Cuộc chiến khốc liệt giữa Nga và Ukrain đã bước sang tháng thứ hai với biết bao tang thương, đổ nát và trong tình cảnh hết sức bi đát đó, có câu hỏi một lần nữa lại được nêu lên: Thiên chúa có thực sự hiện hữu hay không với hai giả thiết. Nếu Thiên Chúa là Đấng Nhân Lành thì Ngài không phải là Đấng Toàn Năng. Ngược lại nếu Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng thì không phải là Đấng Nhân Lành. Với hai giả thiết ấy, người ta đã đánh đổ niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa cách dễ dàng !
Thế nhưng lại cũng có thắc mắc khác được đặt ra: Nếu Thiên Chúa không hiện hữu thì tại sao lúc nào cũng có tôn giáo và niềm tin đặt vào Thiên Chúa ?
Giữa niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự có mặt của tôn giáo là một mối tương quan không thể tách rời. Tôn giáo mà không tin sự hiện hữu của Thiên Chúa thì đó không còn là tôn giáo. Ngược lại nếu không có tôn giáo thì làm sao có được niềm tin vào Ngài ?. Tuy nhiên mối tương quan ấy hiện nay đang bị đặt lại bằng một thứ thần học gọi là “ Sự cáo chung của Thiên Chúa” ( The’ologie de la mort de Dieu ).
Thần học này phát xuât từ Bonhoeffer, một mục sư người Đức bị chết trong trại tập trung Đức Quốc Xã năm 1945. Tư tưởng của ông được đúc kết trong các lá thư viết từ trong trại gửi ra ngoài. Khi sống trong trại, ông nhận thấy không thể nói về Thiên Chúa như trước kia được nữa vì nói như thế không cảm kích được lòng người và hầu như không có ảnh hưởng thiết thực nào trên đời sống bất công, đau khổ người ta phải gánh chịu. Bởi vậy ông chủ trương đổi mới ngôn ngữ, trình bày lại quan niệm về Thiên Chúa” ( Nguồn: GP Thanh Hóa – Cơn khủng hoảng về Thiên Chúa hiện nay ).
Nói về Thiên Chúa như trước kia tức là dùng thần học để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tuy nhiên việc chứng minh ấy chỉ có thể đưa đến một thứ Thiên Chúa khái niệm chứ không phải Thiên Chúa của thực tại…Ngài Là ( Ego sum qui sum – Xh 3, 14 ).
Để có được Thiên Chúa…như Ngài Là thì cần có đức tin, ngoài ra không thể có cách nào khác:“ Vả không có đức tin thì chẳng có thể đẹp lòng Ngài. Vì kẻ đến cùng Ngài thì cần phải tin rằng Ngài thực hữu và là Đấng ban thưởng cho những kẻ tìm kiếm Ngài” ( Dt 11, 6 ).
Trước những nỗi khổ đau, con người thường đặt vấn đề về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Người bình dân mỗi khi gặp cơn hoạn nạn thì thương kêu trách: Trời ơi ! Tôi có làm gì đáng tội mà phải khổ thế này ! Còn triết học thì lại lấy những nỗi khổ đau nói chung là sự dữ để biện bác cho rằng Thiên Chúa chỉ là sản phẩm bịa đặt của tôn giáo hòng áp chế con người và cần phải tiêu diệt: “ Cảnh khốn cùng tôn giáo vừa là cách diễn tả cảnh khốn cùng thực sự vừa là phản kháng cảnh khốn cùng thực sự. Tôn giáo là tiếng than vãn của thọ tạo bị đàn áp, là tâm hồn của một thế giới vô tâm cũng như tôn giáo là tinh thần của những tình huống vắng bóng tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân lao động” ( Nguồn: Karl Heinz Werger S.J – Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả ).
Lý do khiến người ta lãnh đạm với tôn giáo hoặc ra tay bách hại đó là vì đã không biết đến tôn giáo như là Con Đường Thực Hiện Tâm Linh và con đường này là chính Đức Ki Tô: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ). Đức Ki Tô khẳng định Ngài là con đường duy nhất đến với Đấng Cha. Thế nhưng con đường ấy đã trở thành…đường cụt bởi chưng thần học đã thay thế Đấng Cha bằng quan niệm Đấng Tạo Hóa ?
Việc…thay thế này là hệ quả tất nhiên của một tiến trình đã diễn ra từ lâu mà khởi đầu là do Philon d’Alexangdria còn gọi là Philon le Juif ( Phỏng năm 20 TCN ) người cùng thời nhưng không biết Chúa Giê Su. Trong cộng đoàn Do Thái thời đó, văn hóa Hy Lạp đã trở thành di sản của họ và vì thế việc đọc, nghiên cứu Kinh Thánh còn gọi là sách Moise tất nhiên không sao tránh khỏi ảnh hưởng. Theo đó, người ta nhận thấy rằng Philon muốn thực hiện một tổng hợp giữa những lý thuyết của Platon và Kinh Thánh. Với ông Kinh Thánh nói những chân lý nhưng dưới hình thức ẩn dụ ( Sous une forme alle’gurique ). Vì thế sau này một môn đệ của Philon nói rằng: Platon là một tiên tri Moise nói tiếng Hy Lạp” ( L.T. Nghiêm – LSTHTP Q.2 ).
Việc…tổng hợp này về sau đã trải qua nhiều giai đoạn nhưng đây chính là nền móng việc dung hòa giữa một bên là triết Duy Lý Hy Lạp và một bên là niềm tin Do Thái giáo về Đấng Tạo Hóa. Giữa triết Hy Lạp và niềm tin Do Thái giáo gặp nhau ở chỗ là cùng tìm cho biết cái chi là căn nguyên sinh thành vũ trụ vạn vật…
Căn nguyên sinh thành vũ trụ vạn vật theo thần minh luận được cho là do các Thần chẳng hạn thần Chaos hoặc Eros v.v…nhưng về sau lại cho căn nguyên ấy là những hành chất sơ bản tiềm ẩn trong thiên nhiên chẳng hạn Thales là…Nước, Heraclite ( phỏng 544 – 484 ) cho là Lửa hoặc Logos…
Bở đã cho những hành chất sơ bản là căn nguyên thế nên toàn bộ triết Hy lạp đều dựa trên nền tảng là “ Cái Có” tức Hữu Thể: “ bất cứ cái gì có trong thiên nhiên này cũng đều phải do cái gì có mà mà phát sinh chứ không thể do cái không”. Như vậy “ Cái Có” ấy chính là Đấng Tạo Hóa là Hữu Thể Tuyệt Đối hay Đệ Nhất Động Cơ v.v…
Để biện minh cho cái gọi là Đệ Nhất Động Cơ ấy, St Thomas d’Aquino đưa ra lý luận: Tất cả những gì chuyển động hay biến dịch do cái gì khác với nó tức là bởi một động cơ có thể đẩy nó từ trong trạng thái tiềm thể sang trạng thái hiển thể: Con sinh bởi cha, cha sinh bởi ông, ông sinh bởi ông cố, ông cố sinh bởi ông tằng tổ v.v…Thế nhưng không thể từ động cơ này đi lên tới động cơ khác đến vô hạn được. Vì vậy, cần thiết phải dừng lại ở Đệ Nhất Động Cơ nào không thể bị động bởi một động cơ nào khác và Đệ Nhất Động Cơ ấy được gọi là Đấng Tạo Hóa.
Động cơ không thể tiếp nối đến vô hạn và cần phải dừng lại, cái…dừng lại đó gọi là Đệ Nhất Động Cơ là Tạo Hóa. Chứng lý của St Thomas trực tiếp được rút ra từ quyển “ Thiên Nhiên Vật Lý” của Aristote. Điều này cho thấy Thiên Chúa Tạo Hóa được chứng minh ở đây hoàn toàn nằm trong chuỗi sinh diệt của thế giới hiện tượng hay nói cách khác Đấng được gọi là Tạo Hóa ấy nếu có…tạo thì chỉ tạo ra một thế giới vật chất mà thôi.
Với quan niệm về Thiên Chúa như thế, Hữu Thể Học ( Ontologie ) đã bị một số các nhà thần học thời đó bác bỏ và đề nghị giáo hội cấm không cho phổ biến. Ngay vào cuối TK 13, đã xuất hiện một phong trào chống đối lý thuyết Thomisme. Những đối thủ lớn nhất là những nhà thần học thuộc dòng tu Franciscain. Theo họ, các nhà tư tưởng Thomisme đã làm tổn thương đến lý thuyết Ki Tô giáo và phục vụ cho triết học Aristote, bởi đó không lạ gì vào năm 1281, Jean Peakham, TGM Cantobery thuộc dòng Franciscain đã gay gắt lên án các giáo sĩ Dominicains ở tại triều đình La Mã như sau: Xin Tòa Thánh cứu xét cho rằng, lý thuyết của hai dòng tu ( Franciscain và Dominicains ) ngày nay đã hoàn toàn đối lập với nhau về tất cả những vấn đề được phép tranh luận và lý thuyết của một trong hai dòng tu ấy đã không lưu ý có khi còn miệt thị những huấn lệnh của các giáo phụ để chỉ hoàn toàn căn cứ trên những lý thuyết của những triết gia mà thôi” ( L.T.Nghiêm – LSTHTP Q. 2 ).
Việc phê phán của TGM Cantorbery là rất đúng. Tuy nhiên nó chẳng giải quyết được gì bởi lẽ học thuyết Thomas cụ thể là Bộ Tổng Luận Thần Học đến nay vẫn còn được giảng dạy trong các học viện cho dù sau khi được gặp Chúa Giê Su trong một thị kiến chính ngài đã phủ nhận mọi giá trị của những điều trước đây đã suy nghĩ và viết ra.
Nguyên nhân tại sao giáo hội cho đến nay vẫn chưa thoát ra khỏi quan niệm Đấng Tạo Hóa ? Đó là vì vẫn chịu ảnh hưởng của triết Hy Lạp về cái gọi là căn nguyên sinh thành vũ trụ vạn vật. Thật ra cái căn nguyên sinh thành ấy không phải là đấng gọi là Tạo Hóa nhưng đó chính là cái Tâm của mỗi người. Vì vậy Nhà Phật nói: “ Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” là nghĩa đó.
Tất cả chỉ là do Thức biến hiện. Thức…duyên ( Biến ) theo nẻo ác thì chịu quả ác, Thức duyên ( Biến ) theo nẻo thiện thì có quả lành v.v…Bởi triết Hy Lạp thuần là duy lý nên khi đọc Kinh Thánh nhất là sách Sáng Thế cũng không sao thoát khỏi vấn đề tìm kiếm căn nguyên sinh thành vũ trụ. Đang khi đó sách Sáng Thế không có ý nói về việc tạo dựng vũ trụ nhưng là về con người được tạo theo Hình Ảnh tức mang bản tính Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ).
Thần học một khi đã chấp theo triết Hy Lạp thì vô hình chung đã phủ nhận mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha:“ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những ai Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ). Đức Ki Tô mạc khải về Đấng Cha, điều đó không thể phủ nhận, thế nhưng thực tế cho thấy xét trên phương diện thần học, suốt bao thế kỷ nay giáo hội đã không hề đề cập chi đến chân lý cao cả này.
Không đề cập đến mạc khải, vì thế cũng phủ nhận luôn Tin Mừng Nước Trời của Đức Ki Tô để đưa ra một thứ Tin Mừng …khác gọi là Tin Mừng về Đức Ki Tô. Với thứ…Tin mừng này, thần học đã biến Chúa Giê Su thành ra Đấng Thiên Chúa ( Tạo Hóa ) nhập thể làm người, vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật.
Phủ nhận Tin Mừng của Đức Ki Tô, điều ấy chẳng phải là đã phủ nhận Thiên Chúa đích thực là Đấng Cha của mỗi người hay sao ? Đang khi đó ơn gọi của Ki Tô Hữu chính là để nhận biết Đấng Cha Hằng Sống: “ Chỉ có một Thân Thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha của mọi người, Ngài vượt trên mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 -6 ).
Con đường thực hiện tâm linh của Đạo Chúa có mục đích là để cho ta nhận biết Thiên Chúa chính là Đấng Cha của mình. Thế nhưng để có thể…sống chân lý ấy thì không thể không có Đức Ki Tô là Đấng dẫn đường chỉ lối, nhất thiết cần phải tin vào Ngài: “ Ai tin Ta chẳng phải ( chỉ ) là tin Ta nhưng là tin Đấng đã sai Ta. Còn ai thấy Ta tức là thấy Đấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đến thế gian, hầu hễ ai tin Ta thì chẳng ở trong tối tăm” ( Ga 12, 44 -46 ).
Tin Chúa thì không ở trong tối tăm và sự tối tăm ấy chính là triết Duy Lý Hy Lạp. Sao lại nói triết Duy Lý là tối tăm ? Bởi vì mục đích của nó là đi tìm cái căn nguyên ở bên ngoài mình. Điều ấy khiến cho những ai chịu ảnh hưởng của nó đều bị chìm đắm trong các nẻo lầm lạc không sao trở về lại Bản Tính sẵn có ở nơi mình.
Trong tác phẩm “ Những Phản Bác” ( Re’futation )Thánh Ephrem ( 306 – )ngài kịch liệt tố giác triết học Hy Lạp như là nguồn sinh ra các lạc giáo. Ngài coi thứ triết học đó như một thứ nọc độc, một thứ nọc độc từ căn để của khôn ngoan Hy Lạp” ( Giáo Phụ Tập I ).
Một khi đã tin theo Đức Ki Tô thì cũng phải cố gắng thực thi những điều Chúa dạy:“ Sao các ngươi gọi Ta là Chúa mà không làm theo những điều Ta dạy bảo ? ( Lc 6, 46 ). Đây là điều dạy cốt yếu của Ngài: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo” ( Lc 9, 23 ).
Bỏ mình dĩ nhiên không phải là…tự sát nhưng là bỏ đi hai cái chấp về thân và tâm. Để bỏ đi hai cái chấp gọi chung là Ngã Chấp ấy Đức Ki Tô truyền dạy, bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm, yêu người thì phải yêu cả kẻ thù nghịch cùng mình, cầu nguyện đừng cốt để cho người ta thấy mà phải vào phòng kín, xoay cái Tâm vào bên trong mà cầu v.v…
Đạo Chúa là đạo phá chấp tức con đường từ bỏ nhưng để có thể bước đi trên con đường từ bỏ này thì phải lấy lòng tôn sùng, cậy trông nơi Đức Maria bởi Ngài chính là Người Nữ đạp giập đầu rắn Sa Tan. Đức Chúa nói với con rắn: “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ. Dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).
Những lời Đức Chúa phán với con rắn cho thấy để được Ơn Cứu Độ thì phải tích cực tham dự vào cuộc chiến chống lại kẻ thù độc dữ và cực kỳ thâm hiểm là Sa Tan “ Đứa lừa dối cả và thiên hạ” ( Kh 12, 9 ). Mặt khác chỉ trong cuộc chiến tâm linh ấy chúng ta mới có thể nhận ra vai trò vô cùng quan trọng của Đức Maria cùng với tiếng Xin Vâng ( Fiat ) khởi đầu cho Ơn Cứu Độ. Xin Vâng có nghĩa là vâng theo Thánh Ý Chúa thế nhưng Xin Vâng lại đồng nghĩa với khổ đau. Tiên tri Simeon nói với Đức Maria khi dâng Con vào đền thờ: “ Còn ngươi, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn để ý tưởng của nhiều cõi lòng được bày tỏ” ( Lc 2, 35 ).
Có suy đến những nỗi đau đớn Đức Mẹ đã chịu, chúng ta mới thấy được hết công ơn trời biển Ngài dành cho phần rỗi của ta để rồi từ đó vâng nghe lời Ngài, siêng năng lần Chuỗi Mân Côi hàng ngày hầu tránh khỏi những ngày đen tối hầu ập đến cho toàn thể nhân loại: “ Vì ngày thạnh nộ lớn của Ngài đã đến, ai có thể đứng vững nổi ?” ( Kh 6, 17 )./.
Phùng Văn Hóa