ĐỜI SỐNG ĐẠO HẠNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT THA NHÂN

Một ngày nọ, cách đây rất lâu, vào khoảng năm 400, có người đã nói mỉa mai với Thánh Augustinô thành Hippo: “Tôi không muốn thừa hưởng Nước Trời; đối với tôi chỉ cần tôi không bị trầm luân đời đời là đủ.” Đây là đoạn văn trong Kinh thánh mà người hoài nghi vừa thảo luận với vị giám mục của mình:

Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Galát 5:19-21).

Lời khuyên của Thánh Phaolô trong Galát chương 5 nghe rất khác với những lời của Chúa chúng ta hôm nay trong Mátthêu chương 25. Trong câu chuyện của Phaolô, thánh nhân nhấn mạnh rằng tội xác thịt, tội đam mê, cảm xúc và khoái lạc thể xác đã cắt đứt người ta khỏi Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong phần trình bày của Chúa về Cuộc Phán xét Cuối cùng, Ngài nói với chúng ta rằng bỏ bê các công việc thương xác bảy mối sẽ khiến chúng ta không được thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho chúng ta ngay từ thuở tạo thiên lập địa: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không choăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng” (Mt 25: 41-43).

Đôi khi hai cách nói này có vẻ như rất khác nhau về giọng điệu, nhưng sự khác nhau này lại bị nhiều người phóng đại và hiểu lầm. Chúng ta hãy xem xét.

Ví dụ, trong giáo xứ của tôi, khi tôi giảng về Lễ Trọng Chúa Kitô Vua, tôi đã nói với mọi người rằng tội phạm đến sự trong sạch hoặc các quan niệm tôn giáo sai lầm hầu như là những nguyên nhân dẫn linh hồn xuống địa ngục. Tôi thậm chí nói thêm rằng đây là điều Đức Mẹ đã nói tại Fatima với ba trẻ được diễm phúc. Bạn có thể tưởng tượng rằng sau đó tôi nhận được một số phản hồi từ vị Giám đốc phụ trách giáo dục tôn giáo (DRE: director of religeous education) hoặc từ các giáo hữu ngay trước cửa nhà thờ, vì nói những điều khá là không hợp thời. Tuy nhiên, khi tôi nói với mọi người rằng nếu họ bỏ bê người nghèo và người túng thiếu thì họ có nguy cơ mất đi linh hồn, và tôi thậm chí còn thêm một số lời của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc phục vụ người nghèo, thì rõ ràng rằng sẽ chẳng có ai phản đối những gì tôi nói, bạn có thể hình dung ra chuyện đó.

Ngày nay, tội xác thịt không bị coi là xấu xa như thế, và việc nhấn mạnh tính hiểm độc của chúng đến mức cảnh báo rằng chúng sẽ dẫn người ta đến lửa hỏa ngục thường bị coi là suy nghĩ thấp kém hoặc quá khắc nghiệt. Nhưng việc nhấn mạnh nghĩa vụ xã hội của chúng ta đối với những người bất hạnh lại được coi là rất đáng trân trọng.

Vì vậy, người ta có thể dễ dàng tưởng tượng một phiên bản hiện đại của người phản đối Thánh Augustinô nói với vị linh mục: “Này Cha, tôi không cần thừa kế vương quốc dành riêng cho người trong trắng và khắc khổ. Tôi sẽ chỉ đóng góp cho người nghèo và người thiếu thốn, và điều đó sẽ đưa tôi vào thiên đàng. Tôi không cần một nước trời nào khác.”

Tuy vậy, thực tế là có mối liên hệ sâu sắc giữa việc chúng ta tận hưởng những cảm xúc và ham muốn khoái lạc của mình với cách chúng ta đối đãi những người gặp hoạn nạn. Một xã hội chìm đắm trong những cảm xúc và ham muốn khoái lạc sẽ không mấy quan tâm đến việc đối đãi những người túng thiếu.

Đây là cách Thánh Augustinô trả lời người phản đối trong bài giảng về việc sám hối (Bài giảng 351). Ngay sau dòng nói về việc không cần Nước Trời, vị tiến sĩ ân sủng vĩ đại giải thích cho kẻ tội lỗi bất chấp đạo lý này:

  • Chúa đã phán: “Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24: 12-13), Ngài hứa sự cứu rỗi cho những ai kiên trì trong lòng bác ái, chứ không phải cho những ai cố lỳ trong sự suy đồi trái ngược đạo lý. Ở đâu có lòng bác ái, thì những việc xấu xa vốn ở ngoài vương quốc Thiên Chúa không thể tồn tại, vì “Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Galát 5: 14).

Quan điểm của Thánh Augustinô có thể dễ dàng hiểu được nếu chúng ta tự hỏi mình câu hỏi này: tại sao những con dê, những kẻ ở bên trái, sẵn sàng chịu ném vào lửa hỏa ngục, lại bỏ bê việc làm của lòng thương xót? Điều gì ở họ đã khiến họ không để ý đến hoạn nạn của người khác? Rõ ràng là họ ích kỷ theo đuổi khoái lạc và thỏa mãn cảm xúc của chính họ. Một loạt tội lỗi mà Thánh Phaolô mô tả ở trên: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, đã dẫn đến việc xao lãng những việc lành: Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han, mà Chúa chúng ta khen ngợi và tưởng thưởng.

Không có sự phân ly giữa nhân đức cá nhân và tình yêu thương người lân cận; thực sự cả hai là một và như nhau. Suy cho cùng, “Vương quyền của Thiên Chúa” có nghĩa là quan tâm đến hạnh phúc của người khác, và vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Chúa Kitô, nên chúng ta nhất định phải yêu mến Ngài, yêu người khác như chính mình và như Chúa yêu họ: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22: 37-39). Vì vậy, cách yêu bản thân tốt nhất chính là trở nên giống Chúa Kitô và thực hành tình yêu thương người lân cận, và điều này trái ngược với tính xác thịt. Ai cũng thấy dâm đãng, say sưa khiến con người trở nên hèn hạ, sao nhãng bổn phận đối với người lân cận, nên ai muốn “bền chí đến cùng” trong việc yêu thương người lân cận cũng phải kiềm chế những đam mê, ham muốn của mình.

Thánh Tôma nói điều đó rất hay – ở đây chúng ta thấy ngài viện dẫn, ít nhiều,  Thánh Augustinô – khi ngài nói với chúng ta:

  • Một người yêu bản thân mình hơn khi người ấy nhiệt thành vì hạnh phúc và chăm sóc người khác, và người ấy dành phần tốt hơn cho mình, vì người ấy giống Chúa hơn khi trở thành duyên do làm điều tốt cho người khác hơn là cho chỉ bản thân mình.

Xin cho tình yêu tha nhân làm cho chúng ta trở nên giống Chúa Kitô, Vua của chúng ta. Rồi thì, Ngài sẽ coi việc chúng ta phục vụ người khác như đã làm cho chính Ngài và chúng ta sẽ cùng Ngài thừa kế Nước trời. Amen.

 

Phêrô Phạm Văn Trung,

(phỏng theo Lm Hugh Barbour, catholic.com).

Chia sẻ Bài này:

Related posts