Ngày 26 tháng 6 vừa qua, với tỷ số phiếu 5 trên 4, Tối Cao Pháp Viện Mỹ đã công nhận hôn nhân đồng phái là hợp hiến. Trên thế giới sự kiện hôn nhân đồng phái đã có từ lâu, chẳng hạn Canada đã cho phép từ năm 2005. Cũng đã từ lâu, Công Giáo lên tiếng phản đối hôn nhân đồng phái. Lý do phản đối không phải vì kỳ thị giới tính, nhưng vì bản chất của sự kết hợp không đúng với nền luân lý khách quan.
Cộng đồng LGBT
Lịch sử cho thấy những người đồng tính thường bị bạc đãi và bị hành hung. Đã có một số người bị trầm cảm dẫn tới hành vi tự tử. Cũng có vài trường hợp họ bị chính cha mẹ từ bỏ. Năm 1970, tại San Francisco, một nhóm người đồng tính lập ra phong trào LGBT. LGBT là chữ viết tắt của Lesbian: đồng tính nữ, Gay: đồng tính nam, Bisexual: song tính (luyến ái với cả nam và nữ), và Transgender: chuyển giới. Biểu tượng của nhóm là lá cờ màu cầu vồng. Trước kia, y học cho khuynh hướng đồng tính là loại bệnh rối loạn tâm thần (mental disorder). Năm 1990 Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) xác định đồng tính không phải là bệnh lý mà là hiện tượng sinh lý tự nhiên. Năm 2011, Liên Hiệp Quốc công nhận những người đồng tính phải được tôn trọng với đầy đủ nhân quyền như những người khác. Về phía tôn giáo, năm 2013, giới truyền thông hỏi Giáo Hoàng Francis về vấn đề này, ngài phát biểu, “Who am I to judge” (Tôi là ai mà phán xét họ). Câu nói nổi tiếng này đã được lập lại bởi nhiều vị quyền chức trên thế giới. Ngày nay những người đồng tính đã được xã hội công nhận và tôn trọng đúng với phẩm giá con người.
Tuy nhiên danh xưng LGBT đang chuyển hướng để trở thành một biểu tượng cho khuynh hướng tự do tình dục. Cộng đồng LGBT đang trên đà phủ nhận mọi hệ thống luân lý. Họ muốn có hôn nhân đồng phái, sinh sản con cái, và hoán chuyển giới tính một cách phóng khoáng vượt khỏi mọi ranh giới của trật tự. Với những hành vi tự do quá trớn, họ đã làm cho cơ cấu gia đình bị xáo trộn. Đối với Công Giáo, tôn trọng người đồng tính không có nghĩa là phải công nhận tất cả những gì họ muốn làm là đúng. Chúng ta có thể lược qua vài trường hợp sau.
Cha mẹ biến dạng
Ông William Bruce Jenner, lực sĩ huy chương vàng năm 1976, là một người Mỹ nổi tiếng. Qua 3 đời vợ, ông có 6 người con. Năm 2015, ở tuổi 65, ông chuyển giống thành đàn bà vì ông muốn như vậy. Ông tuyên bố từ nay “hãy gọi tôi là Caitlyn”. Các con ông tự nhiên bị mất một người cha.
Cô Sabine Bartlett, 16 tuổi, ở Somerville, Massachusetts, mẹ cô chuyển giống trở thành đàn ông. Sabine sống trong khủng hoảng vì mất mẹ cho tới một năm sau cô mới chấp nhận nổi sự kiện mình có hai bố.
Con cái của cặp đồng phái
Từ trước Công Giáo vẫn khuyến khích người đồng tính có con nuôi. Nhưng ngày càng nhiều cặp đồng tính muốn có con của chính họ. Muốn có con họ phải xin (hoặc mua) trứng hay tinh trùng từ những người vô danh. Rồi họ nhờ kỹ thuật thụ thai nhân tạo trong ống nghiệm để tạo nên phôi bào. Sau khi những phôi bào thành hình chúng được chuyển vào tử cung của bà mẹ hay của một bà mang thai mướn. Bằng cách này họ tạo ra những đứa con không mẹ hay không cha.
Theo bác sĩ Martin, (Clinical Psychologist, New York), một cặp đồng tính nam tạm gọi là A và B có sáng kiến sáng tạo đứa con có liên hệ huyết tộc chung. Họ lấy tinh trùng của A phối hợp với trứng của em gái của B, rồi mướn người mang thai. Từ bước tiền lệ này, đã có nhiều sáng kiến tạo ra thai nhi tùy theo quyền tự do của mỗi người. Chẳng hạn nhiều cặp đồng tính nam lấy trứng của em/chị gái hay chị em họ của mình. Về yếu tố thai nhi, thông thường cặp đồng tính mướn người mang thai, nhưng cũng có trường hợp họ nhờ thân nhân mang thai hộ. Về phương diện đạo đức, họ đã tạo ra những hình thức loạn luân.
Hoang mang trong liên hệ gia tộc
Bác sĩ tâm thần Martin đưa ra trường hợp cậu bé Joshua, 12 tuổi, con của cặp đồng tính nữ. Mẹ cậu có thai bằng phương pháp lấy tinh trùng của người vô danh hiến tặng bơm vào tử cung. Cậu sinh ra không có cha nhưng có 2 mẹ. Được ít lâu 2 bà mẹ bỏ nhau. Rồi mỗi bà mẹ lại có người yêu riêng. Bốn người ở chung thành một gia đình. Joshua bây giờ có 4 mẹ. Sau đó 4 bà mẹ đều có con theo kỹ thuật bơm tinh trùng vào tử cung. Những con của họ không hề biết cha là ai nên cũng không có liên hệ huyết thống. Bác sĩ Martin cho biết Joshua có lần điền lá đơn gặp câu hỏi: “xin cho biết có bao nhiêu anh chị em”, cậu không biết phải trả lời thế nào.
Tâm trạng của con cái
Một số nhà nghiên cứu cho rằng con cái của những người đồng tính có đời sống bình thường. Kết luận này có vẻ thiếu khách quan. Vấn đề cần được khảo sát kỹ càng và rộng rãi hơn.
Tháng Giêng, 2015, tòa án New Orleans, Louisiana, đã có buổi nghị sự về hôn nhân đồng tính. Trong số nhân chứng có 2 người con của những cặp đồng tính: Katy Faust và Dawn Stefanowicz. cả hai đều nói rằng cha mẹ đồng tính làm tổn hại con cái.
Cô Katy Faust, con của cặp đồng tính nữ, phát biểu, “Tôi không hề lên án mẹ tôi, người bạn đồng tính của bà, và lối sống riêng tư của họ. Lời chứng phản đối hôn nhân đồng phái của tôi chỉ vì phúc lợi của con cái. Khi chúng ta hợp pháp hóa hôn nhân đồng phái, chúng ta chuyển vấn đề qua việc cho phép họ tự do sống theo ý muốn. Làm như vậy, chúng ta hủy bỏ bản chất thật sự của hôn nhân… Chúng ta bình thường hóa một cấu trúc gia đình chỉ có một giới tính, ở nơi đó những đứa trẻ bị tước quyền hằng ngày… Chúng ta bảo trẻ con rằng chúng không có quyền đòi hỏi được sống trong một gia đình tự nhiên có mẹ có cha. Sự tồn tại của chúng chỉ đơn giản nhằm thỏa mãn ý thích của người lớn… “
Cô Dawn, con của cặp đồng tính nam, cho biết, ông bạn đồng tính của cha đưa cô đi tham dự những buổi họp mặt của nhóm LGBT. Nhóm người này khỏa thân, chửi thề, làm tình công khai, coi hình tục, và có cả những vụ hành lạc khổ dâm. Cô phải nghe lời dạy bảo của họ mặc dù không muốn. Sự kết hợp của họ rất lỏng lẻo, kể cả cha cô ông thường xuyên thay đổi bồ mới. Cô kết luận, “Quyền lợi và tuổi thơ của tôi đã bị hủy hoại.”
Tiếng nói phản đối của người đồng tính
Không phải tất cả mọi người đồng tính đều ủng hôn nhân đồng phái. Chúng ta có thể thấy những ý kiến đa dạng của họ trên những websites “gays against gay marrige”.
Cặp đồng tính nam nổi tiếng Domenico Dolce và Stefano Gabbana, khi được hỏi họ có muốn kết hôn không, họ trả lời, “Không bao giờ. Chỉ có một gia đình thật sự khi nó đúng với ý nghĩa của truyền thống về gia đình. Con cái không sinh ra bởi hóa chất và thuê mướn tử cung. Sự sống phải là một diễn trình tự nhiên, có những điều không thể thay đổi.”
Doug Mainwaring, lập gia đình với người đồng tính nam, viết trên báo Public Discourse, “Lúc đầu tôi có cảm tưởng mình được giải phóng. Sau vài năm, sự trung thực của trí tuệ dẫn tôi đến vài kết luận bất ngờ: (1) Lập gia đình với một người đàn ông khác, hoàn toàn không tương đương với việc lập gia đình với một phụ nữ. (2) phủ nhận nhu cầu trẻ em cần có cha mẹ thuộc hai giới tính trong gia đình là tội lỗi. Trẻ em cần và khao khát muốn có cả cha lẫn mẹ.”
Phản ứng từ chính quyền địa phương
Nước Mỹ là một quốc gia tôn trọng luật pháp. Không ai có quyền đi ngược lại phán quyết của Tối Cao Pháp Viện. Tuy nhiên 13 tiểu bang đã miễn cưỡng chấp nhận với những lời chỉ trích.
* Tại Alabama, chánh án Tối Cao Pháp Viện tiểu bang, ông Roy Moore nói, “Tối Cao Pháp Viện Liên Bang đã phá hủy sự thiết lập của Thiên Chúa… Vấn đề chính của nó không phải là hôn nhân đồng tính, mà là giải phóng tình dục. Nó cho mọi người quyền tự do quyết định mình là nam hay nữ.”
* Bà Joyce Lewis-Kugle, thư ký tòa án của quận hạt Rusk County, Texas, vốn từ chối cấp giấy hôn thú cho những cặp đồng tính. Nay vì không thể cưỡng lại luật Liên Bang nên bà đệ đơn xin từ chức.
* Tiểu bang Louisiana vẫn chưa thi hành luật hôn nhân đồng tính. Thống đốc tiểu bang, ông Bobby Jindal, tuyên bố, “Chính quyền chúng tôi phải tuân theo phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, nhưng chúng tôi không đồng ý và tin rằng đây là một quyết định sai lầm.” Vào dịp khác ông nói, “Năm vị luật sư không có quyền sửa đổi định nghĩa về hôn nhân cho toàn dân Mỹ.”
Quan điểm thần học
Hôn nhân đồng phái là sự sai lầm trên nguyên lý
Gọi sự kết hợp nào đó là hôn nhân không có nghĩa nó trở thành hôn nhân. Theo luật tự nhiên, hôn nhân là cuộc kết hợp giữa một người nam và một người nữ để từ họ con cái được sinh ra và được giáo dục. Hôn nhân đồng phái không hợp với luật tự nhiên. Kỹ thuật sinh con của họ cần có 3 thành tố: trứng, tinh trùng, và tử cung. Cả 3 thành tố này thường đến từ 3 nguồn vô danh khác nhau. Trứng đi mua, tinh trùng đi xin, và dùng người cho thuê tử cung mang thai. Từ đó nhân phẩn con người bị xúc phạm. Chẳng hạn chích thuốc kích thích vào người đàn bà để có trứng. Dùng cách thủ dâm để lấy tinh trùng. Cuối cùng, họ dùng kỹ thuật “thụ thai trong ống nghiệm” (TTTON) để tạo ra phôi bào. Bối cảnh này đã trở thành kỹ nghệ buôn bán trứng/tinh trùng và ngay cả phôi bào, công khai rao bán trên internet. Những đứa con ống nghiệm này không phải được sinh ra nhưng được kỹ thuật tạo thành. Chúng không biết cha/mẹ thật của mình là ai. Người cha/mẹ vô danh sẽ là một ám ảnh cho đứa con. Ngoài ra nếu đứa con sinh ra do bởi tinh trùng của người anh, vậy nó là con hay là cháu của mình.
Hôn nhân không phải là vấn đề luật pháp
Chính phủ định nghĩa hôn nhân là một liên hệ luật pháp giữa 2 người. Nếu hai người yêu nhau họ có quyền lấy nhau, bất kể họ là 2 người nam hay 2 người nữ. Sự thật, nam hay nữ đều bình đẳng như nhau trước pháp luật, nhưng không thể cho rằng họ cũng như nhau về cơ thể. Hôn nhân đồng phái và hôn nhân dị phái là hai kết hợp hoàn toàn khác hẳn nhau. Chúng không thể coi là giống nhau. Vợ chồng không phải chỉ có vấn đề bình đẳng pháp lý mà còn có đời sống tâm lý, sinh lý, và sinh sản. Do đó chỉ có cuộc phối hợp giữa một người nam là một người nữ mới là nền tảng tự nhiên của hôn nhân.
Pháp luật đã giản lược hôn nhân thành một sự kiện luật pháp. Pháp luật cho rằng nếu nó hợp pháp thì xã hội phải chấp nhận và hợp thức hóa sự kiện này. Vì quan niệm như thế nên pháp luật đã kéo hôn nhân ra khỏi mầu nhiệm sáng tạo di truyền nòi giống.
Tự do cá nhân không thể bỏ rơi quyền lợi của con cái
Mọi người có quyền sống với những gì mình tin và thích. Nhưng nếu họ nghĩ mình có quyền bắt ép con cái sống trong cảnh bất hạnh chỉ có 2 bố, hay chỉ có 2 mẹ, họ là những người ích kỷ. Họ chỉ để ý đến sở thích của mình. Họ đã tạo ra những trẻ con sống thiếu hụt những điều kiện của những đứa bé bình thường có mẹ có cha.
Hơn nữa họ đã tạo ra những đứa con qua đường lối phi nhân phẩm. Như chúng ta đã biết kỹ thuật TTTON là phương pháp đặt trứng và tinh trùng vào trong những ống nghiệm để chúng phối hợp thành những phôi bào. Sau đó các chuyên viên phòng mạch tuyển chọn một số phôi bào tốt chuyển vào tử cung của người mang thai. Những phôi bào còn dư sẽ ra sao? Có nơi cha/mẹ chúng hiến tặng chúng cho viện nghiên cứu tế bào gốc để làm mẫu thí nghiệm. Có nơi người ta hủy bỏ hoàn toàn. Kỹ thuật TTTON không phải là phương pháp hoàn hảo. Theo thống kê của Trung Tâm Kiểm Soát về Bệnh Tật của Hoa Kỳ, năm 2012, tỷ số chuyển phôi bào thành công ở những người dưới 35 tuổi là 40%. Tỉ số này giảm dần cho lớp tuổi cao hơn. Ở tuổi 42 tỉ số thành công chỉ có 3.9%. Những phôi bào không thành công sẽ bị hủy đi. Theo Hồng Y Sean P. O’Malley, Giám Mục Boston, “người ta đang thành lập những xưởng chế tạo người.”
Quan điểm của Công Giáo
Trong đức tin Công Giáo, “hôn nhân là lòng trung thành, cá biệt, gắn bó suốt đời giữa một người nam và một người nữ, để thành vợ chồng mật thiết trong tình bạn đời và trong yêu thương. Từ họ con cái sẽ được sinh ra.” Hôn nhân đồng phái không hội đủ những điều kiện này nên không thể chấp nhận là hôn nhân. Giáo Hội khảng định tình ân ái vợ chồng phải hội đủ 2 yếu tố: 1) Hai-thân-xác-nên-một (giáo lý hôn ước). 2) Sáng tạo sự sống mới (giáo lý sinh sản). Giáo Hội phủ nhận tuyệt đối kế hoạch sinh con cái ngoài hôn nhân và không qua thể thức thụ thai tự nhiên.
Hội đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ phản đối hôn nhân đồng phái. Theo chủ tịch hội đồng, Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz, “Bất kể những gì Tối Cao Pháp Viện tuyên bố tại thời điểm lịch sử này, bản tính con người và hôn nhân vẫn tồn tại không đổi và không thể thay đổi. Cũng như 40 năm trước, phán quyết Roe chống với Wade không cứu xét vấn đề phá thai, hôm nay phán quyết Obergefell chống với Hodges không cứu xét vấn đề hôn nhân. Cả hai phán quyết đều không căn cứ vào sự thật. Cả hai rồi sẽ dần dần thất bại. Thật là vô luân và bất chính cho chính quyền khi tuyên bố hai người cùng phái có thể lập nên một cuộc hôn nhân… Đức Giêsu Kitô, với tình yêu cao cả, đã dạy rõ ràng từ thuở ban đầu hôn nhân là cuộc kết hợp suốt đời giữa một người nam và một người nữ. Là những Giám Mục Công Giáo, chúng tôi theo Thiên Chúa của chúng tôi và sẽ tiếp tục dạy bảo và hành động theo sự thật này.”
Đối với vấn đề sinh sản, lập trường của Giáo Hội nằm trong văn kiện Donum Vitae (Ơn Huệ của Sự Sống), năm 1987. Thông điệp Donum vitae khẳng định TTTON sai lầm trên nguyên lý đạo đức. Thiên Chúa ban cho con người quyền sinh sản nhưng không được quyền sản xuất mạng sống qua những tiến trình nhân tạo. “Con trẻ là một tặng phẩm không phải là món nợ” (Giáo Lý #2378). Giáo Hội phản đối hành vi hủy hoại phôi bào cùng với lý do phản đối phá thai. Con người là một nhân vị ngay từ giây phút thụ thai. Xâm phạm quyền sống của phôi bào là xúc phạm Thiên Chúa và phạm tội sát nhân. Năm 1995 Thánh Gioan Phaolô II, qua tông huấn The Gospel of Life (Tin Mừng về Đời Sống), tái khẳng định nhân phẩm và quyền sống của phôi bào.
Ngoài 2 văn kiện nêu trên, các giám mục Mỹ đều riêng rẽ lên tiếng phản đối phán quyết của Tối Cao Pháp Viện. Vì tất cả những lời tuyên bố của các giám mục đều chung một lập trường, chúng ta có thể lấy tuyên bố của Hồng Y Sean O’Malley, một trong những cố vấn tối cao của Giáo Hoàng Francis, làm kết luận.
“Nếu chúng ta bảo mọi người rằng tự do tình dục ngoài hôn nhân không có tội, chúng ta đã lừa dối mọi người. Nếu họ tin lời giả dối này, cuộc đời sẽ chỉ toàn là tốt lành. Điều này không thể nào có được. .. Thỉnh thoảng chúng ta nghe nói: ‘nếu bạn không chấp nhận lối sống của tôi, nghĩa là bạn không thương tôi.’ Trên thực tế câu này phải nói ngược lại: ‘Bởi vì tôi thương bạn nên tôi không thể chấp nhận hành vi của bạn’.”
Đỗ Trân Duy
Nguồn: Người Tín Hữu