ĐỜI  CON  QUA  NHƯ  MÂY  BAY

          Nghe ca đoàn hát bài gì đó không biết tên cũng như tác giả trong đó có câu: “ Đời con qua như mây bay. Con tiến bước giữa thế giới…” Chợt ngước lên bàn thờ thấy có đức cha Giu Se Đinh Đức Đạo, chủ tế thánh lễ Tạ Ơn và Tất Niên Thượng Kèo nhà thờ GX Bắc Thần ngày 15/01/2023 mình cảm thấy bồi hồi nhớ lại thời gian học cùng lớp  TU tại TCV Bùi Chu Di Cư niên khóa 1956 – 1957 tại bờ biển Phước Tỉnh – Bà Rịa. Đức cha Giu Se ngày đó mảnh khảnh dễ thương, con của cha giáo Vũ  Nguyên Thiều, dạy Anh văn.

          Đức cha Đạo tóc bạc phơ bởi  cũng  đã …ngót nghét tám mươi rồi còn gì ? Mình sinh năm 1942, hơn ngài 03 tuổi nhưng nhìn bề ngoài nhiều người  cho rằng vẫn …còn phong độ ? Mình ngồi giữa, cạnh bên là hai cô con gái Bảo Ngọc và Bảo Trâm, cả hai cũng đã trên dưới năm mươi ! Chóng thật, mới đó mà đã gần bảy mươi năm  từ khi rời chủng viện. Nào có ai ngờ giờ đây chú bé Đạo ngày ấy nay đã là một giám mục, uy nghi cầm cây gậy chăn dắt đoàn chiên Chúa mà mình lại là một trong số hàng vạn con chiên ngoan đạo ấy !

          Giờ này mình tự hào là một con chiên ngoan đạo và rất  lấy làm hãnh diện về điều ấy. Thế nhưng cách đây khá lâu, gần bốn mươi năm trước  thì không được như thế. Lý do bởi vì sau khi xuất tu được mấy năm, trượt tú tài bị động viên vào khóa HSQ trừ bị, mãn khóa đeo lon trung sĩ ra trường lăn lóc khắp miền cao nguyên gió bụi. Cái sự…lăn lóc ấy  có thể hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

          Nghĩa đen thì bị đổi hết nơi này nơi khác, mỗi nơi có khi chưa được một năm, hết Plei Ku, Ban Mê Thuột lại Quảng Đức. Giải ngũ trước Tết Mậu Thân sáu tám nhưng chỉ vỏn vẹn một tháng lại phải tái ngũ, tống về SĐ 5 ( Phú Lợi Bình Dương ) Sau đó ít lâu,  thuyên chuyển về BTTM và chính tại nơi đây mình thi vào lớp HSQ Tùy Viên Quân Lực sau khi tự học và đậu tú tài toàn phần năm 1970.

          Còn theo…nghĩa bóng tức đời sống đức tin thì trong suốt quãng thời gian khoảng mười lăm năm mình hoàn toàn xa rời đời sống giáo hội nghĩa là không lễ lạy gì cả ngay cả các ngày lễ trọng Phục Sinh, Giáng Sinh. Còn nhớ  Phục Sinh năm 1971 khi còn ở bên Phnom Pênh khi theo đám bạn dự party khiêu vũ tại Snack Bar gần nhà thờ chánh tòa, có người  rủ xuống xe vào dự lễ nhưng mình từ chối để rồi chỉ sau đó nửa giờ một trái lựu đạn phát nổ, khói bay mù mịt cả bọn bò lê bò càng thoát  ra ngoài. Giả như lúc đó… banh xác thì không biết linh hồn đi đâu chắc  khó  thoát khỏi  hỏa ngục, hú vía !!!

          Mặc dầu xa rời giáo hội  nhưng khi cưới vẫn có làm phép Hôn Phối tại  nhà thờ Tân Hưng ( Xóm Mới ) của cha bố Phê Rô Dư Tác Thiện, không biết vì tin tưởng hay sao đó cha không bắt khảo kinh và xưng tội, vậy là thoát nạn ? Việc xa rời giáo hội nếu xét bề ngoài là như thế nhưng bề trong quả thật mình vẫn đau đáu trong việc truy cầu chân lý. Nhưng thật đáng tiếc  và  ngay cả đến khi được Đức Mẹ ban ơn trở lại đến nay mình vẫn chưa thấy giáo hội đáp ứng được niềm khát khao cháy bỏng của những người con hoang đàng mong mỏi trở về ???

          Sự mong mỏi của mình và có lẽ cũng của không ít người khác kể từ thời Cựu Ước xa xưa đó là mong một Đấng Thiên Chúa…nội tại ở nơi mình: “ ĐCT ôi, xin hãy dựng nên trong tôi một tấm lòng trong sạch và làm mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng” ( TV 51, 10 ).

          Sau khi được Ơn Trở Lại, mình gia nhập Dòng Ba Đa Minh, Hội Tận Hiến Đồng Công và nhất là trụ lại khá lâu trong Legio Mariae với vai trò trưởng Curia Junior Phú Thịnh, khi đó là  đơn vị duy nhất của GP Xuân Lộc và có lẽ là  của Việt Nam khi đó ( 1992 ).

          Ở lâu  và hoạt động rất chi hăng say nhưng rồi mình đã bị chính Legio…sa thải chỉ vì đã  góp ý không đồng tình với phương thức hoạt động  của đoàn thể này khi cho Ban Ủy Viên các HĐ ngồi ( quỳ ) sau tượng Đức Maria  Vô Nhiễm cũng  là Nữ Tướng của  Đạo Binh.

          Tuy không còn phục vụ Legio qua hình thức nhưng  đối với Đức Mẹ, mình vẫn là một quân binh thực thụ bằng cách chu toàn  thực hành Bản Kinh Tessera  hàng ngày tất nhiên  trong đó có cả Kinh Catena và chuỗi 50 Kinh Mân Côi, chưa hề có một ngày lơi lỏng trong suốt 40 năm.

          Do việc sống đạo tích cực được quan niệm như là Tu Tập như thế, mình đã nhận thức được một điều hết sức quan hệ đó là để tin và…thấy được Thiên Chúa như đích thực Ngài Là ( Giác Ngộ ) thì phải xoay cái Tâm trở vào bên trong  mà tìm. Trong lãnh vực tâm linh, việc tìm kiếm không phải là…tìm cái chi ở bên ngoài nơi hiện tượng giới nhưng như Lão Tử nói: “ Ta từ vô lượng kiếp nhờ nhìn sâu vào Tâm mà đắc đạo” ( Lão quân viết: Ngô tòng vô lượng kiếp lai, quan tâm đắc đạo – Thuyết Liễu Tâm Kinh ).

          Nhà đạo học số một Đông Phương nói như thế, còn Thiền Tông cũng nói không khác: “ Gia trung hữu bảo, hữu tâm mích. Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền ? ( Trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm. Lắng lòng đối cảnh hỏi chi Thiền ? ( Thiền sư ( vua ) Trần Nhân Tông ).

          Không thể tìm kiếm Thiên Chúa ở bên ngoài mình mà được bởi vì…tìm như thế  có khác nào tìm cá sống  ở trên cây ? ( Duyên mộc cầu ngư ) Thiên Chúa chính là  Sự Sống ở nơi mỗi người, bậc thánh không tăng, kẻ phàm không giảm và đây cũng chính là Thiên Chúa của các tổ phụ: “ Thiên Chúa của Apraham, của Isaac và của Gia Cop. Ấy Ngài chẳng phải là Thiên Chúa của kẻ chết, bèn là của kẻ sống. Bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 -38 ).

          Chúa Giê Su nói Thiên Chúa là Sự Sống. Điều đó chẳng phải Thiên Chúa là Đấng Nội Tại trong mỗi người hay sao ? Tuy nhiên với một Thực Tại Nội Tại như thế thì phải  hiểu như là việc tìm kiếm sự Khôn Ngoan đích thực vốn sẵn đủ ở nơi chính mình: “ Nếu con kêu gọi  đức khôn ngoan. Nếu con tìm kiếm nó như là tìm kiếm kho báu. Con sẽ hiểu thế nào là kính sợ Thiên Chúa” ( CN 2, 3-5 ).

          Nguyên nhân đưa tới cuộc khủng hoảng trầm trọng của giáo hội hiện nay cũng là của toàn thể nhân loại  là do con người đã không có lòng kính sợ Thiên Chúa hay nói cách nhẹ nhàng hơn như M. Heidegger nói đó là con người đã lãng quên Thiên Chúa ( Oubier de L’Être ) để cứ mãi chạy theo thế gian với những hư phù giả tạo của nó.

          Có nhớ đến Chúa  hằng hữu ở nơi mình thì Ngài mới…nhớ đến và ban ơn cho ta. Đó là cái lẽ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu  và đây cũng là cái lẽ Nhân Quả Báo Ứng không sai chạy mảy may:“ Vậy nên phải nhận biết rằng Giehova Đức Chúa ngươi ấy là Đức Chúa thành tín, giữ sự giao ước đến muôn ngàn đời cho những ai yêu mến, vâng giữ các giới răn Ngài  và báo ứng nhãn tiền cho những kẻ nào ghét bỏ Ngài mà hủy diệt chúng nó đi, Ngài không trì hoãn  cùng kẻ nào ghét bỏ Ngài đâu sẽ báo ứng nhãn tiền cho kẻ đó. Vậy khá cẩn thận làm theo những điều răn, luật lệ và mạng lịnh mà Ta đã truyền cho ngươi ngày nay” ( Đnl 7, 9 -11 ).

          Mạng lịnh của Thiên Chúa bao gồm Mười Điều Răn nhưng tóm lại chỉ còn hai. Có luật sĩ hỏi…để thử Chúa Giê Su: Thưa Thầy trong luật pháp, điều răn nào lớn hơn. Chúa đáp: ngươi hãy hết lòng, hết trí khôn hết ý chí mà thương yêu Chúa là Thiên Chúa ngươi. Ấy là điều răn lớn hơn và đầu nhất. Còn điều thứ hai cũng vậy, ngươi hãy thương yêu kẻ lân cận như mình. Cả luật pháp lẫn tiên tri đều tóm lại trong hai điều răn ấy” ( Mt 22, 35 -40 ).

          Người luật sĩ chỉ hỏi…để thử Chúa Giê Su, xem Ngài có hiểu luật hay không chứ trong thực hành các giới răn  yêu thương thì họ đã làm ngược lại đến nỗi Chúa đã lên tiếng quở trách họ: “ Khốn thay cho các ngươi, kẻ luật sĩ và người Pharisi là bọn giả hình kia vì các ngươi nộp một phần mười bạc hà, hồi hương và rau cần mà bỏ qua điều hệ trọng hơn trong luật pháp là sự công bình, thương xót và đức tin. Những việc này cần phải làm mà những điều kia cũng không thể bỏ xót. Ớ kẻ  mù mà lại dẫn đường kia, các ngươi lọc con mòng mà nuốt cả con lạc đà” ( Mt 23, 23 -24 ).

          Về đức thương yêu, nếu chỉ nói mà không  có sự thực hành trong đời sống  thì chẳng những điều đó không có ơn ích  mà còn bị Chúa quở trách là bọn giả hình là đui mù !Thế nhưng vấn đề đặt ra ở đây là tại sao người Do Thái xưa kia và con người ngày nay không thể có lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như chính mình ? Đó là vì người ta đã không tin sự hiện hữu của Thiên Chúa như đích thực Ngài Là ( Ego sum qui sum – Xh 3, 15 ).

          Một điều rất ư quan trọng để khiến con người  được  nhận biết và yêu mến Thiên Chúa đó là cần có Đức Ki Tô làm trung gian: Thánh Gioan nói: “ Hỡi kẻ yêu mến, chúng ta hãy yêu thương lẫn nhau vì sự thương yêu đến từ Thiên Chúa. Hễ ai yêu thương thì sanh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình  Yêu. Sự thương yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta đã tỏ ra trong điều này: Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài đến thế gian hầu cho chúng ta nhờ Con mà được sống. Sự thương yêu ở trong điều nà     y: Chẳng phải chúng ta đã thương yêu Thiên Chúa nhưng Ngài đã thương yêu chúng ta và sai Con Ngài vì tội lỗi chúng ta mà làm cuộc tế lễ vãn hồi. Hỡi kẻ yêu dấu, nếu Thiên Chúa đã thương yêu chúng ta  dường ấy thì chúng ta cũng phải thương yêu nhau. Chẳng có ai thấy Thiên Chúa bao giờ  nhưng nếu chúng ta thương yêu nhau thì Thiên Chúa cứ ở trong chúng ta và tình thương yêu Ngài được trọn vẹn trong chúng ta” ( 1Ga 4, 7 -12 ).

          Chính vì Thiên Chúa là Đấng…chẳng ai từng thấy biết thế nên tự thân mỗi người chúng ta không ai có thể biết đàng yêu mến Thiên Chúa nếu không nhờ có Đức Giê Su Ki Tô. Tại sao cần nhờ đến Đức Ki Tô ? Bởi chỉ có Ngài mới là Đấng đã thấy biết về Cha: “ Các ngươi chẳng từng biết Ngài nhưng Ta biết Ngài. Nếu Ta nói rằng Ta không biết Ngài thì Ta cũng sẽ nói dối như các ngươi vậy. Song Ta biết Ngài, cũng giữ đạo Ngài” ( Ga 8, 55 ).

          Rất cần lưu ý lời Chúa Giê Su khi Ngài nói: “ Song Ta biết Ngài cũng giữ đạo Ngài” Lý do bởi vì từ trước đến nay, thần học vẫn cho Chúa Giê Su chính là Thiên Chúa ( Tạo Hóa ) mà đã là Tạo Hóa thì làm gì có việc…giữ đạo để làm gì ? Đang khi đó…đạo mà Chúa Giê Su nói đó là con đường từ bỏ ý riêng: “ Vì Ta  từ trời xuống không phải để làm theo ý riêng Ta bèn làm theo Ý Đấng đã sai Ta” ( Ga 6, 38 ).

          Bỏ ý riêng đi cũng là một với việc Bỏ Mình: “ Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo” ( Lc 9, 23 ). Người đời kể cã những người mệnh danh là…có đạo nếu vẫn chưa bỏ được mình ( Cái Tôi )  thì tất cả lời nói, việc làm trước mặt Chúa chỉ là luống công vô ích nếu không muốn nói sẽ bị Chúa quở trách: “ Ta chẳng hề biết các ngươi, hãy lìa khỏi Ta ớ những kẻ làm ác kia” ( Mt 7, 21 -23 ).

          Còn chấp giữ “ Cái Tôi” tức còn cho thế gian với những nhà cửa, vợ con, tài sản, sự nghiệp là…thật có  và vì cho tất cả là thật có nên mới ra công ra sức tìm kiếm hầu đạt được chúng nhưng đến giờ sau hết chỉ chuốc lấy thảm hại vì chưng đó chỉ là ảo mộng, huyễn hoặc: “ Tiêu pha hết đời mình  trong  cố gắng hoàn thành những mục tiêu thế gian  thì cũng giống như  lưới cá ở một bờ sông cạn…Chẳng có gì khác biệt khi các bạn sống vài ba năm hay một trăm năm nếu tất cả việc các bạn làm là phung phí thời gian cách vô ích” ( Đức Dilgo Khyentse Rinpoche – Tạng Thư Tây Tạng ).

          Tất cả việc làm nếu chỉ vì “ Cái Tôi” tức xu hướng về thế gian đó chỉ là những việc vô ích. Trái lại nếu biết bỏ “ Cái Tôi” mà làm thì một việc dù nhỏ nhít đến đâu thì cũng được ơn rất lớn trước mặt Chúa: “ Cũng vậy, khi các ngươi làm xong mọi việc  hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ là việc phải làm đó thôi” ( Lc 17, 10 )

          Làm tất cả mọi việc nhưng không chấp là…tôi làm, nghe qua có vẻ đơn giản chẳng có chi là khó nhưng đây chính là  đạo lý cao cả đem lại cho con người sự gặp gỡ ( Giác Ngộ )  với Thiên Chúa cũng là Sự Sống ở nơi mình. Tôn giáo cũng gọi là…đạo tức con đường thực hiện tâm linh và đó cũng chính là Con Đường Thiền của Phật Giáo Đại Thừa.  Thiền Tông  dịch từ tiếng Phạn là Dhyana còn Tàu dịch là Tịnh Lự nghĩa là dứt bỏ mọi suy tư, nghĩ ngợi.

          Tổ Lâm Tế ( Tông Tào Động ) nói: “ Chỗ ông dừng một niệm là Cây Bồ Đề. Ông một niệm không thể dừng là Cây Vô Minh )  Một niệm cần dừng ở đây chính là Niệm Phân Biệt, Kinh Thánh gọi là Tội Nguyên Tổ: “ Đức Chúa phán với Eva: Ngươi được tự do ăn các thứ hoa quả trong vườn nhưng về cây biết phân biệt điều thiện, điều  ác thì chớ hề ăn đến vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).

          Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt hình thành từ bản ngã vô minh tức từ trong tư tưởng và đó chính là ý riêng không một ai không vướng phải. Con đường thực hiện tâm linh của Đạo Chúa tất cả cũng không ngoài việc từ bỏ ý riêng để vâng theo Thánh Ý Chúa. Vâng theo Ý Cha bằng cách từ bỏ ý riêng. Điều ấy xem ra dễ mà khó, khó mà dễ. Dễ là bởi ai cũng có thể làm, khó ở chỗ là nếu không có Ơn Chúa thì không ai có thể làm.

          Ơn Chúa ở đây tức là đức tin và lòng cậy trông. Đức tin là tin vào sự dẫn đường chỉ lối của Đức Ki Tô: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ). Còn lòng cậy trông tức là cậy vào Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Ngài chính là Người  Nữ đạp giập đầu rắn Sa Tan: “ Đức Chúa phán với con rắn: “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ,dòng dõi mày cùng dòng dõi nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày. Còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).

          Cuộc chiến giữa Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và rắn Sa Tan cùng bè lũ đang đến hồi kết cuộc và phần thắng của dòng dõi Người Nữ sẽ tùy thuộc vào việc thực thi ba mệnh lệnh Pha Ti Ma: “ Thực lòng ăn năn, sám hối tội lỗi mình. Siêng năng lần  Chuỗi Mân Côi và hết lòng tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.

          Không một ai thi hành ba mệnh lệnh ấy  mà không sống trong Ơn Nghĩa Chúa nhất là trong giờ lâm tử. Như vừa nói, sau khi xuất tu rời bỏ giáo hội nhưng từ khi được ơn Đức Mẹ cho trở lại đến nay thì cuộc sống của mình đã thay đổi hoàn toàn và có thể nói đời sống ấy hiện ví như câu hát “ Đời con qua như mây bay, con tiến bước giữa thế giới” Ước mong sao như vậy./.

Viết tại Trà Cổ, ngày 21 tháng 01/ 2023

Kinh tặng đức cha Giu Se Đinh Đức Đạo cựu  tiểu  sinh chủng viện Phan Xi Cô Bùi Chu Di Cư.

Phùng  Văn Hóa

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts