ngươi chẳng thuộc về đòan chiên của Ta. Chiên Ta thì nghe Tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta ban cho chúng sự sống đời đời” Ga 10, 25 – 28. ) Xưa cũng vậy mà nay cũng thế, một khi đã không tin vào mạc khải ( tức sự dạy dỗ sự công chính như tiên tri Hosé đã nói ) thì dù Chúa có đến cũng lại giết đi mà thôi. Chúa chỉ có thể cứu được những kẻ có lòng tin tức là tin vào mạc khải của Ngài về Sự Sống Đời Đời. Hiểu như vậy thì tin ở đây chỉ có thể là tin vào mạc khải để được nên công chính chứ không phải là tin cách vu vơ mà thực chất là chẳng có tin gì cả. Trong câu “ Ta ban cho chúng sự sống đời đời” thì ban ở đây cần phải hiểu đó là mạc khải của Đức Kitô về sự sống đời đời. Sự sống ấy vốn vẫn hằng hữu ở nơi mỗi một người trong chúng ta nhưng bởi vô minh che lấp nên không một ai nhận biết. Từ bao lâu nay con người vẫn cứ mải mê tìm kiếm sự sống nhưng nào ngờ sự sống ấy lại luôn sẵn đủ ở nơi mình, chỉ cần quay về là gặp.
II/- Tìm kiếm để trở về
Cần phân biệt hai thứ công chính, một của người đời và một của Chúa. Nếu chẳng phải vậy tại sao Đức Kitô lại nói “ Ta nói cùng các ngươi, nếu sự công chính của các ngươi chẳng trổi vượt hơn sự công chính của các văn sĩ và người Pharisiêu thì các ngươi chẳng thể vào được Nước Trời” Mt 5, 20. Sự khác biệt giữa công chính của Thiên Chúa và của con người chỉ hệ tại ở chỗ phân biệt hay không phân biệt. Hết thảy người đời không ai lại không sống với tâm phân biệt tức là còn thấy có một “ Cái Ta” mà còn thấy có TA thì tất cả tư tưởng, lời nói việc làm đều do bởi và vì Cái Ta mà làm. Bao lâu còn vì “ Cái Ta” mà hành động dù có được thế gian cho là tốt đẹp cả thể đến đâu nhưng đối với Thiên Chúa Đấng thấu suốt tới tận tâm can thì vẫn có thể chỉ là gian ác “ Trong ngày đó nhiều người sẽ nói cùng Ta rằng lạy Chúa, lạy Chúa chúng tôi há chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao ? Nhân danh Chúa mà đuổi quỷ sao ? Nhân danh Chúa mà làm nhiều việc quyền năng sao ? Khi ấy Ta sẽ công bố với họ rằng Ta chẳng hề biết các ngươi, hãy lìa khỏi Ta hỡi những kẻ làm ác kia” Mt 7, 22 – 23. Điều mà người đời cho là công chính thì đối với Thiên Chúa có thể là gian ác bởi những công việc ấy đã chỉ vì Cái Ta mà làm. Phải bỏ Cái Ta trong mọi tư tưởng, lời nói, việc làm đó mới thật là công chính. Công ở đây là công bằng còn chính tức là chính trực. Cả công lẫn chính đều để ám chỉ cho cái Tâm Vô Phân Biệt. Nói cách khác khi tâm không còn phân biệt còn có ta, có người đó mới thật là công chính. Người môn đệ Chúa cần phải có và sống với Tâm công chính ấy mới vào được Nước Trời bởi lẽ Nước Trời chẳng ở đâu xa trên chín tầng mây để phải đem nó xuống. Cũng chẳngphải ở bên kia biển để đem nó về, Nước Trời ấy ở rất gần ngươi, ở trong miệng và trong lòng ngươi” Đnl 30, 11- 14 )
