Có hai lầm lẫn cho đến nay vẫn chưa được giải rõ. Một là đồng hoá Đạo Công giáo với Thiên Chúa giáo và hai là cho Công giáo với Ki Tô giáo là một. Thiên Chúa giáo một cách chung vốn được hiểu là tôn giáo thờ phượng Thiên Chúa ( God ). Danh từ Thiên Chúa tuy được gọi như vậy nhưng mỗi tôn giáo lại theo cách hiểu của mình và rất khác biệt. Do Thái giáo tôn thờ Chúa Yahvê là cha của các tổ phụ Abraham, Giacop Isaac …Đây là chỗ đồng với Công giáo nhưng có sự khác biệt rất lớn là đạo này vẫn chỉ kính thờ Đấng Yahvê độc thần vô đối. Không nhìn nhận có Thiên Chúa Ba Ngôi và nhất là không cho Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô thế nên Do Thái giáo cho đến giờ vẫn là Đạo Mai Sen tức Đạo Cựu ước không có quan hệ gì với Công giáo. Thiên Chúa giáo còn bao gồm cả Hồi giáo. Đạo này do Mahomet sáng lập. Đạo này khác xa với Do Thái giáo và Công giáo dù cho là họ có nhận tổ phụ là Abraham. Sự khác biệt của Đạo Hồi với Công giáo ở chỗ là không nhìn nhận Chúa Giê Su là Đấng Cứu Thế mà chỉ ngang hàng với các tiên tri như Abraham, Mai Sen v.,.v..Kinh Thánh của Hồi giáo là Kinh Cora hoàn toàn khác biệt với cả phần Cựu Ước lẫn Tân Ước.
Sự ly khai của Anh giáo khỏi Công giáo liên quan đến vấn đề hôn nhân bất hợp pháp của vua Henry đệ bát trong thế kỷ 16. Cả bqa giáo phái lớn nhất đó cùng công nhận Kinh Thánh cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Cùng lấy Đức Ki Tô làm Cứu Chúa của mình, bởi vậy nên mới có sự lầm lẫn Công giáo với Ki Tô giáo là vậy. Tuy cùng có hai điểm chung quan trọng nhưng không thể lầm Công giáo với Ki Tô giáo. Lý do là vì họ đã ly khai tách rời Công giáo là Đạo Tông Truyền do Đức Ki Tô đích thân thiết lập. Sau khi Phero tuyên xưng Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô thì Ngài phán với ông “ Simon con Giona ngươi thật có phước vì chẳng phải thịt và huyết bày tỏ điều ấy cho ngươi đâu bèn là Cha Ta ở trên trời vậy. Còn Ta lại bảo ngươi rằng ngươi là Phê Rô Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, cửa Hoả Ngục cũng chẳng thắng được nó. Ta sẽ giao chìa khoá Nước Trời cho ngươi. Điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 17 -18).
Chúa chỉ thiết lập Hội Thánh trên có một con người đồng thời cũng trao trọn quyền bính cho một con người ấy. Điều này vô cùng quan trọng nhưng tại sao lại như vậy ? Câu trả lời ở đây chỉ có thể là để bảo đảm cho việc lưu truyền mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những người Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22). Chính vì lý do này mà Đạo Công giáo mới được coi là Hội Thánh Tông Truyền. Một khi nhận ra chân lý sâu xa này tất sẽ thấy được sự lầm lạc của các giáo phái khi họ ly khai tách khỏi HT. = Duy Nhất Thánh Thiện Công giáo Tông Truyền. Tách rời như thế cũng có nghĩa là họ đã bỏ qua mạc khải của Đức Ki Tô để bước vào con đường phản bội Tin Mừng “ Tôi lấy làm lạ cho anh em sao lại vội lìa khỏi Đấng đã kêu gọi anh em bởi ân sủng của Đức Ki Tô mà theo Tin Mừng khác. Nhưng không có Tin Mừng nào khác đâu. Chẳng qua là có mấy kẻ quấy rối anh em muốn cải cách Tin Mừng của đức Ki Tô đó thôi. Nhưng dẫu chúng tôi hoặc thiên sứ từ trời xuống giảng cho anh em một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh em thì người đó đáng bị nguyền rủa” ( Gal 1, 6 -8).
Đức Ki Tô là con đường chính Ngài đã khẳng định như thế. Nhưng có đường thì phải đi và đường ấy là để dẫn đưa ta đến với Đấng Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”( Ga 14, 6) Dù là đường đời hay đường tâm linh thì mục đích của nó là đưa dẫn con người về cái đích mà nó muốn, nếu không đó chỉ là con đường…cut. Ki Tô giáo nếu lấy Ki Tô làm cứu cánh thì vô hình chung đã gạt bỏ Đấng Cha. Thật sự thì Đấng Cha phải là cứu cánh và cứu cánh này phải là Đấng Cha nội tại. Đây cũng chính là ơn gọi trở về của mọi Ki Tô Hữu “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng một Chúa một đức tin một phép rửa một ĐCT là Cha mọi người vượt trên mọi người suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 -6).
Thiên Chúa là Đấng nội tại…ở trong mọi người. Thế nhưng lại không ai nhận biết ngoại trừ Đức Ki Tô và những ai Ngài muốn mạc khải ( Lc 10, 22). Nói Thiên Chúa là Đấng nội tại ..ở trong mọi người. Thế nhưng đây là một Thực Tại mầu nhiệm khôn dò vượt thoát khỏi mọi ý niệm trong, ngoài. Thực Tại ấy tuỳ từng đối tượng mà Đức Ki Tô có khi gọi là Nước Trời có khi gọi là Đấng Cha. Danh xưng nào trước sau cũng chỉ là một thứ khái niệm. Cần phải vượt qua rào cản của ngôn từ thì mới có thể bước vào Thực Tại. Để có thể vượt qua rào cản đó thì phải bỏ mình theo Chúa, ngoài ra chẳng còn có cách nào khác “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình hàng ngày vác thập giá mình mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ cứu lại được. Vì chưng được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ?” ( Lc 9, 22 -25)
Bỏ mình vác thập giá hàng ngày theo Chúa đó quả là việc khó trên mọi việc khó. Tuy nhiên đối với loài người việc ấy không thể nhưng với Chúa thì tất cả lại được ( Mt 19, 26) và cái sự …được ấy chính là Đạo Công giáo cũng là Đạo Cứu Rỗi “ Hỡi anh em là con cái thuộc dòng giống Abraham và kẻ kính sợ ĐCT trong anh em. Đạo về sự Cứu Rỗi nay đã truyền đến anh em rồi” ( Cv 13, 26). Để được cứu rỗi thì nhất thiết cần phải tựa nương vào ba trụ cột chính yếu đó là đức tin, sự cầu nguyện và tuân giữ các giới răn.
I/- Đức Tin
Xem ra việc tin Đấng Thiên Chúa là Cha nội tại tức tin nơi mạc khải của Đức Ki Tô là điều rất khó chẳng mấy ai có thể. Tuy nhiên với đại đa số người Công giáo lại trở nên hết sức cụ thể và rõ ràng. Trong Kinh Nghĩa Đức Tin chúng ta đọc trong các ngày chủ nhật và lễ trọng đã tóm tắt những điều cần thiết phải tin những việc phải làm để thực hiện đức tin đó = Tin Thiên Chúa Ba Ngôi. Tin HT cùng thông công, ngoài HT ấy không ai được rỗi linh hồn. Tin có Thiên Đàng có Hoả Ngục và sự thưởng phạt vô cùng. Vì tin có sự thưởng phạt thế nên mới phải ân cần lo lắng mà chịu các Phép Bí Tích cho nên. Tin Phép Rửa Tội, Phép Mình Thánh Chúa cùng Phép Giải Tội là ba phép cần kíp cho được rỗi linh hồn tức được lên Thiên Đàng hưởng phúc lộc đời đời.
Tin có Thiên Đàng có Hoả Ngục tin sự thưởng phạt của Thiên Chúa chính là niềm tin vào lẽ nhân quả báo ứng. Làm lành thì được lên Thiên Đàng còn làm dữ thì phải sa Hoả Ngục. Chính niềm tin nhân quả ấy đã làm nên một Đạo Công Giáo chân thật. Không có niềm tin nhân quả ấy thì Công giáo sẽ không còn là Công giáo Tông Truyền nữa. Ngày nay người ta dường như không còn tin vào sự hiện hữu của Thiên Đàng của Hoả Ngục và sự thưởng phạt, bất cứ ai ai cũng được cứu độ kể cả những người vô thần chối bỏ Thiên Chúa. Vì không tin nhân quả nên con người hôm nay đã hoàn toàn đánh mất ý thức về tội. Vin vào nhân quyền các quốc gia hầu hết đều đã công nhận hôn nhân đồng tính. Cũng vì đánh mất niềm tin nhân quả này mà ngay cả trong Giáo Hội cũng không còn coi tội là một xúc phạm nặng nề tới Bí Tích Thánh Thể, người ly dị tái hôn người đồng tính kết hôn cũng được …rước lễ !!!
Không tin có Hoả Ngục nhưng Hoả Ngục vẫn có đó. Dẫu không có Thiên Chúa nào đày đoạ con người vào đó nếu người ta không muốn. Thánh Faustina Kowalsky trong một thị kiến đã được đưa xuống Hoả Ngục và đưa ra nhận định = Tôi xin lưu ý một điều hầu hết các linh hồn trong Hoả Ngục là những linh hồn đã không tin có Hoả Ngục. Đã không tin có Hoả Ngục thì cũng không sợ Hoả Ngục nhưng không sợ Hoả Ngục để rồi vẫn cứ phải đoạ ở trong chốn khốn nạn ấy đó là sự mê muội của con người do Sa Tan dẫn dắt.Không tin Hoả Ngục thì tất nhiên cũng không tin có Thiên Đàng. Còn như tin có Thiên Đàng thì phải có ước nguyện thiết tha mới được vào chốn phúc lạc đời đời.
II/- Cầu nguyện
Trong cầu nguyện ta thấy có hai yếu tố, một là cầu hai là nguyện. Thường người ta chỉ cầu xin hết ơn này ơn kia cho mình cho gia đình mình mà thiếu đi phần nguyện. Nhưng nếu để ý sẽ thấy trong hầu hết Kinh Nguyện Công giáo đều có phần phát nguyện được thoát khỏi chốn gian trần khổ ải để về Thiên Đàng. Tính chất của cầu nguyện là để cho con người nhận ra sự yếu đuối hay sa ngã của mình bởi đó trong Kinh Sấp Mình có lời cầu = Con tin thật Chúa ở khắp mọi nơi thông biết mọi sự hằng xem thấy con hằng nghe lời con cầu nguyện. Xin Chúa rất nhân từ hãy đoái xem sự nghèo ngặt con và nhậm lời con cầu nguyện. Một đặc tính khác của cầu nguyện là xin Đức Mẹ cầu thay cho mình. Kinh Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời đã có từ thế kỷ thứ 5 khi các tín hữu Epheso rược kiệu mừng Công Đồng đã thắng bè rối Nestorio tuyên xưng Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Kinh này luôn gắn với Kinh Kính Mừng “ Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng tôi là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử Amen”.
Việc xin Đức Mẹ cầu thay cho mình là hết sức cần thiết bởi lẽ chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho đẹp lòng Chúa. Chúng ta không biết nhưng Đức Mẹ thì biết rất rõ tình cảnh khốn khổ của con người và Ngài muốn hướng dẫn con cái đi vào con đường chính lộ hầu gặp gỡ Thiên Chúa Đấng là nguồn phước lạc ở nơi chính mình mà mình không biết. Kinh Mân Côi với sự lặp đi lặp lại Kinh Kính Mừng như thế chính là một lời cầu liên lỉ để xin Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp cho mình. Có Đức Mẹ cầu thay thì chúng ta không còn có điều gì phải lo phải sợ bởi như Thánh Teresa HĐ Giê Su nói = Kinh Mân Côi giống như một xâu xích dài nối trời với đất, một đầu xích nắm trong tay ta đầu kia nắm trong tay Đức Trinh Nữ Maria”. Kinh Mân Côi là kinh đặc trưng của Công giáo, Bởi đó, là người Công giáo mà không chuyên cần đọc tụng kinh này thì giống như người đã buông tay khỏi xâu xích nối với trời…
III/- Tuân giữ các giới răn
Tin có Nước Thiên Đàng có Hoả Ngục có sự thưởng phạt đó là những niềm tin căn bản của Đạo Công giáo nhưng như thế chưa đủ. Kinh Nghĩa Đức Tin truyền dạy = Chúng con tin các sự ấy mà thôi thì chưa đủ cho được lên Thiên Đàng. Song phải giữ Mười Điều Răn ĐCT cùng Sáu Luật Điều HT và làm những việc lành phúc đức” Các giới răn tuy nhiều nhưng tóm lại chỉ còn hai đó là Mến Chúa và Yêu Người” ( Mt 22, 40) Trong Đạo Cũ tức Đạo Mai Sen hầu như người ta chỉ được dạy phải kính sợ Thiên Chúa và từ đó đã phát sinh hàng trăm thứ luật lệ trói buộc con người. Còn trong Tân Ước thì việc tuân giữ giới răn chỉ hệ tại ở việc nhận biết Tình Yêu của Thiên Chúa đối với mình.” Như Cha đã thương yêu Ta thể nào Ta cũng thương yêu các ngươi thể ấy. Hãy cứ ở trong sự thương yêu của Ta. Nếu các ngươi giữ các điều răn của Ta thì hãy cứ ở trong sự thương yêu Ta cũng như chính Ta đã giữ các điều răn của Cha Ta và cứ ở trong sự thương yêu của Ngài” ( Ga 15, 9 -10).
Nhận biết Tình Yêu của Thiên Chúa đối với mình để rồi từ đó hết lòng tuân giữ các giới răn của Chúa của Hội Thánh. Điều ấy cho thấy việc tuân giữ giới răn trong đạo không thể chỉ là những việc hình thức bề ngoài mà phải xuất phát từ nơi nội tâm tức từ trong tư tưởng. Chúa nói “ Vì từ lòng mà phát ra những ác tưởng sát hại ngoại tình gian dâm trộm cắp làm chứng gian và lộng ngôn” ( Mt 15, 19). Tội từ nơi tư tưởng thì dứt tội cũng phải dứt từ trong tư tưởng. Giới răn có mục đích là để ngăn ngừa và dứt trừ tội lỗi từ trong tư tưởng. Tư tưởng quyết định cho hành động. Có tư tưởng ăn thì mới ăn có tư tưởng đi thì mới đi có tư tưởng xấu xa ác độc thì sẽ làm điều xấu xa ác độc v.v…Mặc dầu tư tưởng là cái quyết định nhưng nó lại ẩn tàng sâu kín khó mà nhận biết. Con người chỉ có thể nhận biết được hành trạng của tư tưởng khi hết lòng tuân giữ các giới răn. Lý do bởi vì giới răn chính là cái mẫu mực cái khuôn khổ để đoạn trừ tư tưởng xấu ( ác tưởng ) đồng thời phát huy những tư tưởng thiện lành. Nguyên tắc là vậy nhưng trong thực hành nó lại là điều không thể nếu không có Đức Ki Tô là đấng dẫn đường chỉ lối “ Vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được” ( Ga 15, 5).
Không thể làm chi có nghĩa không thể làm các việc lành phúc đức. Chỉ tin thôi chưa đủ mà còn phải làm những việc lành phúc đức mới được hạnh phúc Thiên Đàng tức được “ Ở” trong Chúa. Có hai việc để chúng ta được “Ở” trong Chúa đó là siêng năng tham dự Thánh Lễ Rước Lễ và chuyên cần lần chuỗi Mân Côi theo lời khuyên của Đức Mẹ. Thánh Lễ là ơn sủng vô giá mà Chúa Ki Tô đã ban cho nhân loại bằng sự hiến mạng sống của chính Ngài. Còn Kinh Mân Côi như Thánh Teresa HĐ Giê Su nói đó là con đường Đức Mẹ dẫn đưa ta về trời.
Rước lễ tức là…ăn Mình Máu Thánh Chúa thì như lời Chúa hứa sẽ có sự sống đời đời “ Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Nếu ai ăn bánh ấy thì sẽ sống đời đời. Còn bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian ấy là thịt Ta” ( Ga 6, 51). Tin Chúa ngự thật trong Phép Mình Thánh và rước lấy để có sự sống đời đời đó là niềm tin chân thật của người Công giáo từ bao thế kỷ nay. Thế nhưng niềm tin ấy ngày nay hầu như không còn nữa và đây phải chăng là báo biểu cho ngày Chúa đến đang cận kề ? “ Chẳng biết ngày Ta đến có còn đức tin trên mặt đất này không ? “ ( Lc 18, 8).
Phùng Văn Hoá