Đạo và Đời

        Sự bách hại tôn giáo của Trung Cộng  đặc biệt là với Đạo  Công Giáo ngày càng khốc liệt, đồng thời cũng rất mực tinh vi. Trong Hội Nghị Tham Vấn Chính Trị về các tôn giáo  được tổ chức  ngày 26/11/2019 tại Bắc Kinh. Giám mục Trung Quốc Phòng Hưng Diệu ( Fang Xingyao )  đã có lời phát biểu như sau: “ Tình yêu dành cho quê hương phải lớn hơn tình yêu dành cho Giáo Hội và phép nước phải trọng hơn phép  đạo”.

          Cuộc họp được chủ tọa bởi Uông Dương ( Wang Yang ) CT/ Ủy Ban Tham vấn Chính Trị Toàn Quốc gọi tắt là CPPCCP và là một thành viên trong UBTU Đảng CSTQ với sự tham dự của các chuyên gia, học giả, các nhân vật tôn giáo và các cố vấn chính trị…

          …Mục đích của hội nghị này là phát triển một hệ thống ý thức hệ tôn giáo với đặc điểm Trung Quốc, phù hợp với yêu cầu của thời đại do CT Tập Cận Bình triệu tập nhằm mục đích “ Trung Hoa Hóa” các tôn giáo. Theo thông tấn xã Asia News của  Liên Hiệp các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, điều này có nguy cơ đặt các tôn giáo dưới sự thống trị của ĐCS ngay cả  về mặt thần học” ( Nguồn Vietcatholic News – 03/12/2019 ) – Đặng Tự Do – GM Trung Quốc hô hào yêu nước hơn yêu mến GH và phép nước phải trọng hơn phép đạo ).

          Ý muốn thống trị  của Đảng CS cầm quyền đối với tôn giáo là điều dễ hiểu bởi vì trong tính chất độc tài toàn trị  của nó thì tôn giáo là một thách thức  đối với quyền lực tối cao của đảng, cần khống chế và nếu có thể thì tiêu diệt. Lý do cần khống chế bởi vì tôn giáo là một cơ chế mạnh, chẳng những có thể tập hợp được quần  chúng mà còn có tôn chỉ, đạo đức vững vàng, được các tín đồ tin theo, kính trọng.

          Thực tế cho thấy các chế độ CS từ Liên Xô cho đến Trung Cộng, Bắc Triều Tiên, Cu Ba, Việt Nam…ngay khi vừa mới cầm quyền họ đã có những chính sách nhất quán về tôn giáo nhằm  làm sao để kiểm soát, chia rẽ trong các Giáo Hội và sàng lọc, bắt bớ những thành phần lãnh đạo có uy tín như linh mục, tăng ni, mục sư và cả những nhân sĩ trí thức không chấp nhận đường lối của họ.

          Đã gọi là…toàn trị thì CS không những chỉ có những biện pháp  đàn áp, khống chế về mặt nổi nhưng còn cả về mặt tư tưởng, ra sức tuyên truyền chủ trương  duy vật vô thần qua các phương tiện truyền thông, sách báo  và nhất là  bắt buộc giảng dạy CN Mác – Lenin trong các trường trung và đại học.

          Về mặt cơ sở lý luận được lấy làm nền tảng cho việc phê phán đó là quan điểm cho rằng: “Con người  làm ra tôn giáo chứ không phải tôn giáo làm ra con người”. Quan điểm này tỏ ra rất thuyết phục bởi xét cho cùng thì con người phải có trước  có nghĩa là có xã hội rồi mới có tôn giáo chứ không phải ngược lại ?

          Mặc dầu vậy sự phê phán tôn giáo không đặt trên quan niệm trừu tượng nhưng là trên thực tiễn. Thực tiễn ấy đó là tôn giáo đã xây dựng cho mình một thứ niềm tin vào đời sau  gọi là Thiên Đàng vĩnh phúc để rồi  từ đó muốn thoát ly ra khỏi  thế giới trần tục  đau khổ này. Tuy nhiên dưới cái nhìn của Các Mác, người sáng lập ra CNCS  thì niềm tin ấy chỉ là một thứ ảo vọng do các thế lực Tư Bản bóc lột bịa đặt ra để lừa bịp quần chúng lao động  xa rời cuộc đấu tranh giai cấp nhất định cần phải có.

          Như vậy, tôn giáo chỉ là một thứ ảo tưởng  và cũng chính do nơi ảo tưởng đó mà nó đã tạo ra cảnh khốn cùng cho nhân loại: “ Cảnh khốn cùng tôn giáo  vừa là cách diễn tả cảnh khốn cùng  thực sự vừa là sự phản kháng sự khốn cùng đó. Tôn giáo là tiếng than vãn của thọ tạo bị đàn áp là tâm hồn của một thế giới vô tâm cũng như tôn giáo là tinh thần của những tình huống vắng bóng tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng nhân dân” ( Karl Heinz Wiger S.J – Phê Bình Tôn Giáo Qua các Tác Giả ).

          Thuốc phiện là một thứ ảo giác dẫn dắt con người  đến chỗ tự hủy hoại   cả thể xác lẫn tinh thần. Cho rằng tôn giáo chỉ là thứ mê hoặc con người để rồi tìm cách tiêu diệt. Thế nhưng thực tế chứng minh CS đã không làm được điều này dù rằng  họ có cả một guồng máy đàn áp lớn lao cũng như  biện pháp thâm độc, quỷ quyệt. Tại sao thế ?

          Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta cần phân biệt tính chất khác  nhau  giữa Đạo và Đời. Ai cũng biết tôn giáo còn  gọi là “ Đạo” và “ Đạo” ở đây cũng chính là con đường thực hiện tâm linh. Còn “ Đời” là thế tục là cõi thế gian này.

          Đạo, con đường thực hiện tâm linh ấy dù rằng có nhiều hình thái  khác nhau  nhưng đã có mặt từ thuở rất xa xưa nơi các nền văn minh cổ thời. Sự có mặt của tôn giáo đồng nghĩa với nhu cầu tâm linh không thể thiếu  đối với  con người. Nhu cầu tâm linh ấy  nhằm  hướng về  một Đấng Thần Linh nào đó  với  những tên gọi khác nhau.

          Thánh Phao Lô khi rao giảng Tin Mừng tại Hy Lạp đã nói với dân thành A Then: “ Tôi thấy phàm việc gì các ông cũng kính sợ quỷ thần quá chừng. Vì khi tôi dạo xem những vật các ông thờ phượng  thì thấy có một bàn thờ đề rằng “ Thần Chưa Biết” ( Cv 17, 22 -23 ).

          Với “ Thần Chưa Biết” mà cũng…thờ thì quả thật đó là loại…thờ quấy thờ quá không thể chấp nhận và nhân đó Thánh Phao Lô đã trình bày  một thứ thần linh  khác  rất đáng  để  con người tìm kiếm: “ Vậy Đấng các ông chưa biết mà kính thờ  đó là  Đấng  tôi  đương rao giảng cho các ông đây. Thiên Chúa  đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ  bởi tay người ta làm ra  đâu cũng chẳng cần dùng đến  tay người  ta  phục vụ  Người, như thể Người  thiếu cái gì, vì chính Người ban sự sống, hơi thở và mọi sự cho mọi loài. Người  do một người  mà làm nên mọi dân tộc  trong loài người để ở khắp mặt đất, định niên hạn  và cương giới cho chỗ ở của họ, cốt để họ tìm kiếm  Thiên Chúa hầu mong gặp được Người dẫu Người chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta. Vì trong Người, chúng ta sống động và tồn tại như một thi nhân của các ông đã vịnh rằng chúng ta cũng là dòng dõi của Người” ( Cv 17, 23 -28 ).

          Con người là dòng dõi của Thiên Chúa, có nghĩa tất cả chúng ta đều được tác tạo là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ) Tuy đích thực là Con Thiên Chúa nhưng chỉ vì bị vô minh che lấp nên đã không nhận ra chân lý cao cả ấy. Vì vậy toàn bộ con đường thực hiện tâm linh chỉ có mục đích là để  tìm kiếm hầu nhận ra cái phẩm giá Con Thiên Chúa đó mà thôi.

          Tìm lại phẩm giá Con Thiên Chúa ở nơi  mình đó cũng chính là Đấng Cha  nội tại mà con người không thể nhận biết bằng con đường lý trí suy luận. Đấng Cha nội tại ấy cũng là một  không khác với “ Đạo” của minh triết Đông Phương: “ Đạo khả Đạo, phi thường Đạo. Danh khả Danh phi thường Danh” ( Lão Tử ĐĐK chương một ).Đạo mà có thể nói đó không phải Đạo Thường. Danh  mà có thể gọi thì  đó không phải Danh Thường. Chữ “ Thường” có nghĩa là thường hằng, bất biến.

          Cái thực thể  thường hằng bất biến ấy tuy không thể…nói không thể …gọi nhưng lại cần  được truyền giảng ra. Không truyền giảng thì chân lý làm sao có thể hiện thực có nghĩa đưa được  Đạo vào Đời ?

          Làm cho Đạo nhập vào Đời đó phải là sứ mạng duy nhất của tôn giáo. Ngược lại nếu không  như thế  thì  đó không phải là “đạo” hiểu như  con đường thực hiện tâm linh: “ Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân  bất khả dĩ vi đạo” ( Đạo không xa cái bản tính người. Nếu theo đạo để cho xa cái bản tính người, đó không phải là đạo – T.T. Kim – Nho Giáo Q. Thượng ).

          Ở đây cần phân biệt hai chữ “ Đạo”. Một là hiểu “ Đạo” như một thứ thực tại bất biến hiện hữu ở nơi mỗi người. Hai là “ Đạo” như  con đường thực hiện tâm linh. Theo đạo có nghĩa việc thực hiện tâm linh có mục đích để con người nhận biết Đạo cũng là Bản Tính  Con Thiên Chúa ở nơi mình. Ngược lại nếu theo  đạo mà làm cho xa rời Bản Tính thì đó không  phải là con đường thực hiện tâm linh  đích thực.

          Con đường tâm linh đích thực ấy là  Đức Ki Tô: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Một khi Chúa đã khẳng định như vậy  thì chúng ta không những cần có lòng tin mà còn phải hết lòng hết dạ yêu mến Ngài. Đức tin làm nên tôn giáo thế nhưng chỉ đức tin thôi chưa đủ mà cần có lòng yêu mến. Tại sao ? Bởi vì chính cái lòng yêu  mến đó mới khiến chúng ta  kiên trì trên con đường vác thập giá theo Chúa. Thánh Phao Lô, một con người trước đây bắt bớ Đạo Thánh Chúa cách dữ dội nhưng khi trở lại đã khẳng khái nói: “ Vì tôi đã quyết định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Chúa Giê Su Ki Tô và Giê Su Ki Tô chịu đóng đinh trên cây thập tự giá” ( 1C 2, 2 ).

          Làm sao lại không yêu mến Chúa Giê Su cho được, bởi vì Ngài đã hiến thân chịu chết để cứu chuộc mình ? Cũng do nơi sự hiến thân ấy, Đức Ki Tô đòi hỏi chúng ta phải  yêu thương và thực thi các giới răn của Ngài: “ Điều răn của Ta đây này, các ngươi hãy yêu thương lẫn nhau cũng như Ta đã yêu thương các ngươi. Chẳng ai có sự yêu thương lớn hơn là vì bạn hữu mà bỏ mạng sống mình. Ví thử các ngươi làm theo điều Ta truyền cho  thì các ngươi là bạn hữu của Ta. Ta chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ nữa vì tôi tớ  chẳng biết  điều chủ mình làm. Nhưng Ta gọi các ngươi là bạn hữu vì Ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều Ta đã nghe ở nơi Cha Ta” ( Ga 15, 12 -15 ).

          Chúa nâng chúng ta lên hàng bạn hữu bởi  đã tỏ cho chúng ta biết những gì Ngài đã nghe biết ở nơi Cha Ngài. Những gì Chúa Giê Su nghe biết ở nơi Cha  đều là Sự Thật và Sự Thật ấy Ngài cũng muốn truyền lại cho chúng ta: “ Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).

          Một khi đã nhận biết Sự Thật Con Thiên Chúa ở nơi  mình, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi mọi mê lầm chấp trước cho mình chỉ là cái xác thân ô trọc, hữu hình hữu hoại này. Đang khi đó chủ nghĩa CS duy vật vô thần rêu rao xây dựng Thế Giới Đại Đồng  mà không biết  đó chỉ là một thứ ảo tưởng dối trá  tự mê hoặc mình  . Mặt khác xây dựng Thế Giới Đại Đồng  bằng con đường đấu tranh giai cấp không những  chỉ là ảo tưởng mà còn gây ra  không biết cơ man  tội ác  và rồi thực tế đã chứng minh  cái gì dối trá, cuối cùng  sẽ bị trả gía. Liên Xô  sụp đổ tan tành,Trung Cộng cũng đang ngấp nghé trên bờ vực sụp đổ  làm sao tránh khỏi ?

          Đạo Chúa đặt nền tảng trên Tình  Yêu, lấy Tình Yêu làm cứu cánh cho việc sống đạo: “ Hỡi kẻ yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương lẫn nhau vì sự yêu thương đến từ Thiên Chúa. Hễ ai thương yêu thì sanh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai chẳng  có lòng thương yêu thì không nhận biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu” ( 1Ga 4, 7 -8 ).

          Chủ nghĩa Duy Vật Vô Thần quyết liệt phủ nhận Thiên Chúa và như thế cũng là phủ nhận yếu tính Tình  Yêu ở nơi con người. Như vậy, đối với CS thì không thể có Tình Yêu, chỉ có dối trá. Có thể nói  mà không sợ  thiên chấp sai lầm rằng nếu không dối trá thì không phải CS. Cựu TBT Đảng CS Liên Xô Gooc Ba Chop nói: “ Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng CS nhưng ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng Đảng CS chỉ biết tuyên truyền và dối trá”.

          Điều giám mục…quốc doanh Phòng Hưng Diệu nói: Tình yêu quê hương phải lớn hơn tình yêu dành cho Giáo Hội và phép nước phải trọng hơn phép  đạo. Thực chất lời nói ấy hoàn toàn là dối trá và  dối trá chỉ khiến người ta ghê tởm tránh xa chứ  sao  có thể  có tình yêu cho được ?

          Tình trạng bắt bớ, giết hại Đạo Chúa ở Trung Cộng và nhiều nơi khác  trên thế giới đã  được Đức Ki Tô báo  để an ủi các Tông Đồ ngay trước giờ khổ nạn đồng thời cũng là cho chúng ta trong thời đại cuối cùng này: “ Này giờ sắp đến và đã đến thật rồi. Các ngươi sẽ tan tác, ai đi đường nấy bỏ Ta một mình. Nhưng Ta không ở một mình đâu vì Cha ở cùng Ta. Những điều đó Ta đã nói cho các ngươi  hầu các ngươi được bình an trong Ta. Các ngươi sẽ có hoạn nạn trong thế gian. Nhưng hãy vững lòng  vì Ta đã thắng thế gian rồi” ( Ga  16, 32 -33 )./.

Phùng  văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts