ĐỨC GIÊ SU KITÔ ĐẤNG TRUNG GIAN DUY NHẤT

          Sống đời sống tôn giáo cũng giống như người đi trên đường, cần phải biết con đường ấy dẫn mình đến đâu, về đâu ? Điều ấy xem ra rất đỗi bình thường. Tuy nhiên trong thực tế thì không như vậy. Người ta theo một tôn giáo nào đó chỉ như một thứ…cha truyền con nối, xưa bày nay làm mà chẳng hề biết  đến mục đích tôn giáo mình theo là gì, có thể dẫn mình đến đâu, về đâu ?

          Mỗi tôn giáo đều có đấng sáng lập gọi là giáo chủ. Giáo chủ của Đạo Phật là Đức Thích Ca Mâu Ni. Của Hồi Giáo là Mohamet….Riêng với Ki Tô giáo, tuy không  được chính danh  có nghĩa chưa phải là một tôn giáo đúng nghĩa nhưng vẫn lấy Đức Ki Tô làm giáo chủ.

          Đức Ki Tô là giáo chủ và Ngài cũng muốn người ta hiểu về Ngài như thế nào. Có hiểu biết đúng thì mới có thể theo Ngài. Ngược lại thì không. “ Khi Chúa Giê Su đến trong địa hạt Sêsarê Phillip  bèn hỏi môn đệ rằng: Người ta nói Con  Người là ai ? Họ thưa rằng: Người thì nói là Gioan Baotixita, kẻ khác lại nói là Elia, kẻ khác  nói là Gieremi hay một tiên tri nào đó. Ngài phán tiếp: Còn về phần các ngươi, các ngươi nói Ta là ai ?” ( Mt 16, 13 -15 ).

          Hẳn nhiên  Chúa Giê Su không nhất trí  với  đánh giá của người đời thế nên Ngài mới chất vấn các môn đệ: Còn các ngươi thì nói Ta là ai ? Phê Rô mau mắn tuyên xưng: Ngài là Đấng Ki Tô  Con Thiên Chúa Hằng Sống. Ngài phán cùng người rằng: Si Mon con Giô Na,ngươi có phước đó vì chẳng phải thịt và huyết  bày tỏ điều ấy cho ngươi đâu bèn là Cha Ta ở trên trời vậy” ( Mt 16, 16 -17 ).

          Câu trả lời của Phê Rô đã được Chúa Giê Su khen ngợi cho đó là mạc khải của Đấng Cha. Qua đoạn Kinh Thánh này cho thấy điều gì nếu chẳng phải Chúa muốn được nhìn nhận là Đấng Ki Tô ?

          Lời tuyên xưng Đấng Ki Tô không chỉ diễn ra một lần ấy thôi mà cần  tiếp tục mãi  sau khi Chúa phục sinh về trời. “ Phao Lô muốn đi qua  miền A Chai thì anh em khích lệ người và viết thư cho các môn đệ tiếp đãi người. Khi tới rồi, người nhờ ân sủng mà giúp đỡ nhiều cho những  kẻ  đã tin và người kịch liệt thuyết phục người Do Thái cách công nhiên, lấy Kinh Thánh chỉ tỏ Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô” ( Cv 18, 27 -28 ).

          Người Do Thái rất mực tin vào Kinh Thánh và KT  đã nhiều lần tiên báo về sự xuất hiện của Đức Ki Tô: “ Vậy nên chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi. Này một Nữ Đồng Trinh sẽ chịu thai, sanh một con trai và đặt tên là Emmanuel” ( Is 7, 14 ).

          Đấng Emmanuel  Thiên Chúa Ở Cùng đó chính là Đức Giê Su Ki Tô. Ấy vậy mà người Do Thái lại không tin vì cứ đinh ninh Đấng Emmanuel đó phải là Đấng Messia đến giải thoát dân tộc họ ra khỏi ách nô lệ đế quốc La Mã để tái lập một quốc gia hùng cường  thống trị các quốc gia khác.