Mặc dầu Nước Trời vốn vẫn hằng hữu ở nơi ta nhưng bởi vô minh che lấp nên chẳng một ai hay ai biết. Dức Kitô xuống thế rao giảng Tin Mừng Nước Trời chính là để mạc khải ( Chỉ ) cho con người điều còn ẩn giấu đó với hai điều kiện là đức tin và lòng sám hối ăn năn “ Thời đã mãn, Nước Trời đã gần đến, các ngươi hãy ăn năn và tin vào Tin Mừng” Mc 1, 15 ). Đức tin và lòng ăn năn chừa cải tội lỗi mình là hai điều kiện tối cần để vào được Nước Trời. Đức tin và lòng ăn năn luôn song hành bồi bổ cho nhau, đức tin thúc đẩy lòng ăn năn và lòng ăn năn lại làm cho đức tin tăng trưởng. Nước Trời không ở đâu xa mà ngay ở cõi lòng mình, thế nên mới cần có đức tin cùng với lòng ăn năn. Còn nếu như con người có thể xây dựng Nước Trời bằng khả năng, bằng tri thức của mình thì cần gì phải tin, phải ăn năn ?Mặt khác, nếu con người có thể thiết lập một nền công chính cho mình ở trái đất này thì việc Đức Kitô xuống thế làm người chẳng phải vô ích sao ? “ Dân ngọai chẳng theo đuổi sự công chính lại đã được nên công chính tức công chính bởi đức tin. Nhưng dân Do Thái theo đuổi công chính của luật pháp mà lại không đạt đến sự công chính ấy. Tại sao ? Bởi họ chẳng nhờ đức tin mà tìm nhưng nhờ công việc. Họ đã vấp phải hòn đá vấp chân” Rm 9, 30 – 32) “ Hòn đá vấp chân” ở đây ám chỉ Đức Kitô hay nói cách chính xác hơn đó là mạc khải của Ngài về Nước Trời mầu nhiệm nội tại. Người ta có thể “ vấp” bởi hai khía cạnh, hoặc hòan tòan phủ nhận mạc khải và như vậy đương nhiên đức tin đã bị gạt bỏ. Hoặc ngược lại tuy khẳng định đức tin là điều duy nhất nhưng đây chỉ là thứ đức tin chết bởi nó không có việc làm ( Gc 2, 17 )
Đức tin và lòng sám hối ăn năn là hành trang tối cần cho người tín hữu trên đường tâm linh trở về. Thế nhưng nếu không có Đức Maria làm Mẹ thì không ai có thể bước đi trên con đường ấy, dẫu chỉ một bước chân.
III/- Vai trò của Đức Maria trong nhiệm cục cứu độ
Bởi đâu Đức Maria lại tối ư cần thiết cho cuộc sống tâm linh trở về của người tín hữu như vậy ? Câu trả lời rất mực đơn sơ nhưng cũng rất chí lý là vì Thiên Chúa quan phòng đã muốn như thế. Thật vậy, ngay từ thuở ban đầu Đức Maria dưới danh xưng Người nữ đạp giập đầu rắn Satan đã nằm trong kế đồ cứu chuộc của Thiên Chúa thông qua một cuộc chiến “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ nghịch thù nhau. Người Nữ sẽ giày đạp đầu mày, còn mày thì sẽ rình cắn gót chân người” Stk 3, 15. Câu chuyện diễn ra nơi Vườn Địa Đàng nói chung và cuộc chiến giữa Người Nữ và rắn Satan nói riêng chúng ta chỉ có thể hiểu khi liên hệ nó với đời sống nội tâm con người. Nơi Vườn Địa Đàng (Đại Viên cảnh trí ) có trồng hai thứ cây, một cây sự sống cùng cây biết phân biệt điều thiện, điều ác ( Stk 2, 9 ) Cây sự sống tức Tâm Vô Phân Biệt còn cây biết điều thiện điều ác là Tâm Phân Biệt. Thiên Chúa Giêhova đã cấm không được ăn cây ( trái ) phân biệt nhưng nguyên tổ vẫn cứ ăn và thế là lập tức bị đưổi khỏi Địa Đàng để chịu muôn vàn đắng cay khổ nhục ( Stk 3, 18 ) Tâm vô phân biệt còn gọi là tâm con đỏ ( Xích Tử chi tâm ) Tâm này vẫn có ở nơi các trẻ thơ, vì thế đời sống của chúng luôn hồn nhiên trong sáng và đấy cũng là Nước Trời mà Đức itô muốn chúng ta cần đạt tới “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi, hễ ai chẳng nhận lấy Nước Trời như một trẻ nhỏ thì chẳng được vào đó” Lc 18, 17 ) Tâm trẻ thơ là Tâm chưa đi vào phân biệt, chúng nào biết chi đến gái trai, giàu nghèo sang hèn, xấu tốt v.v…? Thế nhưng Tâm ấy rồi sẽ mất đi khi chúng vừa…lớn lên một chút trở thành những chàng trai cô gái biết yêu thương nhung nhớ giận hờn vu vơ với tất cả hệ lụy trải dài trong suốt cuộc đời. Tính chất khổ luôn gắn chặt với số kiếp con người bởi lẽ không ai lại không sinh ra trong tội và tội này là do nguyên tổ gây nên “ Dường ấy nhân chỉ một lần vấp phạm mà mọi người bị định tội thế nào thì nhân chỉ một việc công chính mà mọi người đều được nên công chính để được sống cũng thể ấy. V́ như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người đều sẽ trở nên công chính cũng thể ấy” Rm 5, 19 )
Việc công chính được nói tới ở đây tức là cuộc tử nạn của Chúa Giêsu trên thập giá. Cái chết của Chúa là nguồn ơn cứu độ, tuy nhiên có thể nói nguồn ơn ấy sẽ không thể tuôn tràn xuống cho nhân lọai nếu không nhờ vào Đức Maria. Tại sao ? Bởi chưng nguồn ơn ấy chỉ có thể có được thông qua việc Đức mẹ nhận lời trối của Chúa Giêsu khi còn trên Thánh Giá “ Thưa Bà, đây là con Bà” và với Thánh Gioan “ này là Mẹ con” Ga 19, 26 – 27 ) Tòan thể tín hữu chúng ta từ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội cũng đều là người em của Thánh Gioan thông qua lời trối của Chúa Giêsu trên Thánh giá và như thế tất cũng phải như Thánh Gioan đón Đức Mẹ về nhà mình “ Từ giờ đó môn đệ ấy đón Bà về nhà mình” Ga 19, 27 ) Đức Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu cả về phần xác lẫn phần hồn mặc dầu Ngài chính là Ngôi Hai Thiên Chúa. Giáo hội ngay từ đầu đã được ơn Thánh Thần soi sáng để tuyên xưng tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Đã gọi là Tín Điều thì buộc phải tin, không tin thì mắc tội, tuy nhiên thâm tín được điều này, đó là một ơn trọng vì từ đây mà mọi gút mắc sẽ được từng bước tháo gỡ.
Sở dĩ có được tháo gỡ ấy là do việc như Thánh Gioan đã làm đó là đón Đức Mẹ về nhà mình. Mục đích của việc đón rước mà thực chất là việc thành thật tôn sùng ấy là để Đức Mẹ cưu mang sinh hạ Đấng Cứu Thế cho ta, ở nơi tâm hồn ta. Đức Mẹ nhận lời cưu mang Đấng Cứu Thế bởi Tiếng Xin Vâng ( Fiat ) thế nào thì Ngài cũng dùng ơn Thánh Sủng để dạy dỗ chúng ta biết cách Xin Vâng như vậy. “ Xin Vâng” đó cũng chính là thực thi Thánh Ý Thiên Chúa. Không một ai có thể Xin Vâng nếu không có Đức Mẹ bởi Ngài là Mẹ thật của chúng ta. Mẹ nào thì cũng thương con và mong muốn con thành đạt. Người mẹ trần gian thương con nhưng rất nhiều khi chẳng giúp gì được cho con khi con lâm bệnh, tật nguyền và nhất là khi nó phải chết. Thế nhưng Đức Maria vừa là Mẹ đầy ơn sủng “ Thiên Chúa ở cùng Bà” lại vừa là Người Nữ” đạp giập đầu rắn Ngài có đủ dũng lực để cứu giúp ta chiến thắng ba thù thế gian ma quỷ xác thịt. Mặt khác mẹ trần gian muốn con thành đạt nhưng lực bất tòng tâm vì nghèo, vì dốt lại cô thân cô thế…làm sao giúp được cho con mình ? Trái lại Đức Mẹ Đấng mặc áo mặt trời, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao ( Kh 12, 1 ) quyền thế vô song Ngài sẽ thành tựu cho ta không phải thứ gì mà thế gian có thể dù chỉ trong quan niệm, đó là phẩm vị Con Thiên Chúa như lời Thánh Phao lô đã nói “ Chính Thánh Thần cùng tâm linh chúng ta đồng chứng rằng chúng ta là Con Thiên Chúa” Rm 8, 16.
Quả thật công chính chỉ bởi đức tin, nhưng đức tin cần có việc làm và bất cứ việc làm nào thì cũng phải nhờ Mẹ, qua Mẹ mới đến được với Đấng Công Chính Con Dấu Yêu của Mẹ.
Phùng văn Hóa