DỤ  NGÔN  NƯỚC  TRỜI  VÀ … DUY  THỨC

          Sau khi nghe Chúa Giê Su rao giảng Dụ Ngôn Nước Trời, các môn đệ hỏi: “ Sao Thầy lại dùng Dụ Ngôn mà nói với họ ?. Ngài đáp: Bởi vì  các  ngươi  thì được ơn hiểu biết các  mầu nhiệm Nước Trời  còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa. Còn ai không có thì  ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi mất” ( Mt 13, 10 -12 ).

          Tại sao chỉ  các môn đệ mới hiểu được mầu nhiệm Nước Trời  còn người đời thì không ? Bởi vì để có thể nhận biết mầu nhiệm lớn lao ấy thì cần  hai điều kiện. Một là lòng tin hai là việc sám hối ăn năn:“ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần đến. Các ngươi hãy ăn năn, sám hối và tin vào Tin  Mừng” ( Mc 1, 18 ).

          Dù chỉ thiếu một trong hai điều kiện ấy thì mầu nhiệm cũng không sao hiểu được. Đang khi đó giáo hội hiện nay chẳng những đức tin… tàn lụi mà đạo đức  cũng  lung lay suy đồi !!! Tình trạng  suy đồi đạo đức ấy  diễn ra khắp nơi cả bên trong lẫn bên ngoài giáo hội. Bên trong thì giáo hội thối nát  với những vụ ấu dâm tai tiếng của hàng giáo sĩ và làm cái cớ cho Tiến Trình Công Nghị Đức hô hào bãi bỏ luật độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, đòi quyền kết hôn cho người đồng tính v.v…

          Bên ngoài xã hội thì…khỏi nói, riêng tại Việt Nam  trong thời gian vừa  đây đã xảy ra những  vụ việc kinh khủng: Con gái cố tình đầu độc giết cha bằng  chất cyanua chỉ vì người cha ấy đã cấm cản  không cho  học một ngành mà nó  không thích !!!. Lại có ba cô con gái vì tranh trấp quyền thừa kế đất đai  đã đang tâm dùng xăng đốt nhà mẹ đẻ. Đến nay cả bà mẹ và hai cô con gái  lớn  đều đã chết trong  cực kỳ đau đớn sau hai tháng nằm viện !!!

          Nguyên nhân sâu xa khiến đưa đến tình trạng mất đức tin và đạo đức suy đồi như thế là bởi đây là thời Tục Hóa Tôn Giáo ( Laicite). Đang khi  tôn giáo là Con Đường Thực Hiện Tâm Linh thì nay lại biến thành Giải Thiêng ( Desacralisation ). Chính điều ấy đã khiến con người  không còn  nơi nương tựa trong thế giới trần tục, ảo hóa này  nữa !

          Con người trong bất kỳ không gian, thời gian nào cũng cần có nơi chốn để nương tựa và đây chính là  lý do xuất hiện của các đấng thần linh. Thế nhưng sự nương tựa ấy đối với các loại tín ngưỡng nói chung và giáo hội Công giáo nói riêng  một khi đã bước vào Con Đường Tục Hóa  thì  rất  khó để  tồn tại.

          Con người chỉ có thể sống và phát triển  hài hòa trong một thế giới được xây đáp bằng lòng tin. Thế nhưng để có được lòng tin chân thật ấy thì cần  biết mình là ai ? Sống trên đời này để làm gì và chết rồi đi đâu ? Để có thể trả lời thỏa đáng cho ba vấn nạn triết học đông tây kim cổ  ấy, thiết nghĩ chúng ta cần tìm ở  Duy Thức Học hay còn gọi là Pháp Tướng Tông của Đại Thừa Phật Giáo.

          Chính vì tính chất quan hệ trong việc hiểu biết Duy Thức, thế nên  Đường Đại Viên, tác giả cuốn Duy Thức Phương Tiện Đàm nói: “ Người học Phật vì không hiểu Duy Thức  nên Phật Pháp suy đồi. Kẻ thế tục vì không hiểu Duy Thức  nên khinh báng Phật. Quốc gia vì không hiểu Duy Thức  nên rối loạn. Nhân loại vì không học Duy Thức mới đảo điên” ( Duy Thức Học – HT Thích Thiện Hoa biên dịch ).

          Tính chất quan hệ của Duy Thức Học trong đời sống nhân sinh là như thế  nhưng thực ra  nó có liên quan gì đế Dụ Ngôn Nước Trời của Đức Giê Su Ki Tô ? Xin thưa là…có  bởi vì  Nước Trời mà Ngài rao giảng là một Thực Tại Tâm: “ Người Pharisi hỏi Chúa Giê Su về Nước Trời chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước Trời không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không  thể nói: Đây này hay đó kia, vì này Nước Trời ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

          Đức Ki Tô rao giảng về một thứ Nước Trời mầu nhiệm nội tại, thế nhưng thần học lại phủ nhận điều ấy bằng cách thay chữ “ở trong” bằng  “ở giữa”  thế này: “ Có người dịch ở trong các ông nhưng dịch như thế  có thể làm người ta hiểu lầm  rằng Triều Đại Thiên Chúa chỉ là một việc nội tâm và riêng tư. Đối với Đức Giê Su, Triều Đại Thiên Chúa dành cho toàn Dân Chúa và đã là một thực tại đang hoạt động để cứu độ loài người. Các ông có thể đạt tới được” ( Xem chú thích ( b ) LC 17, 20 -21 ) Bản dịch Tân Ước của Nhóm PV các giờ kinh 1994 ).

          Nguyên nhân đưa đến có sự thay đổi từ “ Ở trong các ông” sang “ Ở giữa các ông” là do ảnh hưởng sâu đậm của  trào  lưu  Tục Hóa. Nước Trời mầu nhiệm lại đã biến thành Triều Đại Thiên Chúa. Giữa Nước Trời mà Đức Ki Tô rao giảng  và Triều Đại Thiên Chúa  của thần học là một khác biệt sâu xa và triệt để. Một đàng là Thực Tại Mầu Nhiệm mà mỗi người cần thể nhập. Một đàng chỉ là một thứ khái niệm xuông chẳng liên quan gì đến Tin Mừng của Đức Ki Tô !!!

          Triết/ Thần học Duy Lý xưa nay vẫn được coi là một thứ khôn ngoan cần học hỏi. Thế nhưng như nhà đạo học Tây Tạng  Petrul Rinpoche nói:  “Cái Tâm Duy Lý có vẻ hay đấy nhưng chính nó lại là hạt giống của mê lầm” ( Tạng Thư Sống Chết ).

          Tại sao Duy Lý lại là hạt giống của sai lầm ? Bởi  theo Kinh Thánh đó  chính là Tội Nguyên Tổ  mà  Đức Chúa Gia vê đã cấm: “ Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến. Vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).

          Tội Nguyên Tổ trước nay  vẫn là vấn đề…hóc búa của thần học, không ai dám đụng chạm, héo lánh tới. Lý do là vì người ta không hiểu tại sao Thiên Chúa lại cấm không  được phân biệt thiện ác ? Phân biệt điều thiện để làm, còn  điều ác để tránh đó  là  tốt chứ sao lại cấm ? v.v…

          Để có thể hiểu “cái tội” dường như phi lý ấy. Chúng ta một lần nữa  không thể không viện dẫn đến Duy Thức Học. Chỉ trong môn này, vấn đề Tội  Nguyên Tổ mới có thể làm cho sáng tỏ. Theo Duy Thức Học, tất cả sự vật trong vũ trụ này vẫn không nhất định là cái gì hay vật gì cả. Chỉ do “Thức” này nó có tác dụng hay nhận thức phân biệt các vật như thế này hoặc như thế kia in tuồng như…thật có. Thế nhưng những cái gọi là…thật có ấy chỉ là do Thức biến hiện chỉ là giả tướng mà thôi cho nên gọi là Duy Thức. Nói chữ “Duy” nghĩa là  ngoài Thức ra không có gì khác nữa !

          Tất cả muôn sự muôn vật trong vũ trụ này đều do Thức biến hiện hay nói cách dễ hiểu là…đặt tên cho. Sở dĩ có tên gọi mặt trời là để phân biệt với những cái không phải là mặt trời chẳng phải như là sông là núi….Nếu không quy ước đặt tên như thế thì khi muốn nói về mặt trời thì biết chỉ về cái gì ?

          Lại nữa cùng một con người nhưng do phân biệt, bà vợ gọi đó là chồng, những đứa con gọi là bố. Những đứa cháu nội gọi là ông nội, những đứa cháu ngoại gọi là ông ngoại…v.v…Tóm lại những vật thể dù to lớn như mặt trời hay nhỏ nhít như trái ổi, trái xoài, con vi trùng Amip ….đó chỉ là những cái tên  do con người từ bao đời  đã đặt ra vậy thôi chứ trong thực chất chúng  chỉ là một.

          Con người ta sống luôn luôn là sống trong sự phân biệt nhưng cũng vì  sự phân biệt đó, chúng ta đã đánh mất thực tại như nó là. Nhìn một bông hoa mà không khởi niệm phân biệt đẹp xấu thì đó là  đang sống với thực tại…hoa ! Như đã biết mục đích của Duy Thức Học là để cho ta nhận thức  cách  rành rẽ  chi ly về hành tướng  của muôn sự muôn vật hầu  từ đó có thể nhận ra sự thật ở nơi chính mình.

          Duy Thức Học chia ra tám Thức gọi là  Bát Thức Tâm Vương. Năm Thức đầu gồm: Mắt, Tai,Mũi, Lưỡi, Thân  có hình tướng ở nơi Thân Căn gọi là Tiền Ngũ Thức.Ba Thức sau, sâu kín bên trong là Ý Thức, Mạt Na Thức và A Lại Da Thức. Ba Thức này mỗi Thức có một công năng khac nhau nhưng chúng tương quan với nhau rất là chặt chẽ.

          Khi năm Căn tiếp xúc với năm trần ( Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc ) thì Thức thứ sáu này khởi phân biệt tốt xấu, hay dở, phải quấy, hơn thua…Thức thứ bảy ( Mạt Na Thức ) là Thức Chấp Ngã, thâu lượm vào những cái vừa ý và đẩy ra những cái không vừa ý nên nó còn có tên là Truyền Tống Thức. Thức thứ tám  A Lại Da Thức là một cái kho để Thức thứ bảy đem vào cất chứa hạt giống lành, hạt giống ác  để chờ ngày đủ duyên thì gieo gặt.

          Trong tám Thức ấy thì Thức thứ sáu ( Ý Thức ) là quan trọng nhất: Công ở nó mà tội cũng ở nó ( Công vi thủ, tội vi khôi ). Là tội khi nó chấp ngã, là công khi  biết bỏ Cái Tôi đi ( Vô Ngã ). Thần học vì lấy lý trí làm căn bản  thế nên gọi là Duy Lý. Đang khi đó với triết học Kant đó chính là  Cái Tôi Tưởng ( Le Je Pense ).

          Với tất cả những Cái Tôi Tưởng ấy  đều do Ngã Chấp hình thành thế nên đó chỉ là trò dối gạt của quỷ ma. Có lần Chúa Giê Su đã vạch mặt chỉ tên đứa lừa dối đó. Ngài nói với dân Do Thái: “ Tại sao các ngươi không hiểu lời Ta  ? Ấy là vì  các ngươi chẳng thể nghe đạo Ta. Các ngươi ra từ cha các ngươi là ma quỷ và các ngươi muốn làm theo tư dục của cha các ngươi. Từ ban đầu  nó là kẻ giết người, chẳng đứng trong sự thật vì trong nó không có sự thật đâu. Khi nó nói dối thì tự mình nó nói vì nó  vốn là kẻ nói dối và là cha của sự ấy” ( Ga 8, 43 -44 ).

          Lý do khiến người Do Thái xưa kia cũng như con người ngày nay không hiểu được Lời Chúa  là vì đã…không nghe được Tin Mừng của Ngài. Nghe Tin Mừng là điều hết sức quan trọng, do đó mỗi lần rao giảng xong Chúa  đều đưa ra kết luận như một…công thức “ Ai có tai nghe, hãy nghe ). Thật ra người bình thường ai mà chẳng…có tai nhưng nghe như thế nào  để  sinh ơn ích đó mới là vấn đề.

          Nếu nghe với Tâm Phân Biệt tức chia lòng chia trí thì tai nọ lọt tai kia, chẳng ích lợi gì. Trái lại nghe với Tâm Vô Phân Biệt rức không còn ngã chấp nữa thì tất cả những gì chúng ta nghe  sẽ được đưa vào Tạng Tâm  chất chứa hạt giống Lời Chúa  sẽ sinh vô vàn ơn ích !

          Nghe cái gì sẽ được cái đó, khổ hay vui tất cả đều do cái nghe. Nghe tiếng thế gian  sẽ bị thế gian lôi cuốn vào vòng thị, phi phiền não. Ngược lại nghe Lời Chúa với Tâm Vô Phân Biệt sẽ được hạnh phúc, an vui ! Lời Chúa qua Tin Mừng của Đức Ki Tô là lời hằng sống mang tính siêu xuất thế gian ( Vô Lậu ). Bởi đó Lời Chúa giống như  những hạt ( chủng tử ) gieo vào Tạng Tâm ngày này tháng khác sẽ tạo cho mình một cái Nghiệp Lành tối thượng.

          Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng và Ngài truyền cho mỗi người: “ Luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết. Rồi từ đó Tin Mừng về Nước Trời đã được rao giảng ra. Ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ). Chúa nói phải nỗ lực mà…vào thì Vào ở đây chính là thể nhập Lời Chúa  vào trong tâm tưởng mình.

          Làm sao để thể nhập Lời Chúa vào trong tâm tưởng mình ? Đây quả là vấn đề cốt yếu của việc sống đạo. Thật vậy, theo đức cố hồng y F.X Nguyễn Văn Thuận, Hội Thánh hiện đang trải qua cơn khủng hoảng trầm trọng mà nguyên nhân của nó chính là vì đã hạ giá  việc cầu nguyện ( ĐHV 134 ). Hạ giá không phải là… bỏ cầu nguyện  nhưng là không nhận ra tính chất cần thiết của việc cầu nguyện và khi đã không nhận ra tính chất  cần thiết của nó  thì tất nhiên cũng chẳng ai còn cầu nguyện làm gì ?

          Sở dĩ cầu nguyện là  cần thiết bởi vì cầu nguyện chính là…thể nhập  còn thể nhập theo Duy Thức đó chính là Huân Tập. Do huân tập mà người này khác với người kia trong  tính cách của mình. Một người chỉ huân tập những thói hư tật xấu như cờ bạc, rượu chè, nói năng thô lỗ, hút sách ….hẳn nhiên là phải khác với những người sống hiền hòa, khiêm nhường, kính trên nhường dưới v.v…

          Tính cách khác nhau ấy còn thể hiện ở nơi người có…tu tập và người không, bởi vậy trong Tam Tự Kinh có câu: “ Tánh người gần nhau nhưng vì tập luyện nên xa nhau” ( Tánh tương cận, tập tương viễn ). Theo Duy Thức, con người  có ba loại tánh khác nhau. Một là  tánh thiện hai là tánh ác và ba là tánh không thiện không ác. Tu tập là chuyển từ tính ác hoặc không thiện không ác sang tính thiện.

          Mang tính ác  thì tất không sao tránh khỏi  làm việc ác mà làm việc ác  thì không cách chi khỏi khổ đau. Trái lại mang tính thiện sẽ làm được việc thiện mà làm việc thiện tất sẽ được an vui, hạnh phúc. Để chuyển từ tính ác sang tính thiện hầu thoát khỏi khổ đau tất cả  đều do ở nơi huân tập Lời Chúa vào trong tâm tưởng minh. Lời Chúa ví như những chủng tử thiện lành, còn Tâm ví như thửa ruộng. Chủng tử thiện lành một khi đã được gieo vào trong Tâm thì dù cho có thức hay ngủ thì nó  vẫn  cứ  trổ sinh bông  trái để cho ta hưởng dùng.

          Hoa trái  mỗi người chúng ta có thể gặt được trong đời này và trong đời sau vô cùng chính là được về bên Chúa trong Nhà Cha: “ Lòng các ngươi chớ bối rối, đã tin Thiên Chúa cũng  hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ. Bằng chẳng vậy, Ta đã nói với các ngươi rồi, Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ . Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” ( Ga 14, 1 -3 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts