ĐỌC  KINH  THÁNH  LÀ…ĐỂ  BIẾT ?

          Việc đọc  Kinh Thánh hiện là mối quan tâm hàng đầu của Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, việc đọc ấy có thực sự đem lại ích lợi gì về mặt tâm linh hay không đó lại là vấn đề khác ! “ Để mừng  kỷ niệm 1600 năm ngày mất của Thánh Gieronimo ( 340 – 390 ) Linh mục, tiến sĩ Hội Thánh, đức thánh cha Phanxico ban hành Tông Thư Scripturae Sacrat Affectus ( Lòng Yêu Mến Kinh Thánh ). Tông Thư này gửi đến mọi Ki Tô Hữu, nhất là những Ki Tô Hữu  giáo dân Việt Nam vì rất ít giáo dân VN quan tâm đến việc tìm hiểu, học hỏi và truyền bá Lời Chúa chứa đựng trong kho tàng Thánh Kinh…

          …Nói về Thánh Gieronimo, không Ki Tô Hữu nào  không nhớ câu nói nổi tiếng của Ngài: “ Không biết Thánh Kinh là không biết chúa Ki Tô”. Không ai chối cãi  được sự chính xác của câu nói trên của Thánh Gieronimo. Nhưng thật ra thì không biết ( hay dốt nát ) Thánh kinh còn tạo ra một sự không biết ( hay dốt nát ) khác đó là không biết chính mình. Thế nên mệnh đề đầy đủ  phải là không biết Thánh Kinh là không biêt chính bản thân mình” ( Nguồn: ĐBĐM – 26/3/2021 – Gieronimo – Nguyễn Văn Nội – Không biêt Thánh Kinh là không biết…)

          Về câu nói của Thánh Gieronimo, theo tôi, nên chăng  cũng cần phải…xét lại. Thế nhưng trước hết chúng ta hãy thử xem  tác giả bài báo nói nhờ đọc Thánh Kinh mà người ta có thể…biết và biết về những gì ?

          Có tất cả 07 cái biết nhờ đọc Thánh Kinh  và những cái biết được gọi là …quý giá ( sic ) ấy chẳng những chẳng có chi là…quý  mà còn là những cái biết  hoàn toàn sai lạc. Ở đây chỉ xin nêu  02 ví dụ tiêu biểu.

          “ Nhờ Thánh kinh chúng ta biết Chúa Giê Su Ki Tô là Lời đã cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần tạo dựng vũ trụ vạn vật và con người”.

          Xin hỏi câu, đoạn Kinh Thánh nào nói Chúa Giê Su cùng với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần  tạo dựng vũ trụ vạn vật và con người ?

          Mặt khác nên nhớ  quan niệm Chúa Giê Su cũng chính là Đấng thần linh Tạo Hóa tạo dựng vũ trụ đã bị thần học…khai tử từ lâu bằng cái gọi  là Thần Học về cái  chết của Thiên Chúa ( Theologie de la mort de Dieu ).

          Về ví dụ thứ 02: “ Nhờ Thánh Kinh, chúng ta biết Chúa Giê Su  đã rao giảng và thiết lập Nước Thiên Chúa trên đất Palestin. Đây là một sự xuyên tạc không thể tha thứ về mặt Thánh Kinh Học mà còn chứng tỏ không hiểu biết gì về  sứ mạng của Đức Ki Tô khi đến với cõi thế này. Ngài đến không phải để thiết lập Nước Thiên Chúa  tại Palestin hoặc bất cứ nơi nào trên trái đất  nhưng là để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cũng như truyền lệnh cho các Tông Đồ: “ Hãy ra đi khắp  thế gian. Rao giảng Tin Mừng  cho muôn dân. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu. Còn ai không tin thì bị luận tội” ( Mc 16, 15 ).

          Tất cả những cai gọi là…biết ấy  chẳng qua đó chỉ là  những khái niệm của thần học: Biết Chúa Giê Su là Đấng tạo Hóa là Đấng Messia, Đấng Thiên Chúa Nhập Thể Làm  Người v.v… Sở dĩ những cái gọi là… “Biết” ấy chỉ là những khái niệm bởi vì  nó không y cứ ở nơi Thánh Kinh là  sách chứa đựng Lời Chúa là lời cần phải sống, phải thực hiện  mới có thể hiểu.

          Nếu chỉ đọc Kinh Thánh như một cuốn sách lịch sử hay nghiên cứu, biên khảo gì gì đó thì sẽ không bao giờ có thể hiểu. Trong thời cuối này, người ta có vẻ rất chú trọng tới việc đọc, nghiên cứu Kinh Thánh, lập viện nọ, Trung tâm Học Vấn kia nhưng rút cục chẳng có được gì ngoài một mớ những kiến thức vô bổ: “ Vẫn học luôn nhưng không bao giờ có thể đạt được sự thông biết lẽ thật” ( 2Tm 3, 7 ).

          Tại sao học luôn nhưng chẳng bao giờ thông biết lẽ thật ? Đó là vì người ta  kể cả những người duy vật vô thần đã đọc Kinh Thánh  hoặc để chống  Đạo hoặc  để thu thập kiến thức đủ loại…mà không biết rằng mục đich việc đọc Kinh Thánh là để cho con người được Thánh Hóa. Thánh Phao Lô nói cho môn đệ mình: “ Từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con  nên khôn ngoan để được cứu rỗi bởi đức tin trong Chúa Giê Su Ki Tô. Cả Kinh Thánh ( Cựu và Tân Ước ) đều được Thiên Chúa linh hứng  có ích cho sự dạy dỗ, , thuyết phục, sửa trị hầu cho người của Chúa  được trọn vẹn  và sẵn sàng đầy đủ hầu làm những việc lành phúc đức” ( 2Tm 3, 15 -17 ).

          Được Cứu Rỗi hay không đó là nhờ  đức tin đến Chúa Giê Su Ki Tô chứ không phải là nhờ  ở việc đọc Kinh Thánh, Cũng giống như người Do Thái khi xưa, cái lầm  chí tử của thần học  từ trước tới nay họ cứ tưởng rằng Kinh Thánh…chứa đựng chân lý để rồi cứ mải suy tư, luận bàn, nghiên cứu, mở ra hết

khóa học này đến đào tạo Tác Viên Tin Mừng kia để mong tìm ra được chân lý nhưng rút cục cái đạt được  chỉ là những kiến thức vô bổ. Đức Ki Tô nói với những người Do Thái  chống đối Ngài rằng: “ Các ngươi tra xét Kinh Thánh vì cứ tưởng rằng trong đó chứa đựng sự sống đời đời. Ấy chính Kinh Thánh làm chứng  về Ta, thế mà các ngươi không khứng đến với Ta  để được sự sống” ( Ga 5, 39 -40 ).

          Nếu bảo rằng cứ biết Kinh Thánh là biết Đức Ki Tô thì hóa ra đâu có cần phải ăn năn, sám hối và tin vào Tin Mừng ( Mc, 1, 15 ) ?.  Câu nói của Thánh Gieronimo  dẫu sao cũng cần phải xét trong ngữ cảnh của nó chứ không  thể cứ vin vào đó để rồi xét nét chê bai người Công Giáo Viết Nam là…dốt nát, không biết gì  về Kinh Thánh !!! Tuy nhiên, nếu so người Công Giáo nói chung ngày nay với ông bà cha mẹ tổ tiên trước đây thì quả thật cháu con ngày nay hiểu biết Kinh Thánh hơn xưa rât nhiều nhưng đức tin và lòng đạo lại sa sút đến thảm hại. Vậy thử hỏi sự hiểu biết Kinh Thánh có giúp ích gì cho việc sống đạo hay còn nhờ vào điều gì khác nữa ?

          Nhận ra như thế để thấy rằng đọc cho nhiều về Kinh Thánh mà không sống Lời Chúa  có khi chẳng đem lại cho người ta đức tin vào Chúa Giê Su Đấng Cứu Chuộc mà còn ngược lại ?

          Phải chăng cũng chính  vì….cái biết KT sai lạc  của thần học mà người ta đã đặt lại vấn đề về Đức Ki Tô của lịch sử và Đức Ki Tô của niềm tin để rồi đưa đến kết luận Chúa Giê Su chỉ là người hoạt động chính trị bất đắc chí ? “ Sau sự cố thanh tẩy đền thờ, nhiều người  trong giới lãnh đạo  cũng mưu hại Ngài nên Ngài phải lựa chọn: Hoặc sống lén lút hoặc xuất đầu lộ diện.  Nếu sống lén lút, Ngài không thể gây cho người ta niềm tin vào Nước Thiên Chúa như Ngài đã từng làm. Còn xuất  đầu lộ diện  để tiếp tục sứ vụ  thì chắc chắn sẽ bị giết. Đức Giê Su đã chọn giải pháp thứ hai và quả cảm đi lên Gierusalem ( Lc 9, 51 ). ( Đức Giê Su trước khi có Ki Tô giáo. Một nỗ lực hiện đại trở về  với Đức Giê Su Lịch Sử – Lm Micae Trần Đình Quảng – Trích trong Đức Ki Tô Hôm Qua Hôm Nay và Mãi Mãi của Đgm Phao lô Bùi Văn Đọc ).

