Chúa Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin.” (Mátthêu 21: 31– 32).
Lời tuyên bố này của Chúa Giêsu, đối với các trưởng lão và các thầy thượng tế, thật khó tin. Ngài đã đưa ra một tuyên bố gây sốc cho các nhà lãnh đạo tôn giáo chung quanh Ngài. Ngài nói: “Những người thu thuế và những cô gái điếm đang vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”
Chúa Giêsu đã nói dụ ngôn này với các nhà lãnh đạo tôn giáo chung quanh Ngài. Vào lúc đó họ đang tìm lý do để buộc tội Ngài. Dụ ngôn này rất đơn giản và rõ ràng, kể về một người cha bảo cả hai người con trai của mình đến vườn nho của mình để làm việc. Người con trai đầu tiên từ chối nhưng sau đó anh ta thay đổi ý định và đến vườn nho của cha mình. Người con thứ hai nói “Con đi” nhưng không bao giờ tuân theo lệnh đi đến vườn nho của cha mình.
Người con trai đầu tiên đại diện cho những cô gái điếm và những người thu thuế – những người bị coi là tội nhân công khai vào thời điểm đó. Người con trai thứ hai đại diện cho những người Pharisêu, các kinh sư và những luật sĩ – họ là những người theo đạo. Bây giờ, bạn hãy nghĩ xem ai có khả năng vào Nước Thiên Chúa. Trong câu 31, chính Chúa Giêsu đã tuyên bố gây sốc cho các nhà lãnh đạo tôn giáo đang vây quanh Ngài: “Những người thu thuế và những cô gái điếm đang vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”
Chà, chắc chắn ở đây Chúa Giêsu không có ý nói rằng việc mại dâm cho phép người ta, ai cũng được vào Nước Thiên Chúa. Ngài không bao giờ tán dương mại dâm và thu thuế quá mức tôn giáo yêu cầu và thoát ra khỏi tinh thần phục vụ. Dụ ngôn này không nhằm so sánh giữa gái điếm và người Pharisêu. Thay vào đó, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này để dạy chúng ta những chân lý quan trọng nhằm sửa chữa một số lỗi thường gặp trước khi được vào Nước Thiên Chúa. Dụ ngôn này dạy chúng ta rằng:
Thiên Chúa ước mong mọi người vào Nước của Ngài
Người cha trong dụ ngôn ra lệnh cho các con trai đi làm việc trong vườn nho của ông. Lưu ý rằng lệnh “đi làm” là một mệnh lệnh nhấn mạnh. Ông ra lệnh đơn giản, thẳng thắn và rõ ràng. Điều đó có nghĩa là người cha thực sự cố ý nói những gì ông đã nói. Ông nói rõ với các con trai rằng ông muốn chúng ở trong vườn nho của mình. Ông không muốn thấy chúng ở bất cứ nơi nào khác ngoài vườn nho của ông. Như thể người cha không còn lựa chọn nào khác cho các con trai của mình. Chỉ có một nơi mà ông muốn các con trai của mình có mặt – vườn nho này.
Chúng ta hãy xét đến điều này: người cha trong dụ ngôn đại diện cho Thiên Chúa yêu thương. Ngài muốn mọi người trên thế giới này vào Nước của Ngài. Trên thực tế, Ngài không nghĩ đến lựa chọn nào khác cho mỗi con người mà Ngài đã tạo ra theo hình ảnh của chính Ngài ngoài việc họ được ở trong Nước của Ngài. Thiên Chúa muốn mọi người thuộc về gia đình của Ngài; Ngài muốn họ trở thành công dân trong Vương quốc của Ngài. Thiên Chúa không muốn họ ở bất cứ nơi nào khác ngoài Vương quốc của Ngài. Như vậy, lời mời gọi vào Vương quốc của Thiên Chúa đã được công bố. Vì vậy, Thiên Chúa kêu gọi và sai tôi tớ của Ngài đi công bố lời mời của Ngài cho mọi người.
Điều này sửa chữa lối suy nghĩ rằng Thiên Chúa giống như một kẻ chuyên quyền giận dữ, lên án tất cả những người mà ông không thích. Thay vào đó, Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là một Thiên Chúa yêu thương và nhân từ, Ngài muốn mọi người trên hành tinh này được cứu độ và không bị lên án. Hỏa ngục không phải là lựa chọn của Thiên Chúa dành cho những người tội lỗi. Hỏa ngục là lựa chọn của chính tội nhân cho chính mình. Hãy nhìn vào câu chuyện ngụ ngôn: người cha triệu tập các con trai của mình đi làm ở vườn nho nhưng ông không bao giờ buộc họ phải vâng lời. Điều này cho chúng ta biết rằng mỗi người phải chịu trách nhiệm về quyết định và câu trả lời của mình trước lời mời gọi của Thiên Chúa.
Thiên Chúa mở rộng lời mời của Ngài đến tất cả mọi người.
Chúng ta thấy trong dụ ngôn người cha lần lượt đến với các con trai của mình và bảo họ đi đến vườn nho của ông. Ông không chỉ đến với người con cả hay người con út, ông đến với cả hai người. Ông không bao giờ để người nào, dù nhỏ tuổi nhất hoặc lớn tuổi nhất, không được kêu mời. Chắc chắn, người cha biết rõ các con trai của mình vì mọi thứ trong mối tương quan cha con ông đều có thể đoán trước được. Ông biết các con trai của mình rất rõ. Ông biết tính cách của họ. Ông biết sở thích cá nhân của họ. Nhưng bạn thấy đấy, người cha không bận tâm đến những gì các con trai của mình đang làm và đang quan tâm vào lúc này, và ông không yêu cầu họ phải đáp lại ông như thế nào. Tình cảnh cá nhân của những người con trai không hề khiến người cha có những hành động thiên vị hoặc ngăn trở việc triệu tập họ. Ông chỉ đơn giản là đến với cả hai người và bảo họ hãy đi làm ở vườn nho của ông.
Điều này sửa chữa lối suy nghĩ sai lầm rằng Thiên Chúa tuyển chọn có chọn lọc. Thiên Chúa thực sự kêu mời cả người tốt lẫn kẻ xấu đón nhận ơn cứu độ. Ngài kêu mời cả những người theo đạo và những người ngoại giáo, người Do Thái và dân ngoại, đón nhận ơn cứu độ, như sách Công vụ Tông đồ nói: “Thiên Chúa không thiên tư tây vị, ai kính sợ Ngài, thực hành đức công chính đều được Ngài vui lòng đón nhận” (Cv 10, 34). Thiên Chúa thậm chí còndành sự ưu ái hơn cho những kẻ tội lỗi, như chính thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Rôma, “Trong khi chúng ta còn là tội nhân, Chúa Kitô, theo kỳ hẹn, đã chết vì chúng ta là kẻ có tội” (Rm 5: 8). Đây là một lời dạy gây sốc đối với người theo đạo Do Thái nói chung vì họ nghĩ rằng họ là dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn và tất cả mọi người không phải là người theo đạo Do Thái đều bị Thiên Chúa nguyền rủa và từ chối. Và điều đó càng làm cho những người Pharisêu bị sốc vì họ nghĩ rằng họ có địa vị thánh thiêng hơn bất cứ người nào – vì họ không chỉ là người theo đạo Do Thái mà còn là những người bảo vệ lề luật Do Thái giáo do Môsê truyền lại theo lệnh của Thiên Chúa. Hơn nữa, họ sống một đời sống tôn giáo rất nghiêm ngặt. [1]
Những người thu thuế và những cô gái điếm có thực sự vào Nước Trời trước những nhà lãnh đạo tôn giáo này không? Chúa Giêsu có thực sự nói rằng sự thánh thiện của những cô gái điếm và những người thu thuế đã thực sự vượt qua sự thánh thiện của những nhà lãnh đạo tôn giáo này không? Chúa Giêsu chắc chắn đã nói như vậy!
Đặc biệt là sự kiêu ngạo của các nhà lãnh đạo tôn giáo này đã khiến họ khó chấp nhận những lời này của Chúa Giêsu là đúng. Họ nghĩ bản thân họ cao vời và mong đợi người khác cũng nghĩ họ cao vời như vậy. Họ tin chắc mình là công chính. Đó là một hình tượng xấu xí.
Nhưng Chúa Giêsu đã loại bỏ tất cả những điều này bằng cách nâng những người thu thuế và những cô gái điếm lên Nước Trời. Thật là một “cái tát vào mặt” đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo. Nhưng đó là một cái tát mà họ cần vì lợi ích của chính tâm linh của họ.
Suy nghĩ đúng đắn nhất mà chúng ta có thể nhận được từ điều này là suy nghĩ về loại người mà chúng ta dễ dàng có mối liên hệ. Bạn có liên hệ gì với các nhà lãnh đạo tôn giáo tự hào của thời đó không? Hay bạn liên quan nhiều hơn đến những người thu thuế và những cô gái điếm? Có lẽ thật khó để thừa nhận mình có liên quan đến nhóm nào trong cả hai nhóm đó. Có lẽ người ta có xu hướng muốn tự nhận mình là người tốt lành và chính trực mà không thừa nhận bất cứ điểm yếu hoặc tội lỗi cá nhân nào. Nhưng ở đây không phải là chuyện Chúa Giêsu dạy cho chúng ta chọn nhóm này hoặc nhóm nọ.
Sự thật là tất cả chúng ta cần phải thấy mình nằm trong nhóm những người thu thuế và gái điếm. Tại sao thế? Bởi vì tất cả chúng ta đều là tội nhân. Không, chúng ta có thể không mắc phải tội lỗi như họ, nhưng chúng ta có tội và chúng ta phải thừa nhận điều đó. Và trên thực tế, nếu chúng ta không thể thừa nhận sự yếu đuối và tội lỗi của mình, chúng ta không khác gì các trưởng lão và các thầy thượng tế. Chúng ta cũng mắc kẹt trong thói kiêu hãnh của chính mình và tự cho mình là công chính.
Hôm nay, hãy suy tư về loại người mà bạn cho là mình gần gũi nhất. Nếu bạn khó lòng thấy mình là tội nhân như những cô gái điếm và những người thu thuế, thì có lẽ bạn đã mắc phải tội kiêu ngạo mà các nhà lãnh đạo tôn giáo đã mắc phải. [2]
Thánh Phaolô trong thư gửi Philêmon đã viết: “Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang. Mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự ” (Pl 2, 6-8).
Ngài khuyên tín hữu trong thư Côrintô: “Trong thư đã gửi cho anh em, tôi có viết là đừng đi lại với những kẻ dâm đãng. Tôi không có ý nói chung về mọi người dâm đãng ở thế gian này, hay về mọi kẻ tham lam trộm cắp, hoặc mọi kẻ thờ ngẫu tượng, vì nếu vậy, anh em phải ra khỏi thế gian này! Không, khi viết thế, tôi muốn nói với anh em là đừng đi lại với kẻ nào mang danh là người anh em mà cứ dâm đãng, tham lam, thờ ngẫu tượng, quen chửi bới, say sưa rượu chè, hoặc trộm cắp; anh em cũng phải tránh đừng ăn uống với con người như thế” (1 Cr 5,9-11).
Trong chương kế tiếp Ngài nhắc nhở họ rất cụ thể về các thứ tội vốn tràn lan thời ấy: “Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, trụy lạc, nam giới giao cấu với nhau qua hậu môn, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa, rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (1 Cr 6,5-10).
Thánh nhân không coi thường sự nghiêm trọng của các hành động tội lỗi được kể ra trong các thư khác nhau gửi các giáo đoàn. Nhưng Ngài chỉ ra nguồn gốc của các tội lụy ấy, đó là sức mạnh thù nghịch và chống lại chương trình cứu độ của Thiên Chúa: “Vì tên ác thần của đời này đã làm cho tâm trí họ ra mù quáng, khiến họ không thấy bừng sáng lên Tin Mừng nói về vinh quang của Chúa Kitô, là hình ảnh Thiên Chúa” (2 Côrintô 4:4).
Nhưng tội lỗi và các hậu qủa của nó được phép có mặt là để Chúa Kitô chiến thắng chúng. Đối với thánh Phaolô chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi là chiến thắng tuyệt đối. Thánh Phaolô kêu gọi các Kitô hữu chết đi cho tội lỗi để trở thành một con người mới cùng với Chúa Kitô phục sinh: “Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng.” (Rôma 6,14). Như vậy, ”Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi cho những ai yêu mến Người” (Rôma 8,28), kể cả tội lỗi, bởi vì “ không ai là người hoàn hảo.”
Đó là lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày 10/04/2019, khi Ngài lưu ý rằng: Thái độ nguy hiểm nhất trong đời sống Kitô giáo là sự kiêu ngạo. Đó là thái độ của những người đứng trước Thiên Chúa và nghĩ rằng mọi điều mình làm luôn đúng, đối với Chúa: người kiêu ngạo tin rằng anh ta không có sai lỗi nào. Giống như người Pharisêu trong dụ ngôn, ở trong đền thờ và nghĩ đến việc cầu nguyện, nhưng thực tế là ông ta tự khen ngợi mình trước mặt Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa, bởi vì con không những người khác”. Những người cảm thấy mình hoàn hảo, những người phê bình chỉ trích người khác, là những người kiêu ngạo. Không ai trong chúng ta là người hoàn hảo.
Trái lại, người thu thuế, đứng ở cuối đền thờ, một tội nhân thất vọng về chính mình, dừng lại ở ngưỡng cửa đền thờ, cảm thấy mình không xứng đáng đi vào đền thờ và tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu nhận định: “Người này, khác với người kia, khi trở về nhà đã được nên công chính” (Lc 18,14), nghĩa là được tha thứ, được cứu độ. Tại sao? Bởi vì ông ta không kiêu ngạo, bởi vì ông ta nhận ra những giới hạn và tội lỗi của mình.
Theo Đức Thánh Cha, trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là tội nhân, và chúng ta có lý do để đấm ngực, như người thu thuế ở đền thờ. Thánh Gioan viết trong thư thứ nhất của ngài: “Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Gioan 1,8). Nếu bạn muốn lừa dối chính mình thì hãy nói rằng bạn không có tội: bạn đang lừa dối.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Chúng ta thử lắng nghe câu chuyện của người nào đó đã hành động sai lầm: một tù nhân, một người bị kết án, một người nghiện ma túy… chúng ta biết rất nhiều người sai lầm trong cuộc sống. Không kể đến trách nhiệm, vốn luôn là của cá nhân, đôi khi bạn tự hỏi ai là người có lỗi trong sự sa ngã của người này, có phải chỉ là lương tâm của anh ta, hay là lịch sử của sự thù hận và sự bỏ rơi mà người đó đã trải qua.” [3]
Truyện kể rằng trong cơn hấp hối, thánh Đa Minh, đấng sáng lập Dòng Đa Minh, nói với các thầy: “Cha không hiểu tại sao Chúa không giáng lửa xuống thiêu đốt làng mạc này vì nó đang chứa một người tội lỗi nhất trong thiên hạ?”
Các thầy ngơ ngác nhìn nhau. Một thầy cúi xuống sát tai thánh Đa Minh, hỏi: “Lạy Cha thánh, xin cha cho chúng con biết người tội lỗi ấy là ai để chúng con tìm cách đưa họ về đàng lành.”
Thánh Đa Minh bình thản trả lời, rõ từng tiếng: “Người tội lỗi ấy, chính là cha.”
Các thầy lại càng ngẩn ngơ, không hiểu được ý của Đấng sáng lập dòng mình. Thánh Đa Minh liền giải thích : “Nếu có một người nào tội lỗi nhất trong thiên hạ, mà được ơn Chúa dồi dào như cha xưa nay, thì người đó sẽ nên thánh bằng mấy ngàn lần cha đây!” [4]
Trong Mùa Vọng, Giáo hội mời gọi con cái của mình nhớ lại và tin tưởng rằng: Thiên Chúa không hề bỏ rơi con người trong tình trạng tội lỗi và sự chết, nhưng đã hứa ban Đấng Cứu Độ để cứu chuộc nhân loại. Trong ngày Lễ Giáng Sinh, Giáo hội lại mời gọi con cái của mình suy ngắm chương trình cứu độ mà Thiên Chúa vốn đã hứa trong dòng thời gian lịch sử qua các tổ phụ, qua các tiên tri, và nay Ngài thực hiện qua việc sai Con Một của mình xuống trần gian, sinh làm con Đức Trinh Nữ Maria, hầu giải thoát con người khỏi tội lỗi.
Chúng ta hãy cố gắng cầu nguyện xin cho được sự khiêm nhường. Hãy cầu nguyện xin cho mình thấy chính mình như Chúa thấy. Chỉ dưới ánh sáng của sự thật này, chúng ta mới tìm thấy tự do.
Lạy Chúa, xin hãy làm cho lòng con đầy tâm tình khiêm nhường. Và trong sự khiêm nhường đó, xin giúp con nhìn lại chính mình thật sự là ai. Xin giúp con nhìn thấy tội lỗi của mình nhưng là để thấy rằng con đang khao khát tìm đến Chúa. Xin giúp con hướng về Chúa ngay trong tội lỗi của mình và cảm nghiệm được niềm vui và sự tự do của những người đang bước vào Vương quốc của Ngài. Lạy Chúa, con tín thác nơi Chúa. Amen.
Phêrô Phạm Văn Trung biên tập.
Chú thích:
[1] sermoncentral.com
[2] catholic-daily-reflections.com
[3] Tất cả chúng ta đều là tội nhân và cần sự tha thứ https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-04/
[4] giaophanvinhlong.net/130-Cau-Chuyen-Nha-Dao.html