ĐẠO  LÝ  “ BỎ  MÌNH”  CỦA  ĐỨC  KI TÔ

          Người Công giáo chúng ta khi nghe tin tức thời sự, không ai lại không lo lắng. Tại Việt Nam mới đây một linh mục đã bị chém chết khi đang ngồi Tòa Giải Tội. Còn ở  bên Úc, bên Mỹ v.v, các nhóm …phò phá thai đang hoành hành dữ dội. Cách đây mấy ngày, những người ủng hộ phá thai đã tụ tập bên ngoài nhà thờ, la hét chửi rủa những người đi dự lễ chúa nhật bằng những lời  tục tĩu đồng thời chiếu khẩu hiệu “ Chúa yêu việc phá thai” lên mặt tiền nhà thờ chính tòa St Patrick ( Nguồn Vietcatholic Media – 06/2/2022 ).

          Với tình thế hiện nay cho thấy  hoạt động của Sa Tan và bè lũ ngày càng dữ dội cả trong lẫn ngoài Giáo Hội khiến cho đức tin Công giáo bị đe dọa trầm trọng ! Nhưng dù cho hoàn cảnh có vẻ bi đát như thế, ở đâu đó vẫn lóe lên những tia sáng hy vọng:

           Trên trang Face Book của anh Lê Cường ghi báo tin về sự ra đi của người vợ thật nhẹ nhàng  nhưng cũng thật cảm động: “ Tạm biệt em, em hãy an nghỉ nhé. Cám ơn em đã hy sinh tất cả vì con và người vợ trước khi qua đời  cũng ghi lại vài dòng nguệch ngoạc gửi cho chồng rằng: Cám ơn chồng về tất cả nha. Đã luôn yêu thương, chăm sóc nhường nhịn, hy…”

          Chị Anna Nguyễn Thị Kim Hương đã kết thúc cuộc đời khi chỉ mới 34 tuổi đời. Chị đã có một con trai và đang mang thai đứa thứ hai thì nhận được hung tin mình đã bị ung thư phổi. Vì tính mạng của thai nhi chị đã từ chối  mọi lối trị liệu hóa học ( hóa trị ) vì như thế  có nghĩa là giết  chết bào thai.

          Chị Anna  quyết định giữ lại cái thai và sau đó, ngày 29/2/2021  chị đã hạ sinh một cháu trai khỏe mạnh. Ngay sau đó chị  bắt đầu các phương pháp  trị liệu hóa học nhưng đã quá trễ, người mẹ trẻ anh dũng êm ái trút hơi thở cuối cùng ngày 29/11/2021 để lại chồng và 02 con thơ” ( Nguồn: Tin Tức Mới Nhất Về GH Việt Nam – Lm Jos Tạ Duy Tuyền ghi ).

          Trong tình cảnh việc phá thai đã được khuyến khích  như một thứ bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới và đó cũng là thực tế kinh khủng đã  và đang diễn ra hàng ngày phá hủy đến tận nền tảng đạo đức của con người  thì việc xưng tụng  chị Anna Kim Hương là“ Người mẹ trẻ anh dũng” quả rất xứng đáng. Hơn nữa chị còn là môn đệ đích thực của Chúa Ki Tô vì đã biết …nghe và thực thi lời Ngài: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập tự giá mình hàng ngày mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ cứu được. Bởi chưng lời lãi cả và thế gian  mất linh hồn  nào được ích gì ? ( Lc 9, 23 -25 ).

          Chị Anna Kim Hương đã biết áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống:“ Ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất…”. Thật vậy, nếu chị muốn cứu mạng sống mình bằng cách hóa trị thì đứa con trong bụng sẽ phải chết và như vậy chị đã phạm tội giết người, đáng sa Hỏa Ngục đời đời. Như vậy chẳng phải…muốn cứu lại mất hay sao ?

          Muốn cứu lại mất, bỏ đi lại được. Nghịch lý này chẳng những khó hiểu mà còn không thể chấp nhận trong thời Tục Hóa hiện nay. Lý do là vì người đời không ai lại không vướng vào hai cái chấp. Một là chấp cho xác thân là mình. Hai là chấp tâm tưởng là mình.

          Bởi chấp xác thân là mình thế nên con người suốt đời cứ phải lo lắng, lắng lo cho cái ăn, cái mặc. Người nghèo thì vất vả lo sao cơm ăn ngày hai bữa. Người giàu thì càng lo giàu hơn chung quy cũng chỉ để thỏa mãn ăn ngon mặc đẹp. Chẳng những người đời vướng vào cái ăn cái mặc mà ngay trong đời sống tôn giáo cũng vậy: “ Thần của họ chỉ là cái bụng” ( Pl 3, 19 ). Những mối lo toan ấy  tất cả chỉ là phù phiếm, bởi vậy Chúa nói: “ Vậy nên Ta nói cùng các ngươi: Đừng lo lắng về mạng sống mình, phải ăn gì, uống gì hoặc về thân thể  phải mặc gì ?” ( Mt 6, 25 ).

          Có thân thì phải lo, điều ấy người đời ai cũng nghĩ vậy. Thế nhưng  dù có…lo đến đâu thì rồi ra ai mà chẳng chết ? Nếu cho cái xác này là mình thì tại sao đến lúc chết, nó lại không nói  cứ để tôi ở lại nhà  đừng có đem đi chôn có được không ?

          Thánh Giacobe nhắc nhở chúng ta về tính chất  bọt bèo, hư phù của thân xác:“ Sự sống của anh em là chi, chẳng qua như chút hơi nước, hiện ra một chốc một lát rồi lại tan mất !” ( Gc 4, 14 ). Bỏ đi cái chấp về xác thân, tuy vậy…còn dễ hơn là chấp tâm tưởng là mình. Đối với người TU, để bỏ đi cái chấp về xác thân chỉ cần qua vài pháp quán có thể nhận ra được nhưng với việc chấp tâm tưởng là mình là thiên nan vạn nan bởi đây chính là cái tâm vọng tưởng  đã đeo đẳng  con người từ muôn kiếp.

          Cái  tâm vọng tưởng ấy nhà Thiền gọi là Niệm Chúng Sinh cần lìa bỏ để trở về với Chân Tâm Bản Tính vốn hằng hữu ở nơi mỗi người. Tổ Lâm Tế nói: “ Chỗ ông dừng một niệm là Cây Bồ Đề. Ông một niệm không thể dừng đó là Cây Vô Minh”.

          `Vọng tưởng phân biệt tức niệm chúng sinh mà niệm chúng sinh cũng là một không khác với Tội Nguyên Tổ của Sách Sáng Thế. Đức Chúa Giehova phán với Eva: “ Ngươi được tự do ăn các thứ cây ( quả ) trong vườn, song về cây biết phân biệt điều thiện, điều ác thì chớ hề ăn đến. Vì một mai ngươi ăn, chắc là phải chết” ( St 3, 2 -3 ).

          Tội Nguyên Tổ đưa đến cái chết phần tâm linh bởi chính do nó mà đã hình thành nên một cái bản ngã khác biệt, thấy có Ta có Người có Vật ở ngoài mình ( Nhân, Ngã, Thọ Giả, Chúng Sinh ). Cái Ngã,` Tôi, Ta, Mình chỉ là ảo tưởng không thật.

          Đạo lý Bỏ Mình của Đức Ki Tô chính là để phá bỏ cái  ngã chấp để trở về với con người thật ( Chân Nhân )  vốn sẵn có ở nơi mỗi người. Chân Tâm Bản Tính ấy, có khi Đức Ki Tô gọi là Nước Trời, khi khác gọi là Đấng Cha và Ngài đòi buộc chúng ta  phải hết lòng tìm kiếm: “ Trước hết, hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài…”( Mt 6, 33 ). Nước Trời cần tìm mới gặp, thế nhưng việc tìm kiếm ấy  không phải là tìm cái chi ở bên ngoài  nhưng là trở về với Đấng Chúa ở nơi mình.

          Thánh Phao Lô giảng cho dân thành Athen để họ biết về mục đích việc tạo dựng là… “Để họ tìm kiếm Thiên Chúa hầu mong đụng chạm đến Ngài dẫu Ngài  chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta. Vì trong Ngài chúng ta sống và tồn tại  như  một vài thi nhân của các ông đã vịnh rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài. Vậy chúng ta  đã là dòng dõi của Thiên Chúa thì chớ nên tưởng rằng  thần tánh Thiên Chúa giống như vàng bạc hay là đá bởi nghệ thuật và sự tưởng tượng của con người đã chạm trổ nên” ( Cv 17, 27 -29 ).

          Thiên Chúa là Đấng trong Ngài chúng ta sống và tồn tại là Đấng nào  chẳng phải là Đấng…nội tại ( Deus Abconsditus – Is 45, 15)  trong ta đó sao ? Về Đấng Thiên Chúa …nội tại ấy, Đức Giê Su Ki Tô  đã nhiều lần nhắc nhở, xưng tụng, cầu nguyện trong sự tín thác…Mặt khác Chúa Giê Su nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng cao cả đáng tôn vinh và Ngài cũng muốn mạc khải Đấng ấy cho chúng ta: “ Cha ơi ! Cha là Chúa Tể trời đất. Con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu những điều này cho kẻ khôn ngoan thông sáng mà bày tỏ cho con trẻ. Phải ! Cha ơi vì điều đó đẹp lòng Cha. Cha đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Mt 11, 25 -27 ).

          Chúa Giê Su nói Ngài…biết Cha  và cái biết ấy không phải là cái biết của lý trí phân biệt nhưng là cái biết của Tình Yêu Vô Phân Biệt. Cũng chính vì Tình Yêu  Vô Phân Biệt ấy, Chúa Giê Su  luôn nói Ngài…ở trong Cha và làm việc của Ngài. Trả lời Philipe khi  tông đồ này hỏi: “ Thưa Chúa, xin chỉ Cha cho chúng tôi thì đủ rồi. Chúa Giê Su phán: Philip ơi ! Ta ở cùng các ngươi lâu chừng này mà ngươi há chưa biết Ta sao ? Ai thấy Ta tức là đã thấy Cha, sao ngươi lại nói rằng: Xin chỉ Cha cho chúng tôi ? Ngươi há không biết rằng Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta sao ? Lời Ta nói với các ngươi chẳng phải tự Ta nói đâu  bèn là Cha ở trong Ta làm việc của Ngài” ( Ga 14, 7 -10 ).

          Lý do Chúa nói: Ai thấy Ta tức là đã thấy Cha bởi vì Ngài với Cha đã trở nên một “Ta với Cha là một”( Ga 10, 30 ). Chúa Giê Su và Đấng Cha đã trở nên một, nhưng không phải vì thế mà có thể nói Chúa Giê Su cũng chính là Thiên Chúa và là Thiên Chúa Tạo Hóa !!! Bởi như thế thì có khác nào bác bỏ cả Đức Ki Tô Trung Gian và Cha của ngài: “ Vì chỉ có một Thiên Chúa và cũng chỉ có một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Giê Su Ki Tô cũng là người. Đấng ấy đã phó mình  làm giá cứu chuộc mọi người  là điều có chứng cớ tỏ ra đúng kỳ” ( Tm 2, 5 -6 ).

          Chúa Giê Su đã…biết ( Thấy ) Cha và vì thế Ngài đã trở nên Đấng Trung Gian hầu cho chúng ta cũng có thể nhận biết Thiên Chúa chính là Đấng Cha của mình. Như vậy có thể nói toàn bộ mục đích đời sống tâm linh của tín hữu chúng ta chỉ là để nhận biết Thiên Chúa, Đấng Cha trong chính mình. Cũng bởi Thiên Chúa là Tình Yêu ( 1Ga 4, 8 ) thế nên để nhận biết Thiên Chúa thì không có con đường nào khác ngoài con đường Tình Yêu như Chúa Giê Su đã  truyền dạy: “ Ngày đó các ngươi sẽ biết Ta ở trong Cha, các ngươi ở trong Ta và Ta ở trong các ngươi. Ai có các điều răn của Ta và giữ lấy, ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại, Ta cũng thương yêu người và tỏ  chính mình Ta cho người” ( Ga 14, 20 -21).

          Điều răn của Chúa đưa ra đó là: “ Các con hãy yêu thương nhau như chính Ta đã yêu thương các con” ( Ga 15, 12 ). Làm sao để có thể…yêu như Chúa yêu, đó là điều rất khó nhưng duy chỉ có con đường ấy mới có thể dẫn chúng ta đến  với Đấng Cha. Người đời cũng…yêu nhưng tất cả chỉ là yêu mình. Đang khi đó Chúa đòi hỏi phải Bỏ Mình đi: “ Các ngươi đã nghe phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Song Ta nói cùng các ngươi. Đừng chống cự kẻ ác. Trái lại hễ ai vả má hữu người , hãy đưa má kia cho họ luôn. Hoặc ai muốn kiện ngươi để lấy áo trong hãy để họ lấy luôn cả áo ngoài nữa.  Hay là hễ ai muốn bắt ngươi đi một dặm, hãy đi hai với họ. Ai xin ngươi hãy cho, ai muốn mượn của ngươi thì đừng làm ngơ” ( Mt 5, 38 -42 ).

          Đối với người đời thì những lời trên đây xem ra thật hoang tưởng, điên rồ nhưng thực tế đã có biết bao con người đã hoàn tất cuộc sống chứng nhân của mình như Thánh Damien, thánh Jean Cassaigne, tông đồ người cùi. Thánh Teresa thành Calcutta, Maximilien Kolbe v.v…đã hiến thân đời mình để phụng sự Thiên Chúa…

          Con đường phụng sự luôn đòi hỏi sự hiến thân và chính Chúa Giê Su đã thực thi con đường này cho đến cùng: “ Anh em hãy có tâm trí như Chúa Giê Su Ki Tô đã có, Ngài vốn có hình thể của Thiên Chúa song chẳng coi sự bình đẳng  với Thiên Chúa phải đoạt lấy. Trái lại Ngài đã tự làm ra trống không. Lấy hình thể tôi tớ trở nên giống như hình dạng loài người, Ngài đã có mạo dạng như một người rồi bèn hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập tự giá” ( Pl 2, 5 -8 ).

          Chúa Giê Su tự làm cho mình ra trống không có nghĩa Ngài không còn thấy…có mình. Không thấy có mình tức trở nên…Vô Ngã, chính vì điều đó “Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài lên rất cao, vượt trên mọi Danh hầu cho mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất  đều nhân Danh Giê Su mà quỳ xuống  và mọi lưỡi đều nhận Giê Su Ki Tô là Chúa để quy vinh Thiên Chúa là Cha” ( Pl 2, 9 -11 ).

          Con đường Cứu Rỗi của Đức Ki Tô dẫn đến mục đích cuối cùng là để quy vinh tức trở về với Đấng Cha nội tại trong mỗi người. Thế nhưng cuộc trở về ấy hiện nay dường như không thể thực hiện lý do là vì người ta đã gạt bỏ vai trò Đồng Công của Đức Maria, Ngài chính là Người Nữ đạp giập đầu rắn Sa Tan được ghi trong Kinh Thánh “Đức Chúa Giehova phán với con rắn: Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ, dòng giống mày cùng dòng giống Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).

          Không có Đức Maria, Đấng Đồng Công Cứu Chuộc thì làm sao có thể thắng cuộc chiến với Sa Tan  tức con rắn xưa, chính nó đã cám dỗ, khiến Eva phải…thua cách nhục nhã:“ Con rồng lớn bị quăng xuống tức con rắn xưa gọi là Sa Tan, đứa lừa dối cả và thiên hạ. Nó bị quăng xuống đất, các sứ giả ( Ngôn sứ giả ) của nó cũng bị quăng xuống nữa” ( Kh 12, 9 ).

           Sự lừa dối của Sa Tan thật tinh vi, nó nói với Eva cứ ăn trái cây phân biệt đó đi, chẳng có chết chóc gì đâu và rồi cả hai ông bà nghe theo cám dỗ của quỷ và đã bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng có nghĩa  chết về phần tâm linh. Sự lừa dối ấy đã  và đang lan tràn trong khắp Giáo Hội, đó là sự thật và để chống lại sự lừa dối ấy thì chẳng có cách nào khác ngoài Ba Mệnh Lệnh, Đức Mẹ đã truyền trao khi hiện ra năm 1917 tại Pha Ti Ma. Trong ba mệnh lệnh này có sự liên kết với nhau chặt chẽ. Không thể có sự ăn năn sám hối tội lỗi mình nếu không siêng năng lần Chuỗi Mân Côi đồng thời cũng chẳng thể lần chuỗi nếu không có lòng tôn sùng Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.

          Trong ba mệnh lệnh ấy thì Kinh Mân Côi có một giá trị vô song bởi đây chính là thứ vũ khí chống lại sự lừa dối, kiêu căng của Sa Tan, Sa Tan không bao giờ có thể thắng được những ai siêng năng  lần chuỗi như Đức Maria đã hứa.

          Mặc dầu Kinh Mân Côi là thứ vũ khí vô địch như thế, nhưng để thực hành kinh nguyện này cho có ơn ích thì cần  một lòng kiên, trì cậy trông không suy suyển  dù cho bao cám dỗ của kẻ thù Sa Tan trong thời cuối này: “ Vì ngươi đã giữ đạo của sự nhẫn nại Ta. Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách  là giờ sắp đến trong khắp thiên hạ để thử những người trên đất” ( Kh 3, 10 )./.

Phùng Văn Hóa 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts