Đời Sống Sau Khi Chết

          Có nghịch lý này là người ta không muốn nghĩ đến cái chết  nhưng mỗi khi có tai nạn xe cộ hay tự tử, giết người  gì đó thì lại…bu đến sì sào bàn tán này nọ. Hoặc khi xem báo, coi TV chúng ta dường như ai cũng xem tường thuật về nhưng vụ khủng bố, giết người hàng loạt, những thiên tai, bão lụt, động đất, núi lửa phun trào nơi này nơi kia v.v…

          Lý do tại sao lại có cái tâm lý khó hiểu như vậy ?  Đó phải chăng là tại bản chất ác vẫn còn tiềm ẩn ở nơi mỗi người, vui trước khổ đau của người khác ?

          Dù không muốn nghĩ đến cái chết  nhưng rồi nó vẫn cứ  đến không ai tránh khỏi. Nếu cái chết đến không thể tránh thì tại sao ta lại không suy tư về nó, đối diện với nó như một sự thật ? Sách Thanh Tịnh Đạo ( Visudhi Magga ) có lời dạy:

          “ Bây giờ, một người thật sự là trí tuệ thì điều mà người ấy luôn phải làm là suy niệm về sự chết”. Người đời vì không suy niệm sự chết thế nên cả cuộc đời chỉ biết chạy theo  danh lợi địa vị bạc tiền để rồi cuối cùng lăn ra chết mà chẳng biết mình sống để làm gì !!! Những loại người ấy Chúa Giê Su cho là ngu  dại và Ngài kết luận “ Kẻ nào  cứ lo dồn chứa của cải cho mình mà không giàu có nơi ĐCT thì cũng như vậy” ( Lc 12, 16 -21 ).

          Với người đời đã thế còn người có đạo nếu không suy về sự chết thì việc sống đạo ấy chỉ là cái vỏ bề ngoài nhưng thực tâm họ vẫn đeo đuổi hướng chiều về thế gian không khác gì người vô đạo.

          Suy về sự chết là  điều  hết sức cần thiết cho người có đạo và điều  phải suy ấy là suy về cuộc sống đời sau.  Quả thực có  cuộc sống đời sau hay không ? Người duy vật vô thần cũng như giới khoa học thì dứt khoát phủ nhận khi cho rằng “ Việc khẳng định một số hình thức của ý thức tiếp tục tồn tại sau khi cơ thể chúng ta chết đi và tan rã thành các nguyên tử gặp phải một rào cản không cách  nào vượt qua được các định luật vật lý vốn là nền tảng cho cuộc sống hàng ngày đã hoàn toàn được rõ và chúng cho thất không có cách nào trong khuôn khổ các  định luật  đó cho phép thông tin trong bộ não của chúng ta tiếp tục tồn tại sau khi đã chết” ( Nguồn VNReview – 19/6/2018 ).

          Cho rằng ý thức sẽ biến mất cùng với sự tan rã của thân xác ( chết ). Điều ấy …đúng nếu xét con người chỉ là cái xác thân vật chất. Thế nhưng không phải vậy. Nên nhớ con người hay bất cứ sinh linh nào cũng đều gồm đủ hai phần đó là Danh và Sắc. Danh là phần vô hình được gọi là Tâm bao gồm các uẩn Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Còn Sắc là phần vật chất hữu hình.

          Khi  chết thì Sắc ( xác thân ) tan hoại còn Danh ( Tâm ) thì không mất đi. Khi sống trong thân xác  Tâm gồm đủ các phần cảm thọ ( Thọ ) tưởng nhớ ( Tưởng ) tác ý ( Hành ) và Thức ( phân biệt ). Nhưng khi chết thì chỉ còn lại Thức và khi ấy Thức đã trở thành thần thức để …đi sang thế giới bên kia tức Cõi Trung Ấm.

          Có hai trường hợp không  ở trong Cõi Trung Ấm. Một là những người tu hành đắc đạo mà người Công giáo chúng ta nói là sống trong ơn nghĩa Chúa họ sẽ vào thẳng Thiên Đàng. Hai là những người sống dầm mình trong tội, gian dâm, trộm cướp, lộng ngôn, giết người, phỉ báng  chánh pháp nếu không ăn năn trở lại họ sẽ lao mình vào Hỏa Ngục. Ngoài hai trường hợp ấy ra tất cả đều phải trải qua giai đoạn của Thân Trung Ấm.

          Theo quan điểm của Phật giáo Tây Tạng thì sau khi chết nếu không ở trong hai trường hợp vừa kể thì con người khi ấy là Thần Thức sẽ  vào Cõi Trung Ấm ( Bardo Thodol ) và sống ở đó tối đa trong khoảng thời gian 49 ngày. Cứ bảy ngày chết một lần lại sống, sống rồi lại chết trong chu kỳ 7 x 7 = 49. Thời gian 49 ngày chỉ là tượng trưng bởi vì những vong linh ở nơi ấy có thể tùy nghiệp duyên mà đi đầu thai trong sáu nẻo luân hồi bất cứ khi nào.

          Như trên đã nói Thân Trung Ấm không còn là thân vật chất ( Sắc uẩn ) nhưng nó vẫn ẩn chứa nơi mình  ( thần thức ) bốn uẩn: Thọ, Tưởng, Hành, Thức là phần tinh thần. Vì vậy tâm thức của Thân Trung Ấm rất là bén nhạy. Họ biết và …đọc được ý nghĩ của người sống nghĩ gì muốn gì hoặc sẽ chuẩn bị làm gì….

          Những vong linh sống với Thân Trung Ấm ấy cũng có tình cảm như khi còn sống bởi vậy họ hết sức đau khổ khi thấy thân nhân cha mẹ vợ con khóc lóc quanh cái thi hài mà họ vừa rời bỏ. Họ như ý muốn nói này  tôi vẫn còn …sống đây đâu đã chết đừng có khóc nữa !!!

          Thế nhưng sau nhiều lần cố nhập lại vào cái xác đang bắt đâu tan rữa ấy không được. Các vong linh này vô cùng đau khổ biết là mình…đã chết, bị gió nghiệp cuốn lôi vất vưởng lang thang trong những cảnh giới mờ mịt tăm tối, tâm trí tràn ngập bi lụy khổ đau vì không còn có chỗ để bám víu nương tựa.

          Nỗi khốn khổ lớn nhất của những vong linh ấy là họ không thể tìm lấy cho mình một nơi chốn để trú ngụ. Trước đây khi còn sống trong thân xác trên dương thế họ lấy thân xác làm…nhà. Khi đói khát thì tìm cái ăn cái uống để thỏa mãn. Khi cô đơn buồn chán thì tìm đến bạn bè để tâm sự giải khuây. Khi bị mưa bão going tố thì có nhà có chốn để trú ngụ….

          Như vậy nỗi khổ lớn nhất của những vong linh nơi Cõi Trung Ấm là không có chỗ nào …để về. Do đó họ mới cố chạy cho thoát khỏi những hình tượng quỷ ma kinh khiếp  đang rượt đuổi phía sau  những âm thanh  cuồng nộ  đang vây bủa để tìm cho được một chỗ có thể …dung thân. Cũng chính vì sự chạy trốn ấy mà họ đã bị đẩy vào trong Hỏa Ngục hoặc các cõi ngạ quỷ, súc sanh chứa đầy u mê đau khổ.

          Các vong linh sợ hãi trốn chạy những hình tượng khủng khiếp  ấy chỉ vì cho những thứ ấy …là thật mà không biết rằng  tất cả chỉ là do thức tâm biến hiện. Điều này ví như trong cơn ác mộng thấy nó là thật nhưng khi tỉnh giấc biết đó là mộng liền hết sợ.

          Tất cả đều do tâm tạo đây là chân lý vĩnh cửu. Thế nhưng con người vì u mê không biết nên đã tạo lấy cho mình  nào là tài sản, sự nghiệp nào là danh vọng  chức quyền. Đến khi nhắm mắt xuôi tay lìa đời bước vào cõi vô minh  thì những thứ  ấy  chẳng thể giúp mình có chỗ tựa nương mà chỉ  đưa mình đến chỗ đắng cay tuyệt vọng.

          Mục đích của đời sống tâm linh xét cho cùng là để giúp cho ta có nơi nương tựa cậy trông khi bước vào đời sau. Lòng cậy trông sẽ không làm ta thất vọng một khi chúng ta sống một đời sống đạo hạnh, tin những điều phải tin và cố gắng thực hiện những điều mình tin. Siêng năng lần chuỗi Mân Côi, rước Mình Máu Chúa mỗi ngày đó là  hồng ân lớn lao  Chúa dành cho những ai Ngài tuyển chọn./.

Phùng  Văn  Hóa.

Chia sẻ Bài này:

Related posts