Để ý sẽ thấy thần học hiện nay không đề cập tới Tứ Chung tức bốn sự sau hết ( Novissimis ) = Chết, Phán Xét, Thiên Đàng, Hỏa Ngục. Nguyên do là bởi thần học đã có một quan điểm hoàn toàn khác về Cứu Độ “ Cứu Độ, Cứu Rỗi, Cứu Thế, Cứu Chuộc…là những từ ngữ chỉ về một thực tại: Ơn Cứu Độ. Theo Kinh Thánh Tân Ước đó là “ Mầu nhiệm vương quốc Thiên Chúa ( Mc 4, 11), “ Bí mật của Vương Quốc” ( Rm 11, 25). 1Cr 15, 51) “ Mầu nhiệm giấu ẩn ( Rm 16, 25 ) “ Mầu nhiệm không một ai trong các thủ lãnh thế gian này được biết” ( 1Cr 2, 8) “ Mầu nhiệm của Tin Mừng” ( 1Ep 6, 19 -20). Như thế có thể nói Cứu Độ là một mầu nhiệm là kế hoặch của Thiên Chúa để công chính hóa con người và con người được nên công chính nhờ đức tin” ( Rm 5, 1) “ Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoặch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki Tô. Đó là đưa thời gian đến hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời dưới đất dưới quyền một thủ lĩnh là Đức Ki Tô ( Ep 1, 9 -10) Như thế ngày cánh chung, ngày Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” ( Nguồn Lamhong 16/12/2013 Thành Phương – Cứu độ, Cứu rỗi, Cứu thế, Cứu chuộc).
Đã nói là mầu nhiệm, là thiên ý thì trí năng con người không thể suy thấu, hơn nữa lại càng không thể giải nghĩa, Ấy vậy thần học lại…giải thiên ý đó là kế hoặch yêu thương đã định từ trước trong Đức Ki Tô = Quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki Tô trong Ngày Cánh Chung. Theo như cách…giải này thì chẳng làm gì có cái gọi là Tứ Chung = Không có sự chết, không phán xét, Thiên đàng Hỏa Ngục gì cả. Đang khi đó cái chết là đề tài muôn thuở của triết học nhằm nêu lên ba câu hỏi căn bản sau đây: Con người bởi đâu sinh ra ( Nhân sinh hà tại ? ) Sống trên đời để làm gì ( Tại thế như hà ? ) Chết rồi đi đâu ( Hậu thế hà như ? ) Triết học nêu vấn đề nhưng không bao giờ có thể giải quyết bởi chưng đã có sự sai lầm trong cách đặt vấn đề. Không thể lấy con người chung chung mà thực chất chỉ là một thứ khái niệm để làm chủ vị cho câu hỏi. Hỏi con người bởi đâu sinh ra thì nào có dính dáng gì đến tôi, đến anh ? Đó thuần túy chỉ là vấn đề triết học mà đã của triết học thì cần gì tôi phải bận tâm nếu tôi không muốn ?
Thật ra toàn bộ triết học dù Đông hay Tây tất cả chỉ xoay quanh cái trục khái niệm. Từ cách đặt câu hỏi con người bởi đâu sinh ra, triết học đã …lái sang vấn đề vũ trụ luận tức bàn về sự khởi nguyên của vũ trụ. Thần học bấy lâu vẫn coi triết học là …con đầy tớ ( ancilla ). Thế nhưng phải nói ngược lại mới đúng, lý do là bởi thần học chỉ là sự theo đuôi triết học trong việc định nghĩa vũ trụ “ Chúng ta biết triết học của Aristote và của Kinh Viện thời Trung Cổ có tên là Triết học về vũ trụ ( Philosophie de la nature ) Câu định nghĩa của Kinh Viện = Triết học là khoa học về vạn vật, lấy những nguyên nhân tối cao để giải nghĩa chúng” ( La philosophie est la science des choses par leurs causes suprêmes – T.T. Đỉnh Triết Học Hiện Sinh ).
Thần học là thứ trá hình của triết học khi nó muốn tìm biết về căn nguyên sinh thành vũ trụ. Căn nguyên ấy dù được gọi là nguyên nhân tối cao, là đệ nhất động cơ, nguyên nhân tuyệt đối v.v…. đó cũng chỉ là những khái niệm giá lạnh không chút chi can hệ với Thiên Chúa Đấng là Thực Tại hằng sống bất sinh bất diệt. Với thần học thì hoàn toàn không có bất cứ sự tìm kiếm nào vì lẽ có ai lại đi tìm đi kiếm một thứ chỉ là khái niệm bao giờ ? Đang khi đó Thiên Chúa là Thực Tại nhất thiết cần phải hết lòng tìm mới gặp “ Các ngươi sẽ tìm Ta và gặp được khi các ngươi tìm Ta hết lòng. Đức Giêhova phán = Ta sẽ cho các ngươi tìm được Ta” ( Gr 29, 13).
Tìm kiếm Thiên Chúa như một Thực Tại vĩnh hằng, đó phải là tất cả cuộc hành trình sống đạo của từng mỗi cá nhân, không ai có thể làm thay cho ai. Lý do không thể tìm thay là bởi Thực Tại hằng hữu ấy chẳng ở đâu xa mà ngay ở nơi cõi lòng mỗi người “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi, trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhận Giêsu là Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu. Vì bởi lấy lòng tin mà được nên công chính và bởi lấy miệng thừa nhận mà được cứu rỗi” ( Rm 10, 8 -10).
Để hiểu cho đúng chữ “ ĐẠO” cần phải theo nghĩa của minh triết Đông Phương “ Đạo khả Đạo phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thường Danh” ( Đạo mà có thể nói ra được đó không phải là Đạo thường. Danh mà có thể gọi tên ra được, đó không phải là Danh thường – Lão Tử ĐĐK chương 1 ). Chữ “THƯỜNG” nghĩa của nó là thường hằng bất diệt. Bất cứ cái chi có thể nói thành lời, gọi thành tên thì đã trở thành khái niệm. Đang khi đó ĐẠO là thực tại vượt thoát khỏi mọi ý niệm ngôn từ, không thể nói không thể gọi. Bản Việt dịch Phúc Âm Thánh Gioan của Hội Ghi Đê On do nhà văn Phan Khôi sử dụng chữ “ ĐẠO “ để ám chỉ Thiên Chúa của thực tại “ Ban đầu có Đạo, Đạo ở cùng ĐCT và Đạo là ĐCT” ( Ga 1, 1).
“ Đạo” tuy không thể nói, không thể gọi tên nhưng Đạo ấy lại cần phải truyền giảng ra, nếu không thì làm sao con người có thể biết để theo, để thực hành ĐẠO ? Chúa Giêsu Ki Tô là Đấng đến để mạc khải Đạo cũng tức là Thiên Chúa Đấng chẳng ai từng thấy biết bao giờ ( Ga 1, 18 ). Đạo Chúa Giêsu Ki Tô truyền giảng ấy không thể lấy lý trí để hòng suy luận này khác mà cần phải tin và tin ở đây là tin rằng Ngài đã được Thiên Chúa cho sống lại để trở thành nguồn Ơn Cứu Độ cho muôn người. Tin Chúa Giêsu phục sinh sẽ được nên công chính bởi vì lòng tin ấy dẫn đưa chúng ta trở về với Đạo cũng tức là Đấng Thiên Chúa ở nơi mình. Tuy nhiên để có thể trở về với Đấng ấy thì lòng tin chưa đủ mà cần phải thể hiện bằng lời nói cũng như việc làm thì mới được cứu.
Tính chất cứu rỗi trong Đạo Chúa nhất định cần được hiểu như là cứu rỗi phần linh hồn. Bởi chỉ linh hồn mới cần phải cứu chứ thân xác là thứ vật chất vô tri, cứu nó sao được ? Chúa không cứu phần xác mà chỉ cứu phần hồn, bởi đó cho nên Ngài nói “ Được lời lãi cả và thế gian mất linh hồn thì nào được ích gì ?( Mt 16, 26 ) Đạo Công Giáo được gọi là Đạo Đức Tin đồng thời cũng là Đạo Cứu Rỗi chính là do ý đó “ Đạo về sự cứu rỗi nay đã truyền đến cho chúng ta rồi” ( Cv 13, 26 ).
Cứu rỗi là cứu phần linh hồn và đây mới thực là đường tâm linh của Đạo Công Giáo. Dẫu vậy con đường tâm linh ấy giờ đây đã bị phủ nhận để thay vào đó là đường tục hóa. Thay cho mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Thiên Chúa chưa ai từng thấy biết lại là Đấng Thiên Chúa Tình yêu theo quan niệm thần học “ Để kết luận chúng ta đã chú trọng đến ơn cứu chuộc xét theo phương diện Ki Tô học và một số vấn đề thần học được nêu lên chung quanh đề tài cứu độ của Đức Ki Tô. Còn những hậu quả của ơn cứu chuộc sẽ dành cho Giáo Hội học, Bí Tích học và thần học về ơn Thánh. Có thể nói ý nghĩa của công trình cứu chuộc Đức Ki Tô thực hiện chính là mạc khải tình yêu Thiên Chúa ( chứ không phải chỉ nhằm thỏa mãn sự công thẳng của Người). Nhờ công trình đó Người mang đến cho con người một cuộc sống ý nghĩa với tình liên đới, tự do, phục vụ vốn là chiều kích nhân sinh của ơn cứu độ” ( Nguồn Lamhong 16/12/2013 Thành Phương đã dẫn )
Qua những cái gọi là “ Học” của thần học như Ki Tô học, Giáo Hội học, Bí Tích học, Ơn Thánh học v.v…cho thấy tất cả chỉ đưa đến những khái niệm ngôn từ chẳng chút chi quan hệ đến cuộc sống đức tin của người tín hữu. Chúa Giêsu Ki Tô đã hiến cả mạng sống mình mình đâu phải để đem lại cho con người một ý nghĩa nào đó như tình liên đới, tự do, phục vụ…mà thực chất chỉ là những khái niệm rỗng tuếch không hơn không kém. Tôn giáo hoàn toàn không phải triết học. Chẳng những thế giữa tôn giáo và triết học là một vực thẳm không bao giờ có thể san bằng. Tôn giáo thuộc lãnh vực Bản Thể Giới chỉ có thể đạt tới bởi đức tin. Trái lại triết học dù là triết học phê phán lý trí như Kant ( 1724 – 1804 ) rút cục cũng vẫn loanh quanh trong việc luận bàn mang tính ý niệm không có cách chi bước vào đức tin tôn giáo có nghĩa không thể siêu vượt Hiện Tượng Giới để bước vào Bản Thể Giới.
Đạo Công Giáo là con đường tâm linh đưa đến cho con người Sự Sống Vĩnh Cửu Đời Đời. Con đường ấy mỗi người cần phải thực hiện lấy cho mình bằng tất cả nỗ lực chứ không thể cứ ngồi đó mà suy hay bàn luận vu vơ. Có đường thì phải đi phải sống mới có thể đến được nơi mình muốn đến. Thánh Phao Lô ví việc đi, việc sống ấy như là đánh trận “ Hãy đánh trận tốt đẹp của đức tin, giựt lấy Sự Sống Đời Đời là sự con được gọi đến” ( 1 Tm 6, 12 ).Để thực hiện thành công việc…đánh trận của đức tin này, người Công Giáo chúng ta nhất định cần nương tựa vào ba cột trụ chính yếu đó là Giáo Hội Tông Truyền, Bí Tích Thánh Thể và Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội Trung Gian Các Ơn.
I/- Hội Thánh Tông Truyền
Tông truyền là một trong bốn đặc tính của Giáo Hội chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính = Công Giáo, Thánh Thiện, Duy Nhất và Tông Truyền. Tính chất Tông Truyền này đã được chính Đức Ki Tô thiết lập khi trao cho Thánh Phêrô làm đầu cai quản Hội Thánh “ Còn Ta lại bảo ngươi rằng ngươi là Phêrô, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, cửa Hỏa Ngục chẳng thể thắng được nó” ( Mt 16, 18 ). Chúa lập Hội Thánh trên Phêrô đồng thời trao cho chỉ một mình con người ấy quyền bính tối thượng “ Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Hễ điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. hễ điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 19). Tính chất Tông Truyền của Giáo Hội Công Giáo thể hiện ngay trong việc thiết lập và trao quyền này. Thật vậy kể từ Phêrô, vị giáo hoàng đầu tiên đến nay việc bầu chọn và trao quyền vẫn cứ diễn ra như vậy nghĩa là chỉ mang tính cá nhân. Xét bề ngoài Giáo Hội cũng có thể chế, có ban bệ giống như bao tổ chức phần đời khác. Thế nhưng về mặt tâm linh cần phải nhận ra đó là Nhiệm Thể Đức Ki Tô. Nơi Thân Mầu Nhiệm ấy, Đức Ki Tô là đầu còn toàn thể tín hữu chúng ta là những chi thể của Người “ Ta là cây nho, các ngươi là nhành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được” ( Ga 15, 5 ).
Để “ Ở” trong Chúa thì tất cũng phải ở trong Giáo Hội, lý do đơn giản là vì Giáo Hội đã được Chúa thiết lập và trao trọn quyền bính. Việc trao quyền đã được thể hiện rõ nhất nơi Bí Tích Hòa Giải. Việc tha tội cho hối nhân trong Tòa Cáo Giải, đó chẳng phải Giáo Hội qua vị linh mục đã căn cứ vào lời Đức Ki Tô = Điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở đó sao ? Mặt khác Chúa nói có “ Ở” trong Chúa mới sinh hoa kết quả, trái lại thì không “ Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta thì bị ném ra như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi” ( Ga 15, 6).
Việc “ Ở” trong Chúa như vậy là vô cùng quan hệ đến phần rỗi đời đời của mỗi con người. Tuy nhiên để có thể “ Ở” trong Chúa tức ở trong Giáo Hội là việc hết sức khó khăn, nguyên nhân là do nơi ảnh hưởng tục hóa. Tục hóa cũng gọi là Giải Thiêng ( Décrasalisation ) có nghĩa đã hoàn toàn đánh mất tính chất tâm linh nơi tôn giáo. Một khi đã không còn chất tâm linh thì đương nhiên không thể tránh được việc kết án Giáo Hội về mọi phương diện “ Dolores Leckey trong nhiều năm qua đã sử dụng chức vụ của mình trong tư cách giám đốc điều hành Văn Phòng Gia Đình, Giáo Dân, Phụ Nữ và Giới Trẻ của HĐGM Hoa Kỳ để cổ vũ Chủ Nghĩa Duy Nữ nay công khai bác bỏ rằng ngay cái gọi là thẩm quyền giám mục hợp pháp cũng chưa bao giờ có. Các giám mục hành động chẳng qua vì sợ sệt và bất an chứ không phải vì xác tín tôn giáo của họ. Những biểu hiện của Đạo Công Giáo truyền thống bị người cấp tiến phản ứng một cách kịch liệt. Linh mục thần học gia Richard MC Brien kết án việc phục hồi lòng tôn sùng Thánh Thể là bước thụt lùi. Còn đối với Rick Marren một bỉnh bút của tờ NCR lòng tôn sùng Thánh Thể và Đức Mẹ là một phản bội đối với Vatican 2. Nhà Phụng Vụ Học dòng Benedicto là Anscar Champungco cho rằng Giáo Hội đang trải nghiệm cái lạnh giá buốt của mùa đông” ( Nguồn Vũ Văn An, 23/8/2012 – Sự thất bại của chủ nghĩa cấp tiến Công Giáo)
Cho lòng tôn sùng Thánh Thể và Đức Mẹ là phản bội Công Đồng Vatican 2 tuy là một quan điểm…quái dị nhưng không phải là không thể hiểu. Tại sao ? Bởi chưng đây chỉ là hậu quả tất nhiên của sự bất tuân phục. Chúa trao quyền bính cho Giáo Hội và đòi buộc con người phải thuận phục cũng không ngoài mục đích là để chúng ta được “ Ở” trong Ngài hầu sinh hoa kết quả. Một khi đã công khai bác bỏ thẩm quyền của giám mục, đấng bản quyền thì làm sao có thể nhận ra giá trị của lòng tôn sùng Thánh Thể cũng như Đức Mẹ được ?.
II/- Bí Tích Thánh Thể
Giữa việc tuân phục Giáo Hội và lòng tôn sùng Thánh Thể có một mối liên hệ khăng khít. Ai tôn sùng Thánh Thể thì cũng vâng phục Giáo Hội. Không thể có ai nói mình tôn sùng Thánh Thể mà lại chống báng Giáo Hội bao giờ. Lý do tôn sùng Thánh Thể cần phải tuân phục bởi vì Giáo Hội chính là Nhiệm Thể Đức Ki Tô. Nhận biết Nhiệm Thể thì đồng thời cũng nhận biết mình là chi thể và hễ đã là chi thể thì cần phải luôn gắn bó ( tuân phục với lòng yêu mến) để được thông ban sự sống. Sự sống được thông ban đây là chính Chúa Giêsu Bánh Bởi Trời “ Ta là bánh của sự sống. Tổ phụ các ngươi ăn manna trong đồng vắng rồi cũng chết. Đây là bánh từ trời xuống hầu cho ai ăn đến thì chẳng phải chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống, nếu ai ăn bánh ấy thì sẽ sống đời đời. Còn bánh Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian ấy chính là thịt Ta” ( Ga 6, 48 -51)
Nghe Chúa nói người Do Thái thắc mắc nhưng Chúa còn nhắc lại nhiều lần có ý để nhấn mạnh “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi nếu các ngươi không ăn thịt của Con Người và uống máu của Người thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” ( Ga 6, 53 -56).
Chẳng những người Do Thái mà ngay cả nhiều môn đệ khi ấy cũng không thể hiểu những lời hết sức khó hiểu này và đã bỏ đi. Còn về phần Chúa Giêsu khi thấy số môn đệ bỏ đi như thế, Ngài đã không giữ họ lại để giải thích này nọ rằng đó chỉ là ngụ ý là một cách nói nào đó v.v…Chúa không giải thích bởi đây là mầu nhiệm mà con người chỉ có thể đạt đến duy bằng đức tin thôi. Tin Chúa ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể là một mầu nhiệm lớn lao chúng ta vẫn tuyên xưng trong các Thánh Lễ. Việc tuyên xưng ấy không thể chỉ diễn ra cách hình thức máy móc để …giữ luật bởi lẽ việc giữ luật ấy chẳng thể giúp con người “ Ở lại” trong Chúa. Dẫu vậy Chúa Giêsu Thánh Thể lại muốn chúng ta Ở lại và Ở trong Ngài mãi mãi. Ở trong Chúa là ở trong Tình yêu Thương nhưng để có thể ở luôn trong Tình Yêu Thương ấy thì cần phải có Đức Maria bởi vì Ngài là Mẹ của Nhiệm Thể.
III./. Đức Maria, Mẹ của Nhiệm Thể.
Có một sự thật cần nhận biết đó là Chúa Giêsu Ki Tô đã lấy chính máu thịt mình làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Tuy nhiên để Chúa có thể trở nên thứ lương thực thần linh như thế thì nhất định cần phải có Đức Mẹ. Nói cách khác nếu không có Đức Mẹ cùng với tiếng Xin Vâng thì làm sao Chúa có thể hạ sinh ?. Mặt khác cũng như tất cả mọi bào thai, Ngài cũng ở trong cung lòng của Đức Nữ Trinh Maria đủ chín tháng mười ngày. Trong khoảng thời gian ấy toàn bộ sự sống của Chúa Giêsu hoàn toàn lệ thuộc nơi Mẹ từ hơi thở cho đến máu huyết ( dưỡng chất ). Sự lệ thuộc ấy không những chỉ diễn ra trong khoảng thời gian còn ở trong dạ nhưng ngay cả khi vừa mới sinh ra cho đến tuổi niên thiếu Chúa cũng cần có mẹ săn sóc với biết bao chìu mến yêu thương = cho bú mớm, tắm rửa v.v… lòng yêu thương của người mẹ đối với con mình là sự quan phòng của Tạo Hóa không riêng chỉ với con người mà cho cả muôn loài sinh linh vạn vật. Không có tình yêu thương đó thì không loài nào có thể sống và tồn tại. Mặc dầu vậy có sự khác biệt kớn lao giữa lòng yêu thương săn sóc con của Đức Maria với những người mẹ trần gian khác. Người mẹ trần gian yêu thương con chỉ vì đó là con mình do mình mang nặng đẻ đau sinh ra. Lòng yêu thương ấy chỉ là vị kỷ và có thể nói đó như một thứ bản năng có thể mất khi đứa con không còn trong vòng tay của mình hoặc dám trái với ý mình v.v…..
Lòng yêu thương của Đức Maria đối với Chúa Giêsu còn khác với những người mẹ trần gian ở chỗ Ngài biết vai trò của mình không phải chỉ sinh ra có một mình Chúa Giêsu nhưng còn là cưu mang sinh hạ vô vàn vô số những người con thần linh ( Con Thiên Chúa ) khác. Thánh Lêo Nativ đã nhận thức và nói về sự sinh sản ấy thế này “ Cùng một năng lực của Đấng Chí Cao, cùng một tác động của Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Maria sinh ra đấng Cứu Chuộc cũng làm cho người tín hữu được sinh ra trong nước tái sinh như vậy” ( Mẹ Trong Đời Tôi. MV Bernadot O.P ).
Từ khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, với việc tuyên xưng đức tin và lời thề hứa từ bỏ ma quỷ, chúng ta đã được ơn tái sinh và sự tái sinh ấy không phải là vào một nơi chốn nào khác nhưng là vào trong cung lòng của Đức Maria Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đức Maria được xưng tụng là Eva mới có nghĩa hoàn toàn khác với Eva sau khi phạm tội vì đã không vâng lời cố tình ăn trái mà Thiên Chúa đã cấm để rồi đã trở nên là mẹ của chúng sinh “ Ađam gọi vợ là Eva vì bà là mẹ của chúng sinh” ( St 3, 20 ). Chúng sinh có nghĩa là hay chết, tất cả loài nào có sinh có chết đều được gọi là chúng sinh. Có sống thì phải có chết, đó là định luật không ai tránh khỏi. Chính vì thế, Đức Ki Tô gọi chúng ta là người chết, cõi trần gian này là cõi chết. “ Ngài phán cùng kẻ khác rằng = hãy theo Ta, kẻ ấy nói thưa Chúa xin cho tôi về chôn cất cha tôi trước đã. Nhưng Chúa phán = hãy để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn ngươi hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa” ( Lc 9, 59 -60)
Chúa nói con người là kẻ chết có ý ám chỉ về cái chết tâm linh chứ không phải xác thân. Dù rằng vẫn đi đứng nói năng….đấy nhưng thực ra kể như đã chết. Nguyên do đưa đến cái chết này là bởi con người không ai lại không vương mang Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt “ Bởi chưng do một người mà có sự chết thì cũng do một người mà có sự sống lại của kẻ chết. Vì như trong Ađam mọi người đều chết thì cũng vậy trong Đấng Ki Tô mọi người đều sẽ được sống lại. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình. Đấng Ki Tô là trái đầu mùa rồi lúc Đấng Ki Tô hiện đến thì những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại” ( 1C 15, 21 -23).
Chúa sống lại là để chúng ta cùng được sống lại với Ngài. Sống lại tức là tái sinh và sự tái sinh ấy không chỉ một lần khi chịu phép Rửa Tội nhưng cần phải diễn ra từng giây từng phút trong suốt cuộc đời. Khi Tâm khởi phân biệt, nhà Thiền gọi đó là vọng khởi còn nhà đạo chúng ta gọi đó là chia lòng chia trí ( phân tâm ) hoặc ý riêng. Bản chất của Tâm vốn là vô phân biệt nhưng khi khởi tâm phân biệt thì đã rời xa Tâm. Đức Ki Tô dạy chúng ta con đường bỏ mình “ Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình vác thập giá mình hàng ngày mà theo” ( Mt 16, 24 ). Bỏ mình có nghĩa là bỏ đi cái tâm phân biệt tức cũng là ý riêng mình đi để không còn thấy có ta có vật ở ngoài ta. Bao lâu còn thấy có ta tức chấp vào “ Cái Tôi” thì bấy lâu vẫn còn sống trong vòng kẻ chết, không thể thấy Chúa. Duy chỉ có con đường bỏ mình theo Chúa mới thấy được Chúa cũng là Sự Sống Đời Đời “ Sự sống đời đời là nhận biết Cha tức chân thần duy nhất cùng Giêsu Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3 ).
Việc nhận biết ( Kiến Tánh ) Đấng Cha để có sự sống đời đời ấy có thể thực hiện ngay trong kiếp sống này. Tuy nhiên việc ấy chỉ để dành cho một số bậc Thánh nhân như Thánh Phanxicô Assise hoặc Thánh Đaminh, Thánh Gioan Thánh Giá v.v..còn với tuyệt đại đa số thì sự sống ấy chỉ có thể có được ở đời sau nghĩa là sau khi chết. Dù bậc Thánh hay người phàm con đường tâm linh cần thực hiện cũng không thể không trải qua con đường bỏ mình tức bỏ ý riêng mình đi. Mặc dầu vậy bỏ mình là việc vô cùng khó nếu không có ơn Chúa giúp. Ơn Chúa đã ban xuống cho nhân loại và cho từng mỗi chúng ta đó là Đức Maria Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Với Mẹ mọi việc khó đều trở nên dễ bởi vì Ngài đích thật là Người Mẹ hết lòng yêu thương con cái. Có người mẹ nào lại không hết lòng yêu thương con nhất nữa chúng ta qua Bí Tích Rửa Tội lại là chi thể Chúa Ki Tô, ở trong Chúa Ki Tô “ Người đã chết là chết đối với tội lỗi và một lần là đủ. Anh em cũng vậy hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Ki Tô” ( Rm 6, 10 -11).
Phùng Văn Hóa