Đọc kinh hay Cầu nguyện

“Cả nhà ra đây đọc kinh”. Mỗi lần nghe câu nói ấy của thầy tôi là tôi cảm thấy chán ngán và buồn ngủ. Sáng đi lễ, chiều đi chầu, tối về còn phải đọc kinh. Đối với một đứa trẻ như tôi thì đọc gì mà đọc lắm thế. Chúa có điếc đâu mà cứ phải lải nhải suốt ngày như vậy. Nhưng nghĩ gì thì nghĩ, đọc kinh vẫn phải đọc kinh. Vậy đọc kinh là gì? Đó có phải là một hình thức cầu nguyện không?

Phần đông chúng ta thường không mấy phân biệt giữa hai hình thức cầu nguyện: Cầu nguyện bằng tiếng, bằng lời hay đọc kinh và cầu nguyện bằng suy niệm hay suy ngắm, nguyện ngắm. Theo thông thường, chúng ta hay nghiêng về hình thức cầu nguyện bằng lời. Ngay từ còn bé, tôi đã được dạy dỗ rằng phải đọc kinh tối sáng, và càng đọc kinh nhiều thì Chúa càng ban nhiều ơn cho: ơn chóng lớn, ơn ngoan ngoãn, ơn học giỏi, và nhất là khi chết rồi sẽ được lên thiên đàng. Tóm lại, đối với thầy mẹ tôi, cầu nguyện hay đọc kinh có nghĩa như nhau, và đọc kinh chính là cầu nguyện.  

Để hiểu tại sao mà người Công Giáo, những người Công Giáo Việt Nam, và nhất là những thành phần lớn tuổi lại quan niệm đọc kinh chính là cầu nguyện, chúng ta phải trở lại với lịch sử truyền giảng Tin Mừng và từ ngày đầu khi hạt giống Phúc Âm được gieo trồng trên mảnh đất quê hương Việt Nam. Theo tài liệu sử, nhiều nhà sử học Công giáo Việt Nam đã chọn năm 1533 là năm khởi đầu cho đạo Công Giáo tại Việt Nam.

Phần lớn các giáo sỹ truyền giáo đến từ Âu Châu nên việc truyền giáo gặp phải những khó khăn ngôn ngữ ngay từ đầu.  Rút ra từ kinh nghiệm truyền giáo ở Trung Quốc và Nhật Bản, các thừa sai rất quan tâm đến việc học ngôn ngữ, phong tục Việt Nam và giảng đạo bằng tiếng Việt, nhất là chuyện dạy giáo lý cho dân chúng và cũng giúp nâng cao đời sống xã hội của người dân. Nhưng việc truyền giáo đã không diễn ra xuông sẻ. Ngay từ đầu ngoài những khó khăn về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, và tôn giáo, vừa lúc hạt giống Tin Mừng mới đâm chồi, nẩy mầm thì đã bị những phong ba ùa tới. Ba đợt cấm đạo đã khiến cho hàng trăm ngàn tín hữu bị giết, làng mạc bị phá hoại, và cuộc sống của những tín hữu sơ khởi thật bi đát dưới thời vua Minh Mạng (1820-1840), vua Thiệu Trị (1840-1847), vua Tự Ðức (1847-1883). Tóm lại, các cuộc cấm đạo bắt đầu thực hiện với các chính sách cấm đạo khắc nghiệt. Phong trào Văn Thân của các nho sĩ thủ cựu với khẩu hiệu “bình Tây sát Tả” nổi lên tàn sát người Công giáo, đặc biệt vào những năm 1867-1868, 1873-1874 và 1883-1885.

Giữa những khó khăn của văn hóa, xã hội, và chính trị như trên, việc đòi hỏi giáo dân Việt Nam phải có một nền thần học, tu đức uyên thâm, trưởng thành để phân biệt thế nào là đọc kinh, cầu nguyện hay cầu xin là không thực tế. Và do đó, để nâng cao tâm hồn các tín hữu ban sơ ấy, để giúp họ can đảm vượt mọi khó khăn trong việc sống đạo, phương cách duy nhất và tốt nhất là đọc kinh. Miệng đọc tâm suy, hoặc đơn giản nhất là cứ đọc; đọc nhiều sẽ nhập tâm.  Vì thế chúng ta thời nay không lạ gì các thế hệ cha ông không hay biết về nguyện ngắm, suy niệm, chiêm niệm, mà chỉ chăm chú vào việc đọc kinh. Kinh sáng, kinh tối. Đọc ở nhà và đọc ở nhà thờ. Nhiều người thuộc rất nhiều các kinh, nhưng nếu hỏi họ sẽ không trả lời được thế nào là ý nghĩa tiềm ẩn của tu đức, thần học, hoặc thánh kinh trong đó. Đơn giản là đọc kinh để cầu xin với Chúa, với Đức Bà, với ông thánh Giuse, hay các ông, các bà thánh khác. Để làm gì? Để được ơn phần hồn, ơn phần xác, ơn bền đỗ và được chết lành lên Thiên Đàng hưởng phúc đời đời. Rất đơn sơ, rất mộc mạc, mà cũng rất chân thành.

Nhưng hình thức sống đạo này bây giờ đang lùi dần vào quá khứ, và có thể sẽ bị lãng quên, bởi vì lớp trẻ hôm nay chẳng mấy quan tâm đến việc đọc kinh. Những người lớn tuổi, những người mà trước đây còn đủ uy quyền, đủ năng lực để hô hào con cháu tụ họp trong những buổi kinh gia đình như thầy mẹ tôi đang dần dần bớt. Còn lại những cha mẹ ở tuổi 40 đến 60 thì lại quần quật với miếng cơm manh áo. Những gia đình chỉ đọc được với nhau một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng, một kinh Lạy Nữ Vương với lời cầu đơn sơ trước khi đi ngủ hàng đêm cũng là hiếm quí lắm rồi. Gần đây có những phong trào cầu nguyện tự phát, cầu nguyện bằng Thánh Kinh, cầu nguyện chung với gia đình, thiết nghĩ đây chỉ là những tư tưởng được nhắc đến trong một vài lần hội thảo, nhưng rồi vì là phong trào nên phất lên rồi lặn dần trong quên lãng, và việc đọc kinh, cầu nguyện vẫn đang gặp những bế tắc. Lý do:

 

Thái quá và bất cập

Đọc kinh lải nhải. Đọc hết kinh này đến kinh khác như một cái máy cassette. Đọc mà không hiểu mình đọc gì tất nhiên là một hình thức sống đạo thái quá. Cha mẹ và phụ huynh cần phải xét lại việc đọc kinh theo kiểu này. Không chỉ đọc kinh kiểu này tại nhà, mà còn tại các nhà thờ nữa. Tại xứ tôi, ngay ở nước Mỹ, trước mỗi thánh lễ Chúa Nhật đều có một số người – đa số là già cả – đọc đủ mọi thứ kinh, và sau thánh lễ khi bài ca kết lễ chấm dứt vẫn còn phải “chúng con trông cậy…” Rất tiếc lúc đó nhà thờ trống trơn vì mọi người đã ra về! Chúng ta cần phải “văn minh hóa”, cần “đưa đạo vào đời” bằng những buổi kinh đơn sơ, những kinh nguyện thích hợp với hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh giáo xứ.

Nhưng bỏ không đọc kinh viện dẫn lý do công ăn việc làm, học hành của con cái, hoặc bận bịu là một bất cập. Chúa phán: “Ta là cây nho, các con là cành. Cành nào kết hợp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái. Lìa xa ta các con không làm được gì” (Gioan 15:5). Và “Hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Luca 22:40). Khả năng con người không thể làm gì được nếu không có Chúa, không kết hợp với Chúa. Còn các chước cám dỗ thì luôn bủa vây tứ bề dù chúng ta sống trong môi trường nào và trong bất cứ trách vụ, chức tước nào.

 

Phân biệt đọc kinh và cầu nguyện

Đọc kinh đối với phần đông giáo hữu Việt Nam như đã trình bày trên vẫn được cho là cầu nguyện. Một hình thức cầu nguyện bằng cách lặp lại những lời kinh đã được các thánh nhân, các nhà đạo đức soạn ra. Đây là hình thức cầu nguyện “soạn sẵn” mà người đọc chỉ việc lập lại, hoặc đọc to tiếng lên trong gia đình hay giữa những buổi hội họp và trong thánh đường. 

Nhưng cầu nguyện thật sự là gì? Theo thánh tiến sỹ Têrêsa Hài Đồng là “một cái nhìn, một giây phút hướng tâm lên với Chúa”. Đơn sơ như con nhìn cha mẹ, chân thành như những cảm tình con cái đối với cha mẹ. Có thể là xin xỏ, có thể là bày tỏ sự tức tối, bực bội, có thể là nhõng nhẽo, có thể là một cử chỉ trìu mến. Cầu nguyện như vậy là lối cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã nói về Maria khi cô ngồi dưới chân Ngài (xem Luca 10:42). Ngồi để nói chuyện với Chúa và nghe Chúa nói với mình. Cầu nguyện kiểu này đồng nghĩa với suy nguyện, nguyện ngắm mà các tu sỹ trong các dòng tu thường làm. Họ có thể ngồi cả giờ thả hồn mình trong chiêm niệm, và cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong lòng mình, trong cuộc đời mình. 

 

Thời đại của cầu nguyện

Thời đại của chúng ta là một thời đại đang xa dần việc cầu nguyện. Do những cám dỗ vật chất, do sức ép của thời gian, của công việc, của những máy móc và điện tử, nên hình thức cầu nguyện bằng việc đọc hết kinh này đến kinh khác thiết tưởng không còn thích hợp nữa. Đặc biệt đối với lớp người trẻ mà những câu kinh kia nhiều khi không mang lại ý nghĩa, không diễn tả được những nhu cầu thực tế, cần thiết. Chúa Giêsu đã nói: “Khi cầu nguyện thì các con đừng lải nhải nhiều lời như dân ngoại, vì chúng nghĩ chúng sẽ được nhận lời. Phần các con đừng làm như vậy, vì trước khi mở miệng, cha các con đã biết các con cần gì” (Mat 6:7-8).

Do đó, việc cầu nguyện mà chúng ta cần huấn luyện, dạy dỗ con cái là hình thức cầu nguyện “hướng tâm” . Đơn sơ và chân thành, trong mọi nơi và trong mọi lúc, khi hạnh phúc cũng như lúc gặp thử thách gian nan, chúng ta cần hướng lòng mình lên Chúa. Ngài là cha, là người bạn, là người anh luôn bên ta, lắng nghe, chia sẻ, và đồng hành với ta. Đây là lối cầu nguyện không vụ nhiều lời, nhiều kinh. Nhưng để được vậy thì từ trong gia đình đến giáo xứ, cần phải có những buổi hồi tâm, những khóa huấn luyện và áp dụng việc cầu nguyện theo hình thức này. Đây có thể là công việc nặng nề nhất đối với những phụ huynh và những người có trách nhiệm trên đời sống tâm linh của giáo dân.

Hãy tập cho mình, con cái mình có thói quen tâm sự với Chúa, đó là một hình thức cầu nguyện mà ai cũng cần, và cần trong mọi nơi, mọi lúc. “Lạy Chúa, con cần Chúa và Chúa cũng cần con”. Trong cuộc đối thoại này phải có hai người: Chúa và con. 

TS. Trần Mỹ Duyệt

Chia sẻ Bài này:

Related posts