(Tản mạn về năm Tân Phúc Âm hóa gia đình)
Thế là năm Tân Phúc Âm hóa gia đình sắp khép lại. Đã có những buổi lễ khai mạc long trọng khí thế ngợp trời nghi thức và phỏng đoán rằng cũng sẽ có một vài nghi lễ bế mạc rất có thể không kém sự hoành tráng vì kết hợp luôn cả khai mạc năm Tân Phúc hóa các cộng đoàn giáo xứ… Dòng thời gian lặng lẽ trôi, chợt đến rồi vội đi, còn lại những gì cho các mái ấm gia đình, cách riêng các gia đình Công giáo? Đó đây đã có các buổi thường huấn cho hàng linh mục về công việc mục vụ cho đời sống hôn nhân gia đình, một vài cuộc tỉnh huấn hay đại hội cho từng vùng miền rất long trọng nếu nhìn về số lượng thành viên tham dự cũng như hình thức tổ chức lễ hội bên ngoài.Chắc chắn cũng đã có những buổi tỉnh tâm cho các gia đình tại các xứ họ cùng với nghi thức lặp lại lời cam kết hôn nhân cách này cách khác, dĩ nhiên không thiếu những hình thức tặng văn bằng hay chụp hình kỷ niệm. Ngoài ra cũng có thể có một vài hình thức khác tùy sáng kiến của các mục tử cấp giáo phận hay giáo xứ, chẳng hạn như nỗ lực của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm với quyển sách “Gia đình sống Lời Chúa hằng ngày”. Dù rằng không nên chạy theo chủ nghĩa hiệu năng nhưng cũng cần đặt câu hỏi là qua những nỗ lực ấy thì đời sống gia đình gặt hái thêm được những sự gì? Chuyện được cho gia đình thì thật khó kể tỏ tường nhưng bức tranh về đời sống hôn nhân – gia đình hiện nay được Thượng Hội Đồng Giám Mục họp trình bày trong hai tuần đầu tháng 10-2014 vừa qua với nhiều nét không mấy sáng sủa, đặc biệt tình trạng ly dị, ly dị tái hôn và hôn nhân đồng tính đã là đề tài tranh luận sôi nổi giữa các ngài mà chưa đạt được sự đồng thuận cao (tỷ lệ quy định là hai phần ba) khi biểu quyết một vài vấn đề liên hệ đến mục vụ.
Là đoàn con cái, chúng ta tin vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trên các vị mục tử hàng đầu của Giáo Hội. Trong Thánh Lễ bế mạc phiên họp đầu của Thượng Hội Đồng này Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vừa khích lệ các nghị phụ vừa nhắc bảo các ngài cẩn trọng với các chước cám dỗ như sau:
* Thứ nhất, cám dỗ bất mềm dẻo một cách thù nghịch, nghĩa là, muốn tự khóa chặt mình bên trong chữ viết và không để mình được Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên, Đấng Thiên Chúa của ngạc nhiên, (Thần Khí); khoá chặt mình trong lề luật, trong sự chắc mẩm điều mình biết chứ không phải điều mình vẫn còn cần phải học và đạt cho được. Từ thời Chúa Kitô, vốn đã có cơn cám dỗ của kẻ ghen tương, người quá thận trọng, quá lo lắng và người ngày nay gọi là “duy truyền thống” và của những nhà trí thức nữa.
* Cơn cám dỗ của khuynh hướng muốn phá hủy sự thiện [tiếng Ý: buonismo], tức là nhân danh lòng từ tâm lừa đảo băng bó các vết thương mà trước đó không chữa chạy gì cả; là chỉ trị các triệu chứng mà không chịu trị nguyên nhân và gốc rễ. Đây là cơn cám dỗ của “người lo làm điều tốt” (do-gooders), của người sợ sệt, và của cả những người gọi là “cấp tiến và duy tự do”.
* Cơn cám dỗ muốn biến đá thành cơm để đã cơn chay tịnh lâu dài, nặng nề và đau đớn (xem Lc 4:1-4); cũng như biến cơm thành đá và dùng nó liệng vào người tội lỗi, người yếu đuối và người bệnh hoạn (x.Ga 8,7), nghĩa là, biến nó thành những gánh nặng không thể nào chịu đựng nổi (x.Lc 11,46).
* Cơn cám dỗ bước xuống khỏi thập giá, để làm vui lòng người, chứ không chịu ở trên đó, ngõ hầu chu toàn thánh ý Chúa Cha; là rạp mình trước tinh thần thế gian thay vì phải thanh tẩy nó và bắt nó rạp mình trước Thần Trí Thiên Chúa.
* Cơn cám dỗ lãng quên “kho tàng đức tin”, không nghĩ mình là người canh giữ mà là chủ nhân ông hay ông chúa của nó; hoặc, mặt khác, cơn cám dỗ lãng quên thực tại, sử dụng những ngôn ngữ cầu kỳ, những ngôn ngữ êm tai để nói thật nhiều mà cũng là chẳng nói được chi. Người ta gọi họ là “chủ nghĩa Bigiăngtin” (byzantinism), tôi nghĩ thế, đại loại như vậy…
Và Đức Thánh Cha đã kết thúc bài diễn văn bế mạc: “Anh chị em thân mến, giờ đây ta còn một năm nữa để, với việc biện phân thiêng liêng chân thực, ta làm cho các ý niệm đã đề xuất được chín mùi; để tìm ra các giải pháp cụ thể cho rất nhiều khó khăn và muôn vàn thách thức các gia đình hiện đang phải đối phó; để đem lại các giải đáp cho nhiều nỗi thất vọng đang bủa vây và làm ngột ngạt các gia đình”
Một năm nữa để làm việc dựa trên Bản Tường Trình của THĐ, vốn là bản tóm lược trung thành và rõ ràng mọi điều đã được nói ra và thảo luận trong phòng họp này và trong các nhóm nhỏ. Nó được trình cho các hội đồng giám mục làm “những nét hướng dẫn chính” (lineamenta)”. (nguồn Vietcatholic.News).
Như thế chúng ta có thể nói rằng chuyện về hôn nhân và gia đình hẳn còn là đề tài nóng bỏng cho cả năm sau và đâu chỉ năm sau mà có lẽ nó là vấn đề của muôn thuở. Tuy nhiên phải chăng các chủ đề được xem như là thời sự thì thường là những vấn nạn và nhiều biện pháp đề xuất hầu như là phương thuốc chữa trị hậu quả một vài hiện tượng không bình thường của đời sống hôn nhân và gia đình mà nói theo ngôn ngữ ngành y là giải quyết phần ngọn của căn bệnh như Đức Phanxicô đã đề cập ở chước cám dỗ thứ hai vừa nêu trên.
Để củng cố và làm thăng tiến đời sống hôn nhân-gia đình mà chỉ loay hoay tìm cách chữa những tật bệnh thì có lẽ sẽ còn gặp nhiều khó khăn và biết đâu lại xuất hiện nhiều vấn nạn khác. Thiết nghĩ rằng cần đào sâu cách thấu đáo về cơ chế hôn nhân và gia đình theo thánh ý Thiên Chúa, đặc biệt dưới ánh sáng của Lời mạc khải thì hy vọng sẽ dễ dàng hơn khi tiếp cận vấn đề.
Sống năm Tân Phúc Âm hóa đời sống hôn nhân gia đình hẳn nhiên có nhiều đề tài được học hỏi, thảo luận tại các giáo xứ, giáo phận và sự thường một mái gia đình mẫu mực luôn được quy chiếu đó là thánh gia Nagiarét, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh cả Giuse. Không ai phủ nhận vai trò của thánh gia, nhưng theo tôi khuôn mẫu thánh gia hình như chưa phải là điểm tới của lời mạc khải về hôn nhân và gia đình. Xin mạo muội trình bày định chế hôn nhân với chiều kích của một giao ước tình yêu hiệp thông dâng hiến đồng thời khắc họa đôi nét về một mái gia đình khuôn mẫu tạm gọi là “gia đình Phúc Âm”.
I.Hôn Nhân: Một giao ước tình yêu hiệp thông dâng hiến.
Trước hết chúng ta cần xác định rõ định chế hôn nhân là một giao ước chứ không phải là một khế ước theo nghĩa hợp đồng dân sự. Hầu hết các xã hội dân sự đều xem hôn nhân như một hợp đồng không hơn không kém. Dẫu rằng giá trị của một hợp đồng vẫn có đó ý nghĩa của sự đồng thuận hai bên dựa trên sự tự do tự nguyện và năng cách của hai phía, nghĩa là có khả năng thực hiện nội dung những điều được cả hai cam kết. Tuy nhiên một trong những nội dung của hợp đồng dân sự thường luôn có đó là việc hủy bỏ nếu cả hai cùng đồng thuận hoặc một bên tự hủy bỏ cách có điều kiện chẳng hạn như khắc phục hậu quả hay đền bù thiệt hại cho bên kia. Các hợp đồng có thời hạn ngắn dài tùy nội dung yêu cầu được thỏa thuận và với xu thế thời đại thì người ta giới hạn thời gian vì nếu cần thì lại tiếp tục ký kết hay gia hạn thêm. Sự thường các hợp đồng dân sự đều nhằm đến lợi ích của cả hai phía, nói theo kiểu thời nay là đôi bên cùng có lợi. Thế nhưng khi tôi ký kêt hợp đồng mặc dù đối tác sẽ có phần lợi ích nào đó nhưng mục đích chính của tôi là đạt lợi ích của mình.
Nếu nhận định chế hôn nhân theo nhãn quan này thì việc kết hôn, lập gia đình chỉ đơn thuần là một sự thỏa thuận sống chung mặc dù không loại trừ nội hàm là để“đôi bên cùng có lợi”, nhưng xem ra nghiêng về ích lợi riêng của bản thân mình.
Như thế tình yêu và sự dâng hiến dù rằng vẫn có nhưng thuộc hàng thứ yếu. Mặc dù không có ai cầm tay người phối ngẫu nói lời cam kết nhận nhau làm vợ làm chồng trong vòng một thời hạn nào đó như ba năm hay mười năm, thế nhưng họ vẫn ngầm hiểu và chấp nhận cái điều có thể xảy ra trong tương lai đó là “vui thì ở, buồn thì đi”, “còn yêu thì gắn bó, hết yêu thì chia tay”. Thế là chuyện ly dị, chia đàn sẻ nghé dù chẳng ai mong nhưng lại có thể tới và hầu như xảy ra nhan nhãn, nhất là khi được nền văn hóa hưởng thụ ích kỷ và sự tự do phóng túng nâng đỡ và ủng hộ. “Trong thế giới ngày nay, khi mà những quan niệm sai lầm về con người, về tự do và tình yêu đang lan tràn, chúng ta không bao giờ được ngưng nghỉ trong việc quảng bá chân lý về định chế gia đình như Thiên Chúa mong muốn ngay từ khi tạo dựng. Thật là không may, con số các cặp vợ chồng ly dị vẫn đang gia tăng” (Đức Bênêđictô XVI –Diễn văn trước Ủy Ban Giáo Hoàng về gia đinh năm 2006)
Bên cạnh sự tôn trọng niềm tin và luật lệ các tôn giáo thì chúng ta có thể nói rằng nhiều chính quyền xã hội dân sự đã quá dài tay khi can thiệp quá sâu vào định chế hôn nhân gia đình vì mục đích chính trị hoặc kinh tế… Có thể nói rằng các chính trị gia luôn lấy số đông làm tiêu chí quan trọng để hoạt động, vì đó là một nền tảng quan trọng bảo đảm cho vị thế chính trị của họ. Khi đã làm chính trị thì không ai lại muốn bị phật lòng bởi một số đám đông nào đó, vì chắc chắn sẽ mất sự ủng hộ, mất phiếu bầu cử. Chính vì thế mà hầu như rất nhiều chính quyền xã hội dân sự đều rất thoáng trong việc ly dị vơi nhiều lập luận xem ra khá hữu lý và có khi là hợp tình, dù rằng vẫn nhìn nhận những hậu quả tai hại và tệ hại do nạn ly dị gây ra. Bên cạnh đó thì còn có dữ kiện thực tế đó là ngay cả đời sống hôn nhân gia đình của nhiều vị quyền cao chức trọng cũng chưa thực sự ấm êm và thuận buồm xuôi gió. Đã từng có đó nhiều xì căng đan trong đời sống hôn nhân gia đình của ngài tổng thống nước cờ hoa, Bill Clinton, hay ngài tổng thống nước Pháp Jacques Chirac, hoặc như gần đây là tổng thống nước Nga, ngài Vladimir Putin. Rồi cả đến nhiều vị tự xưng là cha già dân tộc của nước này nước kia đã từng tự tung hô và tô vẽ mình gần như là thánh sống thế nhưng thực tế minh chứng hầu như là ngược lại.
Trước thực trạng ấy, Kitô hữu chúng ta chắc chắn phải can đảm lội ngược dòng để sống đời hôn nhân gia đình đúng thánh ý Thiên Chúa. Chân lý không đương nhiên thuộc về số đông, nhất là khi lương tri đã bị tội lỗi và sự dữ chi phối. Theo cái nhìn kinh tế, sản phẩm xét như là hàng hóa thì có thể nói khách hàng là thượng đế, nhưng theo niềm tin Kitô giáo dưới ánh sáng lời mạc khải thì chỉ có Đấng dựng nên mọi vật mọi loài mới đích thực là Thượng Đế, tức là người có thẩm quyền phân định điều tốt xấu, đúng sai. “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết thì loài người không được phân ly”(Mc 10,9). Tính bền vững và bất khả tiêu của giây hôn nhân xuất phát từ thánh ý của Đấng Tạo Thành. Hơn nữa chính Ngài đã chọn mối giây liên kết ấy làm dấu chỉ cho giao ước tình yêu của Ngài với nhân loại. Sau này thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại đã khẳng định thêm về hôn nhân giữa nhưng Kitô hữu chính là một dấu chỉ minh chứng cho giao ước mới là tình yêu của Chúa Kitô dành cho Hội Thánh, một tình yêu hoàn toàn nhưng không (x.Eph 5,21-33).
Điểm tới của giao ước chính là vì hạnh phúc của người mình cam kết gắn bó. Khi tự nguyện dưới hình lò lửa đi qua giữa phần thịt các con vật bị xẻ làm đôi thì Thiên Chúa đã cam kết nhận Abraham làm tổ phụ một dân tộc đông như sao trên trời như cát dưới biển và sẽ ban cho ông và con cháu một lãnh thổ làm cơ nghiệp. Ngài chúc lành cho ông và làm cho ông trở thành nguyên cớ của mọi ân phúc. Và phía Thiên Chúa thì dường như không được hưởng quyền lợi gì (x.St 15,1-19).
Cũng tương tự như thế, qua giao ước Sinai thì nội dung chủ yếu là vì quyền lợi của dân được tuyển chọn. Đến thời Tân Ước, nội hàm của lời giao ước vĩnh cửu thật rõ ràng: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em. Này là máu Thầy sẽ đổ ra cho anh em và muôn người được tha tội”(x.Mt 26,26-28; Mc 14,22-25; Lc22,19-20, Cr 11,23-25).
Nếu nhìn nhận hôn nhân là giao ước tình yêu thì chắc chắn không thể có chuyện chia đàn xẻ nghé. Lời cam kết hôn nhân trong bí tích hôn phối cũng thể hiện rõ chân lý này. Nhận nhau làm vợ, làm chồng và hứa giữ long thủy chung với nhau trong mọi cảnh huống để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời. Như thế chúng ta có thể nói rằng lấy chồng là vì chồng, lấy vợ là vì vợ hơn là vì mình, nghĩa là để cho người mình chọn làm bạn trăm năm được phát triển, nên hoàn thiện và hạnh phúc. Khi đã là vì nhau thì sẽ không có lý do gì để mà ly dị. lìa bỏ người mà mình tự nguyện kết bạn trăm năm.
Theo tôi, một trong những vất vả của công việc mục vụ của các linh mục quản xứ đó là giải quyết các chuyện “rắc rối hôn nhân-gia đình”. Các vị mục tử thường nghe phân trần là “anh ta ra như thế này, như thế kia hay cô ta thay đổi như thế này như thế nọ…” Sau khi lắng nghe và phân giải sự việc, tôi thường động viên phía xem như là chịu thiệt, phía bị lỗi phạm hay bị xúc phạm rằng: anh ta (hay cô ta) như thế thì mới cần đến con, dĩ nhiên không quên nhắc bảo là hãy liên lỉ cầu nguyện và nếu đã có con cái thì hãy nhìn vào con cái mà kiên trì nhẫn nại. Dù rằng không phải lúc nào cũng thành công nhưng đã có nhiều kết quả đáng phải dâng lời cảm tạ.
II.Mái gia đình Phúc Âm: Tin mừng tường thuật rằng có lần nghe người ta nhắn là mẹ và anh em tìm cách gặp mình thì Chúa Giêsu đã hỏi: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”(x.Mt 12,48-50, Mc 3,31-35; Lc 8,19-21). Lần khác, “khi Chúa Giêsu đang giảng dạy thì có một phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang Thầy và cho Thầy bú mớm!” Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28). Như thế chúng ta có thể khẳng định rằng có một kiểu gia đình mà ở đó các thành viên khắng khít với nhau hơn cả mối giây liên hệ huyết nhục đó là những người cùng biết lắng nghe và thực hành thánh ý Thiên Chúa mà cụ thể lúc bấy giờ đó là cộng đoàn Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Cộng đoàn này mới đích thực là gia đình vì đó là mái gia đình Phúc Âm. Chúng ta cùng xem xét một vài nét đặc trưng của gia đình Phúc Âm này.
1.Một cộng đoàn sống thật lòng với nhau trong sự sẻ chia trung thực. “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Quả thật không có môi trường nào thuận lợi để người ta sống thực với nhau cho bằng đời sống hôn nhân. Đã là vợ chồng nghĩa thiết như một huyết nhục thì dần dà chẳng còn điều gì là bí nhiệm với nhau. Ngay cả trong cộng đoàn các mục tử của giáo phận, cộng đoàn các dòng tu thì chắc gì bề trên đã tỏ bày mọi sự cho bề dưới và bề dưới đã thành thực tất tần tật với bề trên. Chính nơi đời sống hôn nhân người ta mới cảm nhận điều được gọi là tri âm tri kỷ. Sống kiếp nhân gian này khi có được một người hiểu ta, hiểu lòng ta, hiểu tiếng ta thì quả là một diễm phúc như cảm nhận của một thi nhân: “Rượu ngon không có bạn hiền. Không mua không phải không tiền không mua”.
2.Một cộng đoàn sống hết lòng với nhau trong sự phục vụ hiến dâng. Việc Chúa Giêsu cúi xuống sống thân phận tôi đòi để rửa chân cho các môn đệ là một minh chứng (x.Ga 13). Trong tình yêu hôn nhân thì hình như vị trí, vai vế không còn là vấn đề. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Người ta có thể tính toán so đo thiệt hơn với ai khác nhưng người ta sẽ có thể sống hết lòng vì chính một nửa của mình trong đời hôn nhân. Hiện thực này chúng ta có thể thi thoảng nhận ra qua nghĩa tình đôi lứa những ngày tháng đầu đời hôn nhân và nhất là qua cái tình của quý bậc cao niên. Hình ảnh cụ ông cụ bà bên nhau dù có khi không một tiếng lời cất lên nhưng lại đong đầy bao ý tình sâu thẳm. Đức Bênêđictô XVI trong Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu đã đề cập đến nét ưu việt này của tình đôi lứa so với các loại tình yêu khác như tình phụ tử, mẫu tử, bằng hữu, huynh đệ…( TĐ. số 2).
3.Một cộng đoàn tín nhiệm, sẵn sàng tin tưởng trao phó trách nhiệm trọng đại. “Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Có trách nhiệm nào cao trọng cho bằng công trình cứu độ, đặc biệt trong giai đoạn có thể xem như vạn sự khởi đầu nan, thế mà Chúa Giêsu đã tin tưởng trao phó cho nhóm môn sinh tuổi đời khoảng chừng mới trên dưới hai mươi. Nền tảng của hiện thực này chính là sự tín nhiệm. Và chúng ta có thể khằng đinh rằng đây là một yếu tố tất yếu phải có để dệt xây đời sống hôn nhân-gia đình.
4.Một cộng đoàn sẵn sàng liên đới trách nhiệm với nhau cho đến cùng. Khi trao phó trách nhiệm cho các môn sinh thì Chúa Giêsu hứa không bao giờ để các ngài lẻ loi đơn côi trên dòng đời. Người vẫn hằng ở với các vị mọi ngày cho đến tận thế, đăc biệt bằng Thánh Thần sẽ ban tặng. Một mặt Người tìm mọi cách để những người được trao phó trách nhiệm có thể gặt hái những thành quả lớn lao nhiều khi hơn cả Người đã làm khi còn tại thế (x.Ga 14,12) và nếu có điều gì sơ xuất, thất bại hay đổ vỡ thì Người vẫn mãi sẵn sàng liên đới và chịu trách nhiệm, sẵn sàng chịu nộp vì các vị cho đến cùng. Đã là phu phụ tình thâm thì không chỉ có cảnh “của chồng, công vợ” mà còn cần có cảnh “lỗi vợ chồng gánh” và hẳn nhiên là phải có vế ngược lại “tiền vợ, sức chồng”, “tội chồng, vợ chịu”.
TẠM KẾT
Một vài nét đặc trưng của mái gia đình Phúc Âm vừa nêu chắc hẳn vẫn chưa đủ đầy, chẳng hạn còn thiếu đề cập đến nghĩa tình mẹ cha-con cái, huynh đệ…nhưng hy vọng sẽ giúp chúng ta có thêm cái nhìn về cơ chế hôn nhân-gia đình. Năm Tân Phúc Âm hóa gia đình sắp qua và theo chương trình thì năm tới là năm Tân Phúc Âm hóa cộng đoàn giáo xứ. Thiết nghĩ rằng dù là cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn các dòng tu hay cộng đoàn giáo phận thì có lẽ khuôn mẫu cần quy chiếu đó là gia đình. Mối liên hệ giữa giám mục giáo phận với cộng đoàn thường được sánh như mối liên hệ phu thê. Cũng tương tự như thế các linh mục quản xứ được sánh như là phu quân của cộng đoàn được giám mục giao phó cho mình. Và nghĩa tình giữa các thanh viên trong cộng đoàn dòng tu chắc hẳn sẽ thiết thân nếu biết sống với nhau như là anh em, chị em một nhà và cái tính gia đình này được biểu lộ cách rõ nét bằng hiến pháp, luật lệ của nhiều cộng đoàn dòng ẩn tu, chiêm niệm như hội dòng Bênêđictô, Xitô.
Mong sao tinh thần gia đình được lan tỏa khắp các cộng đoàn tín hữu. Khi chúng ta biết sống thật lòng, biết sống hết lòng với nhau, biêt tín nhiệm, tin tưởng trao phó trách nhiệm cho nhau trong tinh thần sẵn sàng liên đới với nhau cho đến cùng. Được như thế thì thiết nghĩ rằng năm Tân Phúc Âm hóa gia đình không bao giờ khép lại, dẫu cho có thể có một vài nghi thức bế mạc đó đây.
Ban Mê Thuột ngày 06-11-2014
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa