ĐỌC VÀ NHẬN ĐỊNH CUỐN “TÁI  KHÁM  PHÁ  ĐẠO  CÔNG  GIÁO”

          Trong cơn khủng hoảng đức tin ngày càng trầm trọng hiện nay cho thấy có không ít những nỗ lực nhằm giải quyết  và một trong số ấy chính là Matthew Kelly, người đã được ĐCV  Bùi Chu giới thiệu cách trân trọng:

          “ Chúng ta đang đứng trước cơn khủng hoảng đức tin làm chao đảo đời sống đạo của nhiều người. Một số thờ ơ gặp chăng hay chớ, một số thưa thớt hoặc tìm cách xa rời giáo hội. Có người sẽ đặt câu hỏi rằng tại sao lại có hiện tượng bỏ đạo xảy ra ? Tại sao Đạo Công Giáo không những không hấp dẫn người chưa tin mà lại bị chối bỏ bởi chính “ con cái trong nhà” ? Nhiều người còn nghi ngờ cả về tính cần thiết cho sự tồn tại của giáo hội…

          …Trong bối cảnh đó, cuốn sách “ Rediscover Catholicisme”  ( Tái Khám Phá Đạo Công Giáo ) của Matthew Kelly  là một món quà quý giá để giúp ta khám phá lại vẻ đẹp nguyên tuyền của đức tin Công Giáo. Khởi đi từ khát vọng chung của nhân loại là kiếm tìm hạnh phúc, tác giả vén mở cho ta thấy  những gì là cốt lõi của linh đạo đức tin Công Giáo, giúp người tín hữu khám phá và sống niềm tin  của họ cách trọn vẹn, hăng say và hạnh phúc…”

          Đối với Matthew Kelly thì khát vọng chung của nhân loại là kiếm tìm hạnh phúc và hạnh phúc đó thuần túy chỉ trong phạm vi đời sống vật chất thế  tục: “ Trong suốt lịch sử nhân loại, chưa bao giờ thiếu những con người nam cũng như nữ sẵn sàng dấn thân để giúp nhân loại đi trên đường ngay lẽ phải. Cũng vậy, chẳng bao giờ những nhu cầu của gia đình nhân loại lại không rõ như ban ngày cả: Thực phẩm, nhà cửa, công việc có ý nghĩa, tình bạn, tự do, sự tha thứ, sự chấp nhận và tình yêu”.

          Cái gọi là…sẵn sàng dấn thân để “giúp nhân loại đi trên đường ngay lẽ phải” xét ra thật quá ư hàm hồ. Bởi vì trong tính chất chủ quan, ai chẳng cho mình… đang ở trong…đường ngay lẽ phải ? Một Karl Mark, Lenin, Sitalin…khi cho phát động cuộc đấu tranh giai cấp thủ tiêu, sát hại bao người dân vô tội thì trong niềm tin của họ đó chẳng phải là đường ngay lẽ phải hay sao ? Lại nữa khi tên trùm phát xít Hitle chủ trương tiêu diệt người Do Thái  để bảo vệ thuyết thuần chủng Đức đó có  phải là…đường ngay lẽ phải?

          Cũng chính vì cái gọi là …đường ngay lẽ phải đó, con người đã gây ra biết bao tội ác kinh khiếp kể cả việc phá hủy niềm tin tôn giáo của Nietzhe khi hô hào… giết chết Thượng Đế để con người có cơ trở nên Siêu Nhân ( Surhome ).

          Mặt khác, cái nỗi khát khao của nhân loại hoàn toàn không phải để tìm kiếm hạnh phúc vật chất xác thân  nhưng là để tìm cho biết về thân phận mình: Ta từ đâu sinh ra ? Sống trên đời để làm gì và chết rồi đi đâu ? Có biết mình bởi đâu sinh ra thì mới biết sống trên cõi đời để làm gì và  chết sẽ  đi  đâu ? Ngược lại, bởi không biết mình sinh  bởi đâu nên mới lạc lối chẳng biết căn tính của người Công giáo là gì ?: “ Chúng ta đụng phải vấn đề căn tính vì chúng ta chưa xác định và nắm giữ cách đầy đủ  và chính xác lối sống Công giáo đích thật. Giá mà chúng ta là Công giáo đúng nghĩa thì dân chúng chỉ cần nghe biết  là bạn thân với một người Công giáo chẳng hạn họ đã có thể tin tưởng anh ta là người lương thiện, quảng đại và có chiều sâu cầu nguyện. Giá mà chúng ta là người Công giáo đúng nghĩa  thì khi bạn đi tìm việc, dân chúng đã có thể đoán biết bạn là người chăm chỉ, đạo hạnh, tận tâm và chú ý tới công việc…

          …Tất cả những điều trên sẽ làm thay đổi tận căn cách hiểu về căn tính Công giáo trong xã hội hôm nay là điều bạn và tôi đang cố gắng để trở thành…đó là lương thiện, chuyên cần làm việc, quảng đại, dễ mến, vui tươi, biết cảm thông, chừng mực, kỷ luật, cầu nguyện và say mê cuộc sống”

          Hiểu căn tính Công giáo như là người lương thiện, chuyên cần làm việc, quảng đại, say mê cuộc sống….như vậy là chẳng hiểu  chi về căn tính chính là cái động cơ mà từ đó phát ra tất cả những nhân đức do nơi nhận biết mình là con cái Thiên Chúa đồng thời đó cũng là ơn gọi của người Công giáo: “ Chỉ có một thân thể, một thánh linh cũng như trong sự kêu gọi mình  mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một  đức tin một phép rửa, một ĐCT là Cha mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 -6 ).

          Người Công giáo được kêu gọi đến một hy vọng đó là Nước Thiên Đàng đời đời vinh phúc. Một Chúa là Đức Ki Tô, Đấng là đường là sự thật và là sự sống…Nhất thiết cần có Đấng Dẫn Đường ấy chúng ta mới có thể…đến tức gặp được Đấng Cha trong chính mình.

          Chính vì không biết chi về căn tính của Công giáo thế nên cũng chẳng  biết gì  về giáo hội: “ Một vấn đề không kém phần quan trọng  khác mà chúng ta phải đặt ra vào thời điểm lịch sử này làĐạo Công giáo là gì và là người Công giáo có nghĩa là gì ? Đạo Công giáo không chỉ là một tôn giáo, một giáo phái hay một chuỗi những quy luật. Khi những tâm hồn nông cạn  và những đầu óc hạn hẹp cố gắng nắm bắt bản chất hay yếu tính Công giáo thì thường có khuynh hướng  giản lược nó thành một câu kết luận. Nhưng Đạo Công giáo thực ra còn hơn là một tôn giáo. Đó là một thực tại vượt trội  chứ không phải chỉ là một phong trào như bao phong trào khác. Bản chất của Công giáo  không nằm ở tội, trừng phạt, nhiệm vụ, bổn phận  hoặc một mớ những  luật lệ và quy tắc vô hồn. Đạo Công giáo là cái gì lớn lao hơn  những gì đại chúng nghĩ về đạo. Lớn lao hơn cả những gì mà phần lớn người Công giáo cảm nghiệm được”

          Với những  lập luận  có vẻ  lớn lối nhưng khó hiểu ấy, rút cục chẳng ai hiểu Đạo Công giáo là gì, nó có mặt ở cõi thế  để làm gì ? Đang khi đó Đạo Công giáo chính là con đường thực hiện tâm linh và con đường này đã được hình thành ngay từ khi tổ phụ Apraham vâng lời Thiên Chúa ra đi: “ Vả Đức Giehova có phán cùng Apram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến xứ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi trở nên một dân lớn, Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi  sẽ thành một nguồn phước đức” ( St 12, 1 -2 ).

          Lời hứa của Giehova Thiên Chúa cho Apraham trở thành tổ phụ của một dân lớn, đó chính là Đạo Công Giáo của chúng ta ngày nay. Bởi vậy mà nói Đạo Công giáo cũng là Đạo Đức Tin: “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi  và ở trong lòng ngươi tức đạo đức tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi  thừa nhận Chúa Giê Su là Cứu Chúa và lòng ngươi tin Thiên Chúa đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu. Vì bởi lấy lòng tin mà được nên công chính và bởi lấy miệng thừa nhận mà được cứu rỗi” ( Rm 10, 8 -10 ).

          Apraham vì đã vâng lời Thiên Chúa mà từ bỏ quê hương bản quán…tức những  gì con người quyến luyến  để trở thành tổ phụ của những kẻ tin: “ Vậy anh em phải biết rằng kẻ nào có đức tin, nấy là con cái của Apraham” ( Gl 3, 7 ). Vậy những ai thuộc dòng dõi Apraham  cũng là môn đệ Đức Ki Tô cũng phải sống đời từ bỏ:“ Như vậy hễ ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có thì không thể làm môn đệ Ta được” ( Lc 14, 33 ).

          Từ bỏ phải là nguyên lý hành động của các môn đệ Chúa. Thế nhưng vì không hiểu nguyên lý ấy thế nên người ta mới nêu ra một quan niệm hoàn toàn khác: “ Công giáo là một con đường sống trong đó  việc cho đi và nhận lãnh  thường được thực thi  với một mức ngang nhau. Đạo nuôi dưỡng cá nhân, hun đúc  tập thể địa phương  và thăng tiến toàn thể gia đình nhân loại. Đạo Công giáo  tác động đến mọi lãnh vực của cuộc sống và là ánh sáng định hướng cho cuộc đời”.

          Đức Ki Tô đã truyền cho các môn đệ đạo từ bỏ  và từ bỏ ở đây chính là  siêu thoát khỏi chốn thế gian đầy khổ lụy: “ Ví bằng thế gian ghét bỏ  các ngươi thì hãy biết rằng  họ đã ghét bỏ Ta trước các ngươi. Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì chắc thế gian yêu mến  kẻ thuộc về mình. Song Ta đã lựa chọn  các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghen ghét các ngươi” ( Ga 15, 18 -19 ).

          Sở dĩ Chúa kêu gọi chúng ta ra khỏi thế gian bởi  cõi này là chốn hư ảo, khổ lụy dưới ách nô lệ của Sa Tan “ Đứa lừa dối cả và thiên hạ” ( Kh 12, 9 ). Tuy nhiên vì không nhận ra tính chất xuất thế  đó, nên mới cho rằng người  Công giáo chẳng có cho mình một mục tiêu nào để sống: “ Thảm kịch lớn nhất của Đạo Công giáo thời hiện đại chính là ở chỗ chúng ta đang đánh mất mục đích của đời sống Ki Tô Hữu là gì ? Một số khác thì quẳng lý tưởng này sang một bên vì theo họ nó chẳng ích lợi gì cho cuộc sống hiện đại. Thật là thảm thương vì vẫn còn đó  một số đông chưa từng bao giờ nghe nói về mục đích chính yếu ấy một cách rõ ràng mạch lạc”

          Người Công giáo không có cho mình mục đích chính yếu, vậy mục đích ấy là gì ?: “ Sứ vụ được trao phó cho người Công giáo thuộc mọi thế hệ là biến đổi thế giới tại nơi họ  sinh sống, làm việc và hoạt động. Biến đổi những khía cạnh  đa dạng này của cuộc sống luôn là một thách đố. Từng môi trường mà bạn và tôi  tiếp xúc cần trở nên  tốt hơn  nhờ việc chúng ta sống ở đó. Thật quá dễ  với hết thảy chúng ta  khi nói rằng  thời điểm của chúng ta khó khăn hơn những thời điểm khác. Hết thảy mọi thời kỳ lịch sử đều có những thách đố riêng biệt và thời đại của chúng ta cũng vậy thôi”

          Ý tưởng …làm biến đổi thế giới cũng chẳng khác chi  Karl Marx ( 1818 – 1883 ) người khai sinh chủ nghĩa CS khi ông ta nói: Các triết gia xưa nay chỉ biết  cố gắng  giải thích thế giới theo quan điểm mỗi ngươi. Đang khi đó mục tiêu của người CS là làm sao để biến đổi nó ???

          Cái lý tưởng làm biến đổi thế giới của CS thật… ngông cuồng  và kết quả ra sao thì ai cũng rõ. Tuy nhiên với tôn giáo nói chung và Đạo Công giáo nói riêng  mà cũng nêu quan điểm như vậy thì thật chẳng hiểu chi về con đường thực hiện tâm linh tức Đạo Cứu Rỗi: “ Hỡi anh em là con cái thuộc dòng dõi Apraham và là kẻ kính sợ Thiên Chúa trong anh em. Đạo về sự cứu rỗi nay đã truyền tới cho anh em rồi” ( Cv 13, 26 ).

          Qua minh định của Thánh Phao Lô về Đạo Cứu Rỗi cho thấy hai điều quan trọng. Một là đạo ấy là của những ai thuộc dòng dõi tổ phụ Apraham  tức của những kẻ có đức tin vào lời hứa và hai là của những người có lòng kính sợ Thiên Chúa, Đấng ở nơi mình ( Trong lòng anh em ). Cần có đủ hai điều kiện ấy mới thuộc về Đạo Cứu Rỗi, trái lại thì không.

          Ngày nay Đạo Công giáo không còn là Đạo Cứu Rỗi lý do là vì đã thiếu cả hai điều kiện vừa nêu  để  thành ra một danh xưng mới gọi  là Ki Tô giáo bao hàm trong nó cả những lạc giáo trước đây đã bị vạ tuyệt thông như Tin Lành, Anh giáo và Chính Thống giáo !

          Do ảnh hưởng bởi giáo phái Tin Lành thế nên giáo hội Công giáo cũng đi vào vết xe đổ của nạn Tục Hóa có nghĩa không còn tin vào bốn sự thật gọi là Tứ Chung ( Noviscimus ): Chết, phán xét, Thiên Đàng, Hỏa Ngục. Người Công giáo trước đây vẫn một mực tin rằng con người ta sau khi chết đi sẽ phải đến trước Tòa Chúa phán xét về những tội, phúc đã làm khi sống trên cõi dương gian. Có tội thì phải phạt trong Hỏa Ngục  còn nếu có phúc thì được thưởng trên  Thiên Đàng.

          Chính cái niềm tin vào sự thưởng phạt ấy là lẽ sống đạo của bao thế hệ. Tuy nhiên niềm tin chân chất nhưng  thiết yếu ấy ngày nay đã không thể tồn tại trong thời Tục Hóa cũng là Giải Thiêng ( De’sacralisation ). Giải Thiêng  tất yếu đưa đến phá sản tôn giáo, bởi đó cho nên hiện đang có nỗ lực để trở về với Cái Thiêng Liêng ( Retour à l’Essentiel ). Thế nhưng làm sao có thể trở về nếu không về với Đấng Thiên Chúa Hằng Hữu  nội tại ở nơi chính  mình ?

          Chỉ khi nào nhận ra Đấng Thiên Chúa nội tại cũng là Đấng Ẩn Giấu ( Deus Abconsditus ) cũng chính là Bản Tâm mỗi người  thì chúng ta mới có thể tin  cái Lẽ Nhân Quả Báo Ứng ( TC thưởng phạt ) cũng như sự hiện hữu của Thiên Đàng của Hỏa Ngục.

          Tin có Nước Thiên Đàng để cho ta được sống với niềm hy vọng, cậy trông. Ngược lại tin có Hỏa Ngục để cho ta hãi sợ lánh xa nhưng vấn đề ở chỗ làm sao để có được đức tin ấy ? Thánh Josemaria Escriva ( 1902 – 1975 ) nói: “ Đáng buồn thay khi thấy rất nhiều Ki Tô Hữu chỉ có đức tin trên môi miệng hơn là trong việc làm. Tưởng chừng đức tin là một nhân đức  chỉ để giảng dạy chứ không phải để thực hành” ( Trích Con Đường – The Way )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts