ĐẠO CÔNG GIÁO VỚI VẤN ĐỀ ĐẠI KẾT, ĐỐI THOẠI

          Từ sau Công Đồng và nhất là trong ít năm gần đây, người Công giáo chúng ta qua các phương tiện truyền thông, báo chí hoặc internet biết được giáo hội hiện rất quan tâm đến việc đối thoại đại kết. Tuy nhiên sự quan tâm ấy dường như mới chỉ có ở phần hình thức chứ chưa thực sự đi vào cuộc sống. Nói rằng đọc, nghe trên các phương tiện truyền thông thế nhưng thực tình mà nói trong số cả trăm người thử hỏi có được mấy người ? Vả lại dù có nghe, có đọc  nhưng thực tế lại là chuyện khác, chẳng có cha xứ, có hội đoàn  nào cho phép điều ấy ? Tuyệt đại đa số không biết, không quan tâm thì chắc chắn rằng chủ trương của giáo hội không thể hiện thực. Lý thuyết mà không gắn liền với thực hành, đó chỉ là lý thuyết xuông vô bổ. Mặc dầu vậy, ở đây không đặt vấn đề về sự quan tâm hay không quan tâm nhưng là về chính chủ trương đại kết của giáo hội.

 Đại kết vốn là phong trào hiệp nhất của người Tin Lành “ Có thể lấy năm 1910 như khởi điểm của phong trào đại kết cận đại. Vào năm ấy một đại hội của các Hội Truyền Giáo Tin Lành ( World Missionary Conference 0 được tổ chức tại Edinburch ( Scotland ). Lý do đưa tới việc tổ chức Đại Hội là thực trạng các giáo đoàn trẻ chất vấn những nhóm thừa sai: Tại sao các ông đều rao giảng một Đức Kito như nhau mà các ông lại chia rẽ thành bao nhiêu là phe nhóm, nào là Metodist, nào là Luteranist, nào là Episcopalist ? Tại sao các ông vừa mang theo Tin Mừng của Đức kito mà vừa mang theo các sự phân hóa từ Âu Mỹ sang đây làm gì” ( Nguồn Lm Giuse Phan Tấn Thành –  Lịch sử phong trào đại kết ) Tiếp theo sau Hội Nghị đó còn có hai tổ chức khác nữa ra đời và tích cực hoạt động đó là cơ quan phụ trách về “ Đức Tin và định chế” ( Foi et constitution ) và Đời sống và Hành động (  vie et action ) Hai cơ quan này về sau lại sát nhập làm một thành tổ chức mang danh là Hội đồng Thế giới các giáo hội” Tuy gọi là Hội Đồng nhưng thực chất đó chỉ là danh xưng bao gồm những nhóm biệt lập gồm bởi hơn ba trăm…giáo hội, kể cả một nhóm tổ chức Chính Thống giáo v.v…

 Phân hóa, chia rẽ giữa những người cùng giảng dạy một cuốn Kinh Thánh, cùng nói rằng mình theo Đức Kito, điều đó hiển nhiên là phi lý nhưng đây lại là thực trạng và thực trang ấy người ta muốn xóa bỏ nó để thay vào đó là sự hiệp nhất. Không riêng gì những người  Tin Lành nhận ra sự …phi lý ấy, chính Giáo hội Công Giáo của chúng ta cũng nhận như vậy. Chẳng phải Công Đồng Vatican 2 vẫn được mệnh danh là Công Đồng Đại kết đó sao ? Hoàn cảnh Giáo Hội bấy giờ bức bối đến nỗi không thể không triệu tập  Công Đồng. Trong một cuộc họp giáo triều, có vị hồng y sửng sốt hỏi ĐGH Gioan 23: Đức Thánh cha mở công đồng làm chi vậy ?

