ĐẠO  VÀ  ĐỜI ( 2 )

          Có những sự kiện xảy ra mới đây trong giáo hội khiến chúng ta không khỏi  không suy nghĩ về mối tương quan…Đạo, Đời:

          Một giám mục Tây Ban Nha tên Xavier Novella, nguyên giám mục Solsona đã bỏ nhiệm sở để kết hôn với Silvia Clemente, người đã ly dị chồng và chuyên viết tiểu thuyết khiêu dâm có màu sắc…Sa Tan !

          Cũng vừa mới đây, ngày 21/6/2022 các tu sĩ dòng Phan Xi Cô ở Đức đã bầu chọn một linh mục đồng tính công khai, làm giám tỉnh dòng và ông này đã trơ trẽn kết án giáo hội Công giáo toàn là… đạo đức giả !

          Hiện đang có tranh luận sôi nổi về việc giám mục De Kerimel giáo phận Toulouse ra lệnh cấm các đại chủng sinh và phó tế mặc áo chùng ( Tu phục ). Về lý do cấm này, linh mục giáo sư Luc Forestion cho biết: “ Vấn đề phẩm phục ở trong các chủ đề được nêu ra trong bối cảnh Thượng Hội Đồng về Tính Hiệp Hành, đặc biệt là chủ nghĩa giáo quyền và sự thái quá của nó, chiếc áo chùng cũng phản ảnh sự căng thẳng nội bộ trong sứ vụ giáo hội. Trang phục nào cho phép mình cho công chúng thấy mình  đang phục vụ mà không bị phô trương ? Đó là cả một vấn đề” ( Nguồn: Conggiao. Info 13/6/2022 Giuse nguyễn Tùng Lâm dịch – Vì sao các chủng sinh Pháp không được mặc áo dòng ? ).

          Thật sự, trong việc cấm đoán này cũng có lý do của nó và lý do được nêu là vì có liên quan đến vấn đề…chính trị: “ Việc mặc áo chùng  của các giáo sĩ sau đó vẫn tồn tại nhưng yếu đi  vào hậu bán thế kỷ 20. Sau CĐ Vatican II năm 1962, giáo hội bãi bỏ việc mặc áo chùng. Linh mục Luc Forestier, giáo sư chuyên ngành Giáo Hội Học và Thần Học Mục Vụ tại Học Viện Công Giáo  Paris lưu ý: Xét về lịch sử áo chùng tại Pháp, chúng ta không thể nói đây là phẩm phục trung lập và phi chính trị. Nó không trong cùng bối cảnh như ở Ý, các chủng sinh tự ý mặc. Ở Pháp, nó có thể gây sốc cho các thế hệ lớn tuổi, những người xem đó là biểu tượng của một thể chế giáo quyền, độc tài” ( Nguồn Conggiao. Info 13/6/2022 đã dẫn ).

          Khi nói chiếc áo chùng là biểu tượng của một thể chế giáo quyền, độc tài là có ý ám chỉ cho thời gian trước CĐ Vatican II khi giáo hội chưa đi vào con đường Tục Hóa có nghĩa thời đó còn có sự phân biệt Đạo – Đời. Đạo thuộc về đời sống tâm linh còn Đời thuộc đời sống thế gian.

          Ngày nay, Con Đường Tục Hóa  đã mở ra khi giáo hội cho rằng mình và thế gian có chung một niềm hy vọng: “ Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người  ngày nay nhất là của người nghèo và của những ai đau khổ cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng  của môn đệ  Đức Ki Tô và không gì thực sự là của con người  mà không gieo âm hưởng trong lòng họ” ( HC Vui Mừng và Hy Vọng – CĐ Vatican II ).

          Không thể nói giáo hội và thế gian có chung niềm hy vọng bởi vì hy vọng của giáo hội đặt vào một nơi mà giác quan không thể cảm nhận: “ Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng nhưng sự hy vọng đã thấy được thì chẳng phải là sự hy vọng vì có ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư ? Song nếu chúng ta hy vọng điều chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại và đợi trông” ( Rm 8, 24 -25 ).

          Để có thể đạt được niềm hy vọng…chưa thấy đó, chúng ta những người có đạo  cần phải có lòng nhẫn nại, đợi trông. Trái lại người đời chỉ có hy vọng vào đời sống thế gian mà đời sống ấy chỉ là phù phiếm chóng qua, nay còn mai mất thì có chi để mà hy vọng ?

 Chẳng những thế gian là phù phiếm nhưng nó còn chứa đầy phiền não khổ đau, cứ xét ngay thân người cũng đủ rõ nào có ai thoát khỏi cảnh sinh, già, bệnh, chết, người thân muốn gặp lại phải xa cách, kẻ oán thù muốn tránh xa  lại cứ phải gặp v.v…Thế nhưng người đời vì u mê nên cứ bám víu nhưng rồi đến ngày xuôi tay, nhắm mắt có muốn níu lại một giờ một khắc cũng chẳng thể được !!!

Khởi từ CĐ Vatican II, khi giáo hội vướng vào Con Đường Tục Hóa thì đã có biết bao hiện tượng đau buồn xảy ra và  ai cũng có thể nghiệm xét chẳng hạn  những vụ việc vừa nêu. Thế nhưng cái gì cũng có nguyên nhân của nó và nguyên nhân ấy chính là do ảnh hưởng của việc giải nghĩa Kinh Thánh theo lối mặt chữ ( Sens Litteral ) về  quan niệm  Đấng Tạo Hóa.

Với quan niệm Đấng Tạo Hóa, thế giới được tạo dựng nên chỉ có thể là thế giới vật chất và tất nhiên loài người… là loài xác thịt ? Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng thế giới vật chất và khi hoàn thành  công việc thì…” Thấy điều đó là tốt lành” ( St 1, 21 ).

Một khi hiểu theo…nghĩa đen như thế  thì chẳng phải mục đích của đấng ấy là muốn cho loài người càng sinh sản thêm nhiều và mãi sống trong hạnh phúc đó sao ? Thế nhưng thực sự loài người có sống trong hạnh phúc hay hoàn toàn ngược lại đến nỗi người ta đã phải đặt  ra vấn đề về sự hiện hữu của Thiên

Chúa. Nếu có Thiên Chúa thì không thể có sự dữ, ngược lại nếu có sự dữ thì Thiên Chúa không thể hiện hữu v.v…

          Quan niệm Đấng Tạo Hóa đã bị chính thần học …khai tử. Thế nhưng không vì thế tôn giáo bị sụp đổ, Người ta đã thay thế quan niệm này bằng cách cho rằng Đức Ki Tô chính là hiện thân của Thiên Chúa nhập thể: “ Nền thần học cổ điển với những lý luận trừu tượng  dĩ nhiên không thể thích hợp với con người thời đại. Paul Tillich trình bày một Thiên Chúa như là nền tảng của mọi hữu thể nhưng đồng thời cũng có thể làm cho con người gặp gỡ được Ngài trong chính chiều sâu của thực tại con người và mọi sự. Niềm tin Ky Tô giáo không phải là một sự chiêm niệm về Thiên Chúa vô biên mà là đón nhận sứ điệp của chính Đức Ki Tô, Con người mới” ( Chân Lý 1995 – Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay ).

          Với Paul Tillich, Thiên Chúa hiểu như Đấng Tạo Hóa không hẳn là bị giết chết nhưng được thay thế bằng Đức Ki Tô, Con người mới ? Thật sự thì Đức Ki Tô không phải là…con người mới nhưng trước sau Ngài vẫn là một: “ Đức Giê Su Ki Tô, hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời vẫn chỉ là một” ( Dt 13, 8 ).

          Đức Ki Tô trước sau vẫn là một và Ngài đến thế gian là để cứu thoát chúng ta ra khỏi chốn thế gian mê lầm: “ Bây giờ Con về cùng Cha nhưng Con nói những điều đó  hầu cho sự vui mừng của Con được đầy đủ trong họ. Con đã ban Đạo Cha cho họ mà thế gian ghen ghét họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian vậy. Con chẳng xin Cha cất họ khỏi thế gian nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi sự ác. Họ không thuộc về thế gian  cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên Thánh. Đạo Cha là chân lý” ( Ga 17, 13 -17 ).

          Người Công giáo tuy sống ở thế gian nhưng không thuộc về thế gian có nghĩa chúng ta không nghĩ, không làm mọi việc giống như người đời. Người đời cho thế gian là…thật có và vì thế nên họ nảy sinh lòng tham, ái để rồi gây ra biết bao tội lỗi gây khổ cho mình và cho người. Trái lại người Công giáo cho thế gian là chốn giả tạm, sống gửi thác về thế nên vui lòng vác Thánh Giá Chúa gửi với hy vọng ngày kia được về sống bên Chúa.

          Mặt khác, cũng bởi người Công giáo…không thuộc thế gian nên bị người đời ghen ghét nhưng Chúa nói: Con chẳng xin Cha cất họ khỏi thế gian nhưng gìn giữ họ khỏi sự ác. Ý nghĩa của lời cầu ấy là xin cho chúng ta tránh khỏi

những đam mê của cải, danh vọng, chức quyền ở đời bởi vì những sự đó chỉ là mưu chước của Sa Tan đứa lừa dối. Chúa Giê Su nói “ Từ ban đầu nó là đứa giết người, chẳng đứng trong lẽ thật vì trong nó không có sự thật đâu. Khi nó nói dối thì tự mình nó nói vì nó vốn là đứa nói dối cũng là cha của sự ấy” ( Ga 8, 44 ).

          Từ ban đầu tức từ buổi Sáng Thế, Sa Tan dưới hình dạng…con rắn đã cám dỗ nguyên tổ phạm tội và rồi cả A Đam lẫn E Và đã bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng và sẽ không bao giờ có ngày trở lại nếu không có sự trợ giúp ( Đồng Công Cứu Chuộc ) của  Người Nữ Maria, Đấng đạp giập đầu rắn Sa Tan: “ Đức Chúa phán với con rắn: “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ. Dòng giống mày cùng dòng giống Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).

          Dòng giống Sa Tan, hơn bao giờ hết đang lan tràn trên khắp thế giới và ngay cả trong giáo hội. Còn người Công giáo có phải là dòng giống của Người Nữ Maria hay không thì mỗi người cần xét lại mình qua việc thực thi ba mệnh lệnh Pha Ti Ma nhất là thực hành Chuỗi Kinh Mân Côi. Lý do bởi vì kinh nguyện này có một năng lực vô song trong việc chiến thắng cám dỗ của Sa Tan  như lời Đức Mẹ đã hứa: “ Kinh Mân Côi sẽ là áo mã giáp  để chống lại Hỏa Ngục. Kinh Mân Côi  tiêu diệt thói xấu, giảm thiểu tội lỗi và phá tan các ngụy thuyết” ( Lời hứa thứ 3 trong 15 lời hứa của Đức Mẹ )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts