Có hay không sự mâu thuẫn trong việc giải thích Kinh Thánh của giáo hội hiện nay ? Một đàng thánh Phê Rô nói: “ Không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Kinh Thánh” ( 2Pr 1, 20 ). Đàng khác, thông điệp Providentissimus Deus lại quả quyết:“ Một lãnh vực nghiên cứu bao la được mở ra chờ đón cố gắng cá nhân của mỗi nhà chú giải ( EB 109 ). Năm mươi năm sau Divino Afflante Spiritu lập lại y nguyên lời khích lệ trên bằng những từ ngữ khác: Còn nhiều điều, một số điểm rất quan trọng đang chờ đợi trí sắc xảo và tài năng của các nhà chú giải Công giáo có thể và phải tự do bàn luận hay giải thích” ( UBKT Giáo Hoàng – Việc Giải Thích KT trong Hội Thánh ).
Với thánh Phê Rô, không một ai được tự tiện giải thích Lời Ngôn Sứ tức Kinh Thánh, còn với giáo hội hiện nay lại được…tự do bàn luận có nghĩa muốn giải theo nghĩa nào thì giải ? Bởi được khuyến khích như thế nên cũng chẳng lạ gì với vô số quan điểm hay còn gọi là lối tiếp cận khác nhau như phương pháp Phê Bình Lịch Sử, Phân Tích Văn Chương, Tu Từ Học hoặc theo lối Giải Phóng, Nữ Quyền v.v…
Vì có nhiều lồi…tiếp cận khác biệt như thế nên đã không sao tránh khỏi…lộn xộn: “ Một số người cho việc có nhiều phương pháp và nhiều lối tiếp cận là dấu hiệu cho thấy sự phong phú nhưng một số khác lại có cảm tưởng đó là một tình trạng lộn xộn vô cùng” ( Việc Giải Thích KT trong HT đã dẫn ).
Tại sao có sự…lộn xộn trong việc giải thích Kinh Thánh như thế ? Đó là vì người ta đã hiểu sai lạc về nội dung Kinh Thánh. Thay vì nội dung ấy là các Giao Ước lại cho rằng: “ Kinh Thánh là một tuyển tập các tác phẩm. Các tác phẩm này rất thường nhất là đối với Cựu Ước lại không phải là thành quả sáng tạo của một tác giả độc nhất, nhưng đã có một tiền sử dài, liên kết mật thiết với lịch sử của Itsraen (Cựu Ước) và với lịch sử của Hội Thánh tiên khởi ( Tân Ước )” ( Việc Giải Thích KT trong HT ).
Một khi đã hiểu sai lạc về nội dung Kinh Thánh như thế thì làm sao có thể nhận ra mối tương quan mật thiết giữa Cựu và Tân Ước như thánh Augustino nói: “ Tân Ước giấu ẩn trong Cựu Ước. Cựu Ước tỏ lộ trong Tân Ước” ( Novum Testamentum in Vetere Latet et in Novo Vetus patet ). Nói Tân Ước giấu ẩn trong Cựu Ước có nghĩa chúng ta chỉ có thể đọc và hiểu Tân Ước nếu có sự kết nối với Cựu Ước. Ngược lại cũng chỉ có thể đọc và hiểu Cựu Ước nếu dẫn tới cái kết cuộc của Tân Ước.
Sự tương tác giữa Cựu Ước và Tân Ước có thể ví như sự tương tục của một dòng sông gồm bởi hai phần thượng lưu và hạ lưu. Trong một dòng sông, không ai có thể phân biệt đâu là phần thượng lưu đâu là hạ lưu. Tuy nhiên, với toàn bộ Kinh Thánh vẫn có sự phân chia thành hai phần riêng biệt Cựu và Tân Ước.
Sự phân chia ấy trở thành rõ rệt một khi Do Thái giáo đến nay vẫn không nhìn nhận Chúa Giê Su là Đấng Cứu Thế ( Ki Tô ), vì vậy Sách Thánh của họ vẫn gọi là Sách Luật ( Moi Sê ) chẳng có quan hệ gì đến Tân Ước ? Ngược lại Ki Tô giáo hiểu như một thống hệ bao gồm Công giáo, Chính Thống giáo, Anh giáo, Tin Lành, nó chỉ tồn tại như một danh xưng không phải tôn giáo hiểu như Con Đường Thực Hiện Tâm Linh.
Con đường thực hiện tâm linh ấy chính là Đạo Công giáo Tông Truyền do Đức Giê Su Ki Tô thiết lập vốn gọi là Dân Chúa hoặc Dân Riêng. Trước đây chúng ta vẫn lầm cho Do Thái giáo là Dân Riêng nhưng vì không nhìn nhận Chúa Giê Su là Cứu Chúa nên họ đã không còn là con cái của Lời Hứa: “ Cũng không phải vì họ là dòng giống Apraham mà hết thảy đều là con cái đâu, bởi duy kẻ ra từ Isaac mới gọi là dòng giống ngươi. Có nghĩa chẳng phải con cái thuộc xác thịt là con cái Thiên Chúa, duy con cái thuộc lời hứa mới được kể là dòng giống vậy” ( Rm 9, 7 -8 )
Duy con cái thuộc Lời Hứa mới thuộc dòng giống tức Dân Riêng. Vậy đó là lời hứa nào ? Xin thưa đó là lời hứa cho tổ phụ Apraham: “ Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến xứ Ta sẽ chỉ cho, Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ thành nguồn phước đức” ( St 12, 1 -2 ).
Xứ mà tổ phụ Apraham được…chỉ cho là đất Canaan. Tuy nhiên để có thể…đến được đất ấy, dân Itsraen cần thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, trải qua cuộc hành trình hết sức cam go. Moise được Đức Chúa trao cho sứ mạng dẫn dắt Dân Người cùng với lời hứa: “ Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của Dân Ta bên đất Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai phu hành hạ. Phải, Ta biết những nỗi khổ đau của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập và đưa chúng từ đất ấy tới một miền đất tốt tươi, rộng lớn, một đất tràn trề sữa và mật, xứ của người Canaan, Khết, Emori, Poritsi, Khivi và Gionit…
…Giờ đây tiếng rên xiết của con cái Itsraen đã thấu tới Ta. Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai Cập. Bây giờ ngươi hãy đi. Ta sai ngươi đến với Pharaon để đưa Dân Ta là con cái Itsraen ra khỏi Ai Cập” ( Xh 3, 7 -10 ).
Được trao sứ mạng dẫn dắt Dân Chúa, Moi Se không dám lãnh nhận nhưng Đức Chúa đã ban cho ông làm nhiều phép lạ hầu có thể khiến dân chúng …tâm phục, khẩu phục. Đồng thời Đức Chúa đã giáng xuống mười tai ương trên đất Ai Cập trong đó có việc giết chết toàn thể con trai đầu lòng của họ và chính với tai họa này, Pharaon sợ hãi đã phải truyền cho dân Itsraen được phép ra đi…
Mặc dầu đã cho phép, nhưng rồi Pharaon lại…tiếc và đã cho quân lính cùng đoàn chiến xa truy cản khiến dân Itsraen vô cùng hoảng sợ: “ Khi quân lính tới gần, con cái Itsraen ngước mắt lên thì thấy người Ai Cập đã đến ngay sau lưng họ. Họ lớn tiếng kêu cầu Đức Chúa và còn nói với Moi Se: Bên Ai Cập không có đủ phần mộ hay sao mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc. Ông làm gì chúng tôi vậy ? Khi ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập, đó chẳng phải là điều chúng tôi từng nói với ông lúc còn ở nơi đó sao ? Chúng tôi đã bảo: Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ cho người Ai Cập còn hơn là chết trong sa mạc” ( Xh 14, 10 -12 ).
Lời trách cứ của dân sự với Moi Se cho thấy cái nỗi sợ chết thuộc bản năng sinh tồn của con người. Bản năng ấy sở dĩ mãnh liệt là bởi không ai lại không chấp cho xác thân là mình ! Đang khi đó con người không phải là cái xác thân ô trọc nặng mấy chục kí lô này nhưng từ muôn thuở đã được tạo dựng là Hình Ảnh Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa từ trong tiềm thể ( St 1, 26 ).
Một khi đã chấp lấy xác thân là mình thì không bao giờ có thể thoát khỏi khổ đau. Cuộc giải thoát Dân Chúa ra khỏi ách nô lệ Ai Cập là một sự kiện lịch sử. Thế nhưng chúng ta chỉ có thể nhận ra ý nghĩa cũng như mục đích ấy qua Công Cuộc Cứu Độ của Đức Ki Tô: “ Chúa Giê Su nói với những người Do Thái đã tin Ngài rằng: nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).
Con người sẽ được giải thoát khỏi mọi khổ đau một khi nhận biết ( Giác Ngộ ) mình là Con Thiên Chúa. Thế nhưng việc nhận biết ấy là rất khó. Chính bởi lẽ đó, người Do Thái thưa với Chúa: “ Chúng tôi là dòng dõi Apraham, chưa hề làm tôi mọi ai. Vậy sao Thầy nói: Các ngươi sẽ được tự do ?” ( Ga 8, 33 ).
Cũng vì không hiểu thế nào là tự do nên người Do Thái không hiểu được Lời Chúa vì chưng nô lệ ở đây là nô lệ tội lỗi: “ Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, hễ ai phạm tội thì là nô lệ của tội. Còn tôi mọi không ở lại trong nhà luôn mà con thì ở lại luôn” ( Ga 8, 34 -35 ).
Nô lệ cần được hiểu là nô lệ tội lỗi và vì thế việc giải thoát Dân Người khỏi ách nô lệ Ai Cập nhất thiết cần phải gắn liền với việc giải thoát ách nô lệ tội lỗi . Pharaon ám chỉ Sa Tan luôn muốn áp chế con người không cho thoát khỏi quyền lực tối tăm của nó.
Một mặt, sự áp chế của quyền lực sự dữ thật đáng sợ nhưng mặt khác quyền năng của Thiên Chúa lại là toàn năng một khi con người kêu cầu đến Người. Trước nỗi sợ hãi của dân sự, Moi Se đưa ra lời trấn an: “ Đừng sợ,, cứ yên tâm, rồi các ngươi sẽ thấy việc Đức Chúa làm hôm nay để cứu thoát các ngươi. Những quân binh Ai cập mà các ngươi đã nhìn thấy hôm nay sẽ không bao giờ các ngươi còn thấy lại nữa. Đức Chúa sẽ chiến đấu cho các ngươi” ( Xh 14, 13 -14 ).
Điều Moi Se trấn an: Đức Chúa sẽ chiến đấu cho các ngươi để cứu dân Itsraen đó là giết chết toàn bộ quân lính và các chiến xa, vùi dập nó trong lòng Biển Đỏ với phép lạ của Moi Se dùng cây gậy đập trên mặt biển rẽ ra làm hai ( Xh 14, 16 ).
Thiên Chúa đầy lòng thương xót, Ngài sẵn sàng cứu thoát khi con người cầu xin. Trong chặng đường cực kỳ gian khổ ấy, khi dân đói thì Chúa ban manna dòng dã suốt bốn mươi năm, khi khát thì ban suối nước ngọt, khi rắn độc bò ra cắn thì cho treo rắn đồng v.v…
Lòng thương xót vô bờ không những chỉ thể hiện bằng lương thực phần xác mà trên con đường vượt qua hiểm trở ấy Thiên Chúa còn ban cho những dấu chỉ để dẫn đường: “ Ở mỗi chặng đường của họ, khi nào đám mây bay lên thì con cái Itsraen nhổ trại. Nếu mây không bay lên thì không nhổ trại cho đến khi mây lại bay lên. Quả vậy, đám mây của Đức Chúa đậu trên Nhà tạm ban ngày còn ban đêm thì có lửa trong mây trước mắt toàn thể con cái Itsraen ở mỗi chặng đường họ đi” ( Xh 40, 36 -38 ).
Những điều được ghi trong Sách Xuất Hành tưởng như…hoang đường nhưng nếu cuộc hành trình ấy được nhìn dưới lăng kính…tâm linh sẽ thấy đó toàn là sự thật. Những của ăn cho cuộc Vượt Qua ấy không thuần chỉ là vật chất nhưng là chính Chúa Giê Su Thánh Thể và các Bí Tích của Ngài: “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi, chẳng phải Moi Se đã ban cho các ngươi bánh từ trời xuống bèn là Cha ban cho các ngươi bánh thật từ trời xuống. Vì bánh của Thiên Chúa là bánh từ trời xuống, ban sự sống cho thế gian” ( Ga 6, 32 -33 ).
Sự sống Chúa ban cho thế gian đó là sự sống thần linh, sự sống đời đời. Thế nhưng người Do Thái không hiểu được điều đó nên nói: “ Thưa Chúa, xin ban bánh đó cho chúng tôi luôn luôn” ( Ga 6, 34 ). Người Do Thái có sự lầm lẫn về đích đến của Cuộc Vượt Qua. Họ vẫn đinh ninh đích đến ấy là đất Canaan nhưng không phải vậy bởi vì Canaan vốn là xứ sở của các sắc dân du mục bản địa như Canaan, Khốt, Emorit, Khi Vi v.v…Người Itsraen chỉ chiếm được đất ấy sau những cuộc giao tranh đẫm máu và rồi cũng chỉ tồn tại ở đó được vài trăm năm lại bị các đế quốc lân bang xâm chiếm và bắt đi đày làm nô lệ trong nhiều thế hệ !!!
Nếu vậy, phải chăng mục đích Cuộc Vượt Qua của Dân Chúa từ đất Ai Cập trở về chẳng phải là đã thất bại hay sao, có chi mà gọi là xứ sở “ Đượm Sữa và Mật” ? Đất Canaan hoàn toàn không phải là Đất Hứa cho tổ phụ Apraham. Đất Hứa ấy chính là Nước Trời mầu nhiệm nội tại mà Đức Ki Tô rao giảng: “ Người Pharisi hỏi Chúa Giê Su, Nước Thiên Chúa chừng nào đến ? Ngài đáp: Nước Thiên Chúa không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được: Đây này hay đó kia, vì này Nước TC ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).
Vì chưng Nước Trời là mầu nhiệm nội tại thế nên Đức Ki Tô đòi hỏi con người cần có lòng tin và sự sám hối ăn năn: “ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần. Các ngươi hãy ăn năn, sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ). Ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng là hai điều kiện không thể tách rời nhau. Thật lòng ăn năn sám hối ví như thứ thuốc tẩy làm cho nước trong trở lại. Nước có trong mới có thể thấy được viên ngọc quý ( Chân Tâm ) ở dưới đáy ao. Thế nhưng để có thể thực hành việc sám hối, ăn năn thì phải vượt qua được Bản Ngã ( Cái Tôi ) ở nơi chính mình.
Cuộc Vượt Qua của Dân Chúa chỉ có ý nghĩa khi đó là Cuộc Vượt Qua tức thắng vượt được chính mình. Sao gọi là… thắng mình ? Trong tâm luôn có hai thế lực đối nghịch, một là các tánh nhơ nhiễm dục vọng: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác kiến. Hai là những kiến thức sai lầm đủ loại kể cả triết cũng như thần học.
Phải có đạo lực mạnh mẽ mới có thể thắng được dục vọng luôn tiềm ẩn và có thể phát tác bất cứ khi nào có điều kiện ! Phải có lực thấy biết sâu, rộng mới có thể thắng được những kiến thức sai lầm ! Chuyên cần thực hành Kinh Mân trong chánh niệm như lời Đức Mẹ truyền dạy sẽ cho ta có được đạo lực mạnh mẽ và kiến thức sâu rộng.
Chính với đạo lực mạnh mẽ và kiến thức sâu rộng ấy sẽ cho ta vượt qua cõi đời sinh tử vô thường hầu về bên Chúa như lời Ngài đã hứa: “ Cha ơi, Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha ban cho Con cũng ở đó với Con để họ ngắm xem vinh hiển của Con là vinh hiển mà Cha đã ban cho Con vì từ trước buổi sáng thế, Cha đã thương yêu Con” ( Ga 17, 44 )./.
Phùng Văn Hóa