          Đặt vấn đề Đức Ki Tô trước khi có Ki Tô giáo có nghĩa có 02 Đức Ki Tô, một của lịch sử một của niềm tin  và niềm tin ấy là…không đúng ? Phải chăng  chỉ vì lòng tin của Giáo Hội…có vấn đề  thế nên Tin Mừng Nước Thiên Chúa  của Đức Ki Tô đã phải …canh tân để trở thành một thứ Tin Mừng…khác. Đang khi đó Thánh Phao Lô quả quyết không hề có một thứ Tin Mừng nào khác đâu. Những ai làm cái việc gọi là …canh tân ấy sẽ bị tru diệt ( Gal 1, 6 -8 ).

          Một khi đã không tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nước Trời Mầu Nhiệm nội tại   thì cũng chẳng thể nào …biết được bản thân mình là gì.  Tại sao ? Bởi vì Tin Mừng của Đức Ki Tô đó là một cái Tin mà nếu người nào nhận biết thì sẽ phát khởi được nỗi Mừng Vui lớn lao rằng Nước ấy đã và đang hiện hữu ở nơi chính mình chỉ cần  ăn năn, sám hối  cùng với lòng tin  bền vững chắc thật thì sẽ gặp được.

          Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng Nước Trời với mục đích để chúng ta tin và NHỚ lại  có một Nước Trời vốn vẫn hiện hữu ở nơi mình mà mình  đã đành QUÊN  mất đó thôi. Nước Trời  Đức Ki Tô rao giảng đó cũng chính là Chân Tâm Bản Tính là  Đấng Cha hằng Hữu đồng một thể tánh với Ngài: “ Còn ai kết hợp với Ngài thì đồng một thể tánh với Ngài” ( 1C 6, 17 ).

          Sự u mê khiến không nhận ra Bản Tánh đó chính là Tội Nguyên Tổ: “ Giehova ĐCT phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả  các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết ( phân biệt ) điều thiện, điều ác thì chớ có ăn đến. Vì một mai ngươi ăn thì chắc phải chết” ( St 2, 16 -17 ).

          Cái chết ở đây là…chết về phần tâm linh do phân biệt có ta, có người ( Ngã Chấp ). Bao lâu còn chấp thấy có ta có người ( Nhân – Ngã ) thì bấy lâu còn xa rời Thực Tại là cái Vô Phân Biệt  ám chỉ Vườn Địa Đàng. Bởi vậy Kinh Thánh nói vừa khi A Đam – Eva ăn trái câm thì liền bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng  là như thế.

          Cái biết do phân biệt mà có ấy chính là Tri Thức là cái biết điều này điều kia có nghĩa  cái biết về một đối tượng nào đó  kể cả Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa là đối tượng cho ta thì Ngài…ở ngoài ta và đó chỉ là cái khái niệm về Ngài chứ không phải Ngài như thực Ngài Là.

          Cái lầm lớn nhất của thần học cho đến nay vẫn chưa giũ bỏ được là đã lầm khái niệm với thực tại. coi tri thức mình có là chân lý. Cái lầm ấy thật rất khó để  trừ bỏ  nếu chưa  hiểu được bản chất  Tội Nguyên Tổ là  sự phân biệt.

          Tìm kiếm để trở về với Thực Tại Bất Sinh Bất Diệt đó cũng là trở về để nhận biết chính bản thân mình là ai, sống trên đời để làm gì và chết rồi đi đâu ? Con đường tìm kiếm ấy là sở đắc của các truyền thống tâm linh lớn của nhân loại xưa nay.

          Thực Tại cần tìm kiếm để gặp gỡ  ấy Phật giáo Đại Thừa gọi Kiến Tánh: “ Đức sơ tổ Đạt  Ma nói: “ Nếu người chẳng  Thấy Tánh, suốt ngày lăng xăng Niệm Phật, tụng kinh, gắng học, siêng năng sám hối hành đạo, thường ngồi chẳng dậy, học rộng, nghe nhiều, khởi công dụng hạnh lấy đó làm Phật Pháp. Phải biết Phật trước, Phật sau  chỉ nói Thấy Tánh. Nếu thấy  Tự Tâm là Phật, chẳng cạo râu tóc, mặc áo trắng  cũng là Phật. Chẳng  Thấy Tánh dù cạo bỏ râu tóc vẫn là ngoại đạo” ( HT Thích Trí Tịnh dịch: Bồ Đề Đạt Ma – Ngộ Tánh Luận ).

          Cũng vì việc Thấy Tánh  tức Ngộ Chân Tâm  ấy Đức  Đạt Ma  sư tổ nói: “ Thánh nhân cầu Tâm chứ không cầu Phật. Người ngu cầu Phật chẳng cầu Tâm mà chẳng biết Tâm là nguồn cội. Nếu muốn cầu giải thoát trước phải biết Tâm là cội gốc” ( Ngộ Tánh Luận ).

          Người ngu cầu Phật chẳng cầu Tâm bởi vì cái gọi là Phật ấy  chỉ là một thứ khái niệm. Cầu với cái khái niệm ấy thì nào có ơn ích gì ? Khái niệm  làm sao có thể đáp ứng được những lời cầu ? Cũng một lẽ ấy, nếu đọc Kinh Thánh chỉ để có được  tri thức tức những khái niệm thì làm sao có thể Thấy Chúa cũng là  Chân Tâm Bản Tánh mình ?

          Đại Thừa hay nói đúng hơn, Thiền Tông chủ trương Kiến Tánh, còn  với Đức Ki Tô cũng  đi trên con đường ấy mặc dù ngôn ngữ có khác ( Dĩ nhiên ) khi Ngài nói: “ Các ngươi chẳng từng biết Ngài. Nếu Ta nói rằng Ta không biết Ngài thì Ta cũng sẽ nói dối như các ngươi vậy. Song Ta biết Ngài cũng giữ đạo Ngài. Cha các ngươi là Apraham  đã hớn hở thấy ngày của Ta, người thấy rồi thì vui mừng” ( Ga 8, 55 -56 ).

          Chúa Giê Su nói Ngài…biết Cha  thì cái biết ấy chính là Ngài đã nhận biết đã ngộ được Đấng Cha ở nơi Ngài  chính Ngài cũng là Đấng Cha của mỗi người trong chúng ta, không khác một mảy may.

          Biết Cha cũng là biết Bản Tánh mình chứ chẳng phải điều chi khác. Chúa Giê Su nói Ngài …biết Cha và cũng giữ Đạo Cha tức hết lòng vâng theo Thánh Ý  cho đến chết bị  đồng hạng với  những  tên gian phi ( Mc 15, 28 ).

          Chúa Giê Su đã chết để vâng theo Ý Cha và Ngài cũng truyền dạy cho chúng ta điều ấy. Có thực hiện điều Chúa  truyền dạy  chúng ta mới có thể nhận ra Ngài quả thật là Đấng Cứu Chuộc mình.Trái lại chỉ đọc Kinh Thánh với mục đích tìm kiếm tri thức thôi thì làm sao có thể nhận biết và tin yêu Ngài ?

                Kẻ ngoại, mặc dầu cũng muốn tìm cho biết về Chúa Giê Su đấy nhưng không thể bởi vì họ không thuộc đoàn chiên: “ Người Do Thái nhóm quanh  Ngài mà nói rằng: Thầy để chúng tôi vơ vẩn đến chừng nào ? Nếu Thầy là Đấng Ki Tô thì hãy nói tỏ tường cho chúng tôi. Chúa Giê Su đáp: Ta đã nói cho các ngươi mà các ngươi không tin, Những việc Ta nhân danh Cha Ta mà làm đều làm chứng cho Ta. Nhưng các ngươi không tin Ta  vì các ngươi không thuộc đoàn chiên của Ta. Chiên Ta thì nghe tiếng Ta. Ta biết chúng và chúng theo Ta” ( Ga 10, 24 -27 ).

          Không thể nhận biết Chúa  bằng việc đọc Kinh Thánh bởi việc đọc ấy nếu không gắn với việc  Sống Lời Chúa thì chỉ đem đến cho người  ấy lòng tự phụ, kiêu căng  về cái biết của mình.

          Tự phụ về những cái biết nhờ học hỏi nơi người khác thật chẳng ơn ích gì về đường tâm linh mà còn khiến cho “ Cái Tôi” ngày càng phình chướng mãi lên. Một khi “ Cái Tôi” ( Ngã Chấp ) phình chướng thì Chúa không thể…Ở cùng. Chính Chúa Giê Su  còn nói: “ Song Ta biết Ngài cũng giữ Đạo Ngài” thì chúng ta là môn đệ Chúa lại không giữ đạo Ngài tức không vâng phục Thánh Ý Chúa  hay sao ?

          Vâng phục Thánh Ý Cha bằng cách tuân giữ giới răn  Chúa thì có Chúa …ở cùng: “ Nếu ai yêu thương Ta thì vâng giữ Đạo Ta, Cha Ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến và lập cư  cùng người” ( Ga 14, 23 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts