Chúa truyền dạy những ai theo Ngài thì phải…bỏ mình: “ Nếu ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình, hàng ngày vác thập giá mình mà theo” ( Lc 9, 22 ). Từ ngàn xưa đến nay trong dòng lịch sử Giáo Hội đã có không biết bao là những con người bằng nhiều phương thế khác nhau đã…bỏ mình theo Chúa và rồi cuối cùng đều được như ý sở nguyện tức vào Nước Thiên Đàng hưởng phước đời đời.
Có nhiều phương thế Bỏ Mình khác nhau. Có thể bằng việc làm chứng nhân đức tin cho Chúa, hy sinh tử vì đạo. Có thể bằng việc hãm mình ăn chay cầu nguyện. Có thể bằng việc dấn thân trên con đường truyền giáo. Hay cũng có thể chỉ bằng những việc làm nhỏ bé hàng ngày nhưng với tất cả lòng yêu mến Chúa để cứu rỗi các linh hồn v.v…
Những thực hành Bỏ Mình vâng theo lời Chúa dạy ấy thật đa dạng và đều sinh nhiều ơn ích vô kể. Thế nhưng xét trên phương diện thần học thì có thể nói Giáo Hội cho đến nay vẫn chưa hề nêu lên được triết lý của việc Bỏ Mình có nghĩa không biết đúng đâu là “ Cái Mình” phải bỏ và tại sao phải bỏ ?
Lý do không biết đúng đâu là “ Cái Mình” phải bỏ, bởi lẽ đã chấp cho xác thân này là mình. Thật vậy, trước đây giáo lý vẫn dạy rằng con người là loài…có xác và hồn. Nhưng nay thần học lại đưa ra định nghĩa con người…là xác và hồn.
Tuy chỉ khác nhau ở chữ “ Có” và “ Là”. Thế nhưng đây lại là một chuyển biến thần học hết sức quan trọng. Quan điểm con người…có xác và hồn là của triết/thần học Duy Lý. Còn ….là xác và hồn là của triết/thần học Hiện Sinh.
Khái niệm Linh Hồn dù được hiểu theo nghĩa nào nhưng đây chính là cái phần linh tánh ở nơi mỗi con người. Tuy nhiên phần linh tánh ấy đối với Duy Lý lại được cho là Lý Trí và cũng chính bởi đó mà đã có câu định nghĩa: “ Người là con vật có lý trí” ( L’Home est l’animal raisonnable ).
Câu định nghĩa trên đây đã chi phối toàn bộ nền thần học Duy Lý suốt thời Trung Cổ cho đến khi triết học Hiện Sinh xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 và ngày càng tỏ ra thống lĩnh về mặt tư tưởng.
Nguyên nhân khiến triết học Hiện Sinh có vai trò dẫn đạo về mặt tư tưởng như thế bởi vì nó đã xiển dương một thứ triết lý Nhân Sinh, lấy con người làm gốc. Emmanuel Mounier, một triết gia tiếng tăm đã nêu cao lập trường Hiện Sinh như sau: “ Bất cứ khuynh hướng nào trong triết Hiện Sinh đều là triết học về con người trước khi là triết học về vũ trụ. Theo Thiên Chúa giáo hay không, triết học Hiện sinh đều mang nặng tính chất bi đát của kinh nghiệm con người về định mệnh của mình” ( T.T. Đỉnh – Triết Học Hiện Sinh ).
Nói rằng cần có triết học về con người trước khi là triết học về vũ trụ, thật sự thì không đúng. Tại sao ? Bởi nên nhớ triết Hiện Sinh ra đời là để phủ nhận triết Duy Lý là thứ triết chỉ có mục đích tìm hiểu về cái nguyên nhân tạo thành vũ trụ. Kinh Viện Học ( Scholastique ) đã có câu định nghĩa thế này: “ Triết học là khoa học về vạn vật, lấy những nguyên nhân tối cao để giải nghĩa chúng” ( La philosophie est la science des choses par leurs causes supremes ).
