ĐIỀU GÌ ĐÃ XẢY RA VỚI SIMON THÀNH KYRÊNÊ SAU KHI CHÚA GIÊSU BỊ ĐÓNG ĐINH?

Người ta biết rất ít về những gì đã xảy ra với Simon thành Kyrênê sau khi ông giúp Chúa Giêsu vác cây thập giá đến nơi bị đóng đinh.

Chỉ có một cá nhân duy nhất trong lịch sử thế giới đã thực sự giúp Chúa Giêsu vác thập giá của mình. Ông được nhắc đến với cái tên Simon xứ Kyrênê và rất ít người biết về ông, hoặc những gì đã xảy ra cho ông sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh.

Các sách Tin Mừng chỉ đề cập đến một số chi tiết về người đàn ông bí ẩn này.

“Đang đi ra, thì chúng gặp một người Kyrênê, tên là Simon; chúng bắt ông vác thập giá của Ngài” (Mátthêu 27:32)

“Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Simon, gốc Kyrênê. Ông là thân phụ hai ông Alêxanđê và Ruphô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Chúa Giêsu” (Máccô 15:21)

Về cơ bản, chúng ta biết rằng Simon gốc ở Kyrênê, một khu vực ở Bắc Phi đã trở thành thuộc địa của La Mã và có một lượng lớn người Do Thái.

Bản thân văn bản dường như nói rằng Simon bị buộc phải vác thập giá của Chúa Giêsu, có nghĩa là ông không có ý muốn bị liên kết với “tội phạm” này.

Anne Catherine Emmerich, một nhà thần bí từ thế kỷ 19, tuyên bố trong cuốn “Khổ nạn đau thương” của mình rằng Simon là một người ngoại giáo.

  • Đúng lúc đó, Simon xứ Kyrênê, một người ngoại giáo, tình cờ đi ngang qua, dẫn theo ba đứa con của ông. Ông ta là một người làm vườn, vừa trở về nhà sau khi làm việc trong một khu vườn gần bức tường phía đông của thành phố, và mang theo một bó củi khô. Những người lính nhìn qua cách ăn mặc của ông ta cho rằng ông ta là một người ngoại giáo, bắt ông ta và ra lệnh cho ông ta hỗ trợ Chúa Giêsu vác thập giá của Ngài. Lúc đầu, ông từ chối, nhưng nhanh chóng bắt buộc phải tuân theo, mặc dù các con của ông, sợ hãi, khóc lóc và gây ồn ào, một số phụ nữ xoa dịu chúng và lãnh trách nhiệm trông nom chúng. Simon đã rất khó chịu, và tỏ ra hết sức bực dọc khi bị bắt buộc phải đi cùng một người đàn ông trong tình trạng bẩn thỉu và khốn khổ thảm hại như vậy;

Hơn nữa, Emmerich cũng tuyên bố rằng trải nghiệm này đã thay đổi các con trai của Simon, sau này trở thành Kitô hữu.

  • Các con của ông mặc áo chẽn lưng may bằng nhiều mảnh vải đủ mầu sắc. hai anh lớn, tên là Ruphô và Alêxanđê, sau đó gia nhập vào đoàn các môn đệ; người thứ ba trẻ hơn nhiều, nhưng một vài năm sau đã đến sống với Thánh Stêphanô. Simon đã không vác thập giá theo Chúa Giêsu một khoảng thời gian lâu dài nào trước khi ông cảm thấy lòng mình được ân sủng đánh động sâu sắc.

Một số nhà sử học Kinh thánh tin rằng Ruphô và Alêxanđê có thể nổi tiếng trong cộng đoàn Kitô giáo sơ khai, đó là lý do tại sao tên của họ được nhắc đến trong sách Tin mừng.

Ví dụ, Thánh Phaolô đề cập đến một “Ruphô” trong lá thư của ông gửi cho tín hữu Rôma, “Xin gửi lời thăm anh Ruphô, người được Chúa chọn, và thăm mẹ của anh, cũng là mẹ của tôi.” (Rôma 16:13).

Điều gì đã xảy ra với Simon?

Không biết điều gì đã xảy ra với Simon, người đã vác ​​thập giá của Chúa Giêsu theo đúng nghĩa đen. Ông không được tôn kính rộng rãi như một vị thánh, mặc dù thật khó tin rằng việc ở gần Chúa Giêsu đến thế lại không thay đổi được gì nơi ông. Một số truyền thống tôn vinh ông là Thánh Simon xứ Kyrênê, với một ngày lễ vào ngày 1 tháng Mười Hai.

Dù số phận của ông thế nào đi nữa, chúng ta có thể cố gắng chấp nhận cách sẵn lòng thập giá của mình từ Thiên Chúa và để cho sự đau khổ của Chúa Giêsu biến đổi cuộc đời của chúng ta.

 

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ

(theo Philip Kosloski, https://aleteia.org)

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts