Trong thời đại công nghệ cao ngày nay, người ta chú tâm nhiều đến sự thành công và thành tài như là đích đến lý tưởng nhất. Dường như bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con cái mình chạm tới được đích đến này vì khi đó không những con cái của họ có được một tương lai sáng ngời mà bản thân họ cũng được nở mày nở mặt với người đời. Chính vì lẽ đó, việc chọn trường chất lượng cao và chọn nghề nghiệp nào dễ bề đem lại địa vị cao trong xã hội luôn là tiêu chí số một. Trong quá trình trang bị cho mình hành trang sao cho thật đầy đủ và chu đáo, người trẻ thường được khuyến khích tích lũy những kiến thức và các phương pháp hiệu quả nhất kết hợp với thời gian thực tập một cách kỹ lưỡng để có thể cạnh tranh được những vị trí quan trọng hay được tuyển dụng vào làm những công việc hấp dẫn. Nắm bắt được khát vọng này của các bậc cha mẹ, các trường lớp đào tạo thường chú trọng nhiều đến chiều kích phát huy tài năng và tiếp cận công nghệ hiện đại nhất để thu hút được lượng học sinh sinh viên nhiều bao nhiêu có thể.
Việc đào tạo sao cho có được một thế hệ tài năng và thành đạt để gánh vác trọng trách của đất nước và giúp cho xã hội được thăng tiến luôn là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia nói chung. Tuy nhiên, nếu chỉ thực thi trách nhiệm này không thì vẫn chưa đủ. Người trẻ cũng hoàn toàn cần được giáo dục cả đến chiều kích nhân văn, cách ứng xử lịch thiệp, biết kính trên nhường dưới, có tấm lòng quảng đại và tinh thần trách nhiệm, biết quan tâm đến người khác và nhất là những ai đang cần được sự giúp đỡ khẩn thiết…
Dù bất cứ một xã hội dân sự, một thể chế hay một tôn giáo nào trước hết cũng đều cần phải đặt nền móng là các giá trị nhân văn và phẩm giá con người. Nếu những nguyên tắc này không được coi trọng thì tất những gì khác được cho là tiện nghi, lợi ích kinh tế, hay dư giả về vật chất… không bao giờ phục vụ cho sự thăng tiến con người một cách toàn diện cách đúng đắn nhất.
Chính Đức Giêsu trước khi nhắm tới việc trình bày những giáo huấn cao siêu về ơn cứu độ, Nước Thiên Chúa hay sự sống đời sau…, Ngài đã xử sự với hết mọi người một cách chan hòa tình yêu thương. Cách ứng xử của Người xuất phát từ trái tim đầy yêu thương vốn nhạy cảm trước nhu cầu của mọi người đồng thời mong muốn sự tốt lành cho toàn thể nhân loại nói chung và hạnh phúc đích thực của từng người nói riêng.
Tạm bỏ qua chiều kích siêu nhiên sang một bên, chúng ta thấy cách đối nhân xử thế của Đức Giêsu thật thấu tình đạt lý mà khó có những nhà hiền triết nào xuyên suốt lịch sử nhân loại đạt được như vậy. Chỉ qua cách chọn chỗ ngồi, Ngài cũng đã cho chúng ta một bài học thật thấm thía về sự khiêm tốn đặt mình vào vị trí rốt hết (x. Lc 14, 7-11). Hoặc là ngay khi bị đẩy vào trong tình thế tiến thoái lưỡng nan như trong vụ xử người phụ nữ phạm tội ngoại tình mà người ta cố tình gài bẫy, Ngài cũng dậy cho chúng ta cách xử thế thật tuyệt vời: “Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy ném đá trước” (Ga 8,7). Cách xử sự chan chứa lòng thương xót ấy không chỉ cứu được mạng sống của người phụ nữ tội nghiệp kia, mà còn giúp cho cả những kẻ tố cáo có được giây phút sám hối mà quay trở về nẻo chính đường ngay. Đặc biệt trong phần Bài giảng trên núi, Đức Giêsu hướng chúng ta đến sự cao thượng thể hiện qua việc khước từ báo oán và yêu thương kẻ thù (x. Mt 5, 38-44). Lời dậy bảo này đề cao lòng vị tha vượt lên trên cả hận thù, dập tắt mọi mầm mống của bạo lực mà không để cho chúng có cơ hội leo thang. Quả vậy, khi sẵn sàng tha thứ và yêu thương kẻ làm hại mình, chúng ta hoàn toàn thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn “ăn miếng trả miếng” để có được sự nhân từ như Thiên Chúa là Cha, Đấng ngự trên trời (x. Mt 5,45).
Ngoài ra, trong các sách Tin mừng còn bao nhiêu lời dậy bảo bổ ích của Chúa Giêsu về cách ứng xử với tha nhân mà mỗi người chúng ta cũng như toàn nhân loại cần đến.
Đến đây, ắt hẳn mọi người đều tán đồng rằng công cuộc giáo dục thế hệ trẻ không thể giới hạn trong phạm vi hạn hẹp là phát huy tài năng và sự thành đạt mà đòi hỏi phải làm tất cả những gì để chúng có thể phát triển một cách toàn diện: “thành công, thành tài, thành nhân và thành thánh” như lời chia sẻ của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Xuân Lộc, kiêm Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo trong thư đề ngày 04/09/2016 gửi các học sinh sinh viên vào dịp tựu trường năm học vừa rồi. Nếu như tất cả các quốc gia trên toàn thế giới đều nhắm đến mục tiêu cao đẹp này trong công cuộc giáo dục thế hệ trẻ thì đời sống của cộng đồng nhân loại sẽ được thay đổi theo chiều hướng tích cực mà ở đó mọi người sẽ được thừa hưởng hoa trái với hương thơm của tình thương, sự vị tha, tấm lòng rộng lượng, cũng như tinh thần trách nhiệm tỏa lan khắp mọi nơi chốn. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay của đất nước Việt Nam chúng ta còn quá nhiều bất cập và bế tắc, trọng tâm của công cuộc giáo dục đầy lý tưởng này là sự khẩn thiết hơn bao giờ hết nếu muốn bắt kịp đà tiến theo trào lưu chung của các quốc gia tiên tiến và văn minh với chất lượng cuộc sống được xếp hàng đầu.
Cây Sung
Gp. Bùi Chu