          Cũng vì sự cố chấp ấy, người Do Thái không thể tin Chúa Giê Su và họ vẫn tìm kiếm một Đấng Cứu Thế nào đó: “ Người Do Thái vây quanh Ngài mà hỏi rằng: Thầy để chúng tôi vơ vẩn đến chừng nào. Nếu Thầy là Đấng Ki Tô thì hãy nói tỏ tường  cho chúng tôi biết.  Chúa Giê Su đáp: Ta đã nói cho các ngươi mà các ngươi không tin. Những việc Ta nhân danh Cha Ta mà làm đều làm chứng cho Ta. Nhưng các ngươi không tin Ta vì các ngươi  chẳng thuộc về đoàn chiên của Ta” ( Ga 10, 24 -26 ).

          Để tin Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô thì phải thuộc về đoàn chiên của Ngài. Toàn thể  các Thánh đều hết lòng tin Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô bởi các ngài thuộc về đoàn chiên.  Còn như không thuộc đoàn chiên thì không  được sinh ra bởi Thiên Chúa: “ Hễ ai tin Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô thì sinh bởi Thiên Chúa” ( 1Ga 5, 1 ).

          Như vậy, tuyên xưng Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô là điều vô cùng quan hệ cho phần rỗi mỗi người. Cuộc khủng hoảng của Giáo Hội hiện nay tất cả nguyên nhân là bởi đã không tuyên nhận Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô để mà quay sang…suy diễn bằng một thứ thần học gọi là… Ki Tô Học.

          “ Đức Ki Tô: Đấng Cứu Độ Duy Nhất. Đây là  chủ đề trụ cột  của Ki Tô giáo. Toàn bộ Ki Tô Học quy chiếu về điểm này vì trong tiến trình lịch sử, việc suy tư về Đức Ki Tô đã phát sinh từ  từ niềm tin vững chắc ấy. Để diễn đạt giáo lý này, thần học quy áp cho Đức Giê Su  một số thuộc từ như Đấng Cứu Độ Tuyệt Đối, Phổ Quát, Duy Nhất…ý nghĩa là trong lịch sử không bao giờ đã có , sẽ có hoặc có thể có được một Đấng Cứu Độ nào khác ngang bằng với Ngài” ( Nguồn: Khảo Luận TRường Thiên về Đức Ki Tô – Tác giả: Lm F Gomez Ngô Minh S.J ).

          Nguyên nhân đưa đến suy diễn  Chúa Giê Su là Đấng Cứu Độ Duy Nhất  là do thần học  đã cho Ngài là Đấng Tạo Hóa: “ Tân Ước quy áp cho Đức Ki Tô một vai trò  độc đáo trong công cuộc sáng tạo: Trong Ngài, muôn vật được tạo thành  trên trời dưới đất…Tất cả được tạo dựng  nhờ Ngài và cho Ngài…Tất cả đều tồn tại trong Ngài ( Cl 1, 16 -17 )…

          …Khi nói “ muôn vật”  là muốn bao gồm cả Đức Phật lẫn Đức Krisnha nếu hai vị này đã thực sự tồn tại. Vai trò Tạo Hóa này đi đôi với vai trò Cứu Độ: Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho  mọi loài  dưới đất và muôn vật trên trời ( Cl 1, 20 ). Mối liên hệ giữa con người và muôn vật khác phát sinh từ Đức Ki Tô Tạo Hóa và phục sinh. Các giáo phụ đã nhận thấy là vai trò tạo hóa và vai trò cứu độ đi đôi với nhau trong toàn tiến trình lịch sử loài người” ( Nguồn: Đã dẫn ).

          Cho Chúa Giê Su là Đấng Tạo Hóa phát xuất từ quan niệm Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người. Tuy nhiên quan niệm  ấy  đã bị chính thần học…khai tử bởi  nó quá ư phi lý: “ Thiên Chúa là Tạo Hóa, con người là tạo vật. Thiên Chúa làm người  có nghĩa Tạo Hóa trở nên tạo vật. Một chủ vị vừa là Tạo Hóa  vừa là tạo vật được dựng nên là điều không thể hiểu đối với lý trí con người” ( Đgm Phao Lô Bùi Văn Đọc và các lm khác – Đức Ki Tô hôm qua, hôm nay và mãi mãi ).

          Một khi Đức Ki Tô đã  không còn là Tạo Hóa nữa  thì vai trò của Ngài có thể là gì trong niềm tin tôn giáo ? Một lần nữa thần học lại…quy áp đưa ra một phương pháp suy diễn  khác đó là giảm thiểu tầm quan trọng của Đức Ki Tô để cho có thể thích ứng với việc …Hội Nhập: “ Sau CĐ Vatican II, thần học đã chú tâm  quá đáng đến Giáo Hội nên bị phê bình là “ Quy Giáo Hội” Sau đó Ki Tô Học đã trở thành tâm điểm của thần học và đó là  điều thích đáng. Thế nhưng vẫn  bị coi là “ Qui Ki Tô” và làm như thế là hẹp hòi bởi thần học cần phải đặt Thiên Chúa là trung tâm tức là “ Quy Thần” thì mới đúng…

          …Tuy nhiên vì Phật giáo không nói đến việc tôn thờ  một Thượng Đế  nên một số người ở Châu Á  đề nghị  một lối cấu trúc khác “ Quy Vương Quốc” lấy vương quốc làm trung tâm điểm. Cứ theo  đà ấy thì sẽ đi đến chỗ không  còn biết căn tính của Ki Tô Giáo là gì ? ( Nguồn đã dẫn ).

          Cái gọi là…Quy Vương Quốc ấy chẳng qua  chỉ để xiển dương một thứ Nước Trời…Tục Hóa: “ Vậy Nước Thiên Chúa mà Đức Ki Tô rao giảng  không phải là một  thực thể ở trên trời nhưng là một tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo không còn nghèo. Người bị áp bức không còn bị áp bức. Nó được biểu thị bằng một ngôi nhà hay một đô thị có tường thành bao quanh” ( Đgm Bùi Văn Đọc – Đức Ki Tô hôm qua, hôm nay và mãi mãi ).

          Từ chỗ …Quy Ki Tô, Quy GH, Quy Thần  cho đến Quy Vương Quốc  thần học đã đi đến chỗ không còn biết đến căn tính của Ki Tô Giáo là gì !!!

          Thật ra Ki Tô giáo có…căn tính đâu để mà mất ? Cái căn tính ấy chỉ có ở nơi  Giáo Hội Công Giáo, Thánh Thiện, Duy Nhất và Tông Truyền mà thôi. Căn tính đây chính là Ơn Gọi của người Công Giáo: “ Chỉ có một Thân Thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình  mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin một phép rửa một ĐCT là Cha của mọi người. Suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 -6 ).

          Thân ở đây là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô cũng là Giáo Hội Tông Truyền. Cần…ở trong GH  bằng việc tuyên nhận Đức Ki Tô là Cứu Chúa thì mới có thể vào Nước Thiên Đàng đời đời. Nước Thiên Đàng là thực tại vĩnh hằng cũng gọi là Nước Trời là Nhà Cha, Chốn Nghỉ Ngơi đời đời, Lạc Viên ….Tất cả những danh xưng ấy đều ám chỉ  cho một Thực Tại…nội tại duy nhất mà Chúa Giê Su gọi là Đấng Cha của mình cũng là của hết thảy mọi người:  Chúa Ki Tô Phục Sinh nói với bà Madalena: “ Ta lên cùng Cha Ta cũng là Cha các ngươi. Cùng ĐCT Ta cũng là ĐCT các ngươi” ( Ga 20, 17 ).

Chính Đấng Cha…nội tại ấy mới là cứu cánh sống đạo của con người chứ không phải Đức Ki Tô. Tuy nhiên  để đạt tới cứu cánh ấy  thì nhất định cần qua trung gian là Đức Ki Tô:“ Vì chỉ có một ĐCT và cũng chỉ có một Đấng Trung Gian  giữa ĐCT và loài người là Đức Giê Su Ki Tô cũng là người. Đấng ấy đã phó chính mình làm giá cứu chuộc mọi người” ( 1Tm 2, 5 -6 ).

Đức Ki Tô là Đấng Trung Gian cũng là Đấng Thiên Sai từ trời xuống để thi hành sứ mạng được Chúa Cha giao phó: “  Khi các ngươi treo Con Người  lên. Bấy giờ sẽ biết  Ta là Đấng Hằng Hữu. Chẳng tự mình  làm điều gì nhưng Ta nói những điều này theo như Cha đã dạy. Đấng đã sai Ta vẫn ở cùng Ta, chẳng để Ta một mình vì Ta hằng làm điều đẹp lòng Người. Khi Ngài nói những lời ấy thì có nhiều kẻ tin Ngài” ( Ga 8, 28 -30 ).

          Đức Ki Tô là Đấng được Cha sai đến để thi hành một sứ mạng và sứ mạng đó chính là rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Chúa nói với dân thành Caphanaum  khi họ muốn giữ  Ngài lại: “ Ta còn phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác vì cốt tại việc đó mà Ta được saai đến” ( Lc 4, 43 ).

          Sứ mạng của Đức Ki Tô khi được sai đến thế gian là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Điều này không thể xảy ra trong …Ki Tô Học. Hay nói cách khác với quan niệm Đức Ki Tô  là Đấng Tạo Hóa  thì làm gì có việc Ngài được…sai đến ? Mặt khác chính cái việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời đó cúng ta mới có thể nói Ngài là Đấng Trung Gian Duy Nhất.  Tại sao ? Bởi vì  Nước  Trời Đức Ki Tô rao giảng  là Nước Trời mầu nhiệm nội tại: “ Người Pharisi hỏi Nước TC chừng nào đến  thì Ngài đáp: Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. người ta cũng sẽ không nói được: Đây này hay đó kia. Vì này Nước ĐCT ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

          Không thể nói: Đây này hay đó kia bởi vì đó là một Thực Tại Tâm siêu việt cả không gian lẫn thời gian. Đức Ki Tô rao giảng một thứ Nước Trời…nội tại như thế là điều chưa từng  có dù chỉ  trong quan niệm của các triết gia đương thời.

          Sở dĩ Đức Ki Tô có thể đóng vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và loài người  bởi Ngài là Đấng đã thấy biết về Cha, còn phàm nhân chúng ta thì không: “ Các ngươi chẳng từng thấy biết Ngài nhưng Ta biết Ngài. Nếu Ta nói rằng Ta không biết Ngài  thì Ta cũng sẽ nói dối như các ngươi vậy. Song Ta biết Ngài cũng giữ đạo Ngài” ( Ga 8, 55 ).

          Đức Ki Tô nói Ngài thấy biết về Cha và chúng ta cũng có thể có được điều ấy  nếu có lòng yêu mến và  tuân giữ các giới răn của Ngài: “ Còn ít lâu  thế gian  sẽ chẳng thấy Ta nhưng các ngươi thì thấy Ta vì Ta sống thì  các ngươi cũng sẽ sống. Ngày đó các ngươi sẽ biết Ta ở trong Cha, các ngươi ở trong Ta và Ta ở trong các ngươi. Ai có các điều răn của Ta và giữ lấy ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại. Ta cũng thương yêu người và tỏ chính mình Ta cho người” ( Ga 14, 19 -21 ).

          Điều kiện để được có Chúa…ở trong ta và ta…ở trong Chúa thì cần yêu thương và hết lòng tuân giữ các giới răn,  đó chính là việc chúng ta trung thành với Chúa Đấng Trung Gian Duy Nhất.

          Trong công cuộc Hội Nhập mà Giáo Hội đang chủ trương và cổ xúy.  Người Công Giáo chúng ta không những  có thể mà còn  cần tích cực học hỏi, nghiên cứu các nền văn hóa Đông,Tây các tôn giáo khác  hầu minh định con đường theo Chúa. Thế nhưng để cho việc học hỏi, nghiên cứu, tu tập ấy  sinh nhiều ơn ích. Chúng ta  cần tích cực tuân giữ các giới răn của Chúa cũng như tôn sùng Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội cách đặc biệt bởi nếu không có Ngài không một ai có thể bước đi trên con đường theo Chúa Ki Tô về với Cha “ Thầy là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 )

Phùng Văn Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts