Gần đây trên You Tube xuất hiện một bài thuyết giảng của ĐĐ Thích Nhật Từ với đề tài “ Vấn đáp về sự khác nhau giữa Phật giáo và Công giáo” Có người hỏi: Chúa Giê Su bị đóng đinh chết treo trên thập tự để cứu chuộc tội thiên hạ. Còn Đức Phật thì ngồi xếp bằng lại, khi thành Phật thì chúng sinh thành. Xin thầy giải thích cho chúng con sự khác` nhau giữa Đạo Phật và Đạo Chúa là như thế nào ?
Đại đức giảng sư trả lời đại ý: Hình phạt bị đóng đinh trên cây thập tự dành cho các tên tử tội. Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo ghi lại trong cơn hấp hối, Giê Su đã thốt lên lời này: Chúa ôi ! Sao Chúa lại bỏ con ? Đây là lời than vãn oán trách của một con người đã sống trong ảo tưởng, nghĩ mình là thiên sứ được sai xuống trần để chuộc tội cho loài người. Với lời oán trách ấy chứng tỏ Chúa Giê Su chưa sẵn sàng chịu chết. Nếu sẵn sàng thì làm sao còn thốt lên lời than vãn bi ai như vậy ? Đang khi đó chết là một quy luật không ai tránh khỏi. Đừng nói chi đến Đức Phật mà ngay cả những Phật tử chân chính cũng không ai sợ chết. Có thiền sư đã ví sanh như đắp chăn bông, tử như cởi áo hạ….
…Lại nữa thần học cho rằng Chúa chịu chết là để cứu loài người khỏi Tội Nguyên Tổ và tội này là tội…loạn luân giữa Ađam và Evà bởi vì cùng là con do một Thiên Chúa sinh ra. Nói rằng Thiên Chúa sinh ra con người thì chắc hẳn đấng ấy phải là người da trắng lại còn…đẹp trai nữa, vậy khi sinh ra ắt phải toàn là người da trắng thế nhưng sao bây giờ lại có cả những người da đen, da vàng, da đỏ v.v…Điều này chứng tỏ thuyết cho rằng Thiên Chúa sinh ra con người là phi lý ?
Với những giải thích của một đại đức tiến sĩ Phật học nổi tiếng như thế nếu không mang một ẩn ý xấu xa nào đó thì cũng hoàn toàn trái với lời dạy của Đức Phật “ Sau khi giảng cho thanh niên Bà La Môn Kapathika thì Đức Phật dạy = Này Bharadvaza nếu có người có lòng tin và nói: Đây là lòng tin của tôi. Người ấy hộ trì chân lý. Nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều. Chỉ đây là sự thật ngoài ra đều là sai lầm. Cho đến như vậy này Bharadvaza là sự hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, chân lý được hộ trì . Và cho đến như vậy chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý. Nhưng ở đây chưa phải là giác ngộ chân lý” ( Trung Bộ Kinh ).
Xúc phạm đến đức tin của người khác nhất định đó không phải là cách để hộ trì chân lý. Ngược lại còn làm tổn thương tôn giáo của mình. Làm sao có thể hiểu Đạo Phật như là đạo từ bi nếu còn có những con người mang danh Phật tử lại đi ố báng đức tin của người khác như vậy ?
Tất nhiên hộ trì chân lý là việc nên làm. Thế nhưng để có thể làm tốt công việc này thì cần hai điều kiện. Một là biết mình và hai là biết người. Binh thư Tôn Tử nói “ Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Điều này đúng cho cả quân sự lẫn tôn giáo. Thực vậy muốn tiến hành một trận đánh thì phải biết lực lượng quân địch có bao nhiêu ? Trang bị vũ khí thế nào ? Phòng thủ ra sao ? v.v…
Biết đối phương là một chuyện nhưng còn phải biết mình. Trước một quân địch như vậy thì phải có cách đánh thế nào ? Bằng loại vũ khí phương tiện gì ? Tinh thần quân sĩ mình ra sao v.v…? Đã đánh thì phải thắng nếu không chắc thắng thì nên rút lui để bảo toàn lực lượng.
Đối với quân sự, việc biết mình biết người là để dành chiến thắng. Trái lại trong lãnh vực tôn giáo thì khác. Thay cho trận đánh đó là đối thoại và trong việc đối thoại này tuy không có kẻ thắng người thua nhưng nếu không biết mình biết người thì chẳng bao giờ đi đến kết quả.
Với trường hợp của đại đức Thích Nhật Từ như vừa nêu trên chứng tỏ ông không biết gì về…người có nghĩa không hiểu chi về Đạo Chúa hay nói chính xác hơn là về Kinh Thánh. Chính bởi không biết Kinh Thánh thế nên mới nói bừa rằng Tội Nguyên Tổ là tội loạn luân giữa Ađam và Evà đồng thời phủ nhận việc Thiên Chúa tạo dựng con người. Mặt khác và đây mới là điều đáng trách đó là đã miệt thị đức tin của người Công giáo khi cho rằng Chúa Giê Su sống trong ảo tưởng và chưa…sẵn sàng chịu chết.
Những gì ông đại đức giải thích trong buổi thuyết giảng ấy chẳng những không đem lại lợi ích cho ai mà còn khoét sâu hố ngăn cách giữa Đạo Phật và Đạo Chúa. Sự ngăn cách ấy do nhiều nguyên nhân mang tính lịch sử nhưng quan hệ nhất vẫn là do không hiểu được nhau. Người theo Đạo Phật không hiểu người Công giáo và ngược lại. Lý do quan hệ bậc nhất khiến người Công giáo không thể chấp nhận Đạo Phật đó là do sự cố chấp tin vào sự hiện hữu của Đấng Tạo Hoá.
Theo người Công giáo thì việc “ Chối bỏ Đấng Tạo Hoá là tội lớn nhất của loài thụ tạo, thiên thần bị thành quỷ, loài người phải đau khổ và phải chết. Có hàng tỷ bằng chứng buốc chúng ta phải tin có Đấng Tạo Hoá. Một khi đã tin Đấng Tạo Hoá thì sẽ không bao giờ nhìn nhận có Thuyết Luân Hồi. Lý do là vì: Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ, mọi luật thiên nhiên mọi loài mọi vật hữu hình và vô hình từ hư vô. Nhưng Ngài không thiết lập luật luân hồi. Vì thế không thể có luật luân hồi trong thực tế. Vậy những ai tin vào Thuyết Luân Hồi là đã sa vào cạm bẫy của quỷ Sa Tan” ( Nguồn Lòng Thương Xót Chúa – Nguyễn Hy Vọng – Mười sai lầm của Thuyết Luân Hồi )..
Không có lời xúc phạm nào nặng hơn đối với Phật giáo khi cho rằng những ai tin vào Thuyết Luân Hồi là đã sa vào cạm bẫy của quỷ Sa Tan…!!!
Những xúc phạm của cả người theo Đạo Phật cũng như Đạo Chúa đối với nhau quả thật đã không xứng với tinh thần đối thoại cần phải có trong việc bảo vệ chân lý. Thánh Phê Rô nói “ Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến; Đức Ki Tô là Đấng Thánh hãy tôn Ngài làm Chúa trong lòng anh em. Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Ki Tô thì chính họ phải hổ thẹn vì những điều họ vu khống” ( 1Pr 3, 14 -16 ).
Để có thể trả lời cách hiền hoà và kính trọng thì điều kiện không thể thiếu đó là …biết người tức là biết những giá trị của người. Càng biết nhiều bao nhiêu thì càng có lòng kính trọng bấy nhiêu. Tuy nhiên để thực sự biết về người thì không thể không biết về mình. Người Công giáo sở dĩ không biết đến những giá trị lớn lao của Đạo Phật đó là vì đã không biết đúng về giá trị thực của đạo mình.
Nói rằng người Công giáo không biết đúng về đạo mình như thế không phải là …vô bằng. Sự thật thì niềm tin về Đấng Tạo Hoá từ lâu đã bị đổ vỡ và sự đổ vỡ ấy đã diễn ra ngay trong phạm vi thần học khi tuyên bố về Cái Chết Của Thiên Chúa ( Theologie de la mort de Dieu ).
Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu Tự Hữu ( Xh 3, 14 ) làm sao có thể…chết ? Cái mà thần học cho là Thiên Chúa chết ấy chỉ là một ý niệm nào đó về Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa như Ngài Là. Đấng Tạo Hoá trong dân gian người ta gọi là…Ông Trời và đây hoàn toàn không phải là Đấng Cha mà Đức Ki Tô mạc khải “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
Để có thể…biết Đấng Cha đúng như Ngài Là ( Ego sum qui sum ) thì nhất định cần phải có sự mạc khải của Đức Ki Tô bởi vì Ngài đã thấy biết về Cha còn chúng ta thì không “ Các ngươi chẳng từng biết Ngài. Nhưng Ta biết Ngài. Nếu Ta nói rằng Ta không biết Ngài thì Ta cũng sẽ nói dối như các ngươi vậy” ( Ga 8, 55 ).
Nhận ra như vậy để cho thấy bao lâu còn chấp nơi quan niệm Đấng Tạo Hoá thì không có cách chi đối thoại với Phật giáo. Đang khi đó duy chỉ đại thừa Phật giáo mới có những điểm tương đồng sâu xa với mạc khải của Đức Ki Tô về một Đấng Thiên Chúa Ẩn Giấu ( Deus Abconsditus ).
Nghĩa của Mạc Khải là vén tấm màn lên để chỉ cho thấy những gì còn ẩn giấu ở phía sau. Con người dù trong bất kỳ không gian thời gian nào cũng muốn tìm kiếm cho mình một nơi nương tựa chở che hầu thoát khỏi những tai ương hoạn nạn bởi thiên tai bão lụt động đất núi lửa phun, dịch bệnh hoành hành ….Cũng chỉ vì muốn tìm kiếm nơi nương tựa ấy mà con người đã sa đà vào đủ mọi loại dị đoan mê tín thần sông thần núi thần cây đa cây đề, cá sấu thuồng luồng v.v. và v.v…
Tất cả những nỗi khốn khổ vì mê lầm ấy là do đã không nhận ra Chân Bản Tính vốn có ở nơi mình. Giờ đây chỉ cần nhận biết và sống với Bản Tính ấy thì sẽ hết lo hết khổ. Dẫu vậy tự thân con người không một ai có thể nhận biết mà cần phải có những bậc cứu nhân độ thế ra đời để chỉ cho mới biết.
“ Này Xá Lợi Phất ! Sao nói rằng các Đức Phật Thế Tôn do một sự nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời ? Các Đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sanh khai Tri Kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời. Vì muốn chỉ Tri Kiến Phật cho chúng sanh mà hiện ra nơi đời. Vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ Tri Kiến Phật mà hiện ra nơi đời. Vì muốn cho chúng sanh chứng vào đạo Tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời” ( Kinh Pháp Hoa – Phẩm Phương Tiện ).
Phật là Giác ( Biết ). Vì thế Đức Phật gọi là Giác Giả tức người đã giác ngộ Bản Tính mình. Giác ở đây cũng chính là Tri Kiến Phật là cái Trí Huệ mà các Đức Phật đã tự chứng. Vì cái Trí Huệ Phật là cái sẵn có ở nơi mỗi người nhưng không một ai hay biết nên mục đích các Đức Phật ra đời là để chỉ bày cái mà các Ngài đã ngộ đã chứng đó mà thôi.
Nếu có thể vượt qua giới hạn của ngôn ngữ, định kiến chấp chước và trong tinh thần thực sự muốn đối thoại thì phải chăng chúng ta cũng có thể nói Đức Giê Su Ki Tô chính là một vị Phật trong mười phương chư Phật mà Kinh Pháp Hoa đã đề cập đến ? Các Đức Phật là những người đã chứng ngộ thì Đức Ki Tô cũng vậy khi Ngài nói “ Ta với Cha là một” ( Ga 10, 30 ).
Mỗi khi đọc Kinh Lạy Cha đó là chúng ta tuyên nhận Thiên Chúa là Cha. Thế nhưng đây có thể chỉ là việc tuyên xưng ngoài miệng chứ chưa hề sống cái điều mình tuyên xưng. Để có thể…sống cái điều tuyên xưng ấy thì phải “ Ở” trong Cha “ Ngày đó các ngươi sẽ biết Ta ở trong Cha, các ngươi ở trong Ta và Ta ở trong các ngươi. Ai giữ các điều răn Ta ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại. Ta cũng thương yêu người và tỏ chính mình Ta cho người” ( Ga 14, 20 -21 ).
“ Ngày đó” chính là ngày mà chúng ta nhận biết Chúa Giê Su và ta …ở trong nhau. Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa. Chúa tha thiết muốn…ở trong ta và để thực hiện điều này không những Ngài đã bỏ trời cao nhập thể trong cung lòng Đức Nữ Trinh Maria trở thành Emmanuel Đấng Thiên Chúa ở cùng ( Mt 1, 33 ) mà còn sẵn sàng hiến thân chịu chết để cứu thoát những kẻ tin vào Ngài “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi, nếu hạt lúa mì chẳng gieo xuống đất mà chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình. Nhưng nếu chết đi thì kết quả nhiều” ( Ga 12, 24 ).
Chúa ví mình như hạt lúa mì gieo vào lòng đất hầu mang lại sự sống đời đời cho con người. Đây chính là Chúa thực hiện nguyên lý “ Thân diệt Đạo Thành” mà người đời dù ở bất cứ thời nào phương trời nào cũng hết lời ca ngợi. Về phần mình chúng ta không những chỉ nhận biết công ơn cứu chuộc của Chúa mà còn phải theo và quyết tâm phụng sự Ngài “ Nếu ai phụng sự Ta hãy theo Ta. Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta. Nếu ai phụng sự Ta thì Cha Ta ắt sẽ quý trọng người ấy” ( Ga 12, 26 )./.
Phùng Văn Hoá