Lại có chuyện để lê cái thân vào bệnh viện. Tìm được chỗ để cất con ngựa sắt âu cũng là khó bởi lẽ ngày nào các bệnh viện cũng gặp hai chữ “quá tải”. Bước chân ra khỏi bãi xe để vào Viện thì lại thấy một khối người bán hàng rong dong duỗi trước bệnh viện để tìm kế sinh nhai …
Nhìn cái dòng đời chen chúc có khi là xô đẩy nhau để tìm sự sống, tìm kế sinh nhai thấy sao vất vả quá. Có khi họ tán tận lương tâm để trục lợi cho bản thân của mình mà quên đi vòng đời của con người thật quá ngắn. Có bon chen cho lắm giữa dòng đời thì vòng đời của mỗi người cũng sẽ khép lại vào một ngày nào đó mà không ai có thể biết.
Và rồi sau khi bỏ lại cái cổng bệnh viện để vào nơi cần đến thì người đâu ra là người. Người đông đến độ đi lại cũng khó chèn chân bước. Vì là ngày đầu tuần, bác sĩ, nhân viên, y tá … phải họp giao ban nên tiến trình khám chữa phải chờ chốc lát. Nhìn trên tay bệnh nhân những tờ giấy hồng hồng đỏ đỏ (biên lai thu phí) và khuôn mặt tiều tụy bởi lẽ phải thức từ sáng sớm nếu như ở xa. Có người phải rời quê nhà từ đêm hôm trước hay rạng sáng hôm nay mới có thể có một chỗ để khám bệnh.
Chờ và đợi những người có khả năng để cân chỉnh sức khỏe của mình lại một chút. Cả người khám lẫn người được khám cũng phải mỏi mệt với hàng đống thủ tục không thể bỏ bớt. Để lo cho một bệnh nhân vốn dĩ đã rườm rà nay lại càng rườm rà hơn bởi những thủ tục mà người ta cứ vơ vào cho đủ bộ.
Rời chân bước bệnh viện quen thuộc để đến một nơi mà lâu lắm chưa có dịp đến. Sức khỏe không ổn nên đành phải tìm đến người có chuyên môn.
Cũng như ở cái bệnh viện kia, tìm chỗ để cho con ngựa sắn an vị không phải là chuyện dễ. Lê bước lên sảnh chung để chờ đăng ký khám thì không thể tưởng tượng những gì đang diễn ra trước mắt của mình nữa. Người đâu ra là người và không thể tưởng được bệnh nhân đâu ra nhiều đến thế.
Chiều đến, xong công việc khám chữa và trở lại với quê nghèo trên chuyến xe chòng chành vì đường xấu bỗng dưng lại nghĩ đến cái dòng đời ngược xuôi. Cũng khó có thể ra khỏi nội thành để bò ra cao tốc bởi lẽ người đâu ra mà nhiều đến thế.
Dòng đời nó ngược xuôi để rồi vòng đời của con người dù muốn dù không cũng không thể thoát khỏi cái vòng định mệnh của cuộc đời : sinh – lão – bệnh – tử !
Con người, khi lọt lòng mẹ được cha mẹ cho bú mớm dưỡng nuôi và cho thành người. Lớn lên, đứa trẻ lao đầu vào chuyện đi tìm vài con chữ. Kẻ may mắn thì học cao biết rộng, kẻ kém thì lại phải lam lũ để kiếm cơm bằng đôi bàn tay nhỏ bé. Tất cả, dù giàu, dù nghèo cũng không thoát khỏi kiếp long đong của phận người giữa cơn lốc của đồng tiền, của sức khỏe …
Ngồi trên xe, người phụ nữ ngồi ở dãy bên kia năm nay hơn kém ngoài năm chục. Bà điện thoại cho người con gái báo cho biết rằng sáng giờ chi phí khám và thuốc đâu gần 5 triệu ! Nghe thấy con số 5 triệu sao mà đau xót quá ! Với thu nhập của người dân quê nghèo thì quả là lớn quá !
Thế đó ! Cuộc đời rồi cuối cùng cũng chạy đến để đi tìm sức khỏe. Nay, bản thân tôi chưa già nhưng cũng không còn trẻ vẫn nghiệm ra rằng điều quý hơn cả vẫn là sức khỏe chứ không phải là tiền sau một lần choáng nặng. Tất cả cuối cùng đời con người vẫn tìm và giữ cho mạng sống, cho sức khỏe của mình và níu kéo cho đến hơi thở cuối cùng.
Trong cái dòng đời và vòng đời của con người có kẻ may mắn và cũng có kẻ không có duyên với đời. Quanh ta vẫn còn đó có những kẻ ăn không hết nhưng rồi không thiếu kẻ lần không ra. Có kẻ thì phung phí cho những chuyện chẳng đâu vào đâu và chỉ là mua danh khoe mẽ. Ngược lại, có những kẻ đời mãi nghèo và nghèo hơn khi vướng vào đau khổ của bệnh tật.
Nhìn đời, nhìn người … dòng đời và vòng đời của con người cũng chỉ là cuộc hành hương trong cõi tạm này mà thôi. Nói như thế, nghĩ như vậy để rồi mình thanh thản mà sống với đời, quên đi hận thù chia rẽ để thay vào đó là tấm lòng bao dung và tình yêu thương dành cho anh chị em đồng loại.
Nói như thế không phải là chuyện dễ bởi lẽ con người vẫn mãi muốn bám víu với danh vọng và tiền tài. Thế nhưng, ai nào đó hơn một lần chạm đến cái chết thì mới thấy vòng đời của mình thật ngắn để rồi ta hãy sống sao đó cho dòng đời của mình được êm ả để vòng đời của mình khi khép lại được thanh thản và bình an.
Huệ Minh