Đạo Lý Bỏ Mình và Lý Duyên Khởi

          Cùng với nỗi hoảng sợ Dịch Cúm Coronavirus đang lan tràn trên khắp thế giới là  lòng hận thù đưa đến vụ thảm sát hàng loạt tại Đức: “ Một người cực hữu đến mức  cực đoan đã giết  chết ít nhất 9 người trong các vụ tấn công vào hai quán shisha tại một thành phố miền tây nước Đức…

          …Các nhà chức trách đang kiểm tra một video có vẻ là của nghi phạm, được đăng trực tiếp vài ngày trước cuộc tấn công, trong đó hắn ta thể hiện các lý thuyết cực đoan cánh hữu. Truyền thông Đức cho biết hắn cũng để lại một lá thư tuyệt mạng nói rõ động cơ giết người của mình vì phân biệt chủng tộc và tâm lý bài ngoại  được khơi dậy mãnh liệt tại các quốc gia Tây Phương sau khi Dịch Coronavirus bùng lên ở Trung Quốc” ( Nguồn Vietcatholic News – 20/2/2020 – Đặng Tự Do – Vụ thảm sát kinh hoàng tại Đức có liên quan  đến Coronavirus ).

          Không phải chỉ ở Tây Phương mới có phân biệt chủng tộc  và bài ngoại mà ngay tại Vũ Hán ( Hồ Bắc ) là nơi được coi là …ổ dịch cũng vậy. Phố nọ kỳ thị muốn cách ly khỏi phố kia. Nhà này đóng cửa với nhà khác. Dân cư ngoài Vũ Hán thì ghê sợ không muốn ngồi chung xe, chung tàu với người Hồ Bắc v.v…

          Trước mối đe dọa đến tính mạng mình, người ta ai mà chẳng sợ hãi  và kỳ thị muốn tránh cho xa cái mối nguy hiểm ấy. Tuy nhiên nếu sự kỳ thị lại đưa đến thảm sát như tại Đức thì thật kinh khủng, bởi đó là hành vi mất nhân tính.

          Ngoài trường hợp như vừa xảy ra, chúng ta còn chứng kiến biết bao vụ thảm sát cũng từ  việc mất nhân tính gây ra. Nhiều lắm không thể  kể xiết. Vậy đâu là nguyên nhân ?

          Theo quan điểm Đạo Phật, mọi nguyên nhân đưa  đến tội ác là do bởi vô minh tức thấy mình có một bản ngã cá biệt, một bản ngã quý báu, đáng tôn trọng, hơn hẳn các cái “ngã” khác. Cũng chỉ vì thấy mình…khác với người khác, khác với những sự vật nên mới khởi lên lòng kiêu mạn, sân si, tham lam và khi lòng kiêu mạn, tham lam ấy không được  thỏa mãn thì phát sinh hận thù, ganh ghét…

          Đối với  Đạo Phật thì nguồn gốc của tội là vô minh. Còn Đạo Chúa cũng nói không khác nếu chúng ta nhận ra Tội Nguyên Tổ cũng chính là một thứ vô minh căn bản  do phân biệt mà có. Mặc dầu vậy, nhận ra phân biệt là…tội ( St 2, 16 -17 ) là điều không hề dễ chút nào. Lý do bởi vì Thần Học trước sau vẫn là Duy Lý  và vì thế không có cách chi nhận biết được Tội Nguyên Tổ là tội do phân biệt và vì thế  cũng chẳng thể nhìn nhận Đạo Lý Bỏ Mình của Đức Ki Tô: “ Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình vác thập giá mình mà theo” ( Lc 9, 23 ).

          Theo Chúa thì phải…Bỏ Mình nhưng Bỏ Mình là …bỏ đi cái chi ? Nếu cho…mình là cái xác thân này  thì chẳng lẽ Bỏ Mình là tự tử, tìm đến cái chết ? Phải chăng cũng bởi cho mình là cái xác thân này  mà trong quá khứ  đã có những hình thức TU khổ hạnh, nhịn đói, nhịn khát, phơi mình dưới nắng cho đến kiệt sức v.v…

          Bao lâu còn cho xác thân này là mình thì không thể Bỏ Mình theo Đức Ki Tô. Tại sao ? Bởi lẽ để bỏ  được mình thì phải thực hành những điều Chúa truyền dạy: “ Các ngươi đã nghe phán: Mắt  đền mắt. Răng đền răng. Song Ta nói cùng các ngươi: Đừng chống cự kẻ ác. Trái lại, hễ ai vả má hữu ngươi thì hãy đưa má kia cho họ luôn. Hoặc ai muốn kiện ngươi để lấy áo trong. Hãy để họ lấy luôn áo ngoài nữa. Hay là hễ ai muốn bắt ngươi đi một dặm, hãy đi hai với họ. Ai xin thì hãy cho, ai muốn mượn của ngươi thì đừng làm ngơ” ( Mt 5, 28 -42 ).

          Lời Chúa là lời chân thật, không bao giờ hư dối. Tuy nhiên trong đời sống thực tế chúng ta làm sao có thể thực hành những điều Chúa dạy  ấy ? Phải chăng đó là những hành vi …nhu nhược không sao có thể chấp nhận ? Nếu không chống cự cái ác cứ để cho nó mặc sức hoành hành thì xã hội này có thể tồn tại được ư ? Nếu cứ để người ta lấy cả áo trong lẫn áo ngoài thì mình sống ra sao ?

          Biết bao câu hỏi  được nêu lên và dường như không thể có câu trả lời. Thế nhưng như đã biết Lời Chúa là lời chân thật và đây chính là lý tưởng mà tôn giáo hiểu  như Con Đường Tâm Linh cao cả cần thực hiện để  đem đến giải thoát khổ đau cho con người.

          Vả lại, lý tưởng ấy  hoàn toàn không phải là…viễn mơ xa vời nhưng đã được ngay từ thuở khai sinh Giáo Hội và cho đến thời hiện nay với những chứng nhân của Chúa như Thánh Teresa Calcutta, Thánh Martino, Thánh Damien tông đồ người hủi, Thánh Maximilien Kolbe trong thế chiến thứ hai v.v…

          Các Thánh cũng là những con người yếu đuối, bất toàn như chúng ta. Vậy nếu các đấng ấy đã thực hiện được việc Bỏ Mình thì chúng ta tại sao  lại không ?  Vấn đề đặt ra đó là cần có cái Lý của sự Bỏ Mình. Phải chăng cũng chính vì Giáo Hội đã không có cho mình triết lý về sự Bỏ Mình thế nên  đã …lâm vào Con Đường Tục Hóa, gây nên cuộc khủng hoảng sâu sắc như hiện nay đang thấy ?

          Sở dĩ Chúa nói…Bỏ Mình  là vì cái gọi là…Mình đó nó không có thật. Nếu nó …có thật thì cần chi phải bỏ và bỏ như thế để làm gì ? Cái gọi là Mình tức “ Cái Tôi” ấy thật sự không có  nhưng chỉ vì  người đời không ai không chấp lấy làm thật để rồi gây  nên biết bao khổ lụy cho  mình và cho người.

          Nói chính xác “ Chấp Ngã” có nghĩa là chấp cho rằng muôn sự muôn vật kể cả con người đều…có thật. Mình  có thật, cái nhà có thật, núi sông, cây cỏ đều như vậy. Chấp cho muôn sự muôn vật  đều…có thật  có nghĩa là chấp cho rằng tất cả đều có tự tánh và độc lập với nhau, chẳng cái gì…dính với cái gì hết.! Ta không phải là cái nhà, núi non, sông núi. Cái nhà, núi non, sông núi không phải là…ta v.v…

          Cái chấp ấy là của hết thảy phàm phu, không một ai lại không chấp như vậy. Đang khi đó dưới cái nhìn của Định Lý Duyên Khởi  thì đó tất cả chỉ là mê lầm:

          1/- Hòa  Hợp Giả

          Vì mê lầm, chúng ta ai cũng thấy cái nhà là …nhà nhưng thật ra đó chỉ là tập hợp của gạch, ngói, xi măng, sắt thep, công thợ v.v…Phá cái nhà đó ra,  gạch ngói đi  đàng gạch ngói, xi măng đi đàng xi măng v.v… thì cái gọi là nhà ấy có còn là nhà hay không. Như vậy để hình thành nên một cái nhà là do hòa hợp của các duyên . Mất đi  sự hòa hợp ấy thì không còn là nhà.

          Với cái nhà đã vậy thì với muôn sự muôn vật, kể cả con người cũng vậy đều chỉ là do sự hòa hợp của các duyên mà thôi.

          2/- Tương Tục Giả

          Chúng ta thấy cái nhà ấy dường như năm nào cũng như năm nào  cũng y như vậy không có chi thay  đổi. Nhưng thực ra nó biến chuyển  trong từng phút giây mắt thường không thể nhìn thấy.Gạch, ngói phơi  mưa phơi nắng cũng dần mục nát. Cột kèo bị mối mọt  đục khoét v.v…

          Chính vì tính tương tục  ấy mà đã khiến cho ta tưởng chừng sự vật như thật có và bền vững. Ví như một que lửa, nếu ta quay thật nhanh nó sẽ biến thành  một vòng tròn lửa nhưng thật ra đó chỉ là do ảo giác.

          3/-  Quán  Đãi Giả

          Chúng ta sống là sống trong sự so sánh, đối  đãi. Thế nhưng  mọi sự so sánh của con người  đều là giả, không bao giờ mang tính khách quan. Ví dụ khi đưa một cây viết lên và hỏi cây viết này dài hay ngắn thì không ai trả lời được, nhưng nếu cùng lúc giơ lên một cây thước và hỏi cái nào dài cái nào ngắn thì ai cũng trả lời cây thước dài còn cây viết ngắn.

          Thêm ví dụ nữa cho dễ hiểu. Nếu hỏi con kiến nhỏ hay lớn thì không ai trả lời được. Nhưng nếu so sánh con kiến với con bò thì ai cũng trả lời là…con bò lớn. Trái lại so sánh con kiến với con vi trùng thì con kiến lại rất lớn.

          Mọi so sánh đều là giả. Thế nhưng con người lại cứ muốn hơn thua, mặc định cho cái này có giá trị hơn cái kia  để rồi ham muốn, tranh dành này nọ sinh ra đố kỵ, hờn ghen v.v..

          4/-  Phân Biệt Giả

          Phàm phu không một ai lại không sống với Tâm Phân Biệt, có nghĩa  kẻ này thì phân biệt thế này kẻ kia lại phân biệt thế kia tùy theo từng vị trí, kiến thức, nghiệp lực ….khác  nhau của mỗi người.

          Cũng với một con người đó nhưng người vợ thì gọi là chồng. Những đứa con gọi là cha. Những đứa cháu nội gọi là ông nội. Những đứa cháu ngoại gọi là ông ngoại. Hoặc cùng một cái cây, bác tiều phu coi đó là củi. Nhưng với bầy kiến bống thì đó lại là một…thế giới v.v…

          Như vậy bất cứ sự phân biệt nào cũng đều là …giả, không đúng như sự thật: Nó Là. Bởi tính chất phân biệt  đều… giả như thế nên Kinh Thánh  đã cho biết  Tội Nguyên Tổ  là…tội và không ai lại không vướng : “ Cho nên như bởi một người mà tội lỗi đã thâm nhập vào thế gian. Lại bởi tội lỗi mà có sự chết và như  vậy sự chết đã lan khắp mọi người vì mọi người đều đã phạm tội” ( Rm 5, 12 ).

          Phân biệt thiện ác sở dĩ là…tội bởi vì con người với bản chất vô minh không thể biết được đâu là thiện đâu là ác. Không biết  đâu là thiện, đâu là ác  mà lại cứ…phân biệt, cái được cho là thiện thì yêu lấy. Còn cái được cho là ác thì ghét bỏ muốn trừ diệt. Chính sự yêu, ghét, lấy, bỏ ấy  mà đã khiến  nhân quần xã hội  đảo điên do phân biệt chủng tộc, đấu tranh giai cấp  mà ra.

          Tội đưa đến sự chết và sự chết do Tội nguyên Tổ gây ra chính là vì  nó đã làm mất đi Bình Đẳng Tính ( Tâm Vô Phân Biệt ) vốn có ở nơi mỗi người. Đức Ki Tô xuất sinh nơi đời kêu gọi những ai theo Ngài cần Bỏ Mình đi  cũng không ngoài mục đích để phục hồi Bình Đẳng Tính  bằng cách  hòa lại với Thiên Chúa: “ Mọi sự đều ra từ ĐCT, Ngài đã qua trung gian Đức Ki Tô mà khiến chúng ta hòa lại với Ngài và giao cho chúng tôi phận sự giải hòa” ( 2C 5, 18 ).

          Nói đến…hòa lại có nghĩa trước đó đã có sự bất hòa và sự bất hòa đó có căn nguyên là Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt. Bởi đó Đức Ki Tô khiến con người…hòa lại với Thiên Chúa  bằng cách Bỏ Mình  có nghĩa bỏ đi Tâm Phân Biệt chứ chẳng phải điều chi khác.

          Đức Ki Tô không những  truyền cho chúng ta  Bỏ Mình mà Ngài còn thực hiện điều đó nữa: “ Anh em hãy đồng một tâm chí như Đức Giê Su Ki Tô đã có. Ngài vốn có hình thể của ĐCT.Song chẳng coi sự bình đẳng với ĐCT là sự phải đoạt lấy. Trái lại Ngài đã tự làm cho mình ra trống không. Lấy hình thể tôi tớ, trở nên giống như hình dạng con người rồi, bèn hạ mình vâng phục cho đến chết. Thậm chí chết trên cây thập tự giá” ( Pl 2, 5 -8 ).

          Sự ra…trống không của  Đức Ki Tô  không phải là  trống rỗng, hư vô nhưng đó chính là sự Vô Ngã tức không còn thấy có mình. Chính trong tính chất Vô Ngã đó mà Chúa Giê Su mới có thể nói: “ Ta với Cha là một” ( Ga 10, 30 ).

          Chúa Giê Su đã thực hiện việc kết hợp  giữa Cha và Con. Đồng thời Ngài  đòi hỏi mỗi  một Ki Tô Hữu chúng ta  cũng cần trở về để kết hợp với Đấng Cha như vậy. Trở về với Đấng Cha qua trung gian Đức Ki Tô bằng việc Bỏ Mình, đó phải là cứu cánh  sống đạo. Tuy nhiên việc Bỏ Mình tức bỏ đi cái Tâm Phân Biệt là rất khó: Yêu người thì phải yêu cả kẻ thù nghịch. Bố thí thì đừng để cho tay tả biết việc tay hữu làm. Người ta tát má này thì phải đưa má kia cho họ……

          Làm sao có thể yêu thương kẻ thù một khi ngay cả với những người thân yêu vẫn còn chưa yêu thương được ?.  Làm sao có thể đưa nốt má kia cho người ta tát  khi mình vẫn chưa thể kìm hãm được cơn giận nổi lên phừng phừng ? Làm sao có thể đưa cả áo ngoài, áo trong đang khi lòng tham của mình còn muốn đoạt lấy hết tài sản của người ?

          Những điều Chúa truyền dạy thật rất khó để thực hiện trong đời sống. Nhưng cùng với lời dạy ấy Ngài cũng đưa ra các phương thế  để cho  bất cứ ai cũng có thể  thức hiện miễn là chúng ta có lòng tin, yêu nơi Ngài.

          Tin Chúa chính là tin nơi Giáo Hội của Chúa. Bởi vì chỉ trong Giáo Hội  mới có các Bí Tích do Chúa thiết lập. Siêng năng tham dự các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể đó là phương thế hữu hiệu nhất  để cho ta có được sự kết hợp diệu kỳ ấy.

          Bởi đâu chúng ta  có được sự kết hợp giữa phàm và Thánh như vậy ? Xin thưa tất cả là do ở nơi Lý Duyên Khởi. Thật vậy, như đã biết muôn sự muôn vật  đều do Duyên Khởi với nhau mà hiện hữu. Cái nhà  hiện hữu là do các duyên, gạch, ngói, xi măng, sắt thép công thợ v.v..Cũng trong tính chất Duyên Khởi đó chúng ta hễ duyên khởi cái chi thì sẽ có cái  đó.

          Một ly nước, nếu duyên khởi với đường sẽ có ly nước đường. Ly nước đường đó nếu duyên khởi với chanh sẽ có ly nước chanh đường. Ly nước chanh đường ấy nếu duyên khởi với vài viên đá cục sẽ có ly nước đá chanh đường….

          Tất cả đều do Duyên Khởi mà thành kể cả trong lãnh vực tâm linh. Nếu duyên khởi với ma quỷ sẽ gặp gỡ ma quỷ. Còn duyên khởi với Chúa với Đức Mẹ cùng chư thần thánh sẽ  được về sống bên Chúa hưởng phước lạc đời  đời.

          Tính chất của Duyên Khởi  là như thế. Nhưng để hiểu và thực hành  là điều rất khó vì tính Duyên Khởi ấy diễn ra  ở nơi sâu kín mịt mờ ở  nơi  Tâm. Khi Tâm khởi phát  nếu không nhận biết thì nó sẽ dẫn đưa  ta vào các con đường xấu ác mà không biết.

          Một người cứ nhớ nghĩ về  điều xấu ác tất sẽ làm điều xấu ác. Trái lại có nhớ nghĩ về điều thiện lành thì mới làm được điều thiện lành.  Điều thiện lành có giá trị nhất đó là luôn nhớ nghĩ ( Huân Tập ) Lời Chúa vào trong Tâm mình.

          Cái Lý nó là như vậy. Nhưng để đi vào thực hành thì cần có phương pháp. Lý do là vì Tâm con người là cái  Tâm Vọng Tưởng không ngừng tìm cầu nơi thế giới ngoại vật. Dù  trang nghiêm  sốt sắng tham dự Thánh Lễ, nghe cha chủ tế đọc Phúc Âm nhưng tâm trí có khi đang viển vông ở mãi tận đâu  đâu  chẳng hiểu ội dung bài Phúc Âm nói gì.?

          Vì Lòng Thương Xót của Chúa, Ngài đã đề ra cho con  cái những phương thế  để cho ta nhờ đó  Nhớ đến Ngài chẳng hạn  lần Chuỗi Mân Côi. Thực hành Tác Động Mến  Yêu,  Chúa Giê Su đã truyền dạy  chị  Consolata. Hoặc Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót của Thánh Faustina v.v…

          Dù thực hành bất kỳ phương pháp nào cũng đòi hỏi cần phải Nhớ ( Tỉnh Thức ) đến Chúa. Tâm hướng chiều về thế gian sẽ bị thế gian lôi kéo vào các con  đường xấu, ác. Ngược lại Tâm luôn hướng về Chúa thì có Chúa ở cùng. Có Chúa…ở cùng thì có muôn vàn phước hạnh ngay trong đời này và đời sau vô cùng vô tận: “ Hãy trở lại cùng Ta thì Ta sẽ trở lại cùng ngươi” ( Ml 3, 7 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts