Trong khoảng vài chục năm nay cụ thể là sau CĐ Vatican II Giáo hội hầu như không còn nhắc nhở gì đến bốn sự sau hết tức là Tứ Chung ( Novissimus )= Chết, Phán Xét, Thiên Đàng, Hoả Ngục. Không nhắc nhở có nghĩa đã không coi những sự ấy là quan thiết với đời sống đạo của người tín hữu. Đang khi đó mục đích cốt lõi của tôn giáo là để giải quyết vấn đề cái chết của con người. Nói một cách khác giải quyết cái chết có nghĩa là chỉ cho biết sự thật này là sau cái chết không phải là hết mà còn có sự sống đời đời và sự sống đời đời ấy tuỳ thuộc vào những việc lành việc dữ để chịu phán xét.
Tôn giáo cũng gọi là đạo mà đạo tức là con đường thực hiện tâm linh. Để đi trên con đường tâm linh ấy thì trước hết cần phải biết đường ấy sẽ dẫn mình đi đâu. Đi trên đường mà không được chỉ cho biết con đường ấy sẽ dẫn tới đâu về đâu thì làm sao để đi ? Không nhắc nhở về Bốn Sự Sau Hết ấy có nghĩa Giáo Hội đã không thực thi sứ mạng dẫn đường cùng với quyền bính tối thượng mà Đức Ki Tô đã trao cho. Chúa nói với Phê Rô vị thủ lãnh tương lai “ Ta sẽ giao chìa khoá Nước Trời cho ngươi. Điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 19 ).
Chúa trao trọn quyền bính mục đích là để bảo đảm cho việc chỉ đường dẫn lối. Thế nhưng nay Giáo Hội lại không thực hiện để rồi đã đưa đến cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu là sự tục hoá, chủ trương hoà nhập với thế gian “ Ngày nay nhất là sau CĐ Vatican II người ta không còn trốn chạy thế gian nữa nhưng mở ra với thế gian và muốn góp phần vào việc xây dựng thế gian. Do đó hướng đi của tu hành cũng không nhất thiết là bỏ đời mà là tu vào đời. Như các Tiểu muội và tiểu đệ Chúa Giê Su đến ở từng dăm ba người một ở những khu ổ chuột giữa những gia đình nghèo khổ. Ngay cả những đan sĩ Huynh đệ ( muội ) Giê rusalem cũng làm nhà giữa thành phố và ra ngoài làm việc bên cạnh các công, nhân viên khác của những xí nghiệp….” ( Hoành Sơn – NS CG&DT số 256 tháng 4/2016 ).
Với mục đích TU vào đời để xây dựng thế gian cho thấy nó chẳng có chi quan hệ đến Đạo Công giáo là Đạo Cứu Rỗi “ Hỡi anh em là con cái thuộc dòng giống Apraham và kẻ kính sợ ĐCT trong anh em. Đạo về sự cứu rỗi nay đã truyền đến cho chúng ta rồi” ( Cv 13, 26 ). Trải qua bao đời, người Công giáo là những người theo Chúa mà đã theo Chúa thì phải bỏ mình vác thập giá “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được. Vì được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ?” ( Mt 16. 24 -26).
Những ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất ngược lại bỏ mạng sống mình vì Chúa thì lại được. Với việc Tu vào đời để góp phần xây dựng thế gian tức muốn cứu mạng sống mình thì như lời Chúa nói họ sẽ bị mất và cái mất ở đây chính là mất linh hồn. Bởi nguyên nhân tại sao mà việc Tu hôm nay đã không đi vào con đường bỏ mình mà lại chủ trương vào đời ( nhập thế ) để xây dựng thế gian ? Xin thưa tất cả là vì họ đã không còn là con cháu tổ phụ Apraham và là những kẻ kính sợ Thiên Chúa ( Cv 13, 26 )
Không là con cháu tổ phụ bởi thế họ cũng chẳng phải là con cái của Lời Hứa “ Cũng không phải vì họ là dòng giống Apraham ( mang danh Công giáo ) mà hết thảy đều là con cái đâu,bởi duy kẻ ra từ Isaac mới gọi là dòng giống ngươi. Nghĩa là chẳng phải con cái thuộc xác thịt là con cái của ĐCT. Duy con cái thuộc Lời Hứa mới được kể là dòng giống vậy” ( Rm 9, 7 -8). Chỉ có con cái thuộc dòng giống mới nhận được Lời Hứa và Lời hứa ấy trước hết là để dành cho tổ phụ Apraham “ Đức Giêhova có phán cùng Apram rằng = Ngươi hãy ra khỏi quê hương vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến XỨ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân tộc lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ thành một nguồn phước đức” ( St 12, 1-2).
XỨ mà Thiên Chúa hứa sẽ chỉ cho đó là miền đất Canaan thế nhưng đây chỉ là hình bóng của Nước Trời mà Đức Ki Tô rao giảng. Giống như Lời Hứa cho vào đất Canaan trong Cựu ước. Đức Ki Tô thời Tân Ước cũng có lời hứa “ Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại, tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 2 -3).
Dù là lời hứa thuộc Cựu Ước hay Tân Ước thì điều kiện tiên quyết được đưa ra cũng vẫn là sự từ bỏ và sự từ bỏ ở đây chính là việc xuất thế gian. Sở dĩ nói Đạo Công giáo là Đạo Xuất Thế bởi vì đó là ơn gọi của hết thảy những người theo Chúa “ Ví bằng thế gian ghét bỏ các ngươi thì hãy biết rằng họ đã ghét Ta trước các ngươi. Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc yêu mến kẻ thuộc về mình. Nhưng các ngươi không thuộc thế gian. Song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghét bỏ các ngươi” ( Ga 15, 18 -19).
Chúa Giê Su đã bị người đời ghét bỏ và giết chết, đây là sự thật không thể phủ nhận. Thế nhưng bởi nguyên nhân nào mà Ngài đã bị ghét bỏ và giết chết thì đây vẫn là một vấn đề bất nhất. Có quan điểm cho rằng Chúa chết là vì lý do …chính trị. “ Cuối cùng con người ấy đã bị bắt và xử tử không phải do toà án tôn giáo Do Thái mà chính toà án Roma đã ra lệnh bắt và kết án Đức Giê Su vì cho Ngài là mối đe doạ nghiêm trọng trong lãnh vực chính trị. Còn vai trò của các nhà lãnh đạo Do Thái chỉ là bắt nộp Ngài cho người Ro Ma” ( Albert Nolan – Đức Giê Su trước khi có Ki Tô giáo ).
Nói rằng Chúa Giê Su đã bị toà án Ro Ma ra lệnh bắt và kết án, đây là sự xuyên tạc trắng trợn. Đọc Kinh Thánh ai mà chẳng biết Chúa Giê Su đã bị người Do Thái bắt và kết án tại nhà thượng phẩm Cai Pha. Sau đó mới giải đến cho tổng trấn Philato . tại đây sau nhiều lần gạn hỏi dân Do Thái và có ý muốn tha cho Chúa Giê Su “ Chính các ngươi hãy đem người mà đóng đinh đi vì ta không thấy người này có tội gì cả” ( Ga 19, 6).
Không phải toà án Roma ra lệnh bắt và kết án Chúa Giê Su mà là người Do Thái, điều ấy thật quá rõ. Thế nhưng có một câu hỏi quan trọng cần phải đặt ra . Tại sao người Do Thái lại căm ghét và muốn cố tình giết chết Chúa Giê Su như vậy ? Đó là vì họ cho rằng Ngài đã lộng ngôn phạm thượng “ Thầy tế lễ thượng phẩm bèn xé áo mình mà rằng = Chúng ta còn cần chứng cớ gì nữa. Kìa các ngươi mới vừa nghe lời lộng ngôn đó. Các ngươi nghĩ thế nào ? Chúng đồng thanh đáp = Nó đáng tội chết” ( Mt 26, 65 -66).
Đối với người Do Thái giáo thì nói lộng ngôn là tội nặng nhất không thể tha thứ. Cũng chính vì …tội này mà Chúa Giê Su đã nhiều lần bị ném đá “ Người Do Thái lại lấy đá để ném Ngài. Chúa Giê Su hỏi = Ta do Cha Ta mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi. Vậy vì việc nào trong đó mà các ngươi ném đá Ta ? Người Do Thái đáp = Ấy chẳng phải vì một việc lành nào mà chúng ta ném đá ngươi đâu nhưng vì lộng ngôn. Ngươi vốn là người mà lại tự tôn là ĐCT” ( Ga 10, 31 -33).
Chúa Giê Su không những nhận mình là Con Thiên Chúa để phải chịu ném đá nhưng còn nói cho những người Do Thái ấy biết rằng chính họ cũng là Con Thiên Chúa như Ngài. “ Trong sách luật của các ngươi có chép rằng = Ta đã nói các ngươi là Thần ( Con Thiên Chúa ) hay sao ? Nếu Chúa gọi những kẻ được nghe Đạo ĐCT phán là Thần ( Mà KT không thể bãi bỏ được ) thì Ta đây là Đấng Cha đã biệt ra Thánh và sai xuống thế gian nói rằng Ta là Con ĐCT, cớ sao các ngươi lại cáo buộc Ta là nói lộng ngôn ?” ( Ga 10, 34 -36).
Chúa Giê Su đích thực là Con Thiên Chúa và chúng ta cũng vậy.Tuy nhiên có điều rất khác biệt này là Chúa thì biết rõ điều ấy còn phàm nhân chúng ta thì không “ Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22).
Về sự…biết Cha ở đây hoàn toàn không phải là cái biết của tri thức phân biệt, chẳng hạn chúng ta biết cái nhà là nhà bởi đã phân biệt nhà với những cái không phải là nhà như cây cối xe cộ người ngợm v.v..Tri thức phân biệt vừa là cái khả năng lý trí của con người trong việc nhận thức sự vật nhưng đồng thời nó cũng là trở ngại không thể vượt qua trong việc nhận biết chân lý. Thật vậy chúng ta biết thần học hiện nay là sản phẩm của duy lý và nó chính là thủ phạm gây ra cái chết của Thiên Chúa. Không thể sử dụng lý trí để nhận biết Thiên Chúa bởi như thế là đã đồng hoá Ngài với các sự vật. Thánh Gioan nói Thiên Chúa là Tình yêu “ Ai chẳng thương yêu thì không nhận biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình yêu” ( 1Ga 4, 8 ).
Chỉ những ai có tình yêu thương mới nhận biết Thiên Chúa bởi lẽ Thiên Chúa là Tình Yêu có nghĩa Ngài là Bản Thể là Yếu Tính của mỗi người. Để nhận biết Thiên Chúa thì phải thể hiện Tình Yêu ấy bằng Tình Yêu vô phân biệt “ Các ngươi đã nghe phán rằng Hãy yêu kẻ lân cận và ghét kẻ thù nghịch. Nhưng Ta nói cùng các ngươi hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi. Hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi trên trời bởi vì Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện, mưa cho người công chính cùng kẻ bất chính” ( Mt 5, 43 -45).
Để có thể có được Tình Yêu vô phân biệt đó thì cần phải biết bỏ mình đi và sự bỏ mình ấy chính là tính chất xuất thế của Đạo Công giáo. Nếu hiểu bỏ mình là xuất thế gian thì không phải chỉ chỉ những người lìa bỏ thế gian vào rừng sâu núi thẳm hoặc ẩn mình trong dòng kín mới gọi là TU. Trái lại những người sống lăn lộn ngược xuôi giữa đời cũng có thể TU nếu biết bỏ mình. Đang khi đó những người vào rừng lên núi hoặc ở trong dòng kín mà không bỏ được Cai Tôi ( Mình, Ngã ) thì vẫn chẳng phải là TU. Hễ có Tu là có phước, ngược lại chẳng những không TU mà còn sống buông thả trôi lăn trong dục vọng thì sẽ đời đời vô phước trong Hoả Ngục. Đời sống này vắn vỏi lắm chỉ trong chớp mắt là đã bước qua đời khác. Mặc dầu đời sống chóng qua nhưng những việc lành dữ thì tồn tại và sẽ được báo ứng “ Ta sẽ tuỳ công việc của mỗi người trong các ngươi mà báo ứng” ( Kh 2, 23 )./.
Phùng Văn Hoá