Nguyên nhân tối cao đây chính là Đấng Tạo Hóa. Nếu đã có…Đấng Tạo Hóa mà thật ra đó thuần túy chỉ là một thứ quan niệm thì không thể có con người hiện sinh. Tại sao ? Bởi vì một khi thần học cứ mãi suy tư về cái nguyên nhân tạo thành vũ trụ ( Tạo Hóa ) thì sẽ….quên đi con người cùng với cuộc hiện sinh của nó.
Đúng là trước đây triết/thần học Duy Lý đã…quên con người để chỉ lo tìm biết những lẽ huyền vi ( Siêu Hình Học ) của vũ trụ và Đấng Tạo Dựng nên nó. Thế nhưng về phần triết Hiện Sinh chủ trương chỉ nói về con người với cuộc sống tại thế. Vậy thử hỏi họ nhìn nhận con người ra sao ?
Nietzche ( 1844 – 1900 ), ông tổ của triết Hiện Sinh vô thần sau khi nặng lời phê phán Duy Lý cho đó là thứ triết học phóng thể, để rồi đã đưa ra khẳng định về con người như một chủ thể: “ Tôi là thân xác tôi” ( Je suis mon corps ).
Chính vì cho con người chính là cái xác thân, thế nên triết gia này đã mạnh miệng hô hào con người cần trở về với những giá trị hiện sinh để thay thế cho những ước vọng thoát tục: “ Anh em phải luôn luôn trung thành với trái đất. Trung thành với tất cả sức mạnh của nhân đức anh em. Tình yêu và trí thức của an hem phải phụng sự ý nghĩa của trái đất. Tôi nài xin anh em điều đó…
…Hãy làm như tôi. Hãy đem những nhân đức lạc đường trở về với trái đất. Phải, hãy đem nhân đức trở về với thân xác và cuộc sống để nhân đức của anh em làm cho trái đất có ý nghĩa, nghĩa nhân bản…
…Từ nay nhân đức và tinh thần của anh em chỉ có thể phụng sự ý nghĩa của trái đất mà thôi. Nhờ đó tất cả mọi sự sẽ có một giá trị mới. Tôi cậy vào anh em, anh em phải là những vị sáng tạo” ( T. T. Đỉnh – THHS ).
Phải nhìn nhận những lời lẽ nồng nhiệt trên đây tuy có vẻ…khoa trương nhưng cũng thật hấp dẫn và có thể nói nó đã làm nên một cuộc chuyển biến hết sức quan trọng về triết cũng như thần học của GH Công Giáo, khơi nguồn cho trào lưu Tục Hóa như hiện nay đang thấy.
Thế nhưng, nhìn vào thực tế hôm nay chúng ta cần đánh giá sự chuyển biến ấy cùng với nguyên nhân đưa đến cho nó. Triết học Hiện Sinh cả vô thần lẫn hữu thần ( Gabriel Marcell ) khi nhìn nhận vai trò chủ thể của thân xác có thực sự mang lại giá trị nào chăng cả về đạo đức lẫn tinh thần ? Xin thưa là hoàn toàn không và chẳng những không đem lại bất cứ giá trị nào mà còn đẩy con người ngày càng đến chỗ…vô đạo đến nỗi đánh mất cả lương tri. Nit và triết Hiện Sinh vô thần đã giết chết Thượng Đế để rồi tôn vinh thân xác như một…vị thần và thần của họ thực chất chỉ là cái bụng. “ Họ là thù nghịch của Thập Giá Đức Ki Tô, kết cục của họ là hư mất. Thần của họ là cái bụng” ( Pl 3, 18 ).
Một khi đã tôn thân xác thành một…vị thần như thế thì tâm trí họ đã hóa ra u mê, ám chướng đâu còn biết đường để mà tìm kiếm chân lý ? Đang khi đó chân lý cần hết lòng tìm mới gặp: “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” ( Mt 6, 33 ).
Để tìm và gặp được Nước Thiên Chúa thì phải theo Đức Ki Tô, nhưng muốn theo Ngài thì không thể không ….bỏ mình. Tuy nhiên vấn đề hết sức quan trọng ở đây đó là cần biết đâu là “ Cái Mình” phải bỏ. Không biết đâu là “ Mình” thì sẽ không bao giờ có thể bỏ được mình. Mặt khác, người ta chỉ có thể …bỏ đi những cái không có giá trị, chứ còn cho nó có một giá trị nào đó thì đời nào lại bỏ ?
Nguyên nhân sâu xa khiến con người không bỏ được mình bởi chưng đã chấp lấy xác thân là…mình tức coi nó như một thứ…cứu cánh. Nếu xác thân này là mình thì làm sao lại phải …bỏ nó đi. Đang khi đó Đức Ki Tô truyền dạy Đạo Lý Bỏ Mình chính là vì xác thân này không phải là mình. Hay nói đúng hơn, theo quan điểm Phật giáo nó chỉ là một trong năm thành phần gọi là Ngũ Ấm hoặc Ngũ Uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
Ấm có nghĩa là che đậy. Còn Uẩn là nhóm họp, tích tụ. Cả hai thứ này tuy khác nhau về tính chất nhưng cùng có một tác dụng là làm che lấp Chân Tính của mỗi người. Cái việc…che lấp ấy gọi là chấp. Có năm thứ chấp:
1/- Chấp Sắc Uẩn ( thân xác ) là mình.
Phàm phu không ai lại không chấp xác thân là mình mà không biết rằng nó chỉ bao gồm trong 04 yếu tố gọi là Tứ Đại ( Đất, Nước, Lửa, Gió ).
- Những gì mang tính…cứng như xương cốt, da thịt, lông tóc thì thuộc về Đất.
- Những gì mang tính…ướt như máu, đờm dãi, nước tiểu v.v… thì thuộc về Nước.
- Những gì mang tính…ấm nóng ( Nhiệt ) trong thân thì thuộc về Lửa.
- Những gì mang tính…khí như hơi thở thì thuộc về Gió.
Bốn yếu tố ( Tứ Đại ) này do duyên hợp lại thì gọi đó là Sống. Trái lại
Bốn yếu tố đó tan rã thì gọi đó là Chết. Như vậy Sống hay Chết tất cả là do duyên hợp hay tan chứ không có một cái chi đó gọi là chủ vị…quyết định.
2/- Chấp Thọ Uẩn là mình.
Thọ là những cảm xúc ở nơi mỗi người mà các cảm xúc thì có khi sướng vui, khi thì buồn khổ. Bởi chấp cho những cảm xúc sướng vui, buồn khổ đó là của mình thế nên con người cứ muốn tìm kiếm những thú vui trong ăn uống, ngủ nghỉ, chơi bời mà cố tránh cho xa những nỗi buồn đau, khó chịu….Chính cái việc chấp thủ và tìm kiếm các cảm xúc ấy đã tạo nghiệp xấu ác cho con người. Đời sống mà chỉ biết tìm kiếm thú vui dục lạc để rồi tạo nghiệp xấu ác như thế sẽ bị Chúa kết án: “ Khốn cho các ngươi là những kẻ đang cười vì sẽ có ngày buồn thảm khóc lóc” ( Lc 6, 26 ).
3/- Chấp Tưởng Uẩn là mình.
Tưởng là những tư tưởng nghĩ suy, phán đoán, hồi tưởng…. Đó là cái Nhân tạo ra những cảm xúc như thương ghet, đố kỵ, giận hờn…Nhân nào thì quả ấy. người nào mà cứ cố chấp lấy những nghĩ suy, so lường, đố kỵ…ấy là mình, của mình thì sẽ tự rước lấy khổ não chứ chẳng có ai khác gây ra.
4/- Chấp Hành Uẩn là mình.
Hành có nghĩa là biến dịch, lưu chuyển. Biến dịch ấy hàm chứa trong tất cả các Uẩn. Xác thân gồm bốn yếu tố Đất, Nước, Lửa, Gió không một phút giây nào mà không lưu chuyển, biến dịch. Không biến dịch lưu chuyển thì sự sống sẽ bị ngưng trệ rồi chết. Đối với những cảm xúc ( Thọ Uẩn ) hay tư tưởng ( Tưởng Uẩn ) cũng vậy. Tính chất lưu chuyển, biến dịch ấy xuất phát từ Vô Minh, cái khâu đầu tiên trong Thập Nhị Nhân Duyên: Vô Minh, Hành, Danh Sắc, Lục Nhập…
Hành chi phối tất cả và đây chính là cái nghiệp của mỗi người được tạo nên bởi ý muốn. Có ( chứa chất ) ý muốn xấu sẽ tạo Nghiệp xấu. Có ý muốn lành sẽ tạo Nghiệp lành.
5/- Chấp Thức Uẩn là mình.
Thức là cái biết do phân biệt mà có trong đó bao gồm Tiền ngũ Thức ( cái biết phân biệt của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Thức thứ Sáu, Thức thứ bảy ( Mạt Na thức, và Thức thứ tám ( Tạng Thức ). Trong tám Thức ấy thì Thức thứ sáu là đặc biệt quan trọng. Công hay tội cũng là do ở nơi nó. Chấp Ý Thức là mình tức là chỉ biết chạy theo ý riêng mình. Đó là đầu mối của muôn vàn giống tội. Trái lại không theo ý riêng mình mà vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa đó chính là Bỏ Mình, ơn ích không sao kể xiết.
Toàn bộ Đạo Lý Bỏ Mình của Đức Ki Tô tóm lại chỉ có một mục đích là làm sao bỏ được Ý Riêng mình. Chính Ý Riêng sẽ tạo Nghiệp xấu, ác chứ chẳng phải điều chi khác. Bởi đó Thánh Alphongso de Liuori nói: “ Không sự gì, cũng không ai có thể làm ta x a cách Thiên Chúa dù cả loài người hay là dù cả các quỷ trong Hỏa Ngục hợp lại cũng không thể, chỉ trừ ý riêng thôi. Thánh Benado nói: Giả sử trong loài người khỏi được cái tai vạ này tức không ai còn theo ý riêng mình nữa, tất sẽ không còn Hỏa Ngục. Nó là kẻ thù phá tiệt mọi nhân đức ( Kẻ Nữ Tu Thánh Thiện ).
Dù cả các quỷ trong Hỏa Ngục hợp lại cũng không thể khiến ta xa cách Thiên Chúa chỉ trừ ý riêng thôi. Tại sao vậy ? Bởi vì Ý riêng đó chính là Tâm Phân Biệt. Khi Tâm ta hướng ra bên ngoài nơi tạo vật để tìm cầu thì khi ấy ta đã …quên mất Đấng Chúa là Đấng Vô Phân Biệt ở nơi mình: “ Ngài khiến mặt trời soi cho kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho kẻ bất chính cũng như người công chính” ( Mt 5, 45 ).
Nếu ý riêng làm cho xa cách Thiên Chúa thì bỏ ý riêng mình đi lại làm cho ta được …gần Chúa. Bỏ ý riêng đi khi nào thì Chúa…ở cùng ta khi ấy. Bỏ hết ý riêng mình đi thì có Chúa luôn…ở cùng. Có Chúa…ở cùng, đó chẳng phải là mục đích của những ai dốc lòng Bỏ Mình theo Chúa Ki Tô đó sao ? Thế nhưng phải nhìn nhận việc bỏ đi ý riêng mình là điều khó trên hết mọi sự khó. Lý do là vì chúng ta những Ki Tô Hữu đang trong trận chiến với quỷ dữ Sa Tan: “ Đứa lừa dối cả và thiên hạ” ( Kh 12, 9 ).
Trận chiến khốc liệt và trường kỳ với Sa Tan đã được tiên báo từ thuở Sáng Thế và để có thể chiến đấu và chiến thắng kẻ thù hung hiểm này thì cần có sự trợ lực của Đức Nữ Trinh Maria, Đấng đạp giập đầu rắn Sa Tan ( St 3, 15 ). Sự trợ lực của Đức Maria chính là Chuỗi Kinh Mân Côi, chỉ vũ khí đó mới có thể thắng được Sa Tan. Thánh Benado nói: “ Kinh Mân Côi có sức xua đuổi ma quỷ. Làm cho Hỏa Ngục phải run sợ trước Thánh Danh Giê Su và Mẹ Maria”.
Phùng Văn Hóa