 – Để làm chi hả ? Đây này…( ĐGH đứng dậy ra mở cửa sổ cho không khí trong sạch tràn vào ) Đấy, thấy chưa, ngộp quá rồi mà !!!” ( Xem Nhật Ký truyền Giáo của Lm Pio Ngô phúc Hậu ). Có thể nói Giáo Hội buộc phải mở Công đồng …vì ngộp và cái sự ngộp ấy còn có sự góp phần của tình trạng phi lý do sự chia rẽ của Kito giáo. Giáo Hội khi tham gia phong trào Đại kết của Tin Lành tức là đã tự nguyện  đứng trong hàng ngũ mang danh Kito giáo và như thế thì dầu muốn hay không cũng không thể giữ lại căn tính Công Giáo Thánh thiện Duy nhất và Tông truyền của mình. Có nhiều bằng chứng cho thấy điều này nhưng rõ rệt nhất đó là việc ký kết với Tin Lành Luther Tuyên Ngôn chung về Ơn Công Chính ngày 30/10/1999 tại Augsbourg. Một con người đã bị Giáo Hội ra vạ tuyệt thông, nay lại được giải vạ để trở thành đức Luther “ Đối với Daniel Olivier, Luther là một trong những thần học gia vĩ đại nhất của lịch sử giáo hội, người có những trực giác thật …siêu phàm” ( Ns Cg & Dt số 15 tháng 3/1996 ). Chủ trương Đại Kết để rồi đi đến chỗ đánh mất căn tính Công Giáo của mình, điều đó hẳn  phải có cái nguyên nhân sâu xa của nó.

I/ NGUYÊN NHÂN  THẤT BẠI CỦA PHONG TRÀO

 Phong trào Đại kết tính từ ngày khởi phát bởi người Tin Lành đến nay đã tròn một thế kỷ và mặc dù với không ít nổ lực của nhiều phía, xét về thực chất chẳng những Kito giáo không có được sự hiệp nhất, trái lại còn khiến nó ngày càng trở nên phân hóa. Cùng với sự thất bại của phong trào này, chúng ta còn thấy một hệ  lụy vô cùng tệ hại khác do nó gây nên là sự tục hóa.  Thật vậy, chính là do nơi ảnh hưởng của tục hóa mà đã khiến cho Đạo Công Giáo không còn nhận ra đặc tính Tông truyền, Thánh thiện và Duy nhất của mình.

Về tính Tông truyền này không phải do tự ý con người bày đặt mà chính là Đức Kito khi Ngài truyền cho Thánh Phero “ Còn Ta, Ta lại bảo ngươi rằng ngươi là Phero, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, cửa hỏa Ngục cũng chẳng thắng được nó”( Mt 16, 18. ) Chúa thiết lập, đồng thời cũng trao trọn quyền bính “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi, hễ điều gì các ngươi cầm buộc ở dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và điều gì các ngươi cởi mở ở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở”( Mt 18, 18).

 Mục đích việc trao quyền là để gìn giữ sự hiệp nhất trong Giáo Hội cũng là Thân Mình Mầu Nhiệm Đức Kito “ Ta là cây nho, các ngươi là cành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì người ấy kết quả nhiều, vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta thì bị ném ra như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi”( Ga 15, 5 -6). “ Ở” trong Chúa sẽ sinh nhiều kết quả, ngược lại không “Ở” trong Chúa thì không thể kết quả. Ở trong Chúa tức cũng là ở trong Giáo Hội Công Giáo Tông truyền. Luther, người sáng lập đạo Tin Lành đồng thời cũng là  linh mục dòng Augustino đã rời bỏ đạo để rồi lãnh lấy vạ tuyệt thông. Điều ấy nói lên rằng ông ta  khi ấy và  người Tin Lành bây giờ đã không còn có sự hiệp nhất, mà đã không hiệp nhất thì bất cứ việc làm nào cũng là làm theo ý riêng mình, không thể đẹp lòng Thiên Chúa.

 Cũng như cành phải gắn với thân thế nào thì các chi thể tức là các tín hữu cũng phải hiệp nhất với Giáo Hội Thân Mầu Nhiệm Đức Kito như vậy. Thế nhưng để có được sự hiệp nhất ấy là điều rất khó, cần phải có ơn và ơn này do chính Chúa Giesu trước khi đi nộp mình chịu chết đã xin cho chúng ta “ Con chẳng những vì họ cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ nhân lời họ mà tin Con nữa, để họ thảy đều hiệp làm một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, lại để cho họ cũng ở trong Chúng Ta nữa hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con”( Ga 17, 20 -21) Nên nhớ lời cầu xin sự hiệp nhất ấy là để dành cho các tông đồ và những ai nghe lời giảng dạy của các ngài chứ không phải là cho thế gian đâu. “ Con vì họ mà cầu xin, chẳng phải vì thế gian mà cầu .”( Ga 17, 9 ).

 Sự hiệp nhất mà Chúa đã cầu  cho tín hữu chúng ta hoàn toàn không như tính chất …đại kết của người đời. Người đời có thể cổ vũ sự đại kết tức đoàn kết rộng lớn cho những mục đích thế tục, chẳng hạn để chống ngoại xâm, hoặc cùng nhau gánh vác một nhiệm vụ khó khăn nào đó ..v.v.. Còn hiệp nhất mà Chúa cầu nguyện ở đây trước hết là hiệp với Đấng Chúa ở nơi mình:  Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha…Có hiệp được với Đấng Chúa ở nơi mình thì mới có thể hiệp nhất với người khác được. Chỉ tìm sự đoàn kết với người mà không tìm kiếm sự hiệp nhất với Chúa thì cái gọi là đại kết ấy chỉ là nhất thời, hoặc có khi chỉ là một ..mưu đồ chính trị nào đó…?

Sự thất bại của phong trào Đại Kết là đương nhiên bởi vì họ đã không tìm sự hiệp nhất với Chúa như điều kiện tiên quyết phải làm. Thật ra đối với những ai đã rời bỏ Giáo Hội Công Giáo Tông truyền thì cũng chẳng có cách chi hiệp được với Đấng Thiên Chúa đích thực như Ngài Là ( Ego sum qui sum ). Tại sao thế ? Bởi vì họ đã đành lòng gạt bỏ vai trò tối ư cần thiết của Đức Maria Đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Tính chất Đồng Công của Đức Maria chính ở chỗ Ngài là Người Mẹ sinh ra Chúa Con nơi các tâm hồn. Sự sinh hạ Chúa Con này chỉ một mình Mẹ mới có thể bởi chưng Thiên Chúa quan phòng đã muốn như thế. Mẹ cưu mang Chúa Con ở nơi mỗi người chúng ta bằng Ơn Thánh của các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể. Không có mình và Máu Thánh Chúa dưỡng nuôi thì không ai có thể có Sự Sống “ Ta bảo thật, nếu ai không ăn Thịt và uống Máu Con Người thì không thể có sự sống nơi mình”( Ga 6, 53 ) Một khi Chúa đã nói: Ngoài Ta, các ngươi không thể làm gì được thì nhất thiết từng mỗi một Kito hữu chúng ta cần phải có Chúa, có Sự Sống của Chúa ở nơi mình và cũng chỉ khi ấy chúng ta mới có thể thành công trong việc đối thoại.

II/ – KITO HỮU VÀ VIỆC ĐỐI THOẠI

 Cùng với chủ trương Đại Kết, giáo hội hiện cũng đang cổ xúy việc đối thoại liên tôn với nhiều hình thức khác nhau như tổ chức hội nghị, tọa đàm hoặc giao lưu v.v.. Tất cả những công việc này thực sự là không thể thiếu trong thời đại gọi là toàn cầu hóa này. Khác với những thời xa xưa, hoặc trong những nước toàn tòng Công Giáo như bên Âu Châu thời Trung Cổ, hoặc sống quây quần nơi làng xóm, xứ đạo được bao bọc bởi các lũy tre xanh thời nông nghiệp.  Ngày nay thời thế đã đổi thay, do bởi bởi nhu cầu công ăn việc làm cũng như các phương tiện truyền thông nhanh chóng, thuận lợi, dù muốn hay không  con người cũng phải thường xuyên dịch chuyển, gặp gỡ với nhau. Từ chỗ gặp gỡ này mà đã nảy sinh không biết bao nhiêu là vấn đề, cả tốt lẫn xấu. Phải công nhận rằng sự hiểu biết của con người hơn trước  rất nhiều, một em học sinh tiểu học cũng có thể có nhiều kiến thức hơn cả…một bác học xưa kia. Đời đã vậy, Đạo cung không chẳng hề kém cạnh, một em bé lớp khai tâm giáo lý ngày nay cũng được học Kinh Thánh. Điều này không phải là rất khác với ông bà cụ kỵ của chúng ta hay sao ?

 Trước đây chỉ được học truyền khẩu kinh bổn, còn bây giờ một em chưa biết chữ cung được học Kinh Thánh, một môn vẫn được dành cho các cha, các thầy…lý đoán. Thời thế thay đổi thì các quan niệm cũng phải đổi thay hay cũng có thể nói ngược lại, chính là do các quan niệm thay đổi mà thời thế cũng phải đổi thay ? Theo quan niệm trước đây thì mục đích sống đạo là để được hạnh phúc Thiên Đàng đời đời kiếp kiếp. Còn bây giờ thì sao ? Theo đạo,  sống đạo để làm gì, đó vẫn là điều dường như…chưa được xác định ? Trước Công Đồng thì sự xác định ấy được quy định bởi nguyên tắc “ Ngoài Hội Thánh không thể có ơn cứu độ” ( Extra Ecclesiam nulla salus).

 Nguyên tắc này sở dĩ cần đặt ra là bởi khi đó giáo hội đã phải đối phó với các bè rối ly khai. ĐGH Innocento III buộc những người ly giáo Vaudois trở lại phải công khai đọc bản tuyên xưng đức tin sau đây “ Chung tôi xưng thật trong lòng và tuyên xưng ra ngoài miệng rằng chỉ có một Hội Thánh, không phải là  giáo hội của những kẻ rối đạo nhưng là Hội Thánh La Mã Công Giáo Tông truyền. Chung tôi tin rằng ngoài Hội Thánh ấy không ai có thể được cứu độ” Ở đây ta thấy, giáo hội buộc những người lạc giáo muốn trở về thì phải tuyên xưng như vậy, điều ấy chẳng những cần thiết cho những kẻ lạc giáo trở về mà còn cho tất cả chúng ta, những con cái Hội Thánh. Không phải giáo hội tự ý đặt ra nguyên tắc này để ..làm khó cho ai nhưng đây là nguyên tắc bất di bất dịch do chính Đức kito mạc khải “ Ta là đường, là sự thật và là sự sống, không ai có thể đến được với Cha mà không qua Thầy”( Ga 14, 6 ).

 Nếu như đường đời có nhiều nẻo đi lối lại khác nhau như đường bộ đường thủy đường hàng không, đường thẳng, đường tắt v.v. thì đường tâm linh cũng vậy cũng có rất nhiều đường lối khác nhau. Tuy nhiên khác với đường đời, muốn tới đâu thì cứ theo các bảng chỉ đường hoặc giở bản đồ ra. Nhưng đường tâm linh thì không như vậy, không thể dùng trí óc nghĩ suy, hoặc dùng khoa học để khảo sát bởi vì nó vượt ngoài thế giới hiện tượng. Để đi trên con đường Về Với Đấng Cha này thì phương thế duy nhất chỉ có thể là đức tin, chính do đây mà Đạo Chúa ( Công Giáo) mới được gọi là Đạo Đức Tin “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi, tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây” (Rm 10, 8 ).

Đường tâm linh của Đạo Chúa chỉ có thể thực hiện thông qua con đường đức tin và đức tin ấy là tin sự hiện hữu của Thiên Chúa ở nơi mình ( Deus abconsditus ). Thế nhưng tin được điều ấy cực kỳ khó, có thể nói nó chỉ dành cho những bậc căn cơ thượng thừa. Quả thật Đạo Chúa là Đạo Đức Tin như vậy, nhưng đồng thời cũng là Đạo Cứu Rỗi “ Hỡi anh em là con cái thuộc dòng giống Abraham và là kẻ kính sợ Thiên Chúa trong anh em. Đạo về sự cứu rỗi này đã truyền đến với chúng ta rồi”( Cv 13, 26 ).

 Đạo Đức Tin và Đạo Cứu Rỗi xem ra có vẻ khác mà không khác. Nó khác ở chỗ một đàng tin là tin Đấng Chúa ở nơi mình, một đàng là tin có đời sau thưởng phạt vô cùng. Còn không khác ở chỗ cả hai đều quy về nguồn Tâm, hay nói cách khác mọi sự đều do Tâm, Tâm tạo Thiên Đàng, nhưng Tâm cũng tạo Địa ngục. Tâm tạo ra Thánh nhưng cũng tạo ra phàm v.v..mọi quyết định đều do ở nơi Tâm, bởi vậy toàn bộ công cuộc đối thoại thuộc bất cứ vị trí nào, dù giáo sĩ hay giáo dân, dù diễn ra nơi các hội nghị trang trọng hay gặp gỡ thân tình của các  cá nhân cũng cần phải dựa trên cơ sở Tâm ấy mà đối thoại. Mặc dù vậy, quyết định cho sự thành bại của đối thoại không phải do ở nơi các hội nghị này nọ mà là ở từng mỗi một Kito hữu chúng ta “ Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em, nhưng phải trả lời cách ôn hòa và với sự kính trọng”( 1Pr 3, 15 -16).

 Từ ngày có mặt ở nơi trần thế này, Đạo Công Giáo chúng ta luôn phải ở trong tư thế sẵn sàng trả lời về niềm hy vọng của mình. Trả lời về niềm hy vọng có nghĩa chúng ta có sống niềm tin vào đời sau, có tin sự thưởng phạt chí công của Thiên Chúa hay không. Nếu thật sự tin có đời sau, có thưởng phạt vô cùng thì chúng  ta cần phải biết từ bỏ mình, không  gian tham, cãi cọ, ham mê danh vọng địa vị ở đời. Trái lại cần phải biết nhường nhịn yêu thương tha thứ lỗi lầm của anh chị em và cả của chính mình. Tha thứ cho người vì đã lỗi phạm với mình, nói thì dễ nhưng thực hành nó thì hoàn toàn không dễ nếu chưa biết cách tha thứ cho mình. Đối với bản thân mà còn chưa thứ tha thì làm sao  có thể… tha cho người ? Lý do cần phải tha  cho mình cùng với việc tha  cho người ấy là bởi ta với người tuy hai mà một, tuy một mà hai. Là hai bởi vì hết thảy chúng ta ai cũng đều sinh ra trong tội và vì sinh trong tội thế nên mới phân biệt ta với người, người với ta.  Sinh trong tội nên thấy có ta với người nhưng con người bất cứ ai ai dù Thánh hay phàm, dù có đạo hay không có đạo cũng đều được Thiên Chúa dựng nên giống Hình Ảnh Ngài là Đấng Vô Phân Biệt ( Mt 5,45 ).

 Một mặt Thiên Chúa Đấng Vô Phân Biệt ấy vì lòng thương xót vô biên, Ngài luôn kêu gọi chúng  ta nhận biết Ngài để được sống. Một mặt sự nhận biết ấy lại chỉ có thể có được bằng con đường thực hiện giới răn yêu thương “  Chúng ta hãy thương yêu nhau vì Tình Yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì sinh  bởi Thiên Chúa và người ấy nhận biết Thiên Chúa”( 1Ga  4, 7 ). Những ai thực lòng tuân giũ thực hành giới răn yêu thương, ấy là người nhận biết Thiên Chúa, thế nhưng để tuân giữ giới răn yêu thương ấy thì nhất thiết phải “ Ở” lại trong Giáo Hội Tông Truyền của Đức Kito mà Đức Kito thì “ Hôm qua, hôm nay và cho đến đời đời vẫn y nguyên là một, chớ có để cho các thứ giáo lý lầm lạc lôi kéo anh em”( Dt 13, 8 -9 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts