ĐƯA  ĐẠO  VÀO  ĐỜI

          Một đề tài quan trọng được đưa ra sau CĐ Vatican II đó là vấn đề Truyền Giáo và Tân Phúc Âm Hóa ( Missio et Nova Evangelizatio ). Để biết được giữa việc Truyền Giáo và Tân Phúc Âm Hóa có quan hệ gì với nhau và quan hệ đó như thế nào, chúng ta cũng cần biết đến quan điểm truyền giáo của giáo hội hiện nay:

          “ Được Thiên Chúa sai đến với muôn dân để nên “ Bí Tích Cứu Độ Phổ Quát” đồng thời vì những đòi hỏi căn bản của đặc tính Công giáo và vì mệnh lệnh của Đấng  Sáng Lập. Giáo hội dành mọi nỗ lực để loan báo Tin mừng  cho tất cả mọi người. Thật vậy chính các Tông đồ, nền móng của giáo hội đã theo chân Chúa ki Tô, rao giảng lời chân lý và khai sinh các giáo đoàn. Những người kế vị các Tông Đồ  có nhiệm vụ tiếp nối công trình này  để “ Lời Chúa được lan rộng  và tỏa sáng ( 2Ts 3, 1 ) để Nước Chúa được công bố và thiết lập khắp thế gian” ( Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của giáo hội ).

          Với Sắc lệnh này cho thấy có hai điểm cần lưu ý: Một là giáo hội được định nghĩa như là Bí Tích Cứu Độ Phổ Quát và hai là để Nước Chúa được công bố và thiết lập khắp thế gian. Trước hết, giáo hội không phải là Bí Tích Cứu Độ Phổ Quát  nhưng là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô và cũng chỉ trong Thân Mầu Nhiệm đó Chúa Giê Su mới đưa ra lời hứa: “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ).

          Tiếp đến cũng chính trong Thân Mầu Nhiệm ấy, chúng ta mới hiểu được lệnh truyền của Chúa Ki Tô Phục Sinh: “ Hãy ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu. Còn ai không tin sẽ bị luận phạt” ( Mc 16, 15 -16 ).

          Bởi cho giáo hội là…Bí Tích Cứu Độ Phổ Quát thế nên thần học cho rằng Nước Chúa cần được công bố và thiết lập khắp thế gian. Ngược lại chỉ trong giáo hội hiểu như Thân Mầu Nhiệm  chúng ta mới hiểu tại sao Tin Mừng của Đức Ki Tô lại cần phải tin, còn nếu không tin sẽ bị luận phạt ?

          Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng và buộc phải tin: “ Thời đã mãn, Nước Trời đã gần đến. Các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ). Nguyên nhân khiến người ta không có lòng tin nơi Tin Mừng nên mới làm cái việc…Tục Hóa Nước Trời. Đang khi đó mục đích của Đức Ki Tô khi rao giảng Tin Mừng là để…Đưa Đạo Vào Đời.

          Thật vậy, Tin Mừng của Đức Ki Tô chính là về Nước Trời mầu nhiệm nội tại: “ Người Pharisi hỏi Chúa Giê Su: Nước Trời chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước Trời không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng không thể nói: Đây này hay đó kia vì này Nước Trời ở trong các  ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

          Không thể nói: Đây này hay đó kia bởi vì Nước Trời chính là thực tại Tâm, siêu việt cả không gian lẫn thời gian. Thực Tại Tâm ấy có khi Chúa Giê Su gọi là Đấng Cha và Đấng Cha ấy cũng  là…Đạo: “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây” ( Rm 10, 8 )

          Theo bản của nhà văn Phan Khôi dịch là …Đạo và như thế  cùng với minh triết Đông Phương là một: “ Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi Đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi Đạo” ( Đạo không xa cái bản tính của người. Nếu theo Đạo để cho xa cái bản tính của người thì đó không phải là Đạo  – T.T.Kim – Nho Giáo Q. Thượng ).

          Nếu hiểu “Đạo” là bản tính con người và bản tính ấy cũng là Đấng Cha do Đức Ki Tô mạc khải: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha”  thì đó cùng  là một thực thể với Nước Trời mầu nhiệm không khác.

          Việc đưa Đạo vào Đời của Đức Ki Tô là để thực thi Thánh Ý Chúa Cha: “ Ta  chẳng phải tự mình đến nhưng Đấng đã sai Ta là thật. Đấng ấy các ngươi không biết. Còn Ta thì biết Ngài vì Ta từ Ngài mà ra và Ngài đã sai Ta đến” ( Ga 7, 28 -29 ).

          Chúa Giê Su nói: “ Ta từ Ngài mà đến và Ngài đã sai Ta đến” có nghĩa Ngài từ nơi Bản Thể mà đến. Mỗi người trong chúng ta cũng cùng một Bản Thể với Chúa Giê Su  bởi đã được tạo dựng là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ).

          Tuy có cùng Bản Thể với Chúa Giê Su nhưng phàm nhân chúng ta không một ai nhận ra chân lý cao cả ấy: “ Các ngươi chẳng từng biết Ngài nhưng Ta biết Ngài. Nếu Ta nói rằng Ta không biết Ngài thì Ta cũng sẽ nói dối như các ngươi vậy. Song Ta biết Ngài  cũng giữ đạo Ngài. Cha các ngươi là Apraham  đã hớn hở thấy ngày của Ta, người thấy rồi thì vui mừng” ( Ga 8, 55 -56 ).

          Khi nghe Chúa Giê Su nói vậy thì người Do Thái tỏ ra khó chịu và chất vấn: Thầy chưa đầy năm mươi tuổi mà đã thấy Apraham sao ? Chúa đáp: Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, trước khi có Apraham Ta vẫn hằng hữu. Chúng bèn lấy đá để ném Ngài nhưng Chúa Giê Su ẩn mình rồi ra khỏi đền thờ” ( Ga 8, 57 -59 ).

          Người Do Thái không thể chấp nhận Chúa Giê Su khi Ngài nói: Trước khi chưa có Apraham thì đã có ta bởi vì họ chỉ căn cứ theo thời gian chiều dọc. Đang khi đó với Chúa Giê Su, bởi vì đã…thấy Cha tức Kiến Tánh  thế nên Ngài đã có trước Apraham là đúng.

          Việc Đức Ki Tô mạc khải về Đấng Cha  chẳng những gặp nhiều khó khăn và điều  người Do Thái không thể chấp nhận vì cho rằng Ngài đã…lộng ngôn phạm thượng: “ Người Do Thái lại lấy đá để ném Ngài. Chúa Giê Su nói: Ta do Cha Ta mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi, vậy vì việc nào trong đó các ngươi lại ném đá Ta ? người Do Thái đáp: Ấy chẳng phải vì một việc lành nào mà chúng ta ném đá ngươi nhưng vì lộng ngôn và vì ngươi vốn là người  lại dám tự tôn là Thiên Chúa. Chúa Giê Su đáp lại: Trong Luật Pháp ( Sách Moise ) của các ngươi  há chẳng chép rằng: Ta đã nói các ngươi là Con Đấng Chí Cao ? Nếu Chúa gọi những kẻ được nghe Đạo là thần ( Mà KT không thể bãi bỏ được ) thì Ta đây là Đấng Cha đã biệt ra Thánh và sai xuống thế gian  nói rằng Ta là Con Thiên Chúa, cớ sao các ngươi lại  cáo Ta là lộng ngôn ?” ( Ga 10, 31 -36 ).

          Đối với Chúa Giê Su, Đấng đã làm nhiều phép lạ cả thể: Cho người mù được sáng, người què đi được, kẻ chết sống lại v.v…Ấy vậy chỉ vì tự nhận mình là Con Thiên Chúa mà đã bị lên án và rồi giết đi: “ Ai nấy đều hỏi rằng: vậy ngươi là Con Thiên Chúa sao ? Ngài đáp: Như các ngươi nói, phải Ta đây ! Họ bèn nhao nhao nói rằng: Chúng ta còn cần chứng cớ gì nữa ? Vì chính chúng ta đã nghe từ miệng ngươi rồi” ( Lc 22, 70 -71 ).

          Đức Ki Tô mạc khải về Cha. Điều ấy có nghĩa hết thảy chúng ta đều là Con Thiên Chúa như Ngài. Duy chỉ khác một điều là có nhận ra chân lý ấy hay không ? Nhận biết Thiên Chúa là Đấng Cha của mình đó là toàn bộ việc sống đạo của người Công giáo, mặc dù hoàn cảnh của giáo hội hôm nay có thể nói…thật là bi đát. Sự bi đát ấy có nguyên do là đã không còn tin vào Mạc Khải của Đức Ki Tô để rồi chạy theo những tà thuyết giả dối: “ Nhưng tôi ngại rằng tâm tư của anh em bị bại hoại, mất sự đơn thuần thanh khiết  đối với Đức Ki Tô  cũng như xưa kia con rắn đã dùng quỷ kế  mà dụ hoặc Eva vậy. Vì nếu có người đến rao giảng cho anh em một Giê Su khác mà chúng tôi chẳng rao giảng hoặc anh em nhận một thần khí khác  với thần khí anh em đã nhận. Hoặc nhận một Tin Mừng khác mà anh em chẳng nhận thì anh em cũng ưng thuận” ( 2C 11, 3 -4 ).

          Cũng như con rắn xưa nơi Vườn Địa Đàng đã cám dỗ Eva phạm tội ăn trái cây phân biệt thiện, ác thì nay cũng vậy, người gọi là …có đạo  chúng ta hôm nay cũng phạm tội đó để đi theo… con đường tà mà không hề hay biết. Không biết đâu là chánh, đâu là tà thì cũng chẳng khác nào người mù  lạc lối trong rừng sâu mịt mùng !!!

          Tuy vậy, người mù mắt còn có khi chữa khỏi nhưng người mù con mắt tâm linh thì thật vô phương….Sau khi chữa cho người mù được sáng mắt và bị những người biệt phái bắt bẻ, Chúa Giê Su phán với họ: “ Ta vì sự xét đoán mà đến thế gian, hầu cho kẻ không thấy thì thấy được. Còn kẻ thấy lại hóa mù. Những người thuộc bọn Pharisi cùng ở với Ngài, nghe điều đó thì nói rằng: Chúng ta cũng mù chăng ? Chúa Giê Su đáp: Nếu các ngươi mù thì không có tội gì nhưng nay các ngươi thấy nên tội các ngươi vẫn còn đó” ( Ga 9, 39 -41 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts