Vậy phải làm thế nào đây?
Đừng quên lời Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Chúa đang hiện diện với chúng ta trong nhà Tạm dưới hình bánh. Sự hiện diện tròn đầy và từng giây phút luôn đợi chờ để thương, để xót và để trao ban cho những ai đến với Người. Cánh cửa kia cho dù có khép lại thì lòng Chúa vẫn cử mở toang để mời gọi mỗi người hãy “để Trái tim lại trong nhà Tạm”.
Việc chúng ta để Trái Tim lại trong nhà Tạm nói lên hai điều. Thứ nhất, việc này chẳng thêm vào uy quyền và tình yêu vốn luôn tròn đầy của Chúa. Thứ nhì, hành động này cũng không làm mất đi trái tim của mình đến nỗi chúng ta không thể sống nổi. Hãy nghe lại lời Chúa hứa từ xa xưa với ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt”(Ed 26,36). Vì vậy, một trái tim để lại trong nhà Tạm là một trái tim được Thiên Chúa biến đổi trở nên sống động, xúc động và sẵn sàng hành động.
• Sống động: chúng ta không thể gọi là đang sống nếu có một trái tim im lìm, tức là không động đậy nhịp đập. Một trái tim chết là một trái tim không động. Thiên Chúa không trao cho chúng ta một trái tim như thế. Chúa trao cho chúng ta một trái tim biết đập. Ai can đảm để cho Thiên Chúa quyết định thì Người sẽ làm cho trái tim ấy có cùng nhịp đập với trái tim của Người. Đó là một trái tim sống động trong ta như lời Thánh Paul đã khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl2,20). Khi trái tim ta cùng nhịp đập với trái tim Chúa thì ta biết ta sống động cách mạnh mẽ nhưng lại có những cảm xúc rất dịu dàng.
• Xúc động: một người có trái tim chỉ đập mà không có cảm xúc thì người ấy vẫn được coi là sống nhưng thực sự lại không biết động. Vậy xúc động là thế nào? Chẳng ai có định nghĩa cụ thể nhưng theo tôi xúc động là khi ta đứng trước một hiện tượng, đụng chạm vào một thực tại hay một mầu nhiệm ta thấy sống mũi cay cay, tim có thể thắt lại, đôi mắt cay cay. Đây là cảm xúc chủ quan nên triệu chứng nhiều hay ít tùy từng người. Người có trái tim biết xúc động không phải lúc nào cũng hạnh phúc. Tuy không phải lúc nào cũng hạnh phúc mỗi khi xúc động nhưng xúc động có một giá trị rất lớn giúp ta biết cảm thương và nhất là giúp ta biết mình có một trái tim bằng thịt chứ không phải bằng đá. Điều quan trọng hơn cả là dù trái tim có những xúc động thì dịu dàng nhưng đằng sau đó là một tình yêu mãnh liệt thúc đẩy chúng ta hành động yêu thương quả quyết và bền bỉ.
• Hành động: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Đàng khác, có người sẽ bảo: “Bạn, bạn có đức tin: còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,17-18). Trong tình yêu có thể đổi lại “Bạn, bạn có tình yêu: còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là yêu mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là yêu”. Tình yêu không thể chứng minh bằng một khái niệm trừu tượng, bằng mộtý nghĩ hay lời nói, nhưng chỉ có thể minh chứng bằngmột hành động. Chính Thiên Chúa đã chứng minh cho con người thấy tình thương yêu cách cụ thể qua việc ban chính Đức Giêsu Kitô để chết cho chúng ta được sống. Chúng ta làm sao có thể chỉ nói yêu thương mà lại không có hành động nào để chứng tỏ? Khi đã để trái tim mình trong Nhà Tạm lẽ nào ta lại không hành động để yêu thương?
Nếu trong suốt năm qua ta đã nghe, đã thấy, đã sống và đã kín múc nguồn ân sủng của Lòng Thương Xót thì bây giờ (nunc) là chặng đường (via) chứng minh cho nhân loại thấy Hồng Ân lớn lao Thiên Chúa trải dài trong lòng nhân loại.
Gp. Bùi Chu