Cuộc khủng hoảng và niềm hy vọng của Giáo Hội hôm nay

          Có thể nói  Phúc Trình Pennsylvania là cao trào cơn khủng hoảng  hiện nay của Giáo Hội. Bản Phúc Trình dày 884 trang được chưởng lý bang Pennsylvania, Josh Shpiro công bố hồi tháng 8/2018 sau cuộc điều tra kéo dài hơn 02 năm có đưa ra những ví dụ, hình ảnh của những trẻ em  được  các tu sĩ dạy dỗ và lạm dụng tình dục. Vào lúc đó  ông  Shpiro nói rằng Bản Phúc Trình chủ yếu dựa trên những tài liệu trong kho lưu trữ bí mật được các giáo phận cất giữ bao gồm lời thú tội do các linh mục viết tay….

          ….Bản Phúc Trình nêu tên 301 linh mục. Một số người trong số này đã qua đời. ( Nguồn Voatiengviet.Com. 19/10/2018 ).

          Vụ việc lạm dụng tình dục hay còn gọi là ấu dâm của một số giáo sĩ Mỹ quả là rất nghiêm trọng không những đối với xã hội mà ngay cả với người Công Giáo chúng ta. Trước dư luận mà cụ thể là  các phương tiện  truyền thông, truyền hình hầu như mỗi ngày đều đưa tin cùng với những bài bình luận gay gắt cho rằng Đạo Công Giáo đã đến…ngày tàn. Rằng Giáo Hội dung túng bao che cho những tên tội phạm v.v…

          Người đời dường như…hả hê trước tình trạng bê bối của Giáo Hội và mong cho cái ngày  nó sụp đổ. Còn người có đạo tức những ai còn có lòng yêu mến Giáo Hội thì sao ? Linh mục Timothy Radcliffe, nguyên bề trên tổng quyền Dòng Anh Em Thuyết Giáo trong một thuyết trình về đề tài “ Làm thế nào để trở thành người mang Tin Mừng” đã đưa ra nhận định:

          “ Tôi sẽ kết thúc bằng vài lời về những vụ tai tiếng từng hành hạ Giáo Hội trong những năm gần đây. Vì những tai tiếng ấy mà ngày nay các linh mục cảm nhận  được nỗi đau của những người mang Tin Mừng. Anh em biết rõ hơn tôi về sức tàn phá do những vụ tai tiếng đã gây ra: Đau nhất là các nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Nỗi nhục của giới linh mục nói chung. Nỗi đau của giáo dân. Họ sững sờ kinh ngạc vì người ta nỡ phản bội lòng tin của họ. Nhưng  cả sự giận dữ khi thấy một số vị giám mục xử lý vấn nạn và xấu hổ khi thấy Giáo Hội bị các phương tiện truyền thông liệt vào loại cấm kỵ.  Điều ấy thật đúng là một cuộc khủng hoảng” ( nguồn HV Đa Minh VN – 28/3/2018 – Nhận Định ).

          Nỗi đau của linh mục những người…mang Tin Mừng: Làm sao lúc này họ có thể  làm chứng nhân cho Chúa và làm chứng về điều gì đây ? Nỗi đau của giáo dân. Những người từ bao đời nay tin tưởng và hết lòng vâng phục các đấng các bậc. Giờ đây họ còn biết tin tưởng vào ai trong cái thế giới điên  loạn này ?

          Những câu hỏi ấy sẽ không thể có câu trả lời nếu tất cả chúng ta, giáo sĩ cũng như giáo dân không tìm cách thoát ra cuộc khủng hoảng của Giáo Hội không phải chỉ xảy đến do việc ấu dâm của một số giáo sĩ nhưng đã có từ rất lâu và ngày càng trầm trọng.

          Để giải quyết bất cứ  cơn khủng hoảng nào dù là chính trị, kinh tế hay tôn giáo thì trước hết cần tìm ra cái nguyên nhân gây ra cho nó. Bao lâu chưa tìm ra nguyên nhân  thì mọi nỗ lực giải quyết khủng hoảng chỉ là việc…đánh bùn sang ao vô ích.

          Tất cả những vụ việc tồi tệ đáng trách mà dư luận đang phê phán thật ra đó chỉ là hậu quả tất nhiên của một Giáo Hội đang bước vào con đường Tục Hóa. Giáo  sĩ thay vì phải sống đời hy sinh hãm mình thì lại ham mê tiền bạc, hưởng thụ vật chất. Thay cho đời sống nội tâm thì lại chuộng hư danh, chức vị này nọ. Thay cho một lòng theo Chúa thì lại thỏa hiệp với thế gian và khi đã thỏa hiệp thì đâu còn hết lòng tìm kiếm chân lý như đòi hỏi của Đức Ki Tô: “Trước hết hãy lo  tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” ( Mt 6, 33 ).

          Chúa truyền dạy hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa chứ  không phải…dựng xây Nước Chúa ở nơi trần gian này !!! Tìm kiếm hoàn toàn khác với xây dựng ở chỗ. Một đàng là tìm cái chưa thấy, chưa biết. Một đàng người ta chỉ có thể dựng xây cái mà mình đã thấy, đã biết. Để  xây một căn nhà thì  cần  có bản vẽ hoặc hình dung nó ra ở trong đầu chứ có ai  xây nhà mà lại  không biết  hình thể nó sẽ ra sao ?.

          Cái chưa thấy chưa biết ở đây chính là Đấng Thiên Chúa Ẩn Giấu chưa ai từng thấy biết ( Ga 1, 18 ) Đồng thời đó cũng là Nước Trời mầu nhiệm mà Đức Ki Tô rao giảng (( Lc 17, 20 -21 ). Nói rằng xây dựng Nước Trời trần gian  nhưng thật sự đó  chỉ là một thứ ảo tưởng và ảo tưởng ấy người CS trước đây cũng đã theo đuổi nhưng nay thì đã…vỡ mộng rồi.

          Tôn giáo cũng gọi là…đạo tức con  đường tìm kiếm Thiên Chúa Đấng mà chúng ta chưa thấy chưa biết. Mặc dầu chưa thấy chưa biết nhưng con người từ trong sâu thẳm cõi lòng vẫn luôn ước mong tìm gặp. Công việc…tìm gặp ấy dĩ nhiên không ai có thể tự thân làm được mà cần phải có người  dẫn đường chỉ lối. Người ấy chính là Đức Ki Tô: “ Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Đức  Ki Tô tự nhận mình là con đường về với Cha. Điều này hết sức quan trọng bởi nếu không xác định như vậy chúng ta sẽ không bao giờ có thể…về tức gặp gỡ được với Đấng Cha ở nơi chính mình.

          Nếu Đức Ki Tô một khi đã nhận mình là…con đường thì đương nhiên Giáo Hội của Ngài cũng phải là con đường làm sao có  thể khác đi được ? Quả thật Giáo Hội là con đường và con đường ấy luôn có Chúa Ki Tô đồng hành theo như lời hứa “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ).

          Chúa Ki Tô…ở cùng Giáo Hội như lời hứa. Thế nhưng chúng ta có thực sự tin điều ấy không ? Nếu tin thì có câu hỏi không thể không được đặt ra đó là: Tại sao đã rất nhiều lần và cụ thể như lúc này đây Giáo Hội được ví như con thuyền Thánh Phê Rô hầu như đang sắp…chìm nghỉm ?

          Là người Công Giáo có lòng yêu mến Giáo Hội. Thế nhưng làm sao chúng ta không  thất vọng  về hành vi đáng ghê tởm của một số giáo sĩ trong đó có cả những giám mục, hồng y mang nơi mình  chức tước, phẩm phục cao quý ? Chúng ta thất vọng, điều ấy thật sự không hề đáng trách bởi vì nó chứng tỏ nỗi lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội của Ngài.

          Mặt khác chẳng phải cho đến lúc này  chúng ta mới…thất vọng mà ngay các Tông Đồ khi xưa cũng mang tâm trạng ấy và có khi còn…thê thảm hơn. Chẳng phải  các ngài khi biết rằng Người Thầy, Đấng Chúa của mình bị người ta giết chết thì đã bỏ chạy hết cả hay sao ? Phê Rô đang lúc chán chường nói với các bạn mình:” Thôi ! Tôi đi đánh cá đây. Họ đáp: Chúng tôi cùng đi với” ( Ga 21, 3 ).

          Sở dĩ các Tông Đồ thất vọng là bởi họ đã lầm tưởng về công cuộc Cứu Độ của Chúa. Trên đường về Em Mau, hai môn đệ gặp Chúa Ki Tô Phục Sinh mà không biết thế nên tỏ ra thất vọng “ Nhưng chúng tôi đã hy vọng chính Ngài sẽ cứu chuộc Itsraen. Song việc ấy ( bị giết chết ) nay đã được ba ngày rồi” ( Lc 24, 21 ).

          Sự lầm  tưởng của các Tông Đồ sẽ được Chúa mở con mắt đức tin của họ ra bằng cách trưng dẫn Kinh Thánh “ Hỡi kẻ ngu dại, có lòng chậm tin mọi lời các tiên tri đã nói: Há chẳng  cần cho Đấng Ki Tô phải chịu những nỗi khổ ấy rồi mới được vào vinh hiển Ngài sao ?Đoạn Ngài bắt đầu từ Mai Sen đến các tiên tri mà giải nghĩa cho họ những điều ám chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh” (( Lc 24, 25 -27 ).

          Lại nữa sự thất vọng của chúng ta còn nặng nề hơn đối với sự chia rẽ cùng cực trong Giáo Hội hiện nay. Thật vậy, sự chia rẽ diễn ra khắp nơi và ngay tại Ro Ma thủ đô Công Giáo. Vừa đây đức tgm Carlo Maria Vigano đã ra một tuyên bố dài 11 trang gửi cho các phương tiện truyền thông toàn cầu. Trong tuyên bố của mình, hồng y  Vigano cáo buộc một loạt các quan chức của Vatican trước giờ đã biết chuyện của hồng y Theodore MC Carrick ở Mỹ nhưng không có hành động nào ngăn chặn tội ác. Bằng ngôn ngữ thẳng thắn, tgm Vigano cáo buộc những che đậy trong GHCG làm cho nó giống như một âm mưu  im lặng vốn thịnh hành trong những băng đảng Mafia. Trong tình hình như  thế hồng y Vigano cho rằng đức giáo hoàng Phan Xi Cô nên từ chức.” ( Nguồn Một Thế Giới – 27/8/2018 ).

           Sự chia rẽ  mang tính chất trầm trọng như thế âu cũng là điều không sao tránh khỏi một khi Giáo Hội đã không cùng đi với nhau trên con đường tìm kiếm chân lý. Nói một cách khác Giáo Hội hiện nay đã không còn là Con Đường của Chúa Ki Tô bởi vì đã trở thành một thứ….Nước trần gian, quốc gia Vatican.

          Đức Ki Tô trước khi đi nộp mình chịu chết đã dâng lời tha thiết cầu nguyện cho sự hiệp nhất “ Con chẳng  những vì họ cầu xin thôi đâu nhưng cũng vì kẻ nhơn lời họ mà tin Con nữa để họ thảy đều hiệp làm một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Lại để cho họ cũng ở trong chúng ta. Hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con” ( Ga 17, 20 -21 ).

          Chúa cầu nguyện cho sự hiệp nhất và sự hiệp nhất ấy để dành cho các Tông Đồ những con người  có cùng chung con đường tìm kiếm Sự Thật chứ chẳng phải cho các tôn giáo khác nhiều khi chỉ là…tà đạo.

          Sự hiệp nhất giữa những con người cùng chung với nhau con đường tìm kiếm Sự Thật là vô cùng cần thiết. Thế nhưng sự hiệp nhất ấy  chỉ có thể  thành tựu trong Chúa Ki Tô là đầu Hội Thánh có nghĩa trong Thân Mầu Nhiệm “ Hãy cứ ở trong Ta. Ta cũng ở trong các ngươi. Như nhánh nếu không cứ ở trong cây nho thì không thể tự kết quả gì được. Nếu các ngươi chẳng cứ ở trong Ta  thì cũng vậy. Ta là cây nho, các ngươi là nhành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì naa61y kết quả nhiều vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được” ( Ga 15, 4 -5).

          Ngoài Chúa không ai có thể làm chi đjược có nghĩa ngoài Chúa không ai có thể bước đi trên con đường nên Thánh. Đã có biết bao con người đã bước đi trên con đường nên Thánh ấy và đã thành tựu. Giáo Hội còn gọi là Hội Thánh tức…Hội của những người muốn nên Thánh. Mỗi người chúng ta….ở trong Giáo Hội hoàn toàn không giống như trong các tổ chức phần đời nào đó nhưng là những chi thể trong Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô.

          Là chi thể thì phải …gắn với Thân và khi đã gắn với Thân là Chúa thì dù cho ta có bất toàn đi nữa cũng vẫn hy vọng được  Ơn Cứu Độ bởi chưng Chúa nói “ Hãy đi học cho hiểu lời này: Ta muốn sự thương xót chứ không muốn sinh tế. Vì chưng Ta đến không phải để kêu gọi người công chính bèn là kẻ tội lỗi” ( Mt 9, 13 ).

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts