Trong mấy tháng gần đây dư luận tỏ ra bức xúc về một thứ giáo phái gọi là Đạo ĐCT Mẹ. Lý do của sự bức xúc ấy là vì giáo phái này có những biểu hiện trái với đạo đức thông thường: Khuyến khích tín đồ về nhà đập bỏ bàn thờ, bát nhang….Hoặc dụ dỗ người này người khác bỏ nhà ra đi dâng cúng hết tài sản để chờ ngày…tận thế ĐCT sẽ đến rước lên Thiên Đàng v.v…
Với những chủ trương và biểu hiện như thế, người ta ai cũng có thể khẳng định Đạo ĐCT Mẹ là một thứ tà đạo. Ngay cả nhà nước duy vật vô thần hiện nay họ cũng cho là như thế và ra tay lùng bắt. Tuy nhiên để phân biệt thế nào là chính thế nào là tà đó là việc không hề dễ chút nào. Tại sao ? Bởi để có thể phân biệt chánh tà, tà chánh thì phải có chuẩn mực.
Chuẩn mực giống như một thứ giây rọi của người thợ xây. Người thợ căn cứ vào sợi giây buông xuống thẳng tắp ấy mà đặt từng viên gạch thì chắc chắn bức tường sẽ thẳng đứng.
Đối với người thợ xây thì việc chuẩn mực nó đơn giản chỉ là như vậy. Thế nhưng trong lãnh vực tâm linh tôn giáo thì lại hết sức nhiêu khê phức tạp. Tín đồ đạo nào thì cũng cho chỉ có đạo mình là chánh còn đạo khác là …tà. Do bởi có những niềm tin sai lầm như thế nên mới nảy sinh chiến tranh tôn giáo trải suốt thế hệ này sang thế hệ khác.
Cho rằng chỉ có đạo mình là…đúng còn đạo khác là…sai để rồi đi đến chỗ tranh chiến với nhau,. Đây là cái thảm trạng muôn đời của con người mà nhà hiền triết R. Tagore đã phải lên tiếng cảnh báo “ Như vậy mỗi tôn giáo bắt đầu là một nguyên động lực giải thoát lại kết thúc là một nhà tù vĩ đại” ( Bài diễn văn của R.Tagore nhân dịp kỷ niệm ngày Ramakrisna ).
Ai cũng biết nhà tù là nơi giam hãm con người. Thế nhưng sự giam hãm ấy chỉ về mặt thân xác còn tư tưởng thì không. Trong khi đó tôn giáo lại là nơi…giam nhốt tư tưởng con người bằng những định kiến cố chấp rất khó để mà thoát ra. Con người bị giam nhốt bởi những định kiến và những định kiến ấy có thể được duy trì bằng một thứ khái niệm rất ư mơ hồ gọi là đức tin.
Nói đức tin là một thứ khái niệm bởi vì nó hoàn toàn không có thực thể và vì không có thực thể nên đức tin của mỗi tôn giáo lại đi đến chỗ trái ngược nhau. Cùng là đức tin về Đấng Tạo Hóa nhưng đức tin của người Hồi giáo hoàn toàn trái với người Do Thái giáo. Còn ĐCT của người Do Thái giáo thì chẳng có chi giống ĐCT của người Công giáo v.v…
Sở dĩ có sự trái ngược đức tin về Đấng Tạo Hóa như thế là bởi đấng được gọi là Tạo Hóa ấy chẳng qua chỉ là một thứ khái niệm không hơn không kém. Với một thứ khái niệm dù dưới bất cứ danh nghĩa nào thì đức tin cũng trở thành vô nghĩa. Điều quan trọng làm nên một tôn giáo chân chính ( Chánh Đạo ) luôn hệ tại ở sự tìm kiếm. Ngược lại không sống tinh thần tìm kiếm thì đức tin hoặc sẽ ngày càng lụn bại hoặc trở thành dị đoan mê tín.
Nhất thiết cần tìm kiếm mới gặp được chân lý. Tuy nhiên có một câu hỏi quan trọng cần đặt ra đó là phải tìm bằng cách nào ? Cũng là tìm là kiếm đó thế nhưng nếu tìm không đúng đường tất sẽ lạc vào mê hồn trận không bao giờ tìm được lối ra.
Đức Ki Tô nói: “ Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” ( Mt 6, 33 ). Nước Thiên Chúa hay còn gọi là Nước Trời, Nước ĐCT, Nước Hằng Sống, Nhà Cha trên trời, Chốn Nghỉ Ngơi Đời Đời v.v…Tất cả những danh xưng ấy đều để ám chỉ cho một Thực Tại Tâm duy nhất.
Thực Tại Tâm mầu nhiệm ấy Đức Ki Tô có khi gọi là Nước Trời có khi là Đấng Cha và Ngài tự nhận mình là con đường duy nhất đến với Đấng Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Đức Ki Tô nhận mình là con đường hay nói theo Thánh Phao Lô Ngài là Đấng Trung Gian giữa con người và Thiên Chúa “ Vì chỉ có một Thiên Chúa và chỉ có một Đấng Trung Gian ở giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Giê Su Ki Tô cũng là người” ( 1Tm 2, 5 ).
Nhận mình là trung gian, điều ấy có nghĩa Đức Ki Tô hoàn toàn không phải là Đấng Cha. Thần học vin vào câu nói của Chúa Giê Su “ Ta với Cha là một” ( Ga 10, 30 ) để quyết đoán Đức Ki Tô cũng chính là Đấng Thiên Chúa Tạo Hóa nhập thể làm người ( Chris – Logos ) này vĩnh hằng và toàn cầu đã nhập thể vào Đức Giê Su Nazareth” ( Bruno Chenu – TC ở thế kỷ XXI ).
Chúa Giê su thành Nazareth lại là Đấng TC Tạo Hóa nhập thể. Quan điểm này là một thách đố không thể vượt qua không những dành cho các tôn giáo khác mà cho chính cả Ki Tô giáo. Tại sao ? Bởi như thế tức là đã đương nhiên phủ nhận mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha nội tại “ Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
Đức Ki Tô nói: Ngài ….biết Cha và cái biết ấy là cái biết của trí tuệ vô phân biệt nó hoàn toàn không có liên quan gì đến cái biết có tính nhận thức của thần học. Thần học là sản phẩm của lý trí bởi đó cho nên nó không bao giờ có thể nhận biết Thiên Chúa đúng như Ngài Là ( Ego sum qui sum Xh 3, 14 ). Thánh Augustino nói : Nếu anh hiểu được Ngài thì đó không phải là Ngài” ( Si tu comprends ce n’est pas lui ).
Thiên Chúa không thể…hiểu mà chỉ có thể đến với Ngài bằng Tình Yêu “ Hỡi kẻ yêu dấu chúng ta hãy thương yêu lẫn nhau. Vì sự thương yêu đến từ Thiên Chúa. Hễ ai thương yêu thì sanh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai chẳng có lòng thương yêu thì không nhận biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu” ( 1Ga 4, 7 -8 ).
Nói Thiên Chúa là Tình Yêu có nghĩa Tình Yêu chính là Bản Thể ( Subtance ) Hằng Hữu ở nơi mỗi người. Bản Thể Tình Yêu ấy không những chỉ hiện hữu ở nơi con người mà còn ở nơi toàn thể sinh linh vạn vật. Nói cách khác vạn vật được sinh ra và trưởng dưỡng tất cả đều do ở nơi Tình Yêu Thiên Chúa.
Chúng ta đều được sinh ra bởi Tình yêu Thiên Chúa nhưng chỉ vì vô minh ( Tội Nguyên Tổ ) che lấp nên không nhận ra và yêu mến Ngài để được sống. Chính vì lẽ đó Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài là Đức Giê Su Ki Tô xuống thế gian để chỉ dạy cho chúng ta con đường trở về với Đấng là Cha mình “ Sự thương yêu ở trong điều này. Chẳng phải chúng ta đã thương yêu Thiên Chúa nhưng Ngài đã thương yêu chúng ta và sai Con Ngài vì tội lỗi chúng ta mà làm cuộc tế lễ vãn hồi” ( 1Ga 4, 10 ).
“ Vãn Hồi” ở đây có nghĩa là lấy lại cái tưởng chừng đã mất. Chẳng hạn vãn hồi trật tự tức là làm cho có trật tự trở lại như trước. Đức Ki Tô làm cuộc tế lễ vãn hồi có nghĩa Ngài đã dùng cái chết của chính mình như một hy lễ đền tội để làm cho con người có thể NHỚ hầu trở về với Đấng Cha mà mình đã QUÊN.
Tất cả vấn đề của tội phúc cũng như khổ đau đều có nguyên do ở nơi sự NHỚ và QUÊN. Có nhớ việc lành người khác làm cho mình thì mình mới có thể làm lành cho người được. Ngược lại cũng vì…quên việc lành người đã làm cho mình nên mới làm ác cho người. Người con có hiếu với cha mẹ là vì đã không quên công ơn dưỡng dục của cha mẹ đối với mình.
Nhân loại ngày nay hầu như đã QUÊN Thiên Chúa, chối bỏ sự hiện hữu của Ngài và đây chính là cái nguyên nhân sâu xa của mọi nỗi bất hạnh. Dẫu vậy dù con người có quên nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ quên “ Sion đừng nói rằng Đức Giehova đã lìa bỏ ta, Chúa đã quên ta rồi. Đàn bà há dễ quên con mình sao ? Nhưng dẫu đàn bà có quên con mình thì Ta cũng chẳng quên ngươi đâu ( Is 49, 14 -15 ).
Vì quên Thiên Chúa thế nên con người mới…làm ác cho nhau để phải lãnh chịu khổ đau mà không biết. Tôn giáo được lập ra chính là để kêu gọi con người NHỚ hầu trở về với Đấng Chúa ở nơi mình “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng một Chúa một đức tin một phép rửa một Thiên Chúa là Cha mọi người. Ngài vượt trên mọi người suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 -6 )
Thiên Chúa là Cha, Đấng ấy nội tại ở nơi cung lòng mỗi người nhưng không một ai hay biết ngoại trừ Đức Ki Tô và những ai Ngài muốn mạc khải. Ý nghĩa của mạc khải là vén tấm màn lên để chỉ cho thấy điều gì đó còn ẩn giấu phía sau. Đức Ki Tô mạc khải cho chúng ta một Đấng Thiên Chúa còn ẩn giấu chưa ai từng thấy biết ( Ga 1, 18 ) qua 03 phương thế tối hảo sau đây: Một là Giáo Hội Công giáo Tông Truyền. Hai là Bí Tích Thánh Thể. Ba là Đức Maria Đấng Đồng Công Cứu Chuộc.
I/- Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền.
Đức Ki Tô chỉ lập có một Giáo Hội duy nhất đồng thời trao cho người đứng đầu Giáo Hội đó quyền bính tối thượng “ Chúa nói với Phê Rô: Còn Ta lại bảo ngươi rằng ngươi là Phê Rô. Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thắng được nó. Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Hễ điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Hễ điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 18 -19 ).
Qua trình thuật này cho thấy điều tối ư quan hệ đó là Đức Ki Tô thiết lập Giáo Hội chỉ trên một con người là Phê Rô. Vì sao Chúa không trao cho tập thể các Tông Đồ mà lại chỉ cho có một người như thế ? Lý do chính là để bảo toàn cho chân lý mầu nhiệm Ngài muốn mạc khải. Chân lý ấy cần được tiếp nối bởi các cá nhân mà chúng ta gọi là đức Thánh cha, ngài có toàn quyền trên Giáo Hội. Cởi mở hay cầm buộc tất cả đều do ở nơi ngài.
Cũng vì trách nhiệm nặng nề như thế nên trước khi trao sứ mệnh chăn dắt đoàn chiên Giáo Hội. Chúa Ki Tô Phục Sinh đã gạn hỏi Phê Rô tới ba lần về lòng yêu mến. “ Vả khi họ ăn bữa sáng rồi, Chúa Giê Su bèn hỏi Simon Phê Rô: Simon con của Giona ngươi có thương yêu Ta hơn những kẻ này chăng ? Phê Rô đáp: Thưa Chúa, phải Ngài biết rằng tôi kính mến Ngài. Ngài phán: Hãy nuôi chiên con của Ta. Ngài lại hỏi người lần thứ hai: Simon con Giona ngươi có thương yêu Ta chăng ? Phê Rô đáp: Thưa Chúa, phải Ngài biết rằng tôi kính mến Ngài. Chúa Giê Su phán: Hãy chăn dắt chiên Ta. Ngài lại còn hỏi người lần thứ ba: Simon con Giona ngươi có kính mến Ta chăng ? Phê Rô buồn rầu vì Ngài hỏi lần thứ ba rằng Ngươi kính mến Ta chăng. Người bèn đáp: Thưa Chúa Ngài biết hết mọi sự Ngài biết rằng tôi kính mến Ngài. Chúa Giê Su phán: Hãy chăn dắt chiên mẹ và chiên con của Thầy” ( Ga 21, 15 -17 ).
Để ý sẽ thấy sau ba lần hỏi: Con có yêu mến Thầy không thì Phê Rô đều đáp: Thầy biết con yêu mến Thầy. Chúa Giê Su thấu suốt lòng người và Ngài biết tấm lòng của Phê Rô. Ngài hỏi như thế cốt ý để nhấn mạnh cho người đứng đầu Giáo Hội tương lai về trách nhiệm lớn lao phải đương đầu đến nỗi phải hy sinh cả tính mạng “ Người chăn tốt vì đoàn chiên mà bỏ mạng sống mình” ( Ga 10, 11 ).
Giáo Hội Chúa Ki Tô đã bị bách hại dữ dội ngay trong những thế kỷ đầu. Lý do của sự bách hại ấy là vì Đạo Công Giáo là Đạo Xuất Thế, không thuộc về thế gian “ Ví bằng thế gian ghét bỏ các ngươi thì hãy biết rằng họ đã ghét bỏ Ta trước các ngươi. Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc sẽ yêu mến kẻ thuộc về mình. Nhưng vì các ngươi không thuộc thế gian nên thế gian ghét các ngươi. Hãy nhớ lại lời Ta đã nói cùng các ngươi. Tớ chẳng lớn hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Ta ắt cũng bắt bớ các ngươi. Bằng họ đã giữ lời Ta ắt cũng giữ lời các ngươi” ( Ga 15, 18 -20 ).
Đức Ki Tô đến thế gian để rao giảng Sự Thật và cũng vì Sự Thật đó mà Ngài đã bị sỉ nhục và giết chết “ Người Do Thái lại lấy đá để ném Ngài. Chúa Giê Su nói: Ta do Cha mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi. Vậy vì việc nào trong đó mà các ngươi lại ném đá Ta ? Người Do Thái đáp; Ấy chẳng phải vì việc lành nào mà chúng ta đã ném đá ngươi đâu. Nhưng vì lộng ngôn và vì ngươi vốn là người mà lại tự tôn là ĐCT. Chúa Giê Su đáp: Trong luật pháp của các ngươi há chẳng chép rằng Ta đã nói các ngươi là Thần hay sao ? Nếu Chúa gọi những kẻ được nghe Đạo ĐCT là Thần ( Mà KT không thể bãi bỏ được ) thì Ta đây là Đấng Cha đã biệt ra Thánh và sai xuống thế gian nói rằng Ta là Con ĐCT thì cớ sao các ngươi lại cáo Ta là nói lộng ngôn ? ( Ga 10, 31 -36 ).
Chúa Giê Su chẳng những nhận mình là Con Thiên Chúa mà còn trích dẫn Kinh Thánh để cho biết những kẻ nào được nghe Đạo cũng đều là Con Thiên Chúa như mình. Nghe Đạo để NHỚ mình là Con Thiên Chúa, đây chính là Tin Mừng mà Đức Ki Tô rao giảng “ Chiên Ta thì nghe Tiếng Ta. Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta ban cho chúng sự sống đời đời. Chúng hẳn chẳng hư mất bao giờ. Chẳng ai có thể giựt nó khỏi tay Ta” ( Ga 10, 27 -28 ).
Mặc dầu Chúa thiết lập và trao toàn bộ năng quyền cho vị đứng đầu Giáo Hội. Thế nhưng Ngài vẫn luôn hiện diện giữa đoàn chiên theo như lời hứa “ Và này Ta hằng ở cùng các ngươi cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ). Xét về mặt hữu hình thì Giáo Hội cũng giống như mọi tổ chức xã hội khác tức cũng có cơ cấu phẩm trật cùng với những bất toàn không thể tránh. Tuy nhiên xét về mặt siêu nhiên thì đây chính là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô “ Ta là cây nho các ngươi là nhành. Ai cừ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều. Vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta thì bị ném ra như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi” ( Ga 15, 5 -6 ).
Trong Thân Mầu Nhiệm tức Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền, Chúa Ki Tô là Thân còn mọi tín hữu là các chi thể. Chúa nói “ Ngoài Ta các ngươi không thể làm gì được. Có nghĩa ngoài Ngài chúng ta không thể nhận biết Thiên Chúa Đấng là Cha mình. Việc nhận biết Đấng Cha là mạc khải của Đức Ki Tô và mạc khải này chỉ có thể thành tựu trong Giáo Hội Công Giáo mà thôi. Sao có thể nói thế ? Bởi như đã biết Đức Ki Tô chỉ lập có một Giáo Hội và trao chìa khóa Nước Trời cho vị đứng đầu Giáo Hội là Thánh Phao Lô giáo hoàng tiên khởi.
Hiện nay Thần học đang tranh luận sôi nổi về nguyên lý của Thánh giám mục Cypriano ( 200 – 258 ) “ Ngoài Hội Thánh không có Ơn Cứu Độ” ( Extra Ecclesiam nulla Salus ). Sở dĩ có sự tranh luận này tựu chung là vì người ta không thể đồng ý với nhau về ý nghĩa của Ơn Cứu Độ. Có người thay vì Ơn Cứu Độ lại nói là Ơn Cứu Sống theo cái nghĩa là …cứu cả phần xác lẫn phần hồn.Người khác lại nói Cứu Độ là được rỗi linh hồn v.v…
Chúa Cứu Độ là để cho ta nhận biết Sự Thật và Sự Thật đó là mỗi người trong chúng ta đều được sinh ra là Hình Ảnh của Thiên Chúa là Con Thiên Chúa và một khi đã nhận biết Sự Thật thì có sự sống đời đời “ Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha tức Chân Thần duy nhất cùng Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai đến ( Ga 17, 3 ).
Đức Ki Tô không những chỉ thông qua Giáo Hội để truyền trao mạc khải mà còn thực sự hiện diện ở đó qua các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể.
II/- Bí Tích Thánh Thể
Đạo Chúa là Đạo Xuất Thế Gian vì thế những lời giảng của Đức Ki Tô rất khó để tin theo. Người Do Thái kéo nhau đến để tìm gặp Chúa và bị Ngài quở trách “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi, các ngươi tìm Ta chẳng phải vì đã thấy những dấu lạ bèn vì đã ăn bánh được no nê. Chớ làm việc vì đồ ăn hay hư nát nhưng vì đồ ăn còn lại đến sự sống đời đời là thứ Con Người sẽ ban cho các ngươi vì ấy là Người tức là ĐCT đã ấn chứng cho. Chúng bèn hỏi rằng: Chúng tôi phải làm chi để làm công việc của ĐCT ? Chúa Giê Su đáp: Công việc của ĐCT ấy là các ngươi hãy tin Đấng mà Ngài đã sai đến” ( Ga 6, 26 -29 ).
Qua hai đối đáp này cho thấy Chúa Giê Su đã tiên báo về việc lập Bí Tích Thánh Thể và đòi hỏi con người cần có lòng tin nơi Bí Tích ấy để được sống đời đời “ Ai ăn Thịt Ta và uống Huyết Ta thì có sự sống đời đời. Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết. Vì Thịt Ta chính là của ăn. Huyết Ta thật là của uống. Ai ăn Thịt Ta và uống Huyết Ta thì ở trong Ta. Ta cũng ở trong kẻ ấy. Như Cha Hằng Sống đã sai Ta và Ta sống bởi Cha thì cũng thế kẻ nào ăn Ta sẽ sống bởi Ta vậy” ( Ga 5, 54 -57 ). Nghe những lời này chẳng những người Do Thái mà ngay đến cả một số môn đệ cũng bỏ Ngài mà đi bởi cho lời này thật khó nghe” ( Ga 6, 50 ).
Bí Tích Thánh Thể được gọi là Bí Tích Tình Yêu nhưng đây cũng là mầu nhiệm đức tin. Đã là mầu nhiệm thì việc Rước Lễ chỉ có thể đem lại ơn ích cho những kẻ tin và lòng tin đây là tin Chúa Giê Su ngự thật trong Phép Thánh Thể. Nếu không tin mà cứ lên Rước Lễ sẽ tự chuốc lấy án phạt cho mình “ Cho nên hễ ai không xứng đáng mà lại ăn bánh uống chén của Chúa thì mắc tội với Thân và Huyết của Chúa. Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình và như thế mới ăn bánh uống chén ấy được. Vì người nào không phân biệt Thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó tức là ăn uống sự định tội cho mình” ( 1C 11, 27 -29 ).
Không xứng đáng tức không tin và đang mang trong mình tội trọng mà lên Rước Lễ là mắc tội với Mình và Máu Thánh Chúa. Tại sao ? Bởi Chúa vì Tình Yêu lớn lao đã hiến thân chịu chết để cứu chuộc mình mà lại đang tâm rẻ rung xúc phạm Ngài như vậy “ Chẳng có sự thương yêu nào lớn hơn là vì bạn hữu mà bỏ mạng sống mình. Ví thử các ngươi làm theo điều Ta truyền cho thì các ngươi là bạn hữu của Ta. Ta chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ nữa. Vì tôi tớ chẳng biết việc chủ mình làm. Nhưng Ta gọi các ngươi là bạn hữu vì Ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều Ta đã nghe biết ở nơi Cha Ta” ( Ga 15, 13 -15 ).
Những lời này Chúa nói với các Tông Đồ nhưng cũng là với từng người chúng ta những con người được chọn “ Chẳng phải các ngươi chọn Ta bèn là Ta đã chọn và lập các ngươi để các ngươi đi mà kết quả và hoa trái các ngươi tồn tại luôn” ( Ga 15, 16 ).
Chúa chọn để chúng ta đi mà kết quả và kết quả ở đây tức là Nghe được Tiếng Chúa ở nơi mình. Việc nghe Tiếng Chúa và Bí Tích Thánh Thể có một mối liên hệ khăng khít với nhau. Lý do là vì tự thân mỗi người vì vô minh ( Tội Nguyên Tổ ) che lấp thế nên chúng ta nghe là để đối đãi phân biệt: Có không, sang hèn, thiện ác, yêu ghét, lành dữ v.v… Vì nghe để phân biệt như thế nên con người sống trong tội và tội thì đem lại sự chết “ Tư dục đã hoài thai thì sanh ra tội lỗi. Tội lỗi đã lớn lên thì sản sinh sự chết” ( Gc 1, 15 ).
Với chúng ta …nghe là để phân biệt. Còn với Chúa thì cũng nghe nhưng mà không phân biệt. Chính vì không phân biệt như thế nên Đức Ki Tô mới có thể nói “ Ta với Cha là một” ( Ga 10, 30 ).
Bản thân không ai là không sống trong tội và nguyên nhân sâu xa là vì không …nghe được Tiếng Chúa. Giờ đây nhờ Bí Tích Thánh Thể chúng ta rước Chúa để Ngài làm chủ tâm hồn mình. Một khi đã có Chúa Giê Su làm chủ thì khi ấy là Chúa …nghe Tiếng Cha chứ không phải mình.
Hiện nay Bí Tích Thánh Thể đã bị xúc phạm cách hết sức nặng nề. Người ly dị tái hôn cũng được Rước Lễ mà người không có một chút đức tin nào nơi Bí Tích Cực Thánh ấy cũng đồng loạt lên Rước Lễ. Trong ngày lễ Chúa Ki Tô Vua, ngày 20/11/2016 giám mục Eric Mouliss Beaufort gmpt TGP Paris đã mời 20 mục sư Tin Lành mang phẩm phục ngang nhiên Rước Lễ v.v. và v.v….
Tội phạm đến Bí Tích Thánh Thể sẽ bị kết án nặng nề. Chúa Giê Su nói với Thánh Nữ Brigitta “ Trên đời này không có hình phạt nào nặng nề để phạt kẻ ấy. Thánh Ambrosio bảo những kẻ phạm Sự Thánh này rằng: Họ đi lễ ít tội hơn mà ra về thì nhiều tội hơn” ( Nguồn Rev Stephan – Mến Yêu Thánh Thể ).
Phạm Sự Thánh không những không cho là tội mà còn khuyến khích nó, nguyên nhân tất cả là do đã không nhìn nhận Đức Maria Đấng Đồng Công Cứu Chuộc.
III/- Đức Maria, Đấng Đồng Công Cứu Chuộc.
Lý do được đưa ra để phủ nhận tước hiệu Đức Mẹ Đồng Công ( Coredemtrix ) là vì người ta cho rằng như thế là làm lu mờ ưu việt tính của Chúa Ki Tô “ Với tư cách là Con Thiên Chúa, Chúa Ki Tô hiện hữu trước mọi thời đại, trước cả mầu nhiệm Nhập Thể của Ngài. Vì thế tuyệt đối không có chuyện một “ Trinh Nữ” nào đó kể cả Đức Maria đã xuất hiện trước Ngài. Trái lại Chúa Giê Su chính là Thiên Chúa được sinh ra bởi Thiên Chúa Cha trước mọi thời đại” ( Nguồn: Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp – Lm Đa Minh Thiện ).
Vì cho rằng Chúa Ki Tô hiện hữu trước mọi thời đại, trước cả mầu nhiệm Nhập Thể vì vậy không thể nói Đức Maria xuất hiện trước Ngài và khi đã không xuất hiện….trước thì làm sao có thể sinh ra Chúa Ki Tô để cùng Đồng Công với Ngài ?
Với kiểu cách lập luận như thế chứng tỏ tác giả bài viết chẳng hiểu chi về mầu nhiệm Nhập Thể và vì thế cũng chẳng có cách chi nhận ra vai trò hết sức lớn lao của Đức Maria trong Nhiệm Thể Cứu Chuộc. Cái chi cũng có nguyên nhân của nó và nguyên nhân đưa đến sự lầm lẫn tai hại đó là vì đã giải nghĩa Thánh Kinh đặc biệt là Sách Sáng Thế hoàn toàn theo …nghĩa đen hay còn gọi là nghĩa mặt chữ ( Sens Litteral ).
Theo nghĩa này thì hiển nhiên có Đấng Tạo Hóa mà có Đấng Tạo Hóa thì đương nhiên Chúa Ki Tô phải hiện hữu bởi lẽ Ngài là một Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Phải chăng cũng chỉ vì hiểu Đấng Tạo Hóa theo…nghĩa đen như thế mà đã phát sinh vô vàn vô số tà giáo trong đó có Đạo ĐCT Cha và Đạo ĐCT Mẹ ?. Giáo phái này tin rằng ĐCT Cha chính là Ahn Sahng Hong ( Người Hàn Quốc ) và ĐCT Mẹ là Jang Gil Za.
Sở dĩ tin rằng có ĐCT Cha và ĐCT Mẹ là do họ đã giải nghĩa câu Kinh Thánh “ ĐCT phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình Ta và theo tượng Ta….” ( St 1, 26 ). Nói “ Chúng ta” thì tất nhiên phải có ….02 ĐCT một ĐCT Cha một ĐCT Mẹ chứ ?
Trở lại với quan niệm Chúa Ki Tô có trước từ nguyên thủy cùng với Đấng Tạo Hóa và vì thế Đức Maria vì là tạo vật thế nên không thể …sinh ra Chúa Ki Tô. Nên nhớ Ki Tô là tước hiệu để ám chỉ cho Đấng được xức dầu. Người Do Thái không bao giờ chấp nhận Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô tức Messia vì cho như thế là phạm thượng.
Người Do Thái nhất quyết không bao giờ nhìn nhận Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô Cứu Thế. Trái lại đây là nhiệm vụ quan trọng của các Tông Đồ đồng thời cũng là của Giáo Hội Công Giáo dù cho có bị lăng nhục và bách hại “ Vậy các sứ đồ ra khỏi công hội đều lấy làm vui mừng vì mình được kể là xứng đáng chịu nhục vì Danh Thánh Giê Su. Mỗi ngày tại đền thờ hoặc tư gia. Họ không ngớt dạy và giảng Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô” ( Cv 5, 41 -42 ).
Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô cũng còn gọi là Đấng Trung Gian dẫn đường chỉ lối. Có xác tín như thế chúng ta mới có thể vững tâm bước đi theo Ngài. Tuy nhiên để có được niềm tin ấy tự thân mỗi người không ai có thể có nếu không được sinh ra bởi Đức Mẹ. Thật vậy Đức Maria không chỉ sinh hạ có một mình Chúa Giê Su nhưng còn sinh ra vô vàn vô số những người con khác là Ki Tô Hữu chúng ta.
Thánh Leo In Nativ nói: ‘ Cùng một năng lực của Đấng Chí Cao cùng một tác động của Thánh Thần đã làm cho Maria sinh ra Đấng Cứu Thế đồng thời cũng làm cho người tín hữu được sinh ra trong nước tái sinh” ( MV Bernado – O.P – Mẹ Trong Đời Tôi ).
Đức Maria cũng là mẹ nhưng Người Mẹ này hoàn toàn không giống bất cứ người mẹ trần gian nào. Người mẹ nào khi mang nặng đẻ đau cũng mong muốn con mình sinh ra sau này sẽ trưởng thành, có danh vọng địa vị này nọ…Còn với Đức Maria khi nói tiếng Xin Vâng với sứ thần Gabriell thì Ngài đã nhận thức là mình sẽ phải chịu muôn ngàn nỗi khổ cực đớn đau.
Trong ngày dâng Chúa vào đền thờ, tiên tri Simeon đã báo trước về những đớn đau vô chừng ấy “ Này Con Trẻ đã được lập lên để khiến cho nhiều người trong Itsraen vấp ngã và chỗi dậy cũng để làm một dấu lạ bị nói nghịch. Còn ngươi một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn ngươi để ý tưởng của nhiều tâm hồn được bày tỏ” ( Lc 2, 34 -35 ).
Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giê Su và như thế cũng có nghĩa Ngài là Mẹ của Nhiệm Thể. Nếu Đức Mẹ sinh hạ và chăm sóc nuôi nấng Chúa Con thế nào thì Ngài cũng sinh ra nuôi nấng chăm sóc chúng ta như vậy. Vai trò của Đức Mẹ trong Nhiệm Cục Cứu Độ vô cùng lớn lao đến nỗi có thể nói mà không sợ sai lầm rằng: Nếu không có Đức Maria thì công cuộc Cứu Độ của Đức Ki Tô không thể hoàn thành. Sao có thể nói thế ?
Bởi vì Đức Maria đã được tiên báo từ muôn thuở là Người Nữ đạp giập đầu rắn Sa Tan “ Giehova ĐCT phán cùng con rắn: Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ. Dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày. Còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).
Lời Kinh Thánh vừa nêu được các nhà chú giải gọi là Lời Hứa Ban Đấng Cứu Thế. Tại sao trong suốt trình thuật không thấy nói gì đến Đấng Cứu Thế mà lại cho đó là Lời Hứa Ban Đấng Cứu Thế ? Xin thưa là vì Chúa Cứu Thế chỉ có thể xuất sinh trải qua cuộc giao tranh sinh tử giữa Đức Maria và quỷ dữ Sa Tan “ Đứa lừa dối cả và thiên hạ” ( Kh 12, 9 )
Tính chất lừa dối của Sa Tan chính là ở chỗ nó nói nguyên tổ cứ việc…ăn trái mà Thiên Chúa đã cấm là Trái Cây Phân Biệt ( St 3, 3 ) sẽ không hề chết đâu.,Thế nhưng hai ông bà …cứ ăn để rồi đã bị đuổi khỏi Địa Đàng mất đi phần phúc đời đời. Cuộc chiến diễn ra tuy âm thầm trong tâm linh mỗi người nhưng hết sức khốc liệt. Nghe theo cám dỗ của Sa Tan sẽ phải chết, một cái chết đời đời trong Hỏa Ngục.
Trong cuộc chiến cam go trường kỳ này chúng ta chỉ có thể thắng nhờ bởi Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chính Ngài sẽ đạp nát đầu Sa Tan bằng hai thứ vũ khí thần diệu là Kinh Mân Côi và Bí Tích Thánh Thể. Về thần lực Kinh Mân Côi, Thánh Benado nói: “ Kinh Mân Côi có sức xua đuổi ma quỷ. Làm cho Hỏa Ngục phải run sợ trước Thánh Danh Giê Su và Mẹ Maria”.
Còn với Bí Tích Thánh Thể nguồn ơn Cứu Độ thì bởi đâu mà có nếu không phải là nhờ Đức Maria Đấng Đồng Công Công Cứu Chuộc. Chúng ta hãy suy gẫm lời Thánh Phê Rô Đamiano: “ Anh em thân mến, nơi đây anh em hãy suy xét, chúng ta mắc ơn Mẹ Thiên Chúa chừng nào ? Và chúng ta phải tạ ơn Người bao nhiêu sau Thiên Chúa vì đã ban cho ta ơn huệ cao cả đến thế ? Thân xác Chúa Ki Tô mà Mẹ đã sinh ra đã mang trong dạ đã vấn trong tã, nuôi bằng sữa mình với biết bao âu yếm và nặng tình mẫu tử để chúng ta được chịu lấy nơi bàn thờ. Ta uống chính Máu Ngài nơi Bí Tích Cứu Chuộc” ( Mv Bernado O.P Mẹ Trong Đời Tôi )./.
Phùng Văn Hóa
( Tháng Hoa kính Đức Mẹ – 2018 )