Sau vụ việc George Floyd, một thanh niên da đen bị cảnh sát ghì cổ chết, các cuộc biểu tình tại Mỹ đã bùng phát dữ dội cùng với việc đốt phá các nhà thờ, kéo đổ tượng Chúa, Đức Mẹ và các Thánh. Trước tình trạng Phạm Thánh nghiêm trọng ấy đã không khỏi khiến nhiều người Công Giáo…bình dân thắc mắc: Sao Chúa lại để những sự dữ ấy xảy ra như vậy ?
Đây không chỉ là thắc mắc của người Công Giáo…bình dân nhưng còn là vấn đề hết sức nan giải của thần học về mối quan hệ giữa Sự Dữ và Thiên Chúa trong suốt nhiều thế kỷ từ thời Thánh Augustin đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Do ảnh hưởng thuyết Plotin cho rằng: “ Chỉ có một Đấng Thiên Chúa duy nhất và tất cả vạn vật đều phát xuất từ Thiên Chúa như một dòng chảy xa dần nguồn cội thực tại. Càng xa nguồn cội càng trở nên bất toàn. Cuối dòng chảy là thực tại vật chất. Vật chất đó là gốc rễ của sự ác. Augustin mãn nguyện với khái niệm Thiên Chúa duy nhất đó nhưng lại phải đối đầu với vấn nạn: Phải chăng Thiên Chúa là tác giả của sự ác ? Vì Ngài là tác giả duy nhất của dòng chảy ? Sau nhiều tháng suy tư và nhờ hồng ân Thiên Chúa, Augustin đã tìm được cách hóa giải vấn đề. Trong tác phẩm Enchiridion “ Cẩm Nang Giáo Thuyết Ki Tô Giáo” viết năm 423, Augustin khẳng định: Sự dữ không phải là một sự dữ hay hữu thể hay một phẩm chất hiện hữu độc lập mà chỉ là sự khiếm khuyết cái tốt ( Absence of goodness ) nơi Thiên Chúa mà xuất hiện nơi tạo vật. Thiên chúa là sự thiện hảo tuyệt đối. Còn sự thiện hảo nơi thụ tạo là tương đối, do đó là kẽ hở cho sự ác xuất hiện. Như vậy sự dữ chỉ là sự khiếm khuyết sự thiện do tính hữu hạn của hữu thể thụ tạo. Tự thân sự dữ không là gì cả. Có thể nói sự dữ là phi hữu thể” ( Nguồn: TTHV Đa Minh – 23/7/2018 – Lm G.B Nguyễn Đăng Trực – O.P – Sự dữ và vấn đề Thượng Đế ).
Dù có cho Thiên Chúa là sự thiện hảo tuyệt đối, còn thụ tạo là sự thiện hảo tương đối do đó khiến cho sự dữ xuất hiện thì bởi chưng Thiên chúa là tác giả duy nhất của dòng chảy thế nên đương nhiên Ngài cũng là… tác giả của sự dữ. Lý do bởi vì nếu Thiên Chúa quả thật là Đấng Toàn Năng thì tại sao Ngài không lấy quyền năng của Ngài để ngăn không cho sự dữ xuất hiện ?
Để trả lời cho thắc mắc ấy, Augustin cho rằng chính sự dữ lại làm phát ra vẻ rực rỡ của sự thiện. Nó là phương thế cần thiết để đạt tới sự hài hòa tuyệt mức của thế giới. Theo đó sự dữ chỉ là cái gì tương đối trong sự vật riêng lẻ và không ăn nhằm gì tới trật tự chung vẫn tốt lành. Augustin cũng minh họa cách hóa giải này bằng một kinh nghiệm xem tranh. Khi xem một bức tranh, chúng ta không dừng lại ở những mảng màu rời rạc nhưng nhìn bức tranh cách tổng thể. Những điểm tối và những mảng màu thô có thể làm tăng thêm vẻ đẹp tổng thể của bức tranh” ( Nguồn TTHV Đa Minh – 23/7/2018 đã dẫn ).
Thật sự không thể có sự…hài hòa cho thế giới giống như trong một bức tranh bao gồm trong nó những điểm tối và những mảng màu thô. Tại sao ? Bởi vì cái gọi là thế giới được nhìn như một bức tranh ấy chỉ là một thứ khái niệm rỗng không có thực thể. Để làm nên một thế giới của thực tại thì phải nhìn nhận thực tại ấy ở nơi mỗi một con người.
Chính bởi cần nhìn nhận thực tại ở nơi mỗi con người thế nên Dostoievsky văn hào Nga nói: “ Ngay cả khi cái xưởng mênh mông này sẽ mang lại những điều tuyệt vời nhất và điều đó chỉ phải trả giá bằng giọt lệ duy nhất của một đứa trẻ thì tôi cũng phản đối” ( Anh em nhà Karamazov ).
Có thể gói gọn thần học trong một câu: Đó chỉ là cái nhìn của… khái niệm và khái niệm mang tính chất toàn diện nhất đó là “ Đấng Tạo Hóa” Chính vì xiển dương khái niệm Đấng Tạo Hóa hay còn gọi là…Thượng Đế ấy mà thần học không cách chi hiểu được đâu là nguồn gốc sự dữ. Mặt khác cũng vì khái niệm Đấng Tạo Hóa, thần học đã gây ra hết cơn khủng hoảng này đến khủng hoảng khác cho Giáo Hội vì đã gạt bỏ mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha nội tại: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
Cái…biết của Đức Ki Tô là cái biết của thực tại vô phân biệt. Còn cái …biết của thần học là của tri thức phân biệt. Chính cái biết mang tính phân biệt của thần học ấy mà đã khiến Đấng Thiên Chúa của thực tại cũng là Đấng Hằng Hữu Tự Hữu ( Ego sum qui sum-Xh 3, 15 ) không thể được nhận biết.
Nguyên do khiến thần học không thể nhận biết Đấng Thiên Chúa của Thực Tại Ngài Là đó là vì đã giải nghĩa Kinh Thánh theo nghĩa mặt chữ ( Sens Litteral ). Theo nghĩa này thì quả thật có Đấng Tạo Hóa dựng nên vũ trụ trong sáu ngày và thật có ông A Dong bà Eva, Vườn Địa Đàng, con rắn, cây biết thiện, biết ác v.v…
Với một Đấng Tạo Hóa của khái niệm như thế thì chẳng có lý do gì khiến chúng ta phải hết lòng tìm kiếm hầu trở về với Đấng là Sự Sống bất diệt ở nơi mình: “ ĐCT của Apraham, của Isaac, của Gia Cóp. Ấy Ngài chẳng phải ĐCT của kẻ chết đâu, bèn là của kẻ sống. Bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 -38 ).
Con người chỉ có thể trở về với Đấng là sự sống ở nơi mình chứ còn với thứ Thiên Chúa khái niệm của thần học thì nói đến việc trở về là điều vô nghĩa. Nói đến trở về luôn hàm ý trong đó …sự ra đi. Hễ có ra đi thì mới có sự trở về và để có thể nhận ra cái sự ra đi ấy chúng ta nhất thiết cần giải Sách Sáng Thế theo lối biểu tượng minh triết:
A Đam, Eva là biểu tượng của hai nguyên lý Âm và Dương. Vườn Địa Đàng là Bản Tâm Vô Phân Biệt. Rắn là lý trí phân biệt. Trước tiên rắn ( Sa Tan ) cám dỗ người nữ Eva: “ ĐCT há có phán dạy các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao ? Eva đáp: Chúng ta được phép ăn trái các cây trong vườn, còn về phần trái của cây mọc giữa vườn, ĐCT có phán dạy rằng các ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá động gì đến, e khi các ngươi phải chết chăng ? Rắn bèn nói với người nữ: Hai người chẳng có chết chóc gì đâu. Nhưng ĐCT biết rằng hễ ngày nào hai người ăn trái cây đó thì mắt mình mở ra sẽ như ĐCT, biết điều thiện và điều ác…
….Người nữ thấy trái của cây đó coi bộ ăn ngon lại đẹp mắt và đáng quý để mở trí khôn bèn hái ăn và trao cho chồng đang đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa. Đoạn mắt hai người mở ra biết mình lõa lồ bèn lấy lá cây vả, đóng khố mà che thân” ( St 3, 1 -7 ).
Sau khi nghe theo lời cám dỗ, nguyên tổ…ăn trái cây phân biệt thiện, ác thì mắt liền mở ra thấy mình…lõa lồ. Mắt mở ra đây là con mắt xác thịt. Một khi mắt xác thịt mở ra thì mắt tâm linh ( Trí Vô Phân Biệt ) phải khép lại. Hễ khởi Tâm phân biệt thì Tâm Vô Phân Biệt ( Vườn Địa Đàng ) phải mất: “ Vậy Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn rồi đặt tại phía đông Vườn Địa Đàng các thần Cherubin với gươm lưỡi sáng lòa để giữ con đường đi đến Cây Sự Sống” ( St 3, 24 ).
Hễ khi Tâm phân biệt khởi thì liền mất đi Tâm vô phân biệt. Luôn sống với Tâm phân biệt tức đã đi vào con đường sự dữ và phải lãnh nhận hậu quả khổ đau do nó mang lại: “ Ngài phán với người nữ ( Eva ): Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần cho ngươi trong cơn thai nghén. Ngươi sẽ phải chịu đau đớn mỗi khi sinh con. Sự dục vọng ngươi phải xu hướng về người chồng. Ngài lại phán với người đàn ông ( A Đam ) rằng vì ngươi đã nghe theo cám dỗ của vợ mà ăn trái cây Ta đã cấm. Vậy đất sẽ bị nguyền rủa vì ngươi, trọn đời ngươi phải khó nhọc mới có vật đất sinh ra mà ăn” ( St 3, 16 -17 ).
Như đã nói, câu chuyện sa ngã của Nguyên Tổ nơi Vườn Địa Đàng là biểu tượng minh triết nói lên hậu quả của tội phân biệt thiện, ác. Thế nhưng vấn đề đặt ra ở đây là tại sao phân biệt thiện, ác lại là một thứ tội để rồi mang đến hậu quả là mọi sự dữ như thế ?.
Con người không ai lại không sinh ra trong tội: “ Cho nên như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian. Lại bởi tội mà có sự chết và như vậy sự chết đã lan khắp mọi ngươi vì mọi người đều đã phạm tội” ( Rm 5, 12 ).
Bởi sinh ra trong tội thế nên với bản chất vô minh, con người không thể biết đâu là thiện, đâu là ác. Dù rằng không biết đâu là thiện, đâu là ác nhưng lại cứ chấp cho đây là thiện kia là ác để rồi sinh tâm thuận nghịch. Cho người này là thiện để rồi sanh tâm ưa thích, muốn bênh vực, khen lao giúp đỡ. Trái lại cho người kia là ác để rồi sanh tâm ghét bỏ, ác cảm, thù ghét. Chính cái tâm phân biệt thiện, ác ấy khiến đưa đến sư thiên lệch, bất công, có thể dẫn đến các cuộc chiến tranh đủ loại.
Chẳng phải chủ nghĩa CS đã gieo rắc tư tưởng cho rằng …Vô Sản là thiện còn Tư Bản là ác để rồi đã gây ra cuộc đấu tranh giai cấp khốc liệt đó sao ?
Chẳng phải các tôn giáo đã cho rằng chỉ mình mới có chân lý còn các tôn giáo khác là u mê, lầm lạc thế nên đã gây ra những cuộc chiến tranh phi lý đó sao ?
Chẳng phải các hệ phái Tin Lành, Chính Thống, Anh giáo cho rằng chỉ mình mới đi đúng đường lối Chúa Ki Tô để rời bỏ GH Công Giáo Tông Truyền đó sao ?
Chẳng phải vì để bảo vệ quyền bình đẳng mà người ta đòi phong chức Linh Mục cho phụ nữ đó sao ?
Chẳng phải để chống lại sự phân biệt chủng tộc mà người da đen trong các cuộc biểu tình bạo động đòi quyền sống ( Black Lives Matter ) đã nổi lên cướp phá các tiệm buôn của người da trắng kể cả kéo đổ tượng Chúa, chặt đầu tượng Đức Mẹ bởi cho đây là tượng trưng cho quyền lực của người da trắng hay sao ?
Phân biệt thiện, ác như vậy là tội và tội nào thì cũng kéo theo nó sự dữ cho mình và cho người. Bởi vậy muốn tránh khỏi sự dữ thì phải ngăn chặn tội ngay khi nó vừa phát khởi tức là trong tư tưởng. Thánh Giacobe nói: “ Mỗi người bị cám dỗ là bị tư dục ( Ý riêng ) mình lôi kéo, câu nhử. Đoạn tư dục đã hoài thai thì sanh ra tội lỗi. Tội lỗi một khi đã lớn lên thì sản xuất sự chết” ( Gc 1, 14 -15 ).
Hoài thai có nghĩa là huân tập, chất chứa. Tội đưa đến sự dữ không phải chỉ trong sớm, chiều nhưng là do đã chất chứa ngày này tháng khác: “ Tôi giết vua, con giết cha không phải một buổi sớm một buổi tối. Cái căn do dần dần đã lâu mà thành ra vậy” ( Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ phi nhất triêu nhất tịch chi cố. Kỳ sở do lai giả tiệm hỹ – T.T. Kim – Nho Giáo Q. Thượng ).
Chất chứa tư tưởng ác ( Ác tưởng ) tất không khỏi làm việc ác. Làm việc ác thì không cách chi tránh khỏi sự dữ. Trái lại, có chất chứa những tư tưởng thiện, lành mới làm được việc lành. Làm việc lành sẽ được hưởng phước báu ngay tại đời này và trong đời sau vô cùng.
Làm sao để ngăn chặn được tư tưởng ác và phát huy tư tưởng lành ( Ác tử, lành sanh ) đó là tất cả yếu quyết của Con Đường Tu Tập, bất kể thuộc truyền thống tâm linh nào. Tu chẳng qua là sự chuyển hóa từ tư tưởng xấu ác sang tư tưởng thiện, lành. Đối với phần đông người Công Giáo, dường như không có ý niệm về sự Tu Tập và điều này chắc hẳn đã ảnh hưởng đối với việc Sống Đạo không ít ?
Nếu hiểu sống đạo là sống cái điều mình tin thì dĩ nhiên cần biết cái điều phải tin ấy là gì, nếu không thì đó chẳng phải là…sống ! Thánh Phao Lô ví việc sống đạo ấy như một…cuộc đua: “ Mọi người đấu sức trong cuộc đua thì tiết chế mọi sự. Vả, họ làm như vậy chẳng qua là để lãnh mão miện hay hư nát. Còn chúng ta thì để lãnh mão miện chẳng hay hư nát” ( 1C 9, 25 ).
Mão miện chẳng hay hư nát chính là Nước Thiên Đàng đời đời mà Thiên Chúa là Đấng “ Thành tín trong điều hứa và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm” ( TV 110 ) sẽ thưởng ban cho những ai có lòng yêu mến Ngài. Làm sao để có được lòng yêu mến đối với Thiên Chúa Đấng mà ta không hề hay biết ? Câu trả lời của Thánh Gioan: “ Hễ ai thừa nhận Chúa Giê Su là Con Thiên Chúa thì Thiên Chúa cứ ở trong người ấy và người ấy cứ ở trong Thiên Chúa. Chúng ta biết và đã tin sự thương yêu của Thiên Chúa vẫn có đối với chúng ta. Thiên Chúa là Tình yêu. Ai ở trong Tình Yêu thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa cũng ở trong người ấy” ( 1Ga 4, 15 -16 ).
Có được Thiên Chúa…ở cùng với mình là hạnh phúc lớn lao không thể kể xiết và để có được điều ấy như lời Thánh Gioan nói chỉ cần thừa nhận Chúa Giê Su là Con Thiên Chúa. Vấn đề ở chỗ… làm cách sao thừa nhận Chúa Giê Su là Con Thiên Chúa, đây phải chăng chính là lẽ sống đạo của người Công Giáo, ngoài ra không còn gì khác ?
Điều Chúa đòi hỏi thì Ngài cũng ban những ơn cần thiết tùy theo hoàn cảnh cũng như bậc sống của mỗi người. Ơn ban ấy ngoài Bí Tích Thánh Thể còn có Kinh Mân Côi. Với Bí Tích Thánh Thể thì có khi không có điều kiện tham dự ( Dịch Covid hoặc ốm đau, liệt lào, xa nhà thờ v.v)… Nhưng còn việc thực hành Kinh Mân Côi thì bất cứ ai và trong điều kiện nào cũng có thể.
Đức Thánh Cha Leo XIII nói Kinh Mân Côi là phương thế cầu nguyện tối hảo từ trời ban xuống, không phương thế chi sánh bằng. Sở dĩ Kinh Mân Côi được nhìn nhận là phương thế cầu nguyện tối hảo là bởi cấu trúc đặc biệt của nó chia ra Ba Mùa, mỗi Mùa có năm Thứ, mỗi thứ có mười Kinh Kính Mừng. Mỗi Kinh Kính Mừng đều chứa đựng hai Thánh Danh Giê Su và Maria. Chuyên cần thực hành Kinh Nguyện này có nghĩa ta đã huân tập hai Thánh Danh ấy vào trong tâm tưởng mình. Như đã biết huân tập cũng có nghĩa là Nhớ. Luôn nhớ tới Chúa như vậy cũng là cách để ta thừa nhận Chúa Giê Su là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ mình.
Có Chúa, Đấng Cứu Độ luôn ở với mình thì còn lo chi sự dữ bởi “ Chúa là nơi con nương ẩn. Là khiên mộc che đỡ con” ( Tv 18, 3 )./.
Phùng Văn